Wednesday, June 30, 2010

NHỮNG CỔ ĐỘNG VIÊN BÍ MẬT BẮC HÀN TRONG WORLD CUP

Những c đng viên bí mt ca Bc Triu Tiên trong gii Bóng đá Thế gii

Nguồn: Suki Kim, Newsweek

Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ

http://www.x-cafevn.org/node/588

Với trận thua thứ ba của đội Bắc Triều Tiên – thi đấu với Bờ Biển Ngà - tại giải World Cup ngày hôm nay, đội tuyển và một nhúm những cổ động viên của họ sẽ khăn gói lên đường trở về nước. Người dân Bắc Triều Tiên không được phép rời khỏi đất nước mình và một cuộc thi đấu bóng đá quốc tế- vốn là một thứ xa xỉ cho những du khách nước ngoài ở đây - quả là một lãng phí điên loạn cho một dân tộc đang đau khổ từ nạn đói hoành hành. Vậy thì, nhúm người Bắc Triều Tiên ít ỏi được đến Nam Phi để xem đá bóng này là ai?

Tại trận thi đấu giữa CHDCND Triều Tiên và Bồ Đào Nha ở Cape Town đầu tuần trước, tôi, một người Mỹ gốc Nam Hàn, đã ngồi giữa 70 người cổ động viên lẻ loi của đội Bắc Triều Tiên. Trong một sân vận động chật ních người với sức chứa của 63.644 người hâm mộ, hầu như không một ai cổ võ cho Bắc Triều Tiên trừ một số ít những người Âu Châu phất cờ lưu niệm của CHDCND Triều Tiên để tạo sự chú ý của các máy thu hình. Dưới cơn mưa xối xả xối của mùa đông Nam Phi, đội Bắc Triều Tiên - lần đầu tiên trở lại với Giải Bóng Đá Thế Giới sau 44 năm trước đây, đã bị loại khỏi giải bằng tỉ số 7-0 của Bồ Đào Nha, quốc gia từng đánh bại họ trước đây.

Không phải trận thi đấu mà chính những khuôn mặt vô hồn của những cổ động viên Bắc Triều Tiên xung quanh tôi, tất cả đều là nam giới này đã ám ảnh tôi. Mặc áo và đội nón màu đỏ, ở khoảng tuổi 40 đến 50, (chắc họ sẽ không cho tôi biết chính xác tuổi của mình) tất cả cùng khoác một khuôn mặt xanh xao và u tối. Ngồi cách họ một vài chỗ là hai người đàn ông trẻ hơn với làn da khỏe mạnh trông ra dáng những người giám thị họ. Họ không trả lời các câu hỏi của tôi, nhưng đây đúng là phong cách của những kẻ trông nom trong các chuyến đi của tôi đến Bắc Triều Tiên, và họ ra lệnh cho những người cổ động viên phải ngồi ở chỗ nào. Bao quanh bởi những cổ động viên Bồ Đào Nha phục sức xanh vàng rực rỡ hồ hởi thổi còi, nhóm người này, vẫy vẫy qua loa cho có lệ những lá cờ thu nhỏ trong dáng điệu cứng nhắc như những người lính- trông kỳ cục lạc lõng như lẽ ra họ nên ở chỗ nào khác.

Mặc dù nguồn tin của tôi cho tôi biết rằng nhóm người này gồm các công nhân mỏ đồng nhập cư đã đến đây từ Namibia trên một chuyến xe buýt dài 24 giờ đường, nhưng ba người mà tôi nói chuyện trong nửa giờ nghỉ giữa hai hiệp lại tuyên bố rằng họ đến từ Bình Nhưỡng qua ngả Bắc Kinh. Một người nói rằng đội tuyển của mình chắc chắn sẽ tiếp tục vào vòng tiếp theo với sự dẫn dắt của người "Vị tướng Vĩ đại" Kim Jong-il của mình. Một người khẳng định rằng nếu như hai miền Nam Bắc đến đây bằng một đội tuyển (thống nhất) sẽ không có đội bóng nào trên thế giới có thể đánh bại họ. Thống nhất, anh ta nói, là chìa khóa, và chúng tôi, người Triều Tiên, tất cả phải đều hy vọng cho sự thống nhất. Tôi đã cố gắng để nói chuyện với họ nhiều hơn nữa, nhưng họ lảng đi.

Từng đến thăm Bình Nhưỡng nhiều lần trong quá khứ, tôi hiểu rằng nói chuyện với những người như thế này chẳng ích lợi gì. Họ sẽ không trả lời bất cứ điều gì lệch khỏi kịch bản liên quan đến sự thống nhất cùng vị lãnh đạo vĩ đại của họ, và sau khi phán những câu nhận định có tính bùa phép của mình, họ cũng không hề phản ứng gì với cái nhìn soi xét của tôi. Ở Cape Town, cách Bình Nhưỡng rất xa- tôi hy vọng sẽ có được một phút sơ hở để một người nào trong bọn họ sẽ nói lên được một điều, điều gì cũng được, để giúp tôi dò hiểu được cái thế giới kỳ dị mà họ đến. Nhưng khi Bồ Đào Nha không ngừng làm bàn, 70 cổ động viên Bắc Triều Tiên này càng trở nên nghiêm nghị, ít nói hơn.

Rất khó mà diễn tả cái cảm giác không thoải mái mà tôi cảm thấy vào lúc đó. Từng sống ở Mỹ lâu hơn ở Seoul, tôi không đặt bản thân mình vào một tinh thần ái quốc cụ thể nào. Tôi đã buồn đau khi thấy niềm cảm hứng của các vận động viên bị chà đạp dã man, nhưng điều khiến tôi buồn hơn chính là niềm hiểu biết rằng giờ khắc tự do ngắn ngủi của các cầu thủ và những người cổ động viên này (dù họ đến từ Namibia hay Bình Nhưỡng) giờ đây sẽ kết thúc. Và bất cứ điều gì đang đợi họ ở quê nhà đủ đáng sợ đến nỗi họ sẽ thậm chí không dám thì thầm một tiếng nào về chúng.

Một trong những khẩu hiệu lập đi lập lại của World Cup là "thời điểm cho tình anh em" nhưng nếu một quốc gia đã trở nên quá ung rữa trong sự cô lập của mình đến độ chính phủ của họ đã quên đến cả việc làm thế nào để được là một phần của thế giới và người dân của họ không bao giờ được phép giao tiếp với những người khác ở thế giới bên ngoài, ngay cả những người tham dự giản dị của một trận đấu bóng đá thì làm thế nào? Chắc chắn điều đó sẽ là câu hỏi mà những người Bắc Triều Tiên câm lặng này đã gợi lên ở Nam Phi năm nay.

.

.

.

No comments: