Wednesday, November 16, 2011

NGUỒN GIÓ & NĂNG LƯỢNG MẶT TRỜI MỚI SẼ KHÔNG GIẢI QUYẾT ĐƯỢC NẠN KHAN HIẾM NƯỚC CỦA TRUNG QUỐC (Keith Schneider )



Keith Schneider
Circle of Blue

neofob, x-cafevn, chuyển ngữ

Những lựa chọn năng lượng sạch góp phần, nhưng vẫn không đủ, giải tỏa nghẽn mạch năng lượng-nước.

Tửu Tuyền, Trung Quốc -- Kinh doanh các cơ phận năng lượng gió và mặt trời đang phát đạt ở tỉnh Cam Túc -- một mảng sa mạc đầy gió bụi nắng cháy (*) và những dải núi ngập nắng ở vùng phía bắc Trung Quốc -- nơi mà New Energy Equipment Manufacturing Industry tập trung, thuê 20 000 người, hoạt động 24/7.
Dù chỉ mới có hai năm, khu công nghiệp rộng lớn -- nằm bên ngoài thành phố với một triệu dân của con đường Tơ Lụa cổ xưa -- sản xuất turbine, cánh quạt, tháp, bộ điều khiển, phần mềm, và hàng tá những cơ phận khác cho ngành năng lượng gió địa phương mà đã sản xuất hơn 5000 megawatt hàng năm.
Chen Xiao Yan, một phụ tá tuổi 25 ở văn phòng New Energy Industry, cho hay rằng Sinovel, Goldwind, Dongfang, Sinomatech, và 21 nhà sản xuất năng lượng sạch khác đã thiết lập nhà máy ở khu công nghiệp. Hai trong số này cũng sản xuất thiết bị cho ngành công nghiệp mặt trời đang phát triển của Cam Túc mà đến cuối năm nay sẽ sản xuất 120 megawatt điện.
Trong vòng ba năm, thêm 10 nhà sản xuất sẽ xây dựng nhà máy ở khu công nghiệp, gia tăng lực lượng lao động lên 50 000 nhân viên, Chen cho hay trong một cuộc phỏng vấn với Circle of Blue.
"Đó là những gì chúng tôi làm ở đây," bà ta nhún vai cho hay."Chúng tôi sản xuất điện."
Vùng Bắc Cam Túc đang làm chuyện đó và hơn thế nữa. Vùng đất đầy bụi và sáng chế công nghiệp này -- cách xa về phía Tây của Bắc Kinh cỡ như Montana cách xa New York -- đã trở thành một trạm đầu cho chuyến tàu của Trung Quốc đến đích đến hàng đầu thế giới của nhóm năng lượng sạch ít tiêu tốn nước. Được thúc đẩy bởi quyết định cấp quốc gia vào năm 2005 nhằm đa dạng hóa nguồn sản xuất năng lượng của quốc gia và làm như vậy để giảm việc tiêu thụ nước và giảm khí thải carbon làm biến đổi khí hậu. Cam Túc và những vùng sa mạc chung quanh đang theo đuổi phát triển năng lượng sạch với một sự dữ dội có một không hai trên thế giới.
Cục quản lý Năng lượng Quốc gia Trung Quốc dự đoán rằng vào thập kỷ tới năng suất phát điện từ gió, mặt trời, và hạt nhân sẽ tăng hơn gấp bốn lần từ 53 gigawatts vào năm 2010 lên đến 230 gigawatts vào năm 2020. Một nguồn sản xuất điện lớn khác mà không thải carbon là thủy điện mà được ước đoán bởi chính phủ là sẽ tăng trưởng lên đến 400 gigawatt trước năm 2020 từ 213.4 gigawatts của năm ngoái. (Để làm so sánh, một gigawatt tương đương với năng suất sản xuất điện của một nhà máy điện nguyên tử hoặc một nhà máy nhiệt điện dùng than).
Năng lượng gió hiện nay chiếm 42 GW, 16 phần trăm của sản lượng điện không thải carbon của cả nước. Các quan chức về năng lượng của Trung Quốc vào năm ngoái ước đoán rằng năng suất sản xuất năng lượng gió sẽ tăng đến 150 GW vào năm 2020. Mặc dù vậy nhiều nhà quản trị bên ngành năng lượng gió dự đoán rằng con số sẽ là hơn 200 GW.
Năng suất điện từ mặt trời được dự tính sẽ nhảy từ ít hơn một GW vào năm 2010 lên 20 GW trước 2020. Năng lượng hạt nhân được dự đoán rằng sẽ tăng từ 11 GW lên đến 60 GW vào thập niên tới.
Dẫu vậy nhu cầu điện của Trung Quốc đang tăng quá đỗi nhanh chóng đến nỗi việc đầu tư to tát vào những công nghệ sản xuất điện mới sẽ chẳng tạo một hề hấn gì đến sản lượng -- hoặc trong việc bảo tồn nước -- như nhiều người có thể mong đợi. Nói đơn giản là gió, mặt trời, và năng lượng nguyên tử sẽ leo đến khoảng 13 phần trăm của 1900 GW năng suất phát điện được dự đoán vào năm 2020 theo dữ liệu của chính phủ. Đó là lên gần sáu phần trăm của con số 960 GW năng suất phát điện hiện nay.
Những nhà máy điện gió, mặt trời, và nguyên tử làm lạnh bằng nước biển sẽ thay thế khoảng 100 nhà máy điện chạy than cỡ lớn, tương đương với việc tiết kiệm 3.5 tỷ mét khối nước hàng năm theo như giới học giả và chính phủ ước tính. Các nhà máy điện năng lượng sạch sẽ loại bỏ khoảng 750 triệu tấn khí thải làm biến đổi khí hậu hàng năm.
Thế nhưng tiêu thụ nước toàn quốc của Trung Quốc -- 599 tỷ mét khối vào năm 2010 -- được dự tính là sẽ tăng thêm 71 tỷ mét khối vào cuối thập niên. Và sự gia tăng tiêu thụ nước, một phần được thúc đẩy bởi việc gia tăng sản lượng khai thác than đá, đang diễn ra ở một quốc gia mà ngày càng khô hạn hơn.(Xem cột bên phải)
Nói cách khác, 738 tỷ USD mà giới chức trách của chính phủ đã hứa hẹn vào năm ngoái để chi tiêu vào việc sản xuất điện không phải từ năng lượng hóa thạch vào thập niên kế tiếp sẽ kích thích sự quá độ của nền kinh tế năng lượng sạch của Trung Quốc. Những nhà máy sản xuất khổng lồ liên quan đến sản xuất điện mặt trời và gió khắp Trung Quốc đã thuê mướn hàng chục ngàn người. Chúng là bằng chứng không chối cãi về khả năng của năng lượng sạch có thể kích thích tạo tăng trưởng việc làm. Chúng cũng là tín hiệu đến Hoa Kỳ và những nước khác rằng Trung Quốc sẵn sàng chiếm lĩnh năng lượng gió, mặt trời, nguyên tử, và những nguồn năng lượng sạch hơn khác mà các nhà kinh tế thế giới dự đoán sẽ tạo ra hàng ngàn tỷ dollar doanh thu hàng năm.
Thế nhưng năng lượng sạch sẽ không giải quyết được hiểm họa hàng đầu đối với việc hiện đại hóa của Trung Quốc -- có sự đối đầu giữa nhu cầu năng lượng đang lên và trữ lượng nước sạch đang xuống. Vào thập niên tới, và có thể là lâu hơn thế nữa, lượng nước tiết kiệm được từ năng lượng mặt trời, gió, và năng lượng hạt nhân làm mát bằng nước biển sẽ không đủ để gỡ bỏ thòng lọng khan hiếm nước đang siết chặt dần quanh việc khai thác than đá của Trung Quốc và khu vực chất đốt, và kinh tế quốc gia của họ. (Xem cột bên phải)
Rút cục có thể sẽ có một ngày thức tỉnh đến dần, (+) Nicholas Lardy cho hay, một thành viên kỳ cựu và chuyên gia về Trung Quốc ở Peterson Institute ở Washington D.C. "Thế nhưng có rất nhiều bước trung gian mà Trung Quốc chuẩn bị để đi và đang cố trì hoãn nó càng lâu càng tốt."

Không trở lại
Các quan chức quy hoạch của Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ không có ý định từ bỏ việc hiện đại hóa nhanh chóng của quốc gia hay từ bỏ việc dùng mọi nguồn sản xuất năng lượng sẵn có để duy trì sự tăng trưởng đó. Có một sự chuyển đổi mạnh mẽ đang diễn ra ở Trung Quốc mà phần lớn là tập trung ở việc thu hút những nhà tiên phong mới đến những tỉnh khô cằn miền bắc và miền tây. Chiến lược này có vẻ đang tiến triển tốt.
Những thành phố hiện đại đang được xây dựng ở các tỉnh Cam Túc, Nội Mông, Tân Cương, Ninh Hạ, và Cát Lâm được hỗ trợ bởi những nhà máy mới sản xuất thép, nhôm, xe, đồ gia dụng, turbine gió, thiết bị khai thác mỏ, và hàng trăm các sản phẩm khác nhằm cung cấp cho các thị trường đang mở rộng nhanh chóng trong nước. Các chung cư cao tầng đang được xây dựng theo từng cụm gồm những tòa nhà bê tông 30 tầng ở các thành phố chính. Đường phố và đường cao tốc tràn ngập những xe hơi đời mới nhất và đắt tiền. Nhà hàng đầy khách cả ngày lẫn đêm. Hàng đợi dài ở những quầy tính tiền ở các siêu thị kiểu Tây phương.
Kinh tế của các tỉnh miền bắc và miền tây Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ cao hơn tổng sản phẩm quốc gia mà nó đạt mức 10.3 phần trăm vào năm 2010 theo con số mới nhất của chính phủ. Sự tăng trưởng khu vực phần lớn được thúc đẩy một phần bởi sản xuất và chế tạo năng lượng sạch. Đây là điều mà Trung Quốc đã nhận ra là việc thích hợp cho vùng đất đầy gió, nắng, và khô cằn.
Một tỉnh với 25 triệu dân và có kích thước địa lý cỡ khoảng Thụy Điển, Cam Túc đã quản lý việc sản xuất điện và khan hiếm nước hàng chục năm.
Dầu hỏa được tìm thấy quanh Ngọc Môn vào thập niên 1930, và một nền công nghiệp khai thác và lọc dầu phát triển hơn nửa thế kỷ. Một trong những điểm son trong lịch sử của nền công nghiệp năng lượng của Cam Túc là thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, là một nhà địa chất và nhân vật có quyền lực thứ nhì của Trung Quốc, kinh qua thời kỳ đầu của con đường quan chức của mình từ năm 1968 đến năm 1982 quản lý những tài nguyên khoáng sản và nước của Cam Túc.
Vào năm 1996, các quan chức địa phương bắt đầu thử nghiệm với việc thay thế ngành công nghiệp dầu hỏa phía bắc của Cam Túc với gió. Họ lắp đặt bốn turbine gió 300 kilowatt ở Nhà máy điện gió Ngọc Môn Gia Dục Quan. Những thành phố ở Tân Cương, phía tây của Cam Túc, và khu Tự Trị Nội Mông, phía đông của Cam Túc cũng gia nhập Cam Túc vào những tỉnh đầu tiên thử nghiệm với sản xuất điện năng lượng sạch cho công chúng.
Ngành này phát triển đều đặn -- cho dù có phần chậm -- trong gần một chục năm, những nhà lãnh đạo ở Tửu Tuyền cho hay. Thế nhưng vào những năm đầu của thiên niên kỷ mới, năng lượng gió bắt đầu chuyển động với sức mạnh kinh tế.
Được thúc đẩy bởi mối quan ngại nội bộ về mâu thuẫn giữa khan hiếm nước và nhu cầu năng lượng tăng cao và mục đích phát triển những công nghiệp mới có thể thuê mướn hàng triệu lao động, Trung Quốc ban hành luật về năng lượng tái tạo năng nổ nhất thế giới vào năm 2005. Ủy ban Phát triển và Đổi mới Quốc gia của Trung Quốc ra nghị quyết rằng trước năm 2020, 15 phần trăm năng lượng của quốc gia sẽ được sản xuất bằng gió, mặt trời, sinh khối, và thủy điện -- tăng 7 phần trăm so với lúc bấy giờ.
Kể từ đó -- và nhiều áp lực từ ngoại giao bên ngoài quanh việc gia tăng khí thải biến đổi khí hậu của Trung Quốc -- một số các chính sách mới và nhiều khuyến khích tài chính công khai đã được ban hành để đẩy mạnh năng lượng sạch dùng ít nước hơn.
Vào năm 2007, Trung Quốc thiết lập một điều khoản "chú trọng về nước" đòi hỏi ngành công nghiệp và nông nghiệp cắt giảm lượng nước họ dùng tính theo mỗi đơn vị sản lượng nội địa 20 phần trăm. Vào năm 2009, mục tiêu đó được tăng lên 60 phần trăm.
Chính phủ cũng chỉ thị rằng những người đóng thuế chia sẻ giá thành phát triển năng lượng tái tạo với một lệ phí nhỏ trong hóa đơn tiền điện của họ. Các công ty điện lực được yêu cầu mua điện từ các nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo mà họ được cung cấp các khoản vay phân lời thấp từ chính phủ. Trung Quốc cũng bảo hộ các nhà sản xuất bằng cách đòi hỏi ít nhất 70 phần trăm tất cả các cơ phận của các turbine gió phải được sản xuất trong nước. Kết quả là năm trong số 15 nhà sản xuất turbine gió lớn nhất thế giới bây giờ là Trung Quốc.
Những khuyến khích tương tự được ban hành cho ngành công nghiệp mặt trời.
Những lợi ích chung kết hợp với quyết tâm của Trung Quốc ở cả việc đa dạng hóa lãnh vực năng lượng lẫn việc phát triển những ngành công nghiệp mới tạo việc thúc đẩy họ đi đầu trên thế giới trong nền công nghiệp tái tạo.

Giao thoa giữa năng lượng và nước ở Cam Túc
Một trong những nơi là địa điểm thử nghiệm cho thời đại mới của sản xuất điện ít tốn nước là những sa mạc phía bắc của Cam Túc. Nơi này là bằng chứng hiển nhiên cho việc Trung Quốc dấn thân sâu đậm vào việc phát triển năng lượng sạch. Khu Công Nghiệp Sản Xuất Thiết Bị Năng Lượng Mới -- một tập hợp những nhà máy sản xuất hàng đầu về phát triển năng lượng sạch -- là trung tâm phát điện không thải khí carbon lớn nhất thế giới, những quan chức năng lượng của Trung Quốc ở Tửu Tuyền cho hay.
Khu công nghiệp nằm ở mạn nam của khu các cối xay gió trải dài hàng dặm và gồm có hơn 5000 turbin gió. Còn có hai nhà máy điện mặt trời đầu tiên trong vòng 25 cây số vuông khu điện mặt trời bên ngoài Đôn Hoàng. Những nhà máy này sẽ phát điện với công suất 12 GW trước năm 2025.
Cam Túc, nói cách khác, là nơi có những khu phát điện sạch lớn nhất trên trái đất. Chỉ tính riêng việc đầu tư vào năng lượng gió sẽ đạt gần 18 tỷ USD, theo các quan chức địa phương. Mục tiêu là lắp đặt vừa đủ công suất để phát điện bằng gió 20 GW trước năm 2020, theo Wu Shengxue, tổng bí thư Ủy Ban Phát triển Thành phố và Đổi mới của Tửu Tuyền.
Ở Đôn Hoàng, ở trung tâm nghệ thuật và du lịch gần biên giới với Tân Cương, Ren Tao -- một kỹ sư ở tuổi 42, chuyên gia về cung cấp nước và sản xuất điện và là tổng quản lý của nhà máy panô điện mặt trời 10MW thí điểm SDIC -- mô tả việc lắp đặt nhà máy điện mặt trời. Nhà máy một tuổi, 18 triệu USD là nhà máy điện đầu tiên kết nối với lưới điện của Trung Quốc. Nó nằm ở trung tâm vùng nhiều nắng nhất ở Trung Quốc và hoạt động hơn 3000 giờ mỗi năm.
Bên kia đường, một nhà máy panô điện mặt trời 10 MW -- xây dựng bởi CGNPC Solar Energy Development Company -- bắt đầu hoạt động cuối năm 2010.
"Thử thách của tôi là", Ren cho hay, "chứng minh rằng chúng tôi có thể sản xuất nhiều năng lượng từ mặt trời với giá rẻ. Năng lượng xanh là lựa chọn duy nhất chúng tôi có để phát triển quốc gia này theo một cách mà cắt giảm ô nhiễm, cắt giảm lượng nước dùng, và phát triển xã hội Trung Quốc."
Huang Xiao, một trong những chuyên gia trẻ khác quản lý ngành công nghiệp sạch của Cam Túc, cũng vững tin như vậy. Người phụ nữ 25 tuổi là người điều hành của ban hành chánh ở Sinomatech Wind Power Blad Company. Họ điều hành một nhà máy 40 000 mét vuông, thuê mướn 1000 người ở Tửu Tuyền, và cho ra lò 2400 cánh quạt gió vào năm ngoái.
Ở bên ngoài cửa sổ của cô, hơn một trăm cánh quạt trắng dài 40 mét được đánh dấu đỏ chót ở đầu cánh được sắp ngăn nắp ở khu chứa hàng sẵn sàng được giao hàng. Có hai công ty khác ở Khu Công Nghiệp Sản Xuất Thiết Bị Năng Lượng Mới sản xuất tương đương số cánh quạt gió cho ngành năng lượng gió của Cam Túc. Với ba cánh quạt được lắp đặt cho mỗi turbine gió, ba công ty cánh quạt của Cam Túc sản xuất 7200 cánh mỗi năm đủ để lắp đặt 2400 turbine cỡ công nghiệp mỗi năm.
Ngay cả vào tháng 12 băng giá, con đường cao tốc từ khu công nghiệp đến những cánh đồng turbine gió lớn nhất trên địa cầu là dòng xe tải diesel đều đặn chở những cánh quạt, turbines, và những cột tháp bằng thép sơn trắng. Con đường bốn làn mới xây chạy xuyên qua vùng năng lượng gió nơi mà hàng ngàn turbine gió sơn trắng đứng trụ ở vùng có gió mạnh và đều nhất của đại lục.
Độ 5500 turbine gió đã được lắp đặt ở tỉnh Cam Túc và thêm hàng ngàn được dự trù. Các nhà phát triển năng lượng đã xây dựng những ký túc xá ở sa mạc cho 15 đến 20 công nhân cần để quản lý và bảo dưỡng những cánh đồng turbine gió mà chúng thông thường có 500 turbine.
Trước 2015, hàng dặm turbine gió và cánh đồng gió tập trung quanh Ngọc Môn, một thành phố sa mạc nhỏ ở phía bắc Cam Túc sẽ phát điện với công suất 10 GW cho đến 12 GW, Shi Pengfei phó giám đốc của Hiệp Hội Năng Lượng Gió Trung Quốc cho hay. Những vùng có gió lớn khác của Trung Quốc -- Tân Cương, Nội Mông, Cát Lâm, Hà Bắc và ngoài khơi Giang Tô -- cũng đang lắp đặt chóng mặt.
"Tất cả những điều này là hợp lý cho Trung Quốc," Qiao Yu một kỹ sư lâu năm ở tuổi 30 cho hay. Ông trông nom cánh đồng turbine gió ở gần Ngọc Môn của China National Offshore Oil Company. "Chúng tôi không thể luôn dựa vào dầu hỏa và gas và than đá. Khí hậu ở đây đang thay đổi và nguồn cấp nước của chúng tôi đang đi xuống. Chẳng có thứ gì tồn tại mãi. Chúng tôi phải để ý đến năng lượng mới. Nhân dân Trung Quốc và chính phủ nhận thức tầm quan trọng của việc này như thế nào."
(*) nguyên văn "bone-bleaching", xương thú vật khi phơi nắng lâu ngày sẽ bị tẩy trắng, bleaching.
(~) trillion: ức, 10^12
(+) nguyên văn: There may be an ultimate day of reckoning approaching...

----------------------

Than Đá là ngành Công nghiệp Tiêu thụ Nước lớn nhất của Trung Quốc
Vào năm 2010, Trung Quốc sản xuất 3.15 tỷ tấn than đá, theo những con số của chính phủ, mà hầu hết chúng được dùng để sản xuất điện. Trong số 960 GW năng suất sản xuất điện của Trung Quốc, và 4.19 ngàn tỷ (~) kilowatt giờ điện được sản xuất vào năm ngoái, 80 phần trăm là từ than đá. Công nghiệp khai thác, xử lý than đá và sản xuất điện của Trung Quốc tiêu thụ hơn 120 tỷ mét khối nước hàng năm. Đây là khoảng 20 phần trăm của tổng sản lượng nước tiêu thụ của cả nước theo Bộ tài nguyên Nước của Trung Quốc.
Tổng năng suất sản xuất điện được dự đoán sẽ tăng gấp đôi ở Trung Quốc vào cuối thập niên đạt đến 1900 GW. Mức độ tăng trưởng quả là kinh ngạc. Vào năm 2020, chín năm kể từ đây, các viên chức chính phủ và các lãnh đạo ngành năng lượng dự đoán sẽ gia tăng năng suất sản xuất điện nhiều như của Hoa Kỳ hiện nay. Hơn phân nửa của sự gia tăng này, 500 GW, theo các dự đoán của chính phủ và giới học giả sẽ là từ than đá.
Khai thác than đá và sử dụng than đá sẽ vượt quá 4 tỷ tấn mỗi năm trước 2020. Đây là khoảng 30 phần trăm hơn mức năm ngoái theo các nhà phân tích ở Đại Học Thanh Hoa ở Bắc Kinh.
Điều đó có nghĩa là sẽ có thêm nhiều tiêu thụ nước. Bộ Tài Nguyên Nước Trung Quốc ước tính rằng mức tiêu thụ nước hàng năm sẽ tăng từ 599 tỷ mét khối vào năm 2010 lên đến 670 tỷ mét khối vào năm 2020. Phần lớn nhất của sự tăng trưởng đó -- 15 tỷ mét khối mỗi năm -- là do gia tăng khai thác và xử lý than đá cùng với việc làm lạnh những nhà máy phát điện dùng than đá.
Trong khi đó Trung Quốc đang dần dần khô hạn hơn.
Các nguồn nước sẵn có nói chung ở các con sông, hồ, và mạch nước ngầm của Trung Quốc đã giảm 13 phần trăm kể từ năm 2000 theo Bộ Thống Kê Quốc Gia. Các nhà khoa học về khí hậu và nước của Trung Quốc nói rằng khuynh hướng này -- điều mà đã cắt giảm tổng lượng nguồn nước quốc gia 350 tỷ mét khối một năm -- sẽ tiếp tục do hậu quả của biến đổi khí hậu gây xáo trộn chu kỳ tuyết và mưa rơi.
Những tình trạng khô cạn kết hợp với việc nhất định phát triển ở mức độ và tốc độ chưa từng có từ trước đến nay đang để lại một sự nghẽn mạch mang tính quyết định về môi trường và kinh tế với những ảnh hưởng toàn cầu. Những vùng khô hạn nhất phía bắc và phía tây -- Nội Mông, Sơn Tây, Tân Cương -- là những nơi có những trữ lượng than đá khổng lồ mà Trung Quốc nói rằng họ cần cho công cuộc hiện đại hóa.
Vào thời điểm hiện nay, hầu hết các trữ lượng không thể khai thác được vì không có đủ nước. Khí hậu phía bắc Trung Quốc không có mưa hơn nữa nó dường như ngày càng tệ hơn. Bắc Kinh và những thành phố phía bắc và phía tây đang chịu mùa đông khô hạn nhất trong 60 năm qua.

.
.
.

No comments: