Sunday, November 20, 2011

CHUYỆN CHƯA BIẾT NHIỀU về DỰ ÁN BAUXITE TÂY NGUYÊN [BÀI 3] - Lê Trung Thành



Lê Trung Thành
[21/11/2011]

Đường mới không ghi trong quy hoạch. Xây dựng cảng trong vùng biển nguy hiểm

N
hư bài 2 đã dẫn, thời gian này TKV đang rối bời chuyện tiền nong đập vào “tiểu dự án” đường vận chuyển tạm mấy năm trong lúc chờ thi công tuyến đường ngắn nhất từ cửa Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Tân Rai xuống tới cảng Kê Gà tỉnh Bình Thuận. Đây mới là giải pháp có tính quy mô nhằm phục vụ khai thác Bauxite và chế biến alumin, nhôm… kéo dài nhiều năm trong lúc chờ đợi xây dựng dự án mạng đường sắt Tây Nguyên. Theo tính toán của TKV, phần hai, phần ba ấy khẳng định sự phát triển “vĩ đại” ngành công nghiệp khai thác Bauxite ở Việt Nam trong tương lai, sánh ngang với các cường quốc như Braxin, Úc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc…

Theo TKV, nếu phải gánh chi phí nâng cấp, cải tạo các tuyến đường thì dự án bauxite sẽ không còn hiệu quả kinh tế. Trong ảnh là Quốc lộ 20, nơi các đoàn xe chở bauxite sẽ đi qua. Ảnh: HTD

Mở đầu cho phần hai của đại dự án (tiếc thay, nó không được ghi trong quyết định phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác Bauxite của Thủ tướng!), là xây dựng 1 mạng đường bộ từ cửa nhà máy Alumin Nhân Cơ về nhà máy Tân Rai rồi chạy một mạch tới cảng nước sâu hiện đại, bề thế sát cạnh ngọn hải đăng Kê Gà sẽ được xây dựng đồng thời với tuyến đường.

Theo sơ đồ tuyến do TKV và Bộ GTVT lựa chọn, xe từ Nhân Cơ chạy ra quốc lộ 14 khoảng 16km lên thị xã Gia Nghĩa rồi rẽ vào QL28 đến Quảng Khê, đoạn này dài 24km. Một phần của đoạn này do Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đầu tư nâng cấp. Từ thị trấn Quảng Khê sẽ “đi nhờ” đường công vụ của công trình thủy điện Đồng Nai 4 dài 36km qua nhiều đèo dốc để tới ngã ba Lộc Bắc giáp giới tỉnh Lâm Đồng. Từ đây, xe đi thêm 30km thuộc tỉnh lộ 725 rồi bắt đầu đi chung đường với dòng xe từ Nhà máy Alumin Tân Rai ra QL55 trên đất Lâm Đồng dài 24km tới Lộc Nam sát với hồ thủy điện Đa Mi thì vào đất Bình Thuận. Đi thêm 30km trên QL55(km 205 – km175) rẽ vào đường tỉnh 714 chừng 5km qua trung tâm xã La Dạ. Đoạn này trải sỏi đỏ, hư hỏng nặng, mặt rộng 6m nên gần như phải làm mới. Tiếp đó, phải đầu tư xây dựng đoạn đường mới từ La Dạ tới Mỹ Thạnh dài 23km. Đoạn này vượt qua nhiều dãy núi cao, để nhập vào đường Mỹ Thạnh – Bà Bầu dài 21km cũng đang trong tình trạng xấu nát, nhiều khúc còn là đường đất, chiều rộng 6-7 m nên cũng gần như phải làm mới cho đạt yêu cầu xe tải nặng có thể lưu thông. Tiếp đó, đoạn từ Bà Bầu nối vào km 1728 của quốc lộ 1A cũng phải xây dựng mới hoàn toàn, dài chừng 12km và sau khi vượt qua QL1A, lại làm mới thêm 23km nữa mới xuống đến cảng Kê Gà.

Nếu tính chi phí cải tạo, nâng cấp một số đoạn đã và đang khai thác khoảng 110km và đầu tư xây dựng xây dựng mới 60km, TKV sẽ phải đầu tư hơn 200 triệu USD chưa kể đoạn đường tránh phía Tây thành phố Bảo Lộc sẽ đầu tư mới theo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại văn bản số 1842 TTg – KTN ngày 12 – 10 – 2010. Dự án này ước tính xấp xỉ 1000 tỷ đồng. Như vậy, để có một tuyến đường – từ nhà máy Nhân Cơ xuống Kê Gà (gần 250km) và từ Tân Rai xuống, 170km, TKV chuẩn bị số vốn 250 – 260 triệu USD. Trong hoàn cảnh vay mượn khó khăn, đó là bài toán nan giải nhưng chưa bằng việc TKV phải cùng lúc tiến hành triển khai dự án xây dựng cảng nước sâu Kê Gà!

Chẳng biết “ma” nào đưa lối, “quỷ” nào đưa đường mà từ lúc khởi thảo bản quy hoạch khai thác và chế biến bauxite Tây Nguyên, TKV “tham mưu” cho Chính phủ quyết định “xây dựng cảng chuyên dụng tại khu vực biển Bình Thuận (Bắc Hòn Gió hoặc Hòn Kê Gà) phục vụ cho việc phát triển công nghiệp nhôm khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Cảng có quy mô cho tàu 30.000 – 50.000 tấn. Công suất cảng giai đoạn I (đến năm 2015) khoảng 10 – 15 triệu tấn/năm; giai đoạn II (đến năm 2025) khoảng 25 – 30 triệu tấn/năm”.

Và, TKV đã chính thức chọn địa điểm xây dựng cảng tại Kê Gà, thuộc xã Tân Thành, Huyện Hàm Thuận Nam với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 3.040 tỷ đồng, thời giá 2007, tương đương 200 triệu USD. Giai đoạn 2 là 6.060 tỷ, tương đương 400 triệu USD. Tổng cộng khoảng 600 triệu USD.

Ngay từ những lúc có thông tin TKV sẽ xây dựng cảng tại mũi Kê Gà (còn có tên mũi Điện), nhiều nhà khoa học, kinh tế biển đã lên tiếng cảnh báo. Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng – Phó chủ tịch Hội Kinh tế biển TPHCM đã viết: “Cả đời làm trong ngành hàng hải, chưa thấy tàu nào dám đến neo ở mũi Kê Gà vì ở đây dòng chảy Bắc – Nammạnh nhất ở bờ biển miền Trung Việt Nam”. Từ năm 1985 Phòng đảm bảo hàng hải của Bộ tư lệnh Hải quân đã chỉ rõ: “Riêng vùng ven bờ Thuận Hải đến Vũng Tàu, cần chú ý đến dòng biển có vận tốc khá lớn (có khi tới 31,0 hải lý/giờ) trong một dải khá hẹp ép sát bở biển Kê Gà”.

Cảnh báo thì cứ cảnh báo còn TKV đã chọn xây cảng ở đây thì TKV… cứ “bỏ ngoài tai” để triển khai dự án, chuẩn bị cho phương án những năm đầu vùng Đắc Nông, Lâm Đồng sản xuất, chế biến được 3,5 – 4 triệu tấn alumin và sẽ đưa lên 10 – 15 triệu tấn/năm vào thời kỳ 2015 – 2016 rồi lên 30 triệu tấn sau 10 năm tiếp theo.

Một viễn cảnh huy hoàng dựng lên trước mắt những ông chủ đầu tư khiến thiết kế thay đi, đổi lại mấy lần để ước tính chi phí ban đầu ngót ngét 600 triệu USD, bây giờ tăng lên gấp đôi. Muốn có cảng nước sâu “cưỡng bức” giống như khi người ta xây dựng cảng Dung Quất ngoài Quảng Ngãi, TKV buộc phải đầu tư thỏa đáng cho hạng mục công trình đê chắn sóng dài 3km với dự toán gần 200 triệu USD. Nếu cộng thêm chi phí xây dựng cầu cảng, hệ thống hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng… TKV phải chuẩn bị cho giai đoạn 1 ở mức khiêm tốn là 400 – 500 triệu USD. Số tiền ấy là quá lớn đối với TKV thời điểm này. Theo ông Dương Văn Hòa – Phó Tổng giám đốc và gần như là người phát ngôn chính thức của TKV –vốn sẽ được thu xếp bằng hình thức phát hành trái phiếu và vay thương mại trong nước, ngoài nước.

Trên lý thuyết là như vậy nhưng thực tế chưa có tiền, chưa đền bù cho 12 dự án du lịch, dịch vụ dọc bờ biển Tân Thành, với số tiền trên dưới 500 tỷ đồng nên TKV liên tiếp thông báo hoãn thời gian khởi công kéo dài từ năm 2010 đến nay. Chậm đền bù gây lãng phí lớn công sức, tiền của mà các nhà đầu tư vào hoạt động du lịch đã gây dựng từ đầu những năm 2000. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng xây dựng xong phải để hoang hóa, nhiều liên doanh đã góp vốn, đã xây dựng nền móng, phần thô… phải ngưng lại từ khi có thông báo của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bình Thuận 8 – 2008.

Theo quy hoạch, cảng Kê Gà chiếm dụng 70 ha đất và 296 ha mặt biển. Quá trình xây dựng và khai thác cảng chắc chắn sẽ có những tác động xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên và đê chắn sóng ảnh hưởng đến dòng hải lưu chảy ngang qua. Bờ biển Hàm Thuận Nam nối thông với bờ Phan Thiết và Vũng Tàu thu hút nhiều khách du lịch tới nghỉ ngơi, tham quan ngọn hải đăng Kê Gà cao 35 mét được người Pháp xây dựng từ tháng 2 năm 1897 tới cuối năm 1898 hoàn thành. Dân làng Kê Gà sinh sống bằng nghề đánh cá và thêm nghề phụ đưa đón khách tham quan, du lịch biển… Dưới tầng đất xám của bờ biển có nguồn cát đen quý giá làm nguyên liệu tinh lọc titan, trữ lượng khá lớn. Nhiều công ty đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép khai thác và hầu hết sản phẩm được bán sang Trung Quốc. Nạn ô nhiễm nguồn đất từ các công trường tinh lọc cát đen đe dọa họat động du lịch, bụi phóng xạ đo được ở đây cao hơn nhiều lần mức cho phép. Khi cảng Kê Gà khởi động, khói bụi, tiếng ồn tăng lên là nỗi lo tiềm tàng thường trực, tác động xấu đến kinh doanh du lịch vốn là thế mạnh của vùng ven biển Hàm ThuậnNam.

Cũng như Lâm Đồng, Đắc Nông dành nhiều ưu ái cho dự án khai thác Bauxite để mong trong tương lai, người dân sẽ được đổi đời, vùng đất Tây Nguyên được đầu tư xây dựng một nền công nghiệp hiện đại… tỉnh Bình Thuận cũng hết lòng chăm chút cho dự án xây cảng Kê Gà dù biết sẽ phải hy sinh lợi ích của ngành du lịch đồng thời “chịu trận” trước cơn thịnh nộ của hàng chục nhà đầu tư đổ tiền, đổ của vào bỗng bị ngưng đột ngột.

Đã từ lâu, Bình Thuận mơ có một cảng biển lớn nhưng thiên nhiên không chiều theo ý muốn nên cho tới bây giờ chỉ có mấy cảng cá nhỏ kết hợp cho tàu thuyền vài ba trăm tấn ra vào đã thấy khó khăn. Chính vì vậy, dù cảng Kê Gà đa phần phục vụ cho mục đích xuất khẩu alumin thì vẫn “có cửa” để bốc xếp các loại hàng hóa khác, như một cảng tổng hợp. Trên cơ sở đó, Bình Thụân lập phương án xây dựng một khu công nghiệp lớn, mang tên khu công nghịêp Kê Gà với diện tích 888 ha trải rộng ở 3 xã Thuận Quý, Tân Hải và Tân Thành và mới giao cho Công ty Rạng Đông làm chủ đầu tư. Xây dựng dự án này, Bình Thuận phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến rừng đặc dụng quốc gia và khai thác cát đen, muốn đốn chặt, muốn “loại” khỏi diện tích đất lâm nghịêp để làm khu công nghịêp phải được Quốc hội và Chính phủ thông qua. Loay hoay mấy năm họ vẫn chưa tìm được phương án tối ưu nên dự án vẫn chưa được bổ sung vào danh mục các khu công nghiệp VN đến năm 2020, chưa được đưa vào danh sách các khu công nghịêp được sử dụng đất giai đọan 2010 – 2020. Mọi hy vọng đang đổ dồn vào khu công nghiệp Kê Gà bởi hiện nay toàn tỉnh Bình Thuận có 8 – 9 khu công nghịêp với tổng diện tích 4.284 ha nhưng đến hết tháng 9 năm 2011, mới thu hút được 34 dự án (trong đó có 6 dự án FDI) với số tiền đầu tư là 1466 tỷ đồng và hơn 32,7 triệu USD. Một con số quá nhỏ bé so với công sức đầu tư hạ tầng của nhiều nhà đầu tư. Ngay tại huyện Hàm Thụân Nam, KCN Hàm Kiệm 1 có diện tích 210 ha do Công ty địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư nhưng mới chỉ có… một doanh nghiệp tới thuê 2 ha, xây dựng nhà máy sản xuất nước mắm công nghiệp! Khu công nghịêp Hàm Kiệm 2 do Công ty đầu tư Bita’s bỏ vốn đầu tư trên diện tích 430ha sau 3 năm, mới hoàn thành 1/3 hạ tầng nhưng cũng chưa thấy nhà đầu tư nào nhảy vào thuê đất.

Nêu lên vài ví dụ cụ thể để thấy được lãnh đạo tỉnh Bình Thuận gửi gắm niềm tin và chờ trông rất lớn ở dự án cảng Kê Gà. Có cảng nước sâu tàu lớn ra vào dễ dàng thì mới có cơ may thu hút các nhà doanh nghiệp từ năm châu bốn biển tới xây dựng nhà máy, đặc biệt là sản xuất chế biến nhôm và sản phẩm của nhôm, công nghệ cao.

Nhân dịp có cơ hội lớn lao này, Bình Thụân còn đệ trình Chính phủ cho xây dựng dự án sân bay Phan Thiết, cách cảng Kê Gà 25- 26km chưa biết hiệu quả kinh tế của dự án này hay dở đến đâu nhưng nếu có mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng không hoàn chỉnh, tương lai phát triển kinh tế – xã hội của Bình Thuận sẽ được “chắp cánh” bay cao!

Mọi kỳ vọng đặt vào TKV nhưng liệu bao giờ thì lễ khởi công xây dựng cảng Kê Gà được tổ chức vẫn còn là một ẩn số.

Khi cảng Kê Gà khởi động có nghĩa là tuyến đường bộ từ nhà máy Alumin Nhân Cơ, Tân Rai về cảng Kê Gà cũng phải triển khai thi công. Vốn đầu tư tối thiểu nhất cho 2 công trình quan trọng và cấp bách này không dưới 800 triệu USD.

Tìm nguồn ở đâu là câu hỏi hóc búa đang làm TKV đau đầu nhức óc?

L.T.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

-----------------------------------------

Lê Trung Thành   -    10/11/2011
Là một cộng tác viên tích cực của BVN, nhà báo và Kỹ sư Lê Trung Thành từng chịu khó lăn lộn trong thực tế để tìm tòi tư liệu và đưa ra loạt bài phát hiện về Vinashin giúp công luận cả nước nắm thêm nhiều chuyện khuất khúc không mấy ai biết trong vụ việc hết sức tai tiếng này, ngay trước khi Nhà nước có quyết định xử lý toàn diện với nó. Lần này, Bạn Lê Trung Thành lại đi thực tế ở Tây Nguyên cũng như tìm tòi nhiều tài liệu trong ngành khai khoáng để trình cho chúng ta một loạt bài mới về tình hình thực hiện Dự án khai thác Bauxite ở Tây Nguyên. Tác giả sẽ nói đến chuyện tiến độ xây dựng các nhà máy luyện nhôm theo kế hoạch, việc xây dựng hồ chứa bùn đỏ, và nhất là những vấn nạn về kinh phí và về địa hình trên chặng đường 200 km nhằm hoàn thành tuyến vận tải ô tô chở quặng alumina  [nhôm oxit] từ Đắc Nông, Tân Rai đến cảng Kê Gà. Mời bạn đọc xa gần đón đọc.
Bauxite Việt Nam   

Mịt mù tương lai con đường vận chuyển bauxite
Lê Trung Thành   -   14/11/2011

.
.
.

No comments: