Saturday, June 26, 2010

HOÀN CẢNH CÔNG NHÂN VIỆT NAM TRÊN ĐẢO CYPRUS

Hoàn cảnh công nhân Việt Nam tại đảo Cyprus

Thanh Trúc, phóng viên RFA

2010-06-25

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnamese-female-workers-to-cyprus-facing-harship-at-the-beginning-ThTruc-06252010192400.html

Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu một số lao động nữ qua Chypre, hay Cyprus, đảo quốc nằm phía đông Địa Trung Hải nơi có hai cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ và gốc Hy Lạp sinh sống.

Các nữ công nhân Việt đến đảo Chypre gặp phải hoàn cảnh ra sao? Mời quí vị cùng Thanh Trúc tìm hiểu cuộc sống của lao động Việt tại Chypre.

.

Đóng 7.000 đô la làm ô-sin

Đây là những người mới đến Chypre khoảng hai ba tháng, qua trung gian của công ty môi giới xuất khẩu lao động Việt Hà, đến làm việc tại mạn Bắc của đảo quốc này.

Ngay từ đầu họ đã thấy công việc mà họ làm không đúng như hứa hẹn của công ty môi giới, tiền lương không đúng như mức thỏa thuận đã ký trong hợp đồng trước khi đi, rồi thì nhiều người bị chủ đối xử rất tệ, thậm chí bóc lột sức lao động của họ.

Chị Xuân, quê ở Hải Dương, cho biết để có thể đi Chypre lao động, chỉ phải đóng cho môi giới bảy nghìn đô la, đổi lại lời hứa thu xếp cho chị qua làm việc trong lò bánh mì:

“Em đi qua công ty cổ phần Việt Hà ở Hà Nội, chi nhánh do bà Lê Thị Thu Hường làm trưởng phòng. Trước khi đi chị Hường có nói với em là sang Chypre mức lương cơ bản là mười hai triệu năm trăm, đổi ra tiền euro là bốn trăm euro, sang làm ở cửa hàng bánh mì. Là vì em có nói trước với chị Hường là nếu sang làm ô-sin hay làm ở nhà hàng thì em sẽ không đồng ý vì em chỉ chấp nhận đi lao động thôi.

Cùng đi với em thì có một người nữa tên Bùi Thị Thư, quê ở Hà Tĩnh. Tháng Tư năm 2010, khi sang đến sân bay thì phía đối tác của chị Hường và chị Hường lại xếp cho em vào làm ở nhà hàng ăn uống, công việc giống như là ô-sin, nghĩa là bao gồm cả lau chùi nhà vệ sinh, lau nền nhà, rửa chén bát, lên đồi hái rau, cuốc đất trồng cây, rồi là bưng bê thức ăn cho khách.

Em đã nhiều lần gọi điện và nhắn tin cho chị Hường, yêu cầu can thiệp đổi chủ cho em đúng như hợp đồng đã ký kết. Họ nói rằng hợp đồng em ký sang làm nhà hàng chứ không phải cửa hiệu bánh mì, với lại ở Chypre không có cửa hiệu bánh mì. Khi em đòi lại hợp đồng thì phía chị Hường và phía công ty môi giới Chypre, đối tác với chị Hường, không trả lại. Giấy tờ tùy thân, hộ chiếu thì công ty giữ hết, em chỉ giữ chứng minh thư của em thôi.”

Về cung cách của chủ sử dụng lao động, chị Xuân kể tiếp:

“Mang tiếng làm nhà hàng nhưng em cùng với bạn em suốt ngày ăn uống đói khát. Cả ngày chỉ ăn đúng một lần, toàn bánh mì với uống nước không thôi. Chỉ có thứ Bảy, Chủ Nhật vất vả đấy thì họ mới cho tí thịt. Hai đưa suốt ngày khóc, hơn một tháng làm ở đấy bọn em suốt ngày đói khát.”

Theo qui định thì chủ sử dụng lao động phải giúp chị Xuân chứng visa vì đã tới Chypre đã làm việc trong một thời gian. Thế nhưng chuyện này đã không xảy ra. Hai chị liên tục nêu thắc mắc, kẻ đòi về người đòi đổi chủ, và yêu cầu chủ trả lương đúng theo hợp đồng. Hậu quả là cả hai bị đuổi ra khỏi tiệm. Chị Thư, người Hà Tĩnh, đi cùng với chị Xuân, kể tiếp:

“Em thì yêu cầu đổi chủ nhưng nhiều lần gọi về môi giới hai bên thì họ không can thiệp. Thế thì hôm đó họ mới bảo là cho chị Xuân về nước, còn em thì bảo sẽ đổi chủ cho trong ngày thứ Sáu thứ Bảy gì đấy. Đùng một cái trưa thứ Năm họ tống bọn em ra ngoài đường. Vì tối rồi mà không có chỗ đi nên bây giờ đang ở nhờ nhà người bạn. Họ đuổi là bọn em phải đi thôi chứ không phải bọn em trốn. Họ vẫn trả hộ chiếu nhưng mà bọn em làm gần được hai tháng rồi mà họ không đóng visa cho bọn em. Đường cùng thì bọn em phải đi thôi. Bây giờ bọn em hôm chỗ này hôm chỗ khác, đi lau cửa kính đi làm vất vả để kiếm sống qua ngày.”

Đối với chị Xuân, khi biết công ty Việt Hà muốn chị về nhưng lại không hoàn trả khoảng phí bảy ngàn đô la chị đóng trước khi đi, thì chị quyết định ở lại để khiếu nại hầu có thể đòi được phần nào số tiền bảy ngàn đô la đã bỏ ra.

Trong khi đó người môi giới ở Chypre, ông Becker, lại nói với Đài Á Châu Tự Do rằng:

“Rằng ông ta đang nắm trong tay vé máy bay về Việt Nam của chị Xuân, còn cảnh sát bản xứ đang đi tìm chị Xuân và chị Thư vì cả hai không chịu làm việc mà còn phá vỡ hợp đồng và bỏ trốn mất dạng.”

.

Đem con bỏ chợ

Từ Bắc Ninh, anh Vinh, chồng của chị Xuân, cho hay số tiền bảy ngàn mà vợ anh trả cho công ty Việt Hà là món tiền lớn đối với nhà nông. Anh kể anh đã nhiều lần đến công ty Việt Hà để khiếu nại, nhưng:

“Em đến nhiều lần rồi nhưng mà đưa ra những cái lý luận riêng của họ, họ bảo là sang bên ấy thì cũng có công việc rồi và trước khi đi thì cũng ký như thế rồi. Theo ý riêng của em thì em thấy Việt Hà còn có những suy nghĩ xấu về bọn em cơ. Em cũng xác nhận họ vô trách nhiệm thật. Môi giới hai bên đều vô trách nhiệm.”

Cũng nhờ mấy năm trước có qua Đài Loan lao động và quen biết với linh mục Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Văn Phòng Hỗ Trợ Pháp Lý Cho Công Nhân Và Cô dâu Việt Tại Đài Loan, anh Vinh mới gọi và kể cho linh mục Hùng nghe về trường hợp của vợ anh là chị Xuân đang ở Chypre.

Từ thành phố Đào Viên của Đài Loan, linh mục Nguyễn Văn Hùng nhận định:

“Trường hợp này cũng giống những trường hợp đã từng xảy ra cho công nhân Việt Nam ở Đài Loan, có nghĩa là công ty môi giới ở Việt Nam lấy tiền của công nhân xong rồi thì họ phủi tay. Nói một cách khác là đem con bỏ chợ.”

Qua chị Xuân và chị Thư, hai hoàn cảnh tương tự của hai nữ công nhân ở Nghệ An, cũng qua Chypre nhờ trung gian của công ty cổ phần Việt Hà, được phơi bày tiếp sau. Lời của chị Yến:

“Quê chị ở Nghệ An, chị đóng sáu ngàn rưỡi, chị đi vay, tất cả mọi người đều đi vay ngân hàng. Sang nước Chypre ký hợp đồng lao động là chỉ có đi nấu ăn vì chị cũng lớn tuổi rồi. Nhưng mà đến khi sang bên đây thì người ta lại bảo chị đi làm trang trại, công việc như nhà nông, đi cắt cỏ với làm công việc nặng chị không làm được. Khổ lắm, nắng ở ngoài trời đến năm mươi độ, ra ngoài đồng làm mà nhiều khi không chịu được nắng mà ngất thì người ta cứ thế người ta bỏ mặc chứ người ta chẳng bận tâm.”

Chị Yến cho biết đã bước sang tháng thứ ba rồi mà tiền lương không được trả đủ. Khi đi thì ký nhận làm mười tiếng một ngày và lãnh tiền lương mười tiếng, nhưng qua Chypre thì phải làm đến mười bốn tiếng mà vẫn chỉ lãnh mức lương mười tiếng thôi. Đã vậy, chủ sử dụng lao động còn bắt chị làm việc nhà như một ô-sin không công vậy:

“Một ngày làm mười tiếng ở ngoài đồng, ngoài nắng, tiền lương không đúng hợp đồng, kêu về nói với Việt Hà mà Việt Hà không can thiệp. Chủ không trả tiền mà ăn nó cũng chả cho ăn. Sang thì chưa có chỗ ở nên phải ở văn phòng. Ông chủ đấy, ngày ngày đi làm từ sáu giờ sáng đến một giờ chiều về thì ông ấy bày ra là chị phải dọn dẹp, giặt quần áo, lau nhà lau cửa làm tất cả mọi thứ. Không có thời gian nghỉ, thậm chí không kịp ăn cơm để đi làm. Một giờ về để nấu ăn, mà phải làm công việc cho ông áy nữa cho nên không có thời gian để chị nấu cơm ăn nữa, đến hai giờ lại đi làm.”

Chị Hằng Bảy cũng không may mắn gì hơn, cả hai vợ chồng đều đi làm nông trại, bị đối xử như người tù:

“Đóng hết mười sáu ngàn đô, cùng một chủ với chị Yến luôn, công ty Việt Hà giới thiệu đấy. Sang bên này ông chủ bắt làm như là đi tù, cứ ngồi sau lưng chị rồi bắt vác những thùng cà chua những thùng dưa, bắt làm như kiểu là nhà mình bị đi trại tù ấy. Bỏ về thì nợ ngân hàng mà làm thì mới hai tháng vợ chồng xuống năm cân thịt.

Ở nhà thì ký hợp đồng làm mười tiếng, sang đây nó bắt làm mười bốn tiếng nó chỉ trả lương mười tiếng. Chồng chị với chị làm mà ông chủ không chê được áci gì, nhưng mà đến mức độ nào thôi. Coi như cai tù mà bọn chị vẫn cố gắng chịu đựng mà nó không cho ăn. Một tuần nó mua cho một vỉ trứng khoảng ba mươi cái, hết bảo nó mua thêm thì nó bảo ăn cà chua ăn dưa chuột đi, không có tiền!

Mình làm đâu là nó đi theo sau đấy. Phun thuốc xong, thuốc sâu đấy, bắt đầu nó bảo mình vào bẻ lá. Thuốc nhỏ vào người ướt hết mà chị vẫn phải chui. Chị nghĩ đại diện Việt Nam đưa mình sang đây để giết mình chứ có phải đi mở mang trí tuệ cho người lao động đâu. Chị chưa thấy người chủ nào mà cứ đứng sau lưng công nhân, bắt công nhân làm kiểu đi tù đấy. Bắt chị vừa làm vừa chạy, vác hai ba cái cuốc trên vai mà cũng bảo chạy đi, chạy nhanh lên, không nhanh là ông không chịu mô!”

Đó là tình cảnh các nữ công nhân lao động Việt Nam ở Chypre. Chúng tôi nhiều lần gọi về cho ông Bình và bà Hường ở công ty Việt Hà, hy vọng tìm hiểu thêm. Nhưng cả số văn phòng lẫn số di động của hai người đều không có ai bắt máy.

.

Theo dòng thời sự:

Công nhân và cô dâu Việt tại Đài Loan hiện nay

ASEAN bàn về công ước bảo vệ người lao động

Ký sự Mã Lai: Đau xót những mảnh đời công nhân VN

Ký sự Mã Lai: nỗi khổ công nhân Việt Nam

Ả Rập: năm trăm công nhân VN bị trục xuất về nước

AI cáo buộc Malaysia đã đối xử tàn tệ với di dân đến làm việc

Malaysia tham gia chương trình chống nạn buôn người

Tăng quyền năng cho phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài

17 ngàn lao động đã được xuất cảnh trong quý 1

Singapore hạn chế thuê công nhân nước ngoài

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments: