Monday, June 28, 2010

ĐƠN KIỆN NHÀ CẦM QUYỀN CỘNG SẢN VIỆT NAM

Đơn kiện nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam

Thiện Ý
Đăng ngày 28/06/2010 lúc 01:27:03 EDT

http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4893

Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chắc quý độc giả đã biết, ngày 8 tháng 6 năm 2010 vừa qua, một tù nhân lương tâm là Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý đã gửi “Đơn kiện số 1” đến Tòa án Nhân quyền của Liên Hiếp Quốc có trụ sở ở Thụy Sĩ, để kiện Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam (NCQ CSVN). Nội dung đơn kiện gồm 3 phần chính:

- Một là tiến trình Linh mục Nguyễn Văn Lý bị NCQ CSVN giam cầm tất cả 4 lần, tổng cộng 17 năm tù giam, 14 năm quản chế trong 7 lần. (Yếu tố cấu thành tội phạm).
- Hai là các văn kiện pháp luật và các sự kiện lịch sử làm căn cứ khởi kiện. (Luật pháp quốc tế và quốc nội qui kết).
- Ba là mục tiêu khởi kiện nhằm thành đạt mục đích gì. (Thỉnh cầu).

.

Tù nhân lương tâm Linh mục Nguyễn Văn Lý

http://www.thongluan.org/vn/images/NguyenVanLy.jpg

.

Trước hết trong tiến trình bị bắt bất công 4 lần, Linh mục Nguyễn Văn Lý đã trình bày chi tiết các lần bị bắt, bị đối xử tàn tệ và bị giam cầm tổng cộng 17 năm trong nhà tù khắc nghiệt của chế độ, đã đưa đến tác hại đến thể xác và tinh thần của nguyên cáo ra sao. Tất cả sự bắt bớ, giam cầm, đối xử tàn tệ này của NCQ CSVN, trước sau chỉ vì những hoạt động đấu tranh ôn hòa của nguyên cáo Nguyễn Văn Lý, cho các Quyền Tự do, Dân chủ, Nhân quyền phù hợp với qui định trong Luật pháp Quốc tế mà chính NCQ CSVN cũng đã ký kết và cam kết thi hành. Chính vì vậy mà nguyên cáo Linh mục Nguyễn Văn Lý, đã kiện bị cáo là NCQ CSVN trước Cơ quan Tài phán Quốc tế, căn cứ trên các văn kiện pháp lý quốc tế và quốc nội có hiệu lực thi hành sau đây:

1/ Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân sự và Chính trị của Liên Hiệp Quốc ngày 16-12-1966, và NCQ CSVN đã xin tham gia ngày 24-9-1982.
- Điều 19, khoản 2: “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.
- Điều 22, khoản 1: “Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.”

2/ Tuyên ngôn Quốc tế Bảo vệ những Người Đấu tranh cho Nhân quyền ngày 9 -12-1998;
- Điều 5: Qui định “Nhằm thăng tiến và bảo vệ quyền con người và các tự do căn bản, mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền trên bình diện quốc gia hay quốc tế:
a) Hội họp và tụ họp một cách thuần hòa;
b) Thành lập những tổ chức, những hội đoàn hay những nhóm phi chính phủ, gia nhập và tham dự vào những tổ chức, những hội đoàn, những nhóm phi chính phủ ấy.
- Điều 7: Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền dự kiến những nguyên tắc mới và những ý kiến trong lĩnh vực nhân quyền, thảo luận về nhân quyền và làm thăng tiến sự hiểu biết về nhân quyền.
- Điều 8,1: Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác và trên căn bản không phân biệt đối xử, đều có quyền tham gia hữu hiệu vào chính quyền nước họ và vào việc quản lý việc công.
- Điều 8,2: Nhất là quyền này bao hàm quyền, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đệ trình các cơ quan và các thiết chế quốc gia, cũng như các cơ cấu đảm lãnh việc công, những phê phán và những đề nghị nhằm cải thiện sự tiến hành các cơ quan này và báo hiệu về mọi mặt công tác của họ có nguy cơ gây trở ngại hay ngăn cản sự thăng tiến, bảo vệ và thực hiện nhân quyền cùng các tự do căn bản.
- Điều 12,1: Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác đều có quyền tham gia các hoạt động hòa bình để đấu tranh chống mọi vi phạm nhân quyền và các tự do căn bản.

3/ Luật ký kết, tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế do NCQ CSVN ban hành ngày 24-6-2005 và có hiệu lực thi hành ngày 1-1-2006. Trong luật quốc nội này, còn quy định rõ nguyên tắc hiệu lực luật quốc tế cao hơn luật quốc nội, rằng khi có điều nào trong Luật pháp của một Nước thành viên Liên hiệp quốc khác với hoặc mâu thuẫn với Công ước Quốc tế, thì phải áp dụng Công ước Quốc tế là Văn bản pháp lý có gí trị ràng buộc cao hơn.
- 6,1: Trong trường hợp Văn bản Qui phạm Pháp luật trong Nước và Điều ước Quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có qui định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng qui định của Điều ước Quốc tế.
- 6,2: Việc ban hành Văn bản Qui phạm Pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thi hành Điều ước Quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có qui định về cùng một vấn đề.

Đồng thời, để hỗ trợ cho căn bản pháp lý khởi kiện vừa nêu, nguyên cáo Nguyễn Văn Lý còn đưa ra những sự kiện thực tiễn lịch sử để so sánh hoạt động tranh đấu của nguyên cáo với hành động tương tự về tính chất của một số nhân vât lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam, nhưng đều không bị Nhà cầm quyền đương thời bắt bớ, giam cầm và đối xử tàn tệ như NCQ CSVN đối xử với nguyên cáo và những nhà đấu tranh cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền Việt Nam ngày nay.

Đó là trường hợp Karl Marx khi viết và công bố Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản ở Luân Đôn Anh quốc, Nguyễn Ái Quốc tức các nhà ái quốc Việt Nam như Cụ Phan Chu Trinh, Luật sư Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Hồ Chí Minh, v.v. đã viết sách, báo chống lại chế độ thực dân Pháp ngay tại thủ đô Paris, không hề bị bắt. Người Việt làm báo chống Thực dân Pháp ngay tại Việt Nam như Cụ Huỳnh Thúc Kháng xuất bản báo “Tiếng Dân” ngay tại Huế năm 1927; Ông Nguyễn An Ninh xuất bản báo La cloche fêlée (Tiếng chuông rè, Tiếng chuông rạn) ở Sài Gòn năm 1923 đều không bị Thực dân Pháp bắt vì dám làm báo chống lại Pháp. Nhất là thời đó, riêng tại Nam Kỳ, Việt Nam, các đảng viên Cộng sản, nếu đấu tranh bất bạo động, dù công khai, vẫn không bị bắt.

Dựa trên căn bản pháp luật và thực tiễn lịch sử trên đây, nguyên cáo Linh mục Nguyễn Văn Lý đã đòi bị cáo là NCQ CSVN phải trả lại tất cả những gì thuộc sở hữu cá nhân mà Công an Cộng sản đã tịch thu những lần khám xét trú sở và bắt cầm tù nguyên cáo, bồi thường mọi thiệt hại vật chất, sức khỏe, tinh thần đã gây ra cho nguyên cáo.v.v.

.

Cách thế “đối xử” Lm Nguyễn Văn Lý của Toà án CSVN

http://www.thongluan.org/vn/images/NguyenVanLy1.jpg

.

Lm Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng tại phiên toà ngày 30/03/2007

http://www.thongluan.org/vn/images/NguyenVanLy2.jpg

.

Nhận định nội dung đơn kiện số 01 của người tù lương tâm Linh mục Nguyễn Văn Lý, người ta thấy đã nêu lên được những yếu tố cấu thành tội phạm theo các điều khoản qui định của các Công ước Quốc tế được coi là Luật pháp Quốc tế và vi phạm Luật Quốc nội của chính NCQ CSVN ban hành liên quan đến việc thi hành Luật pháp Quốc tế, khi bắt bớ giam cầm nguyên cáo Nguyễn Văn Lý chỉ vì các hành vi đấu tranh cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền phù hợp với Luật pháp Quốc tế và Quốc nội. Công luận quốc dân Việt Nam ở hải ngoại cũng như trong nước hy vọng rằng, nếu Cơ quan Tài phán Quốc tế chấp nhận đơn kiện, tiến hành xét xử, nguyên cáo Linh mục Nguyễn Văn Lý có nhiều yếu tố và cơ hội thắng kiện. Nhưng để thắng kiện, nguyên cáo Linh mục Nguyễn Văn Lý cần sự trợ giúp thiện nguyện của các Luật sư Việt Nam tài giỏi thông thạo Công pháp và Tư pháp Quốc tế ở hải ngoại cũng như trong nước. Quý vị Luật sư tài giỏi của Việt Nam nghĩ sao? Liệu quý vị có thể qui tụ thành một Tổ hợp Luật sư để nhiệm cách miễn phí cho nguyên cáo Linh mục Nguyễn Văn Lý trước tòa án có thẩm quyền hay không?

Tuy nhiên niềm hy vọng Tòa án Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc có trụ sở ở Thụy Sĩ thụ lý vụ này đã khó, nếu vượt qua được, thì bản án nếu được tuyên phạt bị cáo là NCQ CSVN cũng khó thi hành trên thực tế, khi chính Tòa Án Quốc tế cũng chưa có phương thức thi hành án hữu hiệu, trong bối cảnh ĐCSVN vẫn độc quyền thống trị độc tài, độc tôn và độc quyền như hiện nay. Tất nhiên, dù được xét hay không và có thắng kiện hay không thì đơn kiện số 01 của người tù lương tâm Linh mục Nguyễn Văn Lý đã có tác dụng tức thời như bản cáo trạng số 01 mở đầu cho nhiều bản cáo trạng khác sau này về tội ác của nhà cầm quyền cộng sản hiện nay đối với các nhà bất đồng chính kiến đã và đang đấu tranh ôn hòa cho nhân quyền và dân quyền căn bản của mọi tầng lớp nhân dân trong nước.

Thiện Ý
Houston, ngày 21/6/2010

---------------------------------------

Phụ chú
.

Xin ghi lại chính lời của Lm Nguyễn Văn Lý:

Thực ra, tôi chắc chắn thắng kiện không cốt ở chỗ có Tòa án Nhân Quyền của LHQ xử thắng hay không. Vì hiện nay, rất tiếc, chưa có Tòa án Nhân quyền của LHQ, mà mới chỉ có các Tòa án Nhân quyền của các Tổ chức Nhân quyền Quốc tế và Tòa án Tội ác Chiến tranh, hoặc Tội ác Chống Loài người (The International Criminal Court) và Tòa án Công lý của LHQ (The International Court of Justice, chưa xét xử các loại tội vi phạm nhân quyền của các Nhà nước). Mục tiêu cốt yếu tôi nhắm là Bản Cáo trạng số 1 này chắc chắn được đón nhận cách thuyết phục trong công luận quốc tế rằng NCQ CSVN đã vi phạm Công pháp Quốc tế, còn tôi lại là người đã hành động hợp pháp, đã và đang có quyền lên án và kết án NCQ CSVN. Phải cần hàng trăm, hàng ngàn người dân Việt Nam kiện tụng như thế, để LHQ nhận thức được tình trạng bức thiết mà sớm thiết lập loại Tòa án xét xử các tội vi phạm nhân quyền tương tự, điều mà hiện nay Tòa án Công lý LHQ mới chỉ biết khuyến cáo, nhắc nhở các nhà cầm quyền vi phạm, mà chưa thể kết tội thành bản án ràng buộc pháp lý chặt chẽ được. Trong khi đó, các Tòa án Nhân quyền của các Tổ chức Nhân quyền Quốc tế hoặc của các nước thì chưa thể xét xử một nhà cầm quyền đang tại chức, dù nhà cầm quyền ấy độc tài và tàn bạo đến đâu đi nữa. Vì thế, các loại Tòa án này mới chỉ biết đơn phương lên án và kết án, chưa thể có biện pháp chế tài nghiêm minh hiệu quả. Tuy nhiên, các Tổ chức này có thể khuyến cáo các Chính phủ và các Tổ chức Phi chính phủ phải có những hành động chế tài thích hợp. Ít ra, đây là điều các Chiến sĩ Dân chủ Hòa bình chúng tôi đang mong đợi.

Phụ Lục:

.

ĐƠN KIỆN SỐ 01
của Linh mục tù nhân lương tâm Tađêô Nguyễn Văn Lý

KIỆN NHÀ CẦM QUYỀN CỘNG SẢN VIỆT NAM

về việc Nhà cầm quyền CSVN đã bắt giam trái công luật quốc tế lần thứ 4
từ ngày 18-2-2007 đến thời hạn không rõ ràng

Huế, Việt Nam, ngày 08 tháng 6 năm 2010

Kính gửi:

- Tòa án Nhân quyền của Liên hiệp quốc, Thụy Sĩ.
- Các Tổ chức Nhân quyền quốc tế.

Đồng kính gửi:

– Ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam.
- Ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nước CHXHCN Việt Nam.

Kính thưa quí vị,

Tôi là tù nhân lương tâm Tađêô Nguyễn Văn Lý, Linh mục thuộc Tổng giáo phận Huế, Giáo hội Công giáo Rôma, đang bị quản chế và điều trị bệnh tại Nhà Hưu dưỡng Nhà Chung Tổng Giáo phận Huế, 69 Phan Đình Phùng, Huế, Việt Nam, muốn trình bày với quí vị các khiếu kiện sau đây:

.

I. Tiến trình chịu bất công: 4 lần, 17 năm tù giam và 7 lần, 14 năm quản chế


1/- Ngày 18.8.1977 tôi bị NCQ CSVN bắt giam tại trại tạm giam Thừa Phủ, Huế (18.8.1977 – 24.12.1977). Lý do là tôi phổ biến 2 bài phát biểu của Đức cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền rằng Việt Nam chưa có Tự do Tôn giáo thực sự, trong 2 Hội nghị do chính NCQ CSVN tổ chức năm 1977. Sau đó tôi bị quản chế ở Nhà chung Tổng giáo phận Huế gần 01 năm (1977-1978) và tại giáo xứ Đốc Sơ, Hương Sơ, Huế 2 năm (1981-1983).

2/- Cuối năm 1983 tôi bị NCQ CSVN kết án 10 năm tù, 3 năm quản chế và bắt giam tại trại tạm giam Thừa Phủ, Huế; 2 trại cải tạo K1, Thanh Cẩm, Thanh Hóa, và K1 Nam Hà, Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam (18.5.1983 – 29.7.1992); cướp đoạt của tôi 4 thùng sách quí, một số máy ghi âm và phát thanh mà không có một biên bản nào. Lý do là ngày 13.8.1981, tôi đã hướng dẫn giáo hữu đứng bên lề đường nguyện kinh 4 lần, khi chúng tôi đi hành hương kính Đức Mẹ La Vang, nhưng bị Công an CSVN ngăn chặn, để khai thông tuyến giao thông cho các giáo hữu hành hương dịp Lễ Đức Mẹ Về Trời 15.8.1981. Sau đó, tôi bị quản chế ở Nhà chung Tổng giáo phận Huế 3 năm (1992-1995) và bị quản chế ở Nhà thờ Nguyệt Biều, Huế hơn 5 năm (1995-2001) vì đã viết bản Tuyên ngôn về thực trạng Giáo hội Công giáo Giáo phận Huế ngày 24.11.1994.

3/- Cuối năm 2001, tôi bị NCQ CSVN kết án 15 năm tù, 5 năm quản chế và bắt giam trại tạm giam Thừa Phủ, Huế; trại giam K1 Nam Hà, Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam (18.5.2001 -07.2.2005); cướp đoạt của tôi một số sách quí cũng không để lại một biên bản nào. Lý do là từ ngày 12-2-2001 đến ngày 17.5.2001, tôi đã hướng dẫn giáo hữu An Truyền, Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế hiểu biết đôi chút về Tự do Tôn giáo, Tự do Ngôn luận, Tự do Ứng cử – Bầu cử, về Chính trị Công dân (bênh vực công lý, nhân quyền, nhân phẩm) khác với Chính trị Đảng phái (giành quyền quản lý và lãnh đạo đất nước) như thế nào. Sau đó, tôi bị quản chế ở Nhà chung Tổng giáo phận Huế 2 năm (2005-2007) và bị quản chế ở Nhà thờ Bến Củi, Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên-Huế hơn 1 tháng (25.2.2007 – 29.3.2007).

4/- Ngày 30.3.2007, tôi bị NCQ CSVN kết án 8 năm tù, 5 năm quản chế và bắt giam trại tạm giam Thừa Phủ, Huế; trại giam K1 Nam Hà, Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam. (29.3.2007 – 15.3.2010); cướp đoạt của tôi rất nhiều sách báo, tài liệu và máy móc (mà lần này tôi đang đòi lại như sẽ trình bày ở mục III.A.1.a, 1.b, 1.c, 2.a, 2.b, 2.c, 2.d. dưới đây). Lý do là từ ngày 07.02.2005 đến ngày 18.2.2007, tôi đã phổ biến các tài liệu phơi bày sự thật về Ông Hồ Chí Minh và các tài liệu về công lý, dân chủ, nhân quyền; biên soạn và phát hành bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận; đồng thành lập Khối 8406 với
Tuyên ngôn Tự do Dân chủ cho Việt Nam ngày 8.4.2006; ủng hộ và giới thiệu đảng Thăng Tiến Việt Nam.

Vì tôi bị rối loạn huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não 3 lần (25.5.2009; 12.7.2009; 13.11.2009), lần thứ 3, NCQ CSVN đưa tôi lên Hà Nội cấp cứu và ngày 15.3.2010 tạm đình chỉ thi hành án 12 tháng, đưa tôi về điều trị bệnh liệt nửa người bên phải do tai biến rối loạn huyết áp, tại Nhà hưu dưỡng Nhà Chung Tổng giáo phận Huế, 69 Phan Đình Phùng, Huế, Việt Nam.

Dưới chế độ CSVN, từ năm 1977 đến nay, tôi đã ở tù 4 lần, 17 năm; bị quản chế 7 lần, 14 năm. Theo pháp luật của NCQ CSVN, tôi vẫn còn phải ở tù 5 năm và bị quản chế thêm 5 năm nữa.

Sau 3 lần ở tù và 6 lần bị quản chế trước đây, tôi đã phớt lờ các bất công tôi phải gánh chịu, để dành thời giờ cho Sự nghiệp đấu tranh cho công lý, nhân quyền, tự do dân chủ cho Đồng bào Việt Nam. Nhưng lần này, tôi kính nhờ quí vị làm sáng tỏ các bất công tôi phải gánh chịu, để góp phần ngăn chặn NCQ CSVN tiếp tục đàn áp các Chiến sĩ Dân chủ Hòa bình đang trực diện đấu tranh cho Công lý, Sự thật, Tự do, Dân chủ cho toàn Dân tộc Việt Nam.

.

II. Các cơ sở pháp luật để khởi kiện


A. Căn cứ vào công pháp quốc tế

1. Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hiệp quốc ngày 16.12.1966, Việt Nam xin tham gia ngày 24.9.1982 qui định:

- Điều 19.2: Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.

- Điều 22,1: Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.

2. Tuyên ngôn Quốc tế bảo vệ những người đấu tranh cho nhân quyền ngày 09.12.1998:

- Điều 5:
Nhằm thăng tiến và bảo vệ quyền con người và các tự do căn bản, mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền trên bình diện quốc gia hay quốc tế:

a) Hội họp và tụ họp một cách thuần hòa;

b) Thành lập những tổ chức, những hội đoàn hay những nhóm phi chính phủ, gia nhập và tham dự vào những tổ chức, những hội đoàn, những nhóm phi chính phủ ấy.


- Điều 7: Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đều có quyền dự kiến những nguyên tắc mới và những ý kiến trong lĩnh vực nhân quyền, thảo luận về nhân quyền và làm thăng tiến sự hiểu biết về nhân quyền.

- Điều 8.1: Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác và trên căn bản không phân biệt đối xử, đều có quyền tham gia hữu hiệu vào chính quyền nước họ và vào việc quản lý việc công.

- Điều 8.2: Nhất là quyền này bao hàm quyền, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác, đệ trình các cơ quan và các thiết chế quốc gia, cũng như các cơ cấu đảm lãnh việc công, những phê phán và những đề nghị nhằm cải thiện sự tiến hành các cơ quan này và báo hiệu về mọi mặt công tác của họ có nguy cơ gây trở ngại hay ngăn cản sự thăng tiến, bảo vệ và thực hiện nhân quyền cùng các tự do căn bản.

- Điều 12.1: Mỗi người, tự cá nhân mình hay liên hợp với những người khác đều có quyền tham gia các hoạt động hòa bình để đấu tranh chống mọi vi phạm nhân quyền và các tự do căn bản.

3. Luật Ký kết, Tham gia và Thực hiện Điều ước Quốc tế, do nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành ngày 24.6.2005, hiệu lực ngày 01.01.2006, qui định tại “Điều 6 điều ước quốc tế và qui định pháp luật trong nước”:

- 6.1: Trong trường hợp văn bản qui phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có qui định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng qui định của điều ước quốc tế.

- 6.2: Việc ban hành văn bản qui phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thi hành điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có qui định về cùng một vấn đề.

Nghĩa là mọi người lương thiện đều hiểu rất rõ về 2 điều luật trên đây rằng: Khi có điều nào trong Luật pháp của một Nước thành viên Liên hiệp quốc khác với hoặc mâu thuẫn với Công ước Quốc tế, thì phải áp dụng Công ước Quốc tế là Văn bản pháp lý có gí trị ràng buộc cao hơn.

B. Căn cứ vào nhân chứng lịch sử:

1. Karl Marx: Cách đây # 170 năm, Ông Karl Marx viết bộ Tư Bản Luận, Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản tại thủ đô London, đế quốc Anh, không hề bị bắt.

2. Nhóm Nguyễn Ái Quốc: Cách đây # 100 năm, nhóm Nguyễn Ái Quốc gồm nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Luật sư Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Hoàng Quang Giụ, Hoàng Quang Bích, Văn Thu, Nguyễn Như Phong, Nguyễn Văn Tự, Nguyễn Tất Thành viết sách, báo chống lại chế độ thực dân Pháp ngay tại thủ đô Paris, không hề bị bắt.

3. Người Việt làm báo chống Thực dân Pháp ngay tại Việt Nam: Cách đây # 90 năm, cụ Huỳnh Thúc Kháng xuất bản báo Tiếng Dân ngay tại Huế năm 1927; Ông Nguyễn An Ninh xuất bản báo La cloche fêlée (Tiếng chuông rè, Tiếng chuông rạn) ở Sài Gòn năm 1923. Cả 2 ông đều không bị Thực dân Pháp bắt vì dám làm báo chống lại Pháp. Thời đó, riêng tại Nam Kỳ, Việt Nam, các đảng viên cộng sản, nếu đấu tranh bất bạo động, dù công khai, vẫn không bị bắt.

Cho đến hôm nay, trong cả 4 lần tôi bị bắt, bị kết án, bị nhốt tù 17 năm và trong 7 lần bị quản chế 14 năm, 5 năm tù giam và 5 năm quản chế còn tạm đình chỉ thi hành, tôi đều hoàn toàn vô tội, vì tôi luôn chỉ làm những gì Công luật quốc tế cho phép mà Pháp luật NCQ CSVN phải áp dụng, nếu NCQ CSVN muốn còn là thành viên của Liên hiệp quốc. Trái lại, khi bắt giam, kết tội, quản chế tôi và chiếm đoạt các vật dụng của tôi, chính NCQ CSVN đã ngang nhiên vi phạm nghiêm trọng các Công ước quốc tế mà NCQ CSVN đã xin tham gia, ký kết và hứa sẽ thực hiện, nhưng không hề tuân giữ trong suốt 65 năm qua.

Vì thế, tôi kính nhờ quí vị giúp tôi sao cho thật hiệu quả trong việc đòi buộc NCQ CSVN phải nghiêm túc chấp hành thực hiện:

.

III. Mục tiêu khởi kiện Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam


A. Yêu cầu Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam trả lại tôi:

1. Tu phục, Chuỗi kinh và kính mắt tôi đang mang trên người:

1.a. Một chiếc áo linh mục đen dài tôi đang mặc: Chiều 29.3.2007, một sĩ quan công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đến Phòng Thánh Nhà thờ Bến Củi mời tôi ra trụ sở thôn Bến Củi làm việc, tôi vừa mở cửa phòng tức khắc một lực lượng công an vũ trang hơn 30 người tràn vào phòng tôi, lấy một tấm vải lớn màu xanh da trời trùm tôi lại và ôm tôi nhét vào xe công an như một bao tải, chở ngay về trại tạm giam Thừa Phủ, Huế. Tại đây, họ lột áo linh mục, tước đoạt một tràng chuỗi Mân Côi và một cái kính viễn thị đeo mắt.

1.b. Một tràng chuỗi Mân Côi nói trên tôi dùng để nguyện kinh.

1.c. Một cái kính viễn thị đeo mắt nói trên tôi dùng để đọc sách báo.

2. Các vật dụng tôi đang sử dụng để phục vụ cho Công lý, Nhân quyền:

2.a. 6 máy Personal Computers (Laptops) hiệu HP, TOSHIBA, ACER mà # 20 Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cướp đoạt của tôi tại phòng số 5, khu nhà Hưu dưỡng thuộc Nhà Chung Tổng Giáo phận Huế tối 18-2-2007, có Linh mục An-tôn Nguyễn Văn Thăng, Thư ký Tòa TGM Huế chứng kiến và cùng ký tên vào biên bản.

2.b. 6 máy in Laser hiệu CANON trong trường hợp như trên.

2.c. 6 điện thoại di động hiệu NOKIA, SAMSUNG, MOTOROLA và # 120 Sim cards trong trường hợp như trên.

2.d. Gần 200 sách, báo, bài viết (mỗi loại hàng chục bản) về Công lý, Nhân quyền, Dân chủ, Tự do, Bầu cử, sự thật về Ông Hồ Chí Minh và về đảng CSVN trong trường hợp nói trên. Khi cướp đoạt và mang đi, các Công an đã đựng số tài liệu này trong 6 thùng giấy lớn.

B. Yêu cầu Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải bồi thường:

1. Các thiệt hại vật chất:

1.a. Tất cả các vật dụng cá nhân của tôi đã nêu ở các tiểu mục 2.a, 2.b, 2.c, 2.d của mục III.A.2. trên đây.

1.b. Nếu các thiết bị và máy móc đó đã bị hư hỏng thì NCQ CSVN phải bồi hoàn cho tôi 200 triệu VNĐ theo thời giá hiện nay (2010).

1.c. Riêng các vật dụng ở các tiểu mục 1.a, 1.b, 1.c, 2d. của mục III.A.1.và 2. thì NCQ CSVN phải hoàn trả tôi đúng các vật dụng mà NCQ CSVN đã chiếm đoạt trái phép của tôi.

1.d. Về 3 năm ở tù biệt giam một mình, kèm theo bệnh rối loạn huyết áp phát sinh 4 lần (gần đây có thêm 1 lần vào tháng 5.2010) tai biến mạch máo não, làm tôi bị liệt nửa người bên phải, NCQ CSVN phải bồi thường cho tôi ít nhất là 10 tỉ VNĐ hiện hành.

2. Các thiệt hại tinh thần:

Chỉ cần một lời xin lỗi của Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, 01 (một) VNĐ danh dự; chấm dứt mọi hành động đàn áp, bắt bớ, tù đày tất cả các Chiến sĩ Hòa bình đang đấu tranh cho Công lý, Tự do, Dân chủ cho Việt Nam và trả tự do ngay, vô điều kiện, tất cả các Chiến sĩ Hòa bình đang bị giam cầm trong các trại giam của Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam.

Nguyện xin Thiên Chúa luôn chúc lành trên thiện tâm phục vụ công lý hòa bình cho Nhân loại của tất cả quí vị.

Xin trân trọng kính chào và chân thành cảm ơn tất cả quí vị.

Khởi kiện từ Nhà Hưu dưỡng Nhà Chung Tổng Giáo phận Huế
69 Phan Đình Phùng, Huế, Việt Nam
ngày 08 tháng 6 năm 2010
(đã ký tên và đóng dấu)
Tù nhân lương tâm Tađêô Nguyễn Văn Lý
Linh mục Công giáo Tổng Giáo phận Huế, Việt Nam

.

Bài liên quan:

• Phạm Hồng Sơn, “Một văn bản trong nhà tù Việt Nam cần được xoá bỏ”. Thông Luận, ngày 03/11/2006.

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments: