Monday, June 21, 2010

BÀN VỀ CHUYỆN BẰNG CẤP Ở VIỆT NAM

Nhân chuyện lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ mà không biết tiếng Anh, bàn về chuyện bằng cấp ở Việt Nam

Đ. Dũng

Thứ Hai, 21/06/2010

http://danluan.org/node/5470

Bằng cấp ở Việt Nam là một lá bùa cầu vinh hữu hiệu nhất. Bởi ở Việt Nam không có tiêu chí nào khác để đánh giá năng lực và hiệu quả làm việc của một công bộc. Nên người ta đánh giá dựa trên bằng cấp, bằng càng cao thì chắc chắn trình độ hiểu biết càng rộng, nếu là bằng của Mỹ thì chắc chắn là siêu nhiên rồi. Mà mục đích lấy bằng chỉ để kiếm cơ hội thăng tiến nên phải bằng cách nào đó có cái bằng nhanh nhất dù có tốn kém bao nhiêu.

Chuyện học giả bằng thật là mốt ở Việt Nam hiện nay. Câu chuyện rùm beng về trường Nam Thái Bình Dương tôi đã biết cách đây vài năm, tôi có một vài người quen đã tốt nghiệp và có bằng thạc sĩ, tiến sĩ của trường đó và giờ đã có chức vụ không riêng gì chuyện Bác giám đốc ở Phú Thọ đâu, nhưng đó là chuyện của Nam Thái Bình Dương, một trường mà bạn ko biết nó thế nào! Riêng ở VN hiện nay thì loại đào tạo này đầy rẫy thông qua các chương trình liên kết đào tạo, bạn sẽ thấy họ quảng cáo rùm beng rằng học ở VN lấy bằng Mỹ và được công nhận khắp thế giới! Và bạn cũng choáng ngợp với các điều kiện đầu vào nào là trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm và công tác lựa chọn bởi các giáo sư Mỹ đảm nhiệm... xin thưa đó chỉ là một trò bịp bợm không hơn không kém. Thực tế bạn chỉ cần nộp đủ tiền là được tiếp nhận học mà không cần xem bạn có đủ khả năng hay không. Ví dụ: chương trình MBA song ngữ liên kết đào tạo với ĐH Benedictine (Hoa Kỳ) của Trường Đại học Kinh tế - Đại học QGHN, tôi lấy ví dụ này vì ngôi trường ĐH này được UBTVQH đánh giá cao hơn cả ĐH London (theo Vietnamnet), phải nói rằng trường ĐHKT-ĐHQGHN là một những trường hăng hái nhất cái vụ liên kết, hợp tác quốc tế, mới thành lập mà đã có đến 5 hay 6 chương trình liên kết (Website: http://www.cite.edu.vn/program). Đầu vào yêu cầu: 1. Có một bằng đại học được công nhận tại Việt Nam 2. Có 2 năm kinh nghiệm (tính cả thời gian làm thêm trong quá trình đi học) 3. Vượt qua kỳ phỏng vấn với đại diện của trường Benedictine và trường ĐHKT, ĐHQGHN là như vậy nhưng thí sinh chỉ cần nộp tiền là được học với khoản học phí khổng lồ gần 200 triệu VND/khóa chưa tính các chi phí khác. Sau 18 tháng bạn sẽ có bằng Thạc sĩ trình độ quốc tế mà không đọc hay viết được một câu tiếng Anh đơn giản nào. Vậy cái này có phải là mua bằng không nhỉ? Này nhé, trong một lớp học có đến 2/3 học viên chỉ có bằng tốt nghiệp hệ Tại chức, không thể nói được bất kỳ một ngoại ngữ nào nhưng đa số là những người có chức sắc ít nhất là cấp trưởng phòng một tổng công ty hay tập đoàn nhà nước bởi với vị trí đó học mới có tiền để theo học một khóa với chi phí trên trời như thế và chính họ mới cần có cái bằng đó để hợp thức hóa cái vị trí của mình. Riêng giảng dạy, bạn đừng tin là có Giáo sư ở Mỹ thực thụ về dạy, mà chỉ toàn mấy chú được thuê theo kiểu chạy sô tại Việt Nam về dạy và tất nhiên có người phiên dịch ra tiếng Việt không thì cả lớp sẽ như vịt nghe sấm! Và vậy là đằng đẵng 18 tháng chúng tôi có bằng Thạc sĩ của Mỹ, kiến thức tiếp thu ở đâu nhỉ?

Có cầu thì phải có cung, chúng tôi cần tấm bằng hộ mệnh, những Giáo sư, tiến sĩ của trường thì cần tiền với lại họ đang thừa các tiến sĩ (tôi nghĩ thế) nên thành lập lớp để học, các bạn thử tính xem: một khóa khoảng 40 học viên x 200 triệu VND = 8 tỷ, mỗi năm tuyển sinh 2 đợt vào tháng 3 và tháng 9, một chương trình mỗi năm thu gần 16 ty VND, vậy 5 chương trình liên kết sẽ là: 80 tỷ VND. Một con số không nhỏ chút nào. Tại sao lại không mua bán chứ?

Vậy đấy, nói nhiều nói mãi giáo dục VN chỉ có vậy thôi, những người thực sự có tâm với giáo dục như Giáo sư Hoàng Tụy thì họ không bao giờ cho ngồi vào mâm bàn cãi được bởi làm sao mà họ có thể kiếm được doanh thu khổng lồ đó nếu tuyển sinh và đào tạo theo tiêu chí lấy chất lượng lên hàng đầu? Đó chỉ là một ví dụ trong vô vàn các chương trình liên kết đào tạo đẳng cấp quốc tế đang được rêu rao quảng cáo tại VN hiện nay, chúng ta không phải buồn hay bàn cãi gì về cái trường Nam Thái Bình Dương xa xôi nào đó mà hãy nhìn vào các trường tại Việt Nam, những ngôi trường uy tín được cả UBTVQH nêu đích danh đứng ở thứ hạng cao trên bảng xếp hạng của thế giới sẽ ngẫm ra nhiều thứ!

Buồn và mệt mỏi vô cùng các bạn ạ!

Đ. Dũng

.

.

Làm tiến sĩ ở Mỹ nhưng không biết tiếng Anh!

.

.

.

No comments: