Wednesday, November 16, 2011

ĐÂU CHỈ LÀ CHUYỆN CÁI DANH HÃO ! (Song Chi, Nguyễn Quang Lập)



Song Chi
Saturday, November 12, 2011 5:05:03 PM
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=139968&z=97

Cuối cùng thì vịnh Hạ Long cũng lọt vào danh sách 7 “ứng viên” kỳ quan thế giới mới theo công bố của ban tổ chức cuộc bầu chọn New7Wonders. Cùng với khu rừng rậm nhiệt đới Amazone (Mỹ), thác Iguazu (Brazil và Argentina), đảo núi lửa Jeju (Hàn Quốc), đảo Komodo (Indonesia), công viên quốc gia Sông ngầm Puerto Princesa (Philippines) và núi Bàn (Nam Phi).

Tuy nhiên, theo tổ chức NewOpenWorld, đây chỉ là danh sách tạm thời và sẽ còn thay đổi. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào đầu năm 2012.

Trừ báo chí nhà nước, thử lướt qua một số bài viết, ý kiến trên các diễn đàn độc lập, blog cá nhân, không mấy ai tỏ ra vui mừng trước kết quả này, thậm chí ngược lại.

“...Ngược với sự hồ hởi mừng vui ‘cả nước reo hò’- với tôi, chuyện Hạ Long ‘chiến thắng’ là một tin buồn. Buồn vì cuối cùng sự gian xảo lại chiến thắng, những phương cách phản văn hóa lại lên ngôi trong một cuộc bầu chọn văn hóa.” (“Có một cuộc bầu chọn khác”, nhà báo, blogger Trương Duy Nhất)

Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh nhận xét, khi một ca sĩ mua một thúng simcard điện thoại phát không cho fan của mình để họ nhắn tin thì bị báo chí đánh cho bầm giập vì “chơi không đẹp”, vậy mà với sự kiện bầu chọn cho vịnh Hạ Long, nhà nước lại cổ xúy cho hành động này.
Chưa kể, vịnh Hạ Long đã hai lần được UNESCO, một tổ chức danh tiếng hơn nhiều lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Chẳng khác nào đã là hoa hậu Việt Nam lại dự thi hoa hậu tỉnh (“Hoa hậu VN dự thi Hoa hậu tỉnh”, Nguyễn Thế Thịnh)

Trên blog RFA đã từng có bài “Kệch cỡm như bầu chọn vịnh Hạ Long”. Bởi chỉ có ở Việt Nam, từ Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân cho tới lãnh đạo của các ban ngành mới tổ chức cả một cuộc họp “bàn phương án huy động tổng lực để bầu chọn vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới”.
Chỉ riêng ông bộ trưởng văn hóa-thể thao-du lịch chẳng hạn, không chỉ tích cực bầu chọn và vận động người khác, ông còn... vận động tới cả đứa cháu gái 5 tháng tuổi “bấm” bình chọn cho Hạ Long, khiến nhà thơ Ðỗ Trung Quân phải kêu lên “Hãy cứu lấy trẻ con”!

Nhà báo Trương Duy Nhất: “Nhìn cảnh Quốc Hội nghiêm trang bầu Hạ Long, thấy cảnh ngài phó thủ tướng đến bộ trưởng, bí thư, chủ tịch và công chức các tỉnh thành, đội ngũ hùng hậu những thanh niên xung kích áo xanh, những giáo sư, tiến sĩ, sinh viên học sinh, những nhà báo, nghệ sĩ, ca sĩ, người mẫu, chân dài... hò hét bầu cho Hạ Long, khiến không thể không liên tưởng đến hình ảnh ‘đàn cừu’ trong câu nói nổi tiếng của Giáo Sư Ngô Bảo Châu”.

Trước đó, một số người đã từng lên tiếng cảnh báo về việc New Open World Corporation chỉ là một tổ chức tư nhân, hoạt động nhờ tiền tài trợ, tiền quảng cáo... Ðồng thời, tổ chức UNESCO đã xác nhận họ không hề liên quan đến cuộc bầu chọn New7Wonders này.

Vậy thì tại sao phải mất thì giờ, lôi kéo từ các cán bộ lãnh đạo cấp cao, các ban ngành cho tới mọi người dân ném tiền qua cửa sổ cho một cái danh hão như thế.
Nhà nước viện lý do nếu vịnh Hạ Long được lọt vào danh sách 7 kỳ quan thế giới mới thì sẽ thu hút thêm nhiều khách du lịch nước ngoài. Nhưng nhiều người cũng đã vạch ra rằng nếu muốn cải thiện hình ảnh về du lịch Việt Nam, muốn lôi kéo thêm khách đến với Việt Nam và những người đã đến sẽ còn quay trở lại chứ không phải hầu hết là... đi luôn như hiện nay, Việt Nam cần phải có những việc làm thiết thực hơn nhiều.
Ðó là nâng cấp hạ tầng cơ sở, đường sá giao thông, cải thiện cung cách dịch vụ, ngăn chặn mọi trò chặt chém vô tội vạ, ăn xin, móc túi...; bảo vệ môi trường thiên nhiên trong lành, không bị ô nhiễm... Riêng vịnh Hạ Long thì còn phải chú ý đến tiêu chuẩn an toàn trên những chiếc thuyền du lịch sau sự cố hai tàu chở khách bị chìm khiến nhiều người tử vong trong những năm vừa qua.

Nhưng tất cả những lời cảnh báo hay đóng góp ý kiến chân tình đó vẫn bị bỏ ngoài tai. Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục vận động nhân dân lao vào cuộc bầu chọn và có những biện pháp khuyến khích như nhắn tin trúng thưởng... Báo chí chính thống được “lệnh” phải tuyên truyền tối đa, cũng góp phần không nhỏ tạo nên cơn sốt bình chọn cho vịnh Hạ Long.

Lại nhớ đến những ví dụ tương tự về việc chạy theo những cái danh hão, cổ xúy cho lòng tự hào dân tộc một cách quá đáng, trong khi những việc thiết thực thì lại không làm.
Như chuyện Giáo Sư Ngô Bảo Châu đoạt Huy chương Fields của Hiệp Hội Toán Học Quốc Tế (IMU). Còn nhớ lúc đó từ các lãnh đạo, báo chí truyền thông cho tới người dân Việt Nam đều như “lên đồng”.
Không ai phủ nhận chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về Giáo Sư Ngô Bảo Châu và thành tích mà ông đã đạt được. Nhưng đừng vì sự thành công của giáo sư mà vơ vào tất tần tật như thể đó là công lao của Việt Nam, là thành tựu của nền giáo dục Việt Nam. Giáo Sư Ngô Bảo Châu đúng là đã có cái nền tốt là giáo dục gia đình, giáo dục ở thời trung học phổ thông. Nhưng nếu không được học tập/làm việc trong những môi trưởng đào tạo/nghiên cứu chuyên nghiệp của Pháp, Mỹ, liệu ông có thành công như vậy không?
Thay vì vui sướng quá mức, lẽ ra chúng ta nên đặt lại câu hỏi làm thế nào để giáo dục Việt Nam ở bậc đại học, cao học... tốt hơn, có thể đào tạo ra những con người như Ngô Bảo Châu. Làm sao để môi trường sống và làm việc ở Việt Nam có thể thu hút được nhân tài chứ không phải sau khi thành đạt, dù có muốn cống hiến cho đất nước, họ cũng vẫn phải chọn lựa môi trường khác tốt hơn như ngay chính Giáo Sư Ngô Bảo Châu.

Sự kiện 1000 năm Thăng Long-Hà Nội cũng thế. Ðâu phải trên thế giới này chỉ có mỗi Hà Nội là thủ đô 1000 năm tuổi. Có hàng chục thủ đô như vậy, trong đó có những thành phố cực kỳ nổi tiếng như Paris (Pháp), London (Anh), Rome (Italia), Athens (Hy Lạp), Prague (CH Séc)... cho tới Bắc Kinh (Trung Quốc), Cairo (Ai Cập), Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ)...
Nhưng chẳng có nước nào đang còn nghèo, phải vay nợ nước ngoài chiếm 42% tổng sản lượng quốc nội GDP và còn quá nhiều vấn đề kinh tế-xã hội phải giải quyết như Việt Nam lại chơi sang, tổ chức một đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội quá tốn kém. Mà theo báo chí trong nước, là 94,000 tỷ VNÐ tức 4.5 tỷ USD, chiếm 10% GDP cả nước, nhưng cho đến nay vẫn chưa được công khai, minh bạch trước quốc dân.
Chưa kể, hàng loạt công trình được xây dựng nhân dịp này, sau khi hoàn thành một thời gian ngắn đã bị xuống cấp, hư hỏng do thi công vội vã cho kịp tiến độ hoặc do tham nhũng.
Kỷ niệm 1000 năm của Hà Nội, câu hỏi đáng lẽ phải được đặt ra, đó là không chỉ “tuổi thọ” mà thành phố có những gì để chúng ta có quyền tự hào? Và Hà Nội cần phải làm gì để thực sự trở thành một thủ đô xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại?

Thói chuộng hình thức, ưa chạy theo những thành tích phù phiếm, lãng phí tiền bạc, thời giờ của nhân dân... đã thành những “căn bệnh khó chữa” của cái nhà nước này.

Nhưng ngẫm cho kỹ, mọi việc nhà nước VN đã, đang và sẽ làm, kể cả những việc tưởng như rỗi hơi nhất cũng là có lý do. Ðó là kích động lòng tự hào đất nước, dân tộc nhằm lôi kéo sự chú ý của người dân vào những chuyện phù phiếm để nhất thời quên đi bao nhiêu vấn đề nan giải khác của xã hội.

Nhất là hiện tại, khi Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình xấu nhất về kinh tế kể từ năm 2006. Với nạn lạm phát cao nhất Châu Á, nợ nước ngoài tăng nhanh, hàng loạt các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước bị thua lỗ, vỡ nợ, phá sản, thậm chí bị kiện cáo ở nước ngoài như Vinashin, đời sống của người dân ngày càng khó khăn...

Cộng với những “căn bệnh mãn tính” như nạn tham nhũng, bất công trong xã hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, đạo đức xã hội xuống cấp, những quyền tự do tối thiểu của con người chưa được tôn trọng... đã chỉ ra những khuyết tật trầm trọng của mô hình thể chính trị lâu nay. Mô hình đó càng nguy hiểm trong hoàn cảnh Việt Nam đang đứng trước âm mưu bành trướng ngày càng lộ rõ của Trung Quốc.

Tất cả, đã bị người dân tạm thời quên đi khi lao vào cơn say tự hào 1000 năm Thăng Long-Hà Nội hoặc bình chọn cho Hạ Long!

-----------------------

Nguyễn Quang Lập
15/11/2011

Có điều rất lạ là, khi biết NOWC (New Open World Corporation) “không phải là một tổ chức quốc tế (organization), đó chỉ là một công ty tư nhân” như ông Nguyễn Xuân Thắng (Phó Chủ tịch Thường trực kiêm TTK Hiệp hội UNESCO Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay) đã loan báo, nghĩa là sự công nhận của NOWC không có một gram giá trị gì, thế nhưng từ quan đến dân đều nô nức nhắn tin và hân hoan vui mừng khi thắng lợi trong vụ bầu chọn Vịnh Hạ Long là một trong 7 kì quan của thế giới.

Thậm chí “chúa đảo Tuần Châu” Đào Hồng Tuyển, một người lọc lõi trong kinh doanh, ” đã nhảy cẫng lên sung sướng, hạnh phúc khi thấy tên Vịnh Hạ Long của Việt Nam trong danh sách Top 7″ . Nhà báo Phan Lợi, một nhà báo khá điềm tĩnh và sâu sắc, cũng khuyên mọi người “Không nên chỉ trích bầu chọn vịnh Hạ Long” vì theo ông: “Thậm chí nó lại khẳng định một chân lý rằng khi một sáng kiến tốt được đưa ra, được giải trình và truyền thông hiệu quả, thì dù tác giả của sáng kiến ấy chỉ là một tổ chức tư nhân ít tên tuổi nó cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của triệu triệu người dân và sau đó là quyền lực từ các nhà nước.”

Thế nhưng nếu đặt câu hỏi ai tạo ra sự thừa nhận này, sẽ biết ngay sự vô nghĩa và bệnh rởm đời của chính chúng ta. Vịnh hạ Long được thừa nhận 1 trong 7 kì quan thế giới, trước hết là do 24 triệu tin nhắn của người Việt bầu chọn mà không dựa vào bất kì một tiêu chí nào. Thậm chí cuộc bầu chọn thả giàn nhắn tin thế này thì một nhà giàu như ông Tuyển chỉ cần ném ra vài chục tỉ bạc cũng thừa sức đưa Vịnh Hạ Long lọt tốp 7 chả cần có cuộc vận động rầm rộ trên phạm vi toàn quốc như thế này. Theo cách này, nói như một blogger, chỉ cần một vài chục tỉ bạc, ta có thể bầu Việt Nam là một trong 7 nước giàu nhất thế giới!

Đây là cách để Hạ Long giành thắng lợi!

Cuộc bình chọn là vậy đấy, còn NOWC là ai thì mọi người đã rõ. (Nếu ai chưa biết NOWC là ai, là thế nào thì xin bấm vào đây!). Nghĩa là Hạ Long trở thành một trong 7 kì quan mới của thế giới không do thế giới nào bầu chọn cả mà do chính người Việt bầu chọn cho người Việt, một trò lố đến thế lẽ nào những chính trị gia và đại gia không nhận ra, rất khó hiểu.

Lấy cớ rằng “Nhiều người ở Canada tỏ ra thất vọng khi Vịnh Fundy của họ không lọt vào danh sách – chính phủ liên bang và cấp tỉnh của Canada đã tốn 750.000 đôla trong bốn năm vì cuộc bầu chọn”, “Tổng thống Indonesia và Philippines, hai nước ASEAN có danh thắng lọt vào bảy kỳ quan, cũng đã ra lời kêu gọi dân chúng bỏ phiếu”, “tổng thống Bronisław Komorowski và hai cựu tổng thống Lech Walesa và Aleksander Kwaśniewski, đã gặp chủ tịch của New7Wonders để vận động phiếu bầu cho vùng hồ Masurian của họ” , “tổng thống Lee Myungbak cũng xuất hiện để bỏ phiếu và kêu gọi người dân ủng hộ đảo Jeju”, v.v để khẳng định cuộc chơi của NOWC thực sự là sân chơi quốc tế và có giá trị là rất sai lầm, vì NOWC thừa sức giở mấy trò PR cũ rích đó, ai còn lạ gì.

Còn nhớ những năm 80 thế kỉ trước, phong trào Niệu liệu pháp, toàn dân nô nức uống nước đái, cũng vì mấy thông tin đại loại tổng thống nước này chữa bệnh ung thư bằng nước đái, vợ thủ tướng nước kia lành bệnh loét dạ dày chỉ sau chục ca nước đái… chuyện này chắc nhiều người còn nhớ.

Chiều nay thấy thằng cu Hải, một đồng nghiệp của mình, hân hoan loan báo trên VTV2 “thắng lợi của cuộc bầu chọn” và “niềm hy vọng cho tương lai Hạ Long”, bất chợt cười phì. Thời này mà báo chí và các quan gia lẫn đại gia tin rằng nhờ vào sự công nhận của NOWC, một kẻ vô danh, Hạ Long sẽ được thế giới biết đến, du lịch Hạ Long tha hồ hốt bạc, quả thật không có gì hoang đường hơn thế.

Báo chí có thể vì dại khờ, vì cả tin, vì sợ hãi mà a dua hoặc đành phải a dua theo trò chơi nói thật là cực kì lố bịch kia, nhưng vô lẽ các chính trị gia và các đại gia không nhận ra đó là sự lố bịch hay sao? Có, chắc chắn là nhận ra. Nhưng cũng như các cuộc chơi khác, thoạt kì thủy là do một ông hâm như ông Nguyễn Minh Hồng xui, sau thấy mình lỡ dại rồi nhưng không dám tự thú và rút lui, đâm lao đành phải theo lao, đành phải làm ầm ĩ lên trước khi đẩy nó vào sự lãng quên, cốt để bảo toàn sĩ diện cho nhà quan, trò chính trị xưa nay đều thế cả. Vì thế mình thấy sự hân hoan mừng thằng lợi Hạ Long mới thảm hại làm sao, mới đáng xấu hổ làm sao.

Việc cả nước nô nức nhắn tin, ông bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh còn đem cả đứa cháu 5 tháng tuổi ra nhắn tin nữa kìa, không khẳng định chân lý nào đâu nhà báo Phan Lợi ơi. Cũng như trò đuổi chim sẻ của Mao, ý thức thần dân cùng với nỗi sợ hãi khiến dân nô nức đuổi chim sẻ, vì thế Mao dễ dàng biến trò đuổi chim sẻ thành “ngày hội lớn của toàn dân” đó thôi.

24 triệu tin nhắn, mỗi tin nhắn 600 đồng, vị chi là 14.400 triệu đồng, đổ ra cả đống tiền để mua lấy một chữ Hão!

Than ôi, đường đến tương lai càng dài lâu càng lú lấp, ngoảnh về đâu cũng thấy Hão, chỉ thấy Hão không thôi chẳng thấy gì. Đến nỗi nhà tu hành cũng không sao thoát được chữ Hão, hết hòa thượng thích huân chương đến hòa thượng thích hư danh. Hu hu.

N. Q. L.
.
.
.

No comments: