Wednesday, June 30, 2010

ĐỜI SỐNG THỰC CỦA CÔNG NHÂN VIỆT NAM

Đời sống công nhân: Những con số xót lòng

Duy Nguyễn

29/06/2010 - 13:05

http://www.bayvut.com.au/nh%E1%BB%8Bp-s%E1%BB%91ng/%C4%91%E1%BB%9Di-s%E1%BB%91ng-c%C3%B4ng-nh%C3%A2n-nh%E1%BB%AFng-con-s%E1%BB%91-x%C3%B3t-l%C3%B2ng

Chuyện công nhân có đời sống vật chất lẫn tinh thần thiếu thốn là điều không mới và ai cũng biết. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu trong đó có Tiến sỹ Trần Thị Út, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không khỏi ngỡ ngàng, xót lòng với những con số điều tra được mới đây tại Bình Dương về mức sống hết sức tồi tệ của phần đông công nhân, những người mà theo bà Út đang đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Mỗi người ở…một mét vuông

Chiếc xe ô tô chạy chầm chậm dọc theo con đường trước Khu công nghiệp Sóng Thần (Dĩ An, Bình Dương), tiếng loa phát ra từ đó thông báo về phiên hội chợ sắp diễn ra có kèm theo chương trình ca nhạc buổi tối. Nhiều công nhân vừa tan ca nhanh nhảu chạy tới nhận tờ rơi. Đó là một dịp hiếm hoi để họ có thể xem biểu diễn văn nghệ với giá rẻ chấp nhận được, chỉ 5000 đồng/vé. Luyện, công nhân một công ty giày da tại đây, tỏ ra hơi tiếc nuối: “Tối nay em phải tăng ca, không đi được với mấy đứa bạn cùng phòng rồi!”. Luyện kể thường ngày chị chỉ biết “cắm đầu” làm việc, tăng ca liên tục, không có thời gian để nghĩ tới chuyện vui chơi giải trí. Mà có thời gian cũng chẳng biết chơi gì, thỉnh thoảng có ngày nghỉ cũng chỉ để... ngủ cho đã thôi. Phòng trọ thì trống hoác, không tivi, sách báo, lại có ít bạn bè, nên ngày nghỉ, với Luyện có khi còn buồn hơn đi làm. Nhiều bạn bè công nhân của Luyện cũng chung tình cảnh như vậy.

Đa phần công nhân ở đây đến từ các vùng quê nghèo trên cả nước, trẻ, thiếu kinh nghiệm làm việc, trình độ học vấn thấp. Họ nhận được đồng lương rất thấp trong điều kiện lao động vất vả, tăng ca dồn dập, không gian sống chật hẹp, thiếu vệ sinh. Họ thiếu trầm trọng các phương tiện vui chơi, giải trí, tiếp cận thông tin... Đó cũng là những kết quả của nghiên cứu bước đầu đề tài “Các giải pháp nâng cao đời sống văn hóa của người lao động trong các khu công nghiệp tập trung ở Bình Dương” do Sở Khoa học Công nghệ Bình Dương kết hợp với trường Đại học Bình Dương thực hiện, Tiến sỹ Trần Thị Út (Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh) làm chủ nhiệm đề tài. Thực ra chuyện công nhân có đời sống vật chất lẫn tinh thần thiếu thốn là điều không mới và ai cũng biết. Tuy nhiên Tiến sỹ Trần Thị Út, chủ nhiệm đề tài, nói rằng bà cùng các cộng sự trong nhóm nghiên cứu không khỏi ngỡ ngàng, xót lòng với những con số điều tra được về mức sống hết sức tồi tệ của phần đông công nhân, những người mà theo bà đang đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Tỉ lệ công nhân phải tăng ca 10-20 giờ/tuần chiếm đến 42% - 44%, khá nhiều công nhân phải tăng ca đến trên 30 giờ/tuần. Trong khi đó thù lao tăng ca rất thấp, chỉ khoảng trên 5000 đồng/giờ, dẫn đến tổng thu nhập trung bình sau tăng ca chỉ xấp xỉ 2 triệu đồng/tháng. Hiện mức lương căn bản phổ biến của công nhân chưa tính tăng ca ở các khu công nghiệp tại Bình Dương là 1-1,2 triệu/tháng.

“Khi các thành viên trong nhóm nghiên cứu chúng tôi tổng kết các số liệu thì hết sức ngỡ ngàng và nghi ngờ chính số liệu mình thu thập vì có nơi tính ra công nhân chỉ sống trong phòng trọ với diện tích… 1 m2/người. Nhưng đó là điều có thực, vì một căn phòng chỉ 6-7 m2 với vài cái giường tầng có đến 5-6 công nhân ở”, bà Út cho biết.

.

Ước mơ công nhân!

Cũng theo nghiên cứu này thì có đến hơn 60% công nhân không hề theo dõi báo đài, 75% công nhân không hề tham gia chơi thể thao trong ngày thường và 60% trong ngày cuối tuần. 30% người lao động được điều tra nói họ hầu như không tham gia thưởng thức văn nghệ ngay cả ngày cuối tuần, và trong ngày thường thì con số này lên đến trên 42%. Cách giải trí chủ yếu của công nhân trong ngày nghỉ là gặp bạn bè, mà chủ yếu là để… nhậu.

Tuy vậy khi được hỏi về mong muốn, ước muốn về các điều kiện để nâng cao đời sống tinh thần thì đa số công nhân lại tỏ ra không quan tâm. Có đến 77,5% trong số hàng nghìn công nhân được hỏi cho biết họ chẳng cần đến một sân bóng đá, 96% không cần sân bóng chuyền hay cầu lông và đến 98,5 nói không hề mong có một khu chơi bóng bàn. Hầu như tất các những gì công nhân mong muốn và mơ ước là được tăng lương, được… tăng ca để tăng thêm thu nhập trang trải cuộc sống quá khó khăn và đành dụm gửi về quê. Bữa ăn trưa được cải thiện cũng là điều mà các công nhân mong ước nhất. Giá trị bữa ăn công ty công bố là từ 5000- 15.000 đồng, nhưng thực tế chất lượng bữa ăn còn thấp hơn số đó nhiều, không đủ để tái tạo sức lao động. “Hụt hơi với chuyện ăn mặc, họ chưa nghĩ đến các nhu cầu vui chơi giải trí, nâng cao đời sống tinh thần, họ cần no bụng trước cái đã!”, bà Út nói.

.

Thay đổi

Theo Tiến sỹ Út thì trước khi đầu tư xây dựng một khu công nghiệp cần phải tính đến việc đảm bảo yêu cầu về chỗ ở cho người lao động. Thậm chí còn phải tính đến nhu cầu riêng, điều kiện của từng nhóm đối tượng. Ví dụ tại Philippines hay một số nước có điều kiện gần với Việt Nam, họ xây những khu trọ công nhân dành riêng cho người độc thân hay đã kết hôn. Trong khi có một thực tế là tại Bình Dương nhiều công ty có xây khu lưu trú cho công nhân với điều kiện khá tốt mà công nhân lại không ở vì không được tự do, họ lại cần sống với vợ con, anh em đang làm tại các công ty khác để chia sẻ khó khăn…

Bà Út cho rằng nhà nước không nên tư duy như 10 năm về trước, quy định mức lương căn bản thấp để thu hút đầu tư, mà nay đã đến lúc phải nâng mức lương lên đủ đảm bảo cuộc sống, tương xứng với sức lao động bỏ ra và đóng góp của họ cho xã hội. Nhóm nghiên cứu còn đề xuất một số giải pháp gửi đến chính quyền và lãnh đạo các công ty như xây cư xá cho công nhân, tạm thời kêu gọi tư nhân đầu tư nâng cấp phòng trọ, quản lý tình trạng phòng ốc, đầu tư xây nhà giá thấp bán trả góp cho công nhân, hỗ trợ các điều kiện để công nhân vui chơi, giải trí nâng cao đời sống tinh thần.

.

.

.

No comments: