Thursday, November 10, 2011

CÓ NGƯỜI MẸ 26 NĂM NGÓNG TIN CON (Ngọc Lan/Người Việt)


Ngọc Lan/Người Việt
Wednesday, November 09, 2011 7:47:50 PM

WESTMINSTER (NV) -“Tui muốn tìm con tui. Tui không có tin tức gì của con tui 26 năm nay rồi. Tui chỉ biết nó ở Mỹ. Giờ tui đã sang Mỹ, đang ở Seattle, tui bệnh nhiều lắm. Tui chỉ muốn trước khi chết tui biết được tin con mình. Báo Người Việt có thể nào giúp giùm tui được không?”

Bà Vũ Thị Thu: “Tui muốn tìm con tui. Tui không có tin tức gì của con tui 26 năm nay rồi. Tui chỉ biết nó ở Mỹ.” (Hình: Thu Vũ cung cấp)

Giọng người phụ nữ luống tuổi để lại lời nhắn trong điện thoại tòa soạn, nghe rất não nùng. Bà muốn tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng sự xúc động khiến bà quên mất chuyện để lại bất cứ thông tin gì cho để liên lạc, ngay cả tên bà.
Tôi lắng nghe và ghi lại số điện thoại của người gọi đến từ phía tổng đài.
Tôi gọi cho bà, người mẹ đang tuyệt vọng trong hành trình tìm con, khi vạn vật đã chìm sâu trong bóng tối. Và đâu đó, tiếng trẻ con đập cửa gọi “Treat or trick” trong ngày Halloween bắt đầu vang lên.

***

Bà tên là Vũ Thị Thu, gần 64 tuổi, đang mong chờ tin của người con trai có tên gọi Nguyễn Ðình Phương, sinh năm 1971.

Chờ cho những xúc động của người mẹ vơi đi, sau lời khẩn cầu dồn dập, “Làm ơn kiếm giùm con tui được không cô,” câu chuyện lần hồi được mở lại.
“Con tui được ông nội nó cho đi vượt biên năm 1987, nhưng vì hoàn cảnh tui nghèo quá cho nên ông nội không cho tui liên lạc với nó. Bây giờ tui đã qua được tới Mỹ rồi, tui lại bị ung thư, tiểu đường nữa. Nên tui muốn kiếm con tui trước khi tui chết.” Người mẹ cố giữ bình tĩnh, kể bằng giọng chầm chậm.
Theo lời bà Thu, Nguyễn Ðình Phương là đứa con thứ tư của bà, nhưng lại là đứa con đầu của bà và ông Nguyễn Ðình Phúc, con trai của “tiệm Ðức Thịnh sản xuất dây thun trên đường Gia Long hồi trước 1975.” Khi Phương vừa biết bò, và bà Thu có bầu đứa tiếp theo được 5 tháng, “chồng tui đi theo vợ bé.” Chính vì vậy, “bà nội lấy lại căn nhà mà vợ chồng tui mua chưa trả hết, đẩy hết mấy mẹ con tui ra đường khi tui mới sanh em thằng Phương được 12 ngày.”
Hai anh em Phương sống cùng mẹ, và những chị em cùng mẹ khác cha trong ngôi nhà lá ở “chợ Ga, phường 9, quận Phú Nhuận.”
Năm 1987, Phương được ông nội cho đi vượt biên “vì ông nội nói thằng Phương là lớn, nên cho nó đi, rồi sau này bảo lãnh em nó.”
“Khi nó đi rồi, tui ra hỏi thăm tin tức thì được biết khi ra khỏi hải phận, tàu vô nước, tấp vô Thái Lan. Rồi bà nội nó từ Mỹ bảo lãnh nó sang Mỹ.” Tất cả tin tức bà Thu biết về con trai mình “từ buổi tối dẫn nó đến nhà ông nội để người ta đưa nó đi,” cho đến ngày hôm nay chỉ vỏn vẹn như thế.
“Vậy có nghĩa là sao?” Tôi hỏi.
Giọng người mẹ nghẹn ứ, “Lúc đó gia đình tui nghèo quá, nên mỗi lần tui ra hỏi thăm tin tức con tui thì gia đình chồng làm khó dễ. Họ nghĩ tui kiếm tin con để xin tiền xin bạc nên ngăn chặn không cho tui liên lạc gì với con tui hết.”
“Bây giờ ông bà nội đã chết hết rồi. Tui cũng đã sang đến đây từ năm 2006, nhưng vẫn chưa tìm được tin tức con tui,” bà lại khóc.
“Con trai bác đi vượt biên khi đã 16 tuổi, sao lại không biết cách liên lạc về nhà?” Tôi thắc mắc.
“Con tui nó khờ lắm cô ơi. Nhà tui nghèo, nó chỉ được đi học ở những ‘lớp học tình thương’ thôi. Gia đình nội nói làm sao nó nghe làm vậy. Chắc họ nói nếu quan hệ với tui thì gia đình từ bỏ nó nên nó sợ. Nó khờ lắm cô ơi!” Người mẹ lại sụt sùi, giọng nghẹn đặc.
Người mẹ kể, ngày bà đưa con sang nhà ông nội để tối đó người ta đưa Phương đi, bà “buồn lắm, nhưng nghĩ tới tương lai nó nên mình phải cho nó đi thôi.”
“Tui còn nhớ nó nói, tại vì nhà tui nhà lá cô à, mưa dột nát không có chỗ ngủ, nó nói con đi để kiếm tiền về cho mẹ cất nhà, để cho mấy em có chỗ ngủ,” tiếng bà nấc lên, “nhưng nó đi rồi, người ta ngăn cản không cho gặp nữa. Mỗi lần tui ra người ta nói để cho nó lo nó học, bây giờ nói vừa đi làm nó vừa đi học. Hổng có tiền đâu mà cho.”
Giọng người mẹ chan cùng nước mắt, uất nghẹn, rồi tức tưởi, “Mà tui đâu có cần tiền đâu cô! Tui chỉ cần biết tin tức con tui coi giờ nó sống ra làm sao, nó ở đâu thôi. Chứ tui đâu có cần tiền bạc gì của nó đâu, miễn cuộc đời nó sướng là được rồi.”
Tôi im lặng. Tiếng người mẹ rưng rức. Nghẹn ngào. Ðứt quãng.

***

Từ phía đầu dây bên kia, giọng người mẹ chân chất đến nao lòng nhẹ nhẹ, đều đều tiếp tục trả lời những thắc mắc, tò mò của tôi.
Nguyễn Ðình Phương có người chị gái cùng mẹ khác cha, lai Mỹ, tên Vũ Thị Thu Trang. Năm 1992, Trang sang Mỹ theo diện con lai, nhưng bà Thu không đi cùng vợ chồng người con gái “vì tôi muốn ở lại chờ tin tức thằng Phương.”
Ðến năm 2006, bà Thu mới sang Mỹ, nhưng “cuộc đời tôi sao mà khắc nghiệt quá cô à.” Như lời bà nói, vừa sang Mỹ tháng trước, tháng sau bà phát hiện bị “ung thư tử cung giai đoạn 3, chỉ còn chờ chết.” Tuy nhiên, sau khi mổ, bà lại hồi phục.
Người mẹ bắt đầu nhờ chương trình phát thanh tiếng Việt ở Seattle tìm kiếm Nguyễn Ðình Phương, nhưng “tìm không có.”
Ðứa con trai này chưa tìm được, năm 2009, trong vòng một tháng, hai người con trai khác của bà Thu qua đời tại Việt Nam. Một người là em ruột của Phương, tên Nguyễn Ðình Phát, một người là em cùng mẹ khác cha với Phương, tên Ngô Vũ Hoàng.

Nguyễn Ðình Phương (trái), chụp hình cùng “chú Cử” trước ngày đi vượt biên, năm 1987. (Hình: Thu Vũ cung cấp)

“Tôi bị ‘sốc’ nặng, đổ bệnh phải đi bác sĩ tùm lum cô à.” Dường như nước mắt người mẹ này chưa kịp khô đã lại tiếp tục đổ trong suốt cuộc đời bà, như lúc bấy giờ, trong suốt cuộc trò chuyện giữa bà và tôi.
Cũng trong lần về Việt Nam khi nghe tin hai đứa con trai lần lượt qua đời, bà Thu có “ghé đến nhà ông bà nội thằng Phương. Người nhà họ cũng không tiếp tôi. Chỉ có chị người làm nói cho tôi biết là nghe nói thằng Phương ở Cali thôi.”
Giọng sụt sùi, bà Thu cho biết vừa trải qua một cuộc “mổ xương sống vì không đi được.” “Khi tôi đi bác sĩ chữa bệnh, gặp mấy người Việt Nam, nghe hoàn cảnh của tui, họ nói tui nên nhờ báo Người Việt, vì hồi đó có bà Hải nào đó từ Việt Nam sang đây tìm con mà báo Người Việt còn giúp tìm ra được.” Người mẹ này nuôi hy vọng từ đó.
“Con tui khờ lắm cô ơi. Tui cũng sợ con tui cũng giống như con bà Hải khùng điên gì hỏng biết nữa. Nhưng giờ tui chỉ muốn kiếm nó. Kiếm nó không phải để nương tựa nó. Tui giờ cũng sống với con gái tui đây, tui ăn đâu có bao nhiêu đâu, tui đâu có cần cái gì đâu. Tui chỉ muốn trước khi tui chết, tui kiếm được con tui thôi, để coi nó mạnh lành như thế nào, hay coi nó có bệnh hoạn, khùng điên gì không.” Người mẹ vừa khóc, vừa nói như không dứt nỗi lòng trăn trở của mình, suốt 26 năm qua.

Quý độc già nào biết tin tức của Nguyễn Ðình Phương, sinh năm 1971, đi vượt biên năm 1987, mẹ là Vũ Thị Thu, cha là Nguyễn Ðình Phúc, có chị là Vũ Thị Thu Trang, em trai Nguyễn Ðình Phát, Ngô Vũ Hoàng, và Ngô Trung Chánh, vui lòng liên lạc với phóng viên Ngọc Lan qua email: NgocLan@nguoi-viet.comhoặc điện thoại: 714-892-9414, ext.126.
.
.
.

No comments: