Tuesday, June 22, 2010

20.000 TIẾN SĨ, 700 TRIỆU DDOOLA và VÀI CÂU CHUYỆN (RFA)

20.000 tiến sĩ, 700 triệu USD và vài câu chuyện (phần 1)

Trân Văn, thông tín viên RFA

2010-06-21

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/20000-doctors-700-million-dollars-and-some-story-part1-06212010195633.html

Cách nay vài ngày, tờ Sài Gòn Tiếp Thị cho biết, nhiều người ở tỉnh Phú Thọ, hết sức ngỡ ngàng khi ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của tỉnh này đã là tiến sĩ.

Người ta càng ngạc nhiên hơn khi học vị tiến sĩ mà ông Ân thủ đắc được cho là của một đại học ở Mỹ trong khi ông không hề biết Anh ngữ! Ngoài yếu tố vừa kể, sự kiện đó còn có điểm đặc biệt nào khác đáng quan tâm? Mời quý vị theo dõi Trân Văn tường trình thêm…

.

Dễ hơn học tiểu học!

Theo tờ Sài Gòn Tiếp Thị, cách đây ít ngày, những người biết ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của tỉnh Phú Thọ đã hết sức ngạc nhiên khi nghe giới thiệu ông Ân là tiến sĩ và văn bằng tiến sĩ của ông do một trường đại học tại Mỹ cấp.

Sở dĩ người ta ngạc nhiên vì ông Nguyễn Ngọc Ân vẫn được biết tới như một người không biết gì về Anh ngữ và chưa bao giờ đi du học. Thế thì tại sao ông ta lại có học vị tiến sĩ của Mỹ?

Tờ Sài Gòn Tiếp Thị đã trực tiếp nêu thắc mắc đó với ông Ân, ông Ân thừa nhận, đúng là ông không biết Anh ngữ, song ông khẳng định, ông đã học tiến sĩ trong hai năm. Tuy nhiên ông chỉ phải qua Mỹ tổng cộng… hai tuần để hoàn tất chương trình tiến sĩ.

Ông Ân kể thêm, do không biết Anh ngữ, ông học chương trình tiến sĩ theo các giáo trình được soạn bằng tiếng Việt, khi nghe giảng thì có phiên dịch và tất nhiên là bảo vệ luận văn cũng với sự hỗ trợ của phiên dịch viên.

Đại học nào tại Mỹ có thể công nhận một người đạt học vị tiến sĩ khi người đó không hề biết Anh ngữ? Ông Ân tiết lộ, đó là “Southern Pacific University” (dịch sang tiếng Việt là Đại học Nam Thái Bình Dương), tọa lạc tại New York.

Tờ Sài Gòn Tiếp Thị dẫn một vài nguồn tin cho biết, bằng cấp của trường “Southern Pacific University” không được hệ thống giáo dục Mỹ công nhận và đại học này đã bị Tòa án Hawaii tuyên bố giải thể từ tháng 10 năm 2003. Hiện chỉ có một đại học, nếu dịch sang tiếng Việt thì cũng có tên là Đại học Nam Thái Bình Dương, song tên tiếng Anh không phải là “Southern Pacific University”, mà là “The University of South Pacific” của Fiji, chứ không phải của Mỹ.

Phải chăng ông Nguyễn Ngọc Ân đã xài bằng giả? Tờ Sài Gòn Tiếp Thị kể thêm rằng, họ đã đem chuyện của ông Ân đi hỏi một cán bộ lãnh đạo của tỉnh Phú Thọ. Cán bộ này kể, sau khi học xong chương trình tiến sĩ ở Đại học Nam Thái Bình Dương, ông Ân đã trình văn bằng tiến sĩ cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy xem và bằng đó là bằng thật.

Trên Internet, hiện có một trang web, với địa chỉ web là: http://www.ope.ed.gov/accreditation/Search.aspx, do Bộ Giáo dục Mỹ lập, nhằm giúp mọi người kiểm tra xem trường đại học mà họ quan tâm đã được công nhận về chất lượng đào tạo hay chưa, chúng tôi đã thử dùng trang web này để kiểm tra và kết quả cho thấy “Southern Pacific University” không nằm trong hệ thống đại học đã được kiểm định chất lượng giáo dục.

.

Bằng thật?

Thông tin về việc Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Thọ xác định, văn bằng tiến sĩ do Đại học Nam Thái Bình Dương cấp và ông Nguyễn Ngọc Ân xuất trình là bằng thật, đã khiến chúng tôi thấy rằng, cần phỏng vấn những người am tường về hệ thống đại học ở Mỹ. Chúng tôi đã gọi Tiến sĩ Trần Hữu Dũng, hiện giảng dạy về kinh tế tại Đại học Wright State, ở Dayton, bang Ohio, Mỹ…

Trân Văn: Thưa giáo sư, tại Mỹ có thứ bằng cấp mà tính chất vẫn như người Việt ở trong nước gọi là bằng đểu không?

GS Trần Hữu Dũng: Tôi không quen thuộc với danh từ bằng đểu nhưng ở Mỹ có những trường gọi là trường trong ngoặc kép vì nó không phải là trường.

Năm ngoái có một cặp vợ chồng mướn một cái máy in, in bằng cấp rồi họ bán, rồi đổ bể. Có nhiều loại như vậy thành ra không phải là chuyện lạ ở Mỹ. Gần như cứ vài tuần lễ lại đổ bể một chuyện như vậy…

Trân Văn: Thế thì để ngăn chặn những loại bằng cấp đó, xã hội có phương thức nào giúp kiểm chứng bằng cấp là thật hay đểu không?

GS Trần Hữu Dũng: Đây là xã hội tự do nhưng người ở Mỹ thì họ biết trường nào danh tiếng, trường nào không, thành ra chuyện đó không khó lắm.

Hiện giờ kỹ thuật in bằng dễ dàng thành ra những ai có máy in thì có thể phát bằng hay là bán bằng cho người khác được nhưng mà những người hiểu biết thấy những cái bằng đó thì họ biết ngay nó vô giá trị và khinh bỉ những người có bằng cấp đó nữa. Thành ra không có ai lừa bịp được ai, nhất là những người có hiểu biết.

Có một số người thích có bằng cấp để họ treo trong phòng khách thì không ai cấm cản họ được. Thành ra bất cứ xã hội nào cũng có chuyện đó!

Trân Văn: Theo chúng tôi được biết thì Mỹ có phân loại hệ thống đại học được accredited, được kiểm định giáo dục và hệ thống…

GS Trần Hữu Dũng: Dạ đúng rồi! Đúng là như vậy bởi vì những người mà hiểu biết thì người ta nhìn bằng cấp, người ta biết trường đó có accredited hay không. Biết ngay. Đó là chuyện không thể nào lừa bịp ai được hết! Người ta thấy cái tên trường người ta biết ngay. Chuyện đó không khó khăn gì hết. Bây giờ có Internet, anh chỉ cần vô là biết ngay, không cần hỏi ai nữa.

Trân Văn: Thưa ông, liệu ở Mỹ có trường đại học nào thuộc nhóm đã được kiểm định giáo dục mà tiếp nhận những sinh viên nước ngoài, rồi trao học vị tiến sĩ cho họ mà người học không có kỹ năng nghe – nói – đọc – viết tiếng Anh…

GS Trần Hữu Dũng: Không bao giờ có chuyện đó được! Không thể nào có chuyện đó được. Cái đó tuyệt đối là không! Bởi vì trường nào mà có như vậy thì trường đó không thể nào được chứng nhận.

Nếu người nào mướn tôi dạy trường đó mà tôi biết trường đó như vậy thì tôi cũng không chịu đi làm. Bởi vì nếu dính líu vào những chuyện đó thì mất hết tất cả uy tín.

Chuyện này không thể nào xảy ra được hết! Tôi dám chắc là như vậy!

Trân Văn: Thưa ông là một giáo sư đại học lâu năm tại Mỹ, ông có bao giờ nghe nói đến trường đại học có tên là Nam Thái Bình Dương chưa?

GS Trần Hữu Dũng: Vâng có! Thỉnh thoảng tôi có nghe! Thực sự những người mà làm những cái bằng giả như vậy rất là khôn ngoan. Họ dùng những tên rất là kêu, những cái tên đó giống như là trường thật.

Ví dụ như là ở California thì có nhiều trường nổi tiếng như là University of Southern California thì họ đặt tên ví dụ như là University of South California. Trường đó không có ai biết hết nhưng mà người ở ngoài nghe Califonia rồi South này kia thì dễ lầm. Thành ra họ lợi dụng những từ như vậy để họ lừa người khác. Họ cũng khôn ngoan khi dùng những tên trường thoạt nghe thì có vẻ nổi tiếng nhưng mà những người hiểu biết, biết ngay là trường dỏm.

.

Đến đây, những thắc mắc liên quan đến giá trị của tấm bằng tiến sĩ mà ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, sử dụng coi như đã được giải đáp. Song câu chuyện về tấm bằng này lại mở ra một vấn đề khác, đó là kế hoạch chi 700 triệu đô la để đào tạo 20.000 tiến sĩ của Việt Nam có những dấu hiệu cho thấy rất đáng phải quan tâm. Những dấu hiệu ấy sẽ được tổng hợp và tường trình trong bài kế tiếp. Mời quý vị đón theo dõi…

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

BÀN VỀ CHUYỆN BẰNG CẤP Ở VIỆT NAM

.

Làm tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh!

.

.

.

20.000 tiến sĩ, 700 triệu USD và vài câu chuyện (phần 2)

Trân Văn, phóng viên RFA

2010-06-22

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/20000-doctors-700-million-dollars-and-some-stories-part%202-Tvan-06222010133314.html

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của tỉnh Phú Thọ, tuy có văn bằng tiến sĩ của một đại học ở Mỹ, song không thể nghe – nói – đọc – viết tiếng Anh.

Hiện có những dấu hiệu cho thấy tấm bằng tiến sĩ mà ông Nguyễn Ngọc Ân sử dụng không phải là chuyện riêng của ông Ân. Vì sao?

.

Công quỹ như rác

Chuyện ông Nguyễn Ngọc Ân, không biết Anh ngữ nhưng lại là “Tiến sĩ”, xuất thân từ một trường đại học đã bị Tòa án tiểu bang Hawaii ra lệnh phải đóng cửa trước đó sáu năm lẽ ra có thể chỉ dùng để mua vui nếu không có vài tình tiết kỳ quái.

Tình tiết thứ nhất: Một cán bộ lãnh đạo của tỉnh Phú Thọ kể với phóng viên tờ Sài Gòn Tiếp Thị rằng, sau khi học xong chương trình tiến sĩ ở “Southern Pacific University” – dịch sang tiếng Việt là Đại học Nam Thái Bình Dương, ông Ân đã trình văn bằng tiến sĩ cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy xem và Ban Tổ chức Tỉnh ủy xác định bằng đó là bằng thật.

Theo sau đó là tình tiết thứ hai: Ông Ân tiết lộ với phóng viên tờ Sài Gòn Tiếp Thị rằng, ông đã chi 17.000 USD để học “tiến sĩ” và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã quyết định chi tiền, “hỗ trợ” cho ông.

Tình tiết thứ ba: Cũng chính ông Ân tiết lộ, sở dĩ ông theo học “chương trình tiến sĩ” tại “Southern Pacific University” là do Viện kinh tế của Bộ Tài chính giới thiệu. Ông Ân không phải là trường hợp cá biệt bởi theo ông Ân, còn khoảng chín, mười người nữa ở Hà Nội, Thái Nguyên cũng học “chương trình tiến sĩ” tại “Southern Pacific University” theo kiểu như vậy.

Đang có bao nhiêu công chức theo học “chương trình tiến sĩ” tại những đại học như “Southern Pacific University”? Chưa có ai thống kê nhưng có những dấu hiệu cho thấy, hình như “làm tiến sĩ” ở nước ngoài theo kiểu như thế đang trở thành phong trào.

Vì sao? Một công chức ở Hà Nội, yêu cầu không nêu tên, trả lời qua email, cho biết: Trước hết là không phải học, không tốn tiền và “giải quyết khâu oai” tốt hơn “làm tiến sĩ” theo “kiểu cũ”. Chưa kể “làm tiến sĩ” theo “kiểu cũ” đang gặp trục trặc.

Công chức này giải thích thêm rằng: Do có quá nhiều tai tiếng và bị chỉ trích kịch liệt, chuyện dựa vào hệ thống trường Đảng để lấy học vị “tiến sĩ” đang khiến nhiều công chức và đặc biệt là quan chức ngần ngại.

.

Chuyển tiền ra nước ngoài mua “tiến sĩ”?

Quả là “làm tiến sĩ” theo “kiểu cũ” có quá nhiếu tai tiếng. Hồi tháng 8 năm 2006, tại “Hội nghị Hiệu trưởng các đại học miền Trung và Tây Nguyên”, một số quan chức ngành giáo dục đã từng công khai thú nhận rằng, chính họ cũng xấu hổ, khi góp phần tạo ra những cá nhân có học vị “tiến sĩ” nhờ “nghiên cứu” những đề tài kiểu như: “tắm giặt trong quân đội”...

Thế nhưng “làm tiến sĩ” theo “kiểu mới”, giống như ông Nguyễn Ngọc Ân thủ đắc học vị “tiến sĩ kinh tế quản trị kinh doanh”, nhờ đề tài “Vấn đề di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế du lịch tỉnh Phú Thọ” thì liệu “nghiên cứu” đó có góp phần xây dựng “quốc thái, dân an” hay xa hơn là phục vụ cho sự no ấm của loài người?

.

Năm 2007, Việt Nam công bố một thống kê, theo đó, hơn 70% tiến sĩ của Việt Nam đang là công chức, còn số tiến sĩ làm công việc nghiên cứu và giảng dạy tại Việt Nam – vốn là những lĩnh vực hoạt động chính của đội ngũ tiến sĩ – lại chiếm tỷ lệ chưa đầy 30%.

Nhiều người cho rằng, vì tiến sĩ được xem như một thứ tiêu chí để cất nhắc, bổ nhiệm trong hệ thống chính trị, nên việc đào tạo tiến sĩ và những vấn đề có liên quan đến đội ngũ tiến sĩ tại Viêt Nam trở thành bi kịch. Bi kịch đó chưa có hồi kết!

.

Đầu tháng 11 năm 2006, ông Nguyễn Thiện Nhân, lúc đó là Bộ trưởng Gíao dục – Đào tạo tuyên bố trước Quốc hội Việt Nam rằng, Bộ Giáo dục – Đào tạo sẽ triển khai một chương trình đồng bộ để đến năm 2015, đào tạo xong 20.000 tiến sĩ, làm giảng viên nòng cốt cho 400 trường đại học và cao đẳng trên toàn Việt Nam.

Bất chấp những phân tích thiệt – hơn của trí thức đối với dự định này, cuối tháng 1 năm 2008, Bộ Giáo dục – Đào tạo vẫn trình Thủ tướng Việt Nam đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ. Tuy nhiên kế hoạch thực hiện được kéo dài thêm 5 năm so với dự định ban đầu. Nghĩa là đến năm 2020, kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sĩ mới hoàn tất, chứ không phải tới năm 2015 như ông Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố trước Quốc hội cách đó hai năm.

Tuy chưa thấy có thông tin nào cho biết, đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ đã được Thủ tướng Việt Nam phê duyệt, song trong nhiều tuyên bố có liên quan đến đề án này, các viên chức lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam cho thấy, họ vẫn đang thực hiện kế hoạch đào tạo 20.000 tiến sĩ. Chi phí cho việc đào tạo 20.000 tiến sĩ được loan báo là khoảng 700 triệu USD.

Giữa tháng trước, cùng với việc yêu cầu ngừng mở ngành ở bậc đại học, cao đẳng, Bộ Gíao dục – Đào tạo Việt Nam đột ngột ra lệnh ngừng đào tạo tiến sĩ ở 101 chuyên ngành.

Lúc ấy, trả lời báo điện tử VietNamNet, ông Ngô Kim Khôi, Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học giải thích, sở dĩ Bộ Gíao dục – Đào tạo Việt Nam đưa ra lệnh này là vì việc đào tạo tiến sĩ ở một số trường, không đáp ứng đủ điều kiện mà “Quy chế đào tạo tiến sĩ” đặt ra. Tuy nhiên cũng theo ông Khôi, Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam vẫn thực hiện đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ.

.

Khi đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ được trình Thủ tướng Việt nam hồi đầu năm 2008, Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam cho biết, trong 20.000 tiến sĩ, sẽ có khoảng 38% được đào tạo ở nước ngoài, khoảng 15% sẽ được đào tạo phối hợp giữa trong và ngoài, 47% còn lại sẽ được đào tạo trong nước.

Thế nhưng, giữa tháng trước, lúc được báo điện tử VietNamNet phỏng vấn về việc ra lệnh ngừng đào tạo tiến sĩ ở 101 chuyên ngành, ông Ngô Kim Khôi lại khẳng định: Việc đào tạo tiến sĩ tại nước ngoài không có gì thay đổi. Thậm chí có tín hiệu đáng mừng là số lượng gửi đi đào tạo tiến sĩ tại nước ngoài tăng lên trong năm 2009 và 2010. Theo chủ trương, số lượng tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài là 20.000.

Ông Ngô Kim Khôi có lầm lẫn hay Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam đã quyết định bỏ ý định đào tạo 47% trong số 20.000 tiến sĩ ở trong nước và ngưng phối hợp với nước ngoài để đào tạo 15% của 20.000 tiến sĩ theo phương thức trong - ngoài?

Trong năm ngoái và năm nay, những trường hợp như ông Nguyễn Ngọc Ân, có được xem như đã giúp tăng số lượng tiến sĩ được gửi đi đào tạo tại nước ngoài như tuyên bố của ông Ngô Kim Khôi?

Chỉ Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Nam mới có thể trả lời được những thắc mắc như thế.

.

Có lẽ nên nhắc qua rằng, tuy Mỹ vẫn được xem như một địa chỉ đáng tin cậy trong đào tạo, song tại Mỹ, có hai loại trường đại học, một đã được những cơ quan có thẩm quyền hoặc tổ chức có uy tín kiểm định về chất lượng đào tạo và một chỉ được coi như những “xưởng sản xuất bằng cấp”.

Những “xưởng sản xuất bằng cấp” ấy, có thể được phép hoạt động vì hội đủ các yêu cầu trong việc thành lập (cơ sở vật chất, nộp đủ thuế,…), theo quy định của từng tiểu bang nhưng không đạt tiêu chuẩn kiểm định nên chất lượng đào tạo không được công nhận.

Cũng vì vậy, sự kiện ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch của tỉnh Phú Thọ, “du học” qua một cơ quan thuộc Bộ Tài chính giới thiệu, được một đại học không đạt kiểm định chất lượng đào tạo ở Mỹ cấp văn bằng tiến sĩ, dù không thể nghe – nói – đọc – viết tiếng Anh, song công quỹ vẫn đài thọ chi phí “làm tiến sĩ”, Ban Tổ chức Tỉnh ủy vẫn công nhận là bằng thật,… hoàn toàn không phải chuyện riêng của ông Ân.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: