Tuesday, June 22, 2010

VIỆT NAM PHẢI CÓ MỘT PHONG TRÀO CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP

Việt Nam phải có một Phong trào Nghiệp đoàn công nhơn
Phan Van Song

June 21, 2010

http://www.vietthuc.org/?p=6852

Từ khi loài người biết hợp lại để sống thành đàn, tạo lập những xã hội đầu tiên, loài người đã biết phân chia giai cấp. Khác với súc vật. Súc vật chỉ biết con đầu đàn. Loài người biết tổ chức một nhóm đầu đàn để dẫn dắt cai quản, lãnh đạo những người khác. Khi loài người biết thành lập gia đình, người chủ gia đình biết tổ chức gia đình thành một xã hội gia chủ. Xã hội gia chủ là sở hữu của người chủ gia đình, người chủ gia đình vì sanh tồn nòi giống sanh con đẻ cái phải cần phái nữ, vì sanh tồn cần trồng trọt chăn nuôi nên cần người giúp việc và gia đình người giúp việc. Từ ngàn xưa đã có người làm công và người chủ rồi. Ngay trong kinh Cựu Ước Abraham đã có tôi tớ rồi. Nhưng với chế độ tiền cổ hay chế độ phong kiến, người chủ gia đình trách nhiệm bao bọc chăm sóc thương yêu toàn thể gia đình mình. Gia đình gồm tất cả những người cùng huyết tộc và những người giúp việc. Vì vậy khi ta đọc những chuyện lịch sử Tây hay Tàu ta vẫn gặp những chuyện giết cả nhà từ gia đình đến tôi tớ, khi hai họ, hai tộc đánh giết nhau. Nhà Vua khi muốn trừng trị một vị quan của mình thường sai giết cả nhà “trừ hậu hoạn”, cả nhà nghĩa là giòng họ cùng huyết tộc đã đành mà cả tôi tớ người ăn người làm… Loài người lúc ấy chỉ biết chăn nuôi hái quả nên công việc quản gia vẫn còn kiểm soát được. Đến lúc định cư, và định canh, công việc đồng án, nhứt là những lúc gặt và phơi lúa, thóc phải cần nhơn công nhiều và ngắn hạn mới cần những công nhơn “ngoại nhập” không thuộc thành phần gia đình mình.

Thời trung cổ bên Âu Châu, đã có một giai cấp những người “đi làm mướn”, những người nầy không có “chủ” nhứt định, lang thang không có chỗ cư ngụ nhứt định, đi gặt muớn, phơi lúa mướn, tóm lại chỉ biết đi làm công việc trong mùa gặt hái thôi. Phần còn lại trong năm sống thất nghiệp, cạnh gia trang một địa chủ cho ở nhờ, ở đậu, hoặc ở các bìa làng. Mùa gặt, mùa hái họ làm nhiều và trữ lại để sống vào mùa đông giá lạnh thất nghiệp. Và giai cấp thợ bắt đầu từ đấy. Thợ gặt, thợ hái, thợ..; họ sống đủ nghề, có người thuê là họ làm, họ vác, họ khiêng nếu có người thuê, họ làm thợ hồ gánh vôi, vác đá, vác gạch nếu có một công trường xây nhà, xây nhà thờ, xây chùa… Ngày nay ở Á đông chúng ta cũng vẫn còn giai cấp cùng đinh nầy. Ở Trung Hoa Cộng sản, nhà ốc chọc trời của Beijing, thủ phủ là do bàn tay xây dựng của 200 triệu thợ nông dân (thường gọi là dân công-mingong gồm hai chữ nongmin-nông dân và gongren-công nhơn họp thành) bỏ nghề làm ruộng ở quê mình ra tỉnh vác đá, vác gạch, gánh hồ, trộn vôi… Ở Việt Nam Cộng sản ngày nay cũng vậy. Bao nhiêu thợ thuyền đều là những người gặt mướn ở nhà quê lên tỉnh. Thậm chí ngày nay ở ven biên những thành phố lớn ở Hànội hoặc Sàigòn đều có những nhóm chợ người gọi là Cửu vạn, hằng ngày, ngồi chờ xem có ai đến thuê làm việc…

Nói như vậy không phải chúng tôi kỳ thị, hay chống cộng quá khích, chỉ nhìn thấy những cái xấu của những xứ Cộng sản chứ không thấy cái xấu của những quốc gia tiên tiến. Ở những nước tiến tiến có những văn phòng cho thuê người làm ngắn hạn như Man Power, hay Adecco.. những văn phòng ấy quản trị hồ sơ các thợ chuyên môn, hoặc không chuyên môn và tùy theo nhu cầu của thị trường xí nghiệp, hãng xưởng hoặc nông nghiệp cung cấp thợ có tay nghề hay không cho các công hay nông trường… các hãng xưởng mướn và trách nhiệm trả tiền dịch vụ cho các văn phòng ấy. Trái lại Văn phòng ấy là chủ nhơn của các thợ và quản lý điều hành trách nhiệm hành chánh với các người thợ. Tất cả đều được bảo đảm bằng Luật lệ Lao động và bằng những khế ước thương mãi rõ ràng. Người công nhơn khi đến làm việc tại một văn phòng, một xí nghiệp, một nông trường lãnh một nhiệm vụ rõ ràng, với một giá cả rõ ràng bảo đảm bởi những luật lệ trong một tinh thần khế ước WinWin rất phân minh, luởng lợi. Không còn vai trò chủ tớ, hay giai cấp đấu tranh nữa.

1. PHONG TRÀO NGHIỆP ĐOÀN

Nghiệp Đoàn là một phong trào có chức năng hội họp các công nhơn lao động tạo thành những tổ chức được gọi là Nghiệp đoàn để đấu tranh bảo vệ những quyền lợi chung của người lao động (đấu tranh đòi tăng lương, đòi những điều kiện tốt cho công việc làm, đòi giờ giấc làm việc theo đúng tiêu chuẩn quốc tế 48 giờ – hay 40 giờ – ở Pháp hiện nay là 35 giờ cho một tuần – ,… đấu tranh bảo vệ công nhơn không bị đuổi sở một cách bất công…).

Lịch sử phong trào nghiệp đoàn là một chuỗi dài những cuộc tranh đấu để biến những mục đích bảo vệ người lao động thành những luật lệ lao động tiêu chuẩn cho những khế ước hợp đồng làm việc lưỡng lợi giữa hai giới: giới chủ nhơn tư bản và giới công nhơn.

Phong trào Nghiệp đoàn được ra đời năm 1880 ở Âu châu.

Ở Pháp Luật Waldeck-Rousseau năm 1884 cho phép Nghiệp đoàn Công nhơn ra đời. Nghiệp đoàn Công nhơn là sự nối tiếp của những Hội Chuyên Nghiệp (Corporations de métiers, compagnonnages…) đã có từ thời Trung Cổ. Những “nhóm nhà nghề” ấy bị cấm hoạt động bởi Luật Le Chapelier năm 1791 (vì sợ cạnh tranh quyền lực giữa quyền lực chánh trị, quyền lực kinh tế tài chánh và quyền lực của sự hiểu biết, của “tay nghề” – Hội kín Tam Điểm, les Francs-Maçons là hậu thân của các “kiến trúc sư xây nhà thờ từ thời Trung Cô). Luật Le Chapelier đã bị lạm dụng vào những năm đầu của cuộc Cách mạng kỹ nghệ để đàn áp công nhơn. Mãi đền năm 1864, luật Ollivier mới cho phép công nhơn đình công và bãi bỏ việc cấm công nhơn tập hợp thành một tổ chức hay một liên minh để đòi hỏi quyền lợi hay thương thuyết. Nhưng chỉ đến 1884, Luật Waldeck-Rousseau mới thật sự cho phép Nghiệp Đoàn được thành lập và bãi bỏ Luật Le Chapelier.

Nghiệp Đoàn Chủ nhơn cũng bắt chước sơ đồ ấy và cũng ra đời trong dịp ấy. Từ đấy, Phong trào Nghiệp đoàn bắt đầu chi phối đời sống của xã hội lao động và cũng chuyển hướng xã hôi thành một hướng chánh trị: Tông liên đoàn các công nhơn (La Confédération des Travailleurs – gọi tắt là CGT) được thành lập năm 1895, thoạt đầu hoạt động với những đấu tranh, đòi hỏi, bảo vệ công nhơn rất giai cấp chủ thợ; nhưng hoàn toàn độc lập với những tư tưởng hay chương trình các đảng phái chánh trị. Quan niệm độc lập ấy được nêu rõ vào Đại Hội Tổng liên đoàn các công nhơn – CGT năm 1906 tại Amiens (Hiến chương Amiens).

Nhưng dần dần, và sau Đệ Nhứt Thế chiến, một số lớn đoàn viên (nhóm đa số)của Tổng liên đoàn CGT dựa vào những lý thuyết Xã hội chủ nghĩa và từ từ biến sang Cộng sản chủ nghĩa. Nhóm thiểu số thành lập Liên Đoàn Công Nhơn Thiên Chúa giáo Pháp - Confédération Française des Travailleurs Chrétiens – CFDT, thành lập năm 1919, dựa trên tinh thần Dân chủ Thiên Chúa giáo Âu châu tạo một đối trọng với nhóm đa số và những tư tưởng mác – xít của Tổng liên đoàn các công nhơn – CGT Pháp.

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, năm 1944 (Luật 27/07/1944) quyền Tự Do Thành lập Nghiệp Đoàn được ban hành. Năm 1948, một nhóm ly khai không chấp nhận sự liên hệ của Công Đoàn CGT với Đảng Cộng sản Pháp, đứng ra thành lập, CGT- FO (FO= Force Ouvrière) Lực lượng thợ thuyền.

Những Công Đoàn lớn ấy là những Liên đoàn do những nghiệp đoàn một nghành nghề hợp lại. Ở Pháp hiện nay, Ba Liên đoàn lớn là CGT (Tổng Liên Đoàn Công Nhơn ) CFDT (Liên Đoàn Công Nhơn Thiến Chúa Giáo Pháp)FO (Lực lượng thợ thuyền) ngoài ra cũng có vài Nghiệp đoàn nhỏ rất chuyên nghiệp hơn, có những Nghiệp đoàn chỉ hoạt động đơn thuần trong trong một Xí nghiệp như Nghiệp Đoàn Nam- Hỏa Xa (Syndicat Sud-Rail) đặc biệt chỉ hoạt động trong Công ty Hỏa xa Pháp.

Ở Pháp ngày nay, tinh thần tham dự hoạt động đấu tranh với nghiệp đoàn có phần kém đi. Một phần vì mạng lưới kỹ nghệ không còn nữa, giới công nhơn đơn thuần còn rất ít. Các cơ sở dịch vụ càng này càng đông và lượng số các đại xí nghiệp càng ngày càng vơi. Nếu tỷ lệ trung bình – rất kém – của công nhơn đoàn viên nghiệp đoàn ngày nay ở Pháp là 8% , thì tỷ lệ ấy chỉ còn có 3% ở những cơ sở công thương nghiệp nhỏ dưới 50 nhơn viên.

Một hiện tượng khác nữa là tỷ lệ đoàn viên nghiệp đoàn ở các công ty tư doanh ở Pháp là 5%, trong khi ở các quốc gia khác ở Âu châu là 30% , các quốc gia Bắc Âu có đến 50%.

Lý do nào khiến công nhơn Pháp lười tham dự Phong trào Nghiệp Đoàn:

Có lẽ do nhiều Nghiệp Đoàn quá – ngoài ba liên đoàn lớn còn có vào khoảng một chục Liên đoàn nhỏ, hay các Nghiệp đoàn chuyên nghiệp?

Có lẽ vũ khí đình công, bãi công đã làm dân chúng Pháp, tuy vẫn còn giữ cảm tình với các phong trào đấu tranh nhưng cũng cảm thấy mệt mỏi, vì đình công hoài chăng?

Hay vì công nhơn có nhiều quyền lợi quá: nào nghỉ hằng năm 5 tuần, nào làm việc 35 giờ một tuần, nào quỹ An Sanh Xã Hội, nào quỹ Thất Nghiệp, nào quỹ Hưu trí, nào Quỹ Già… quyền được đi học để cập nhựt tay nghề…

2. TÌNH HÌNH MỚI , TÂM TRẠNG SỢ

Trước kia Đảng Cộng sản Việt Nam đang làm chiến tranh, các đảng viên sống trong rừng núi, nay sống mai chết thì làm giàu với ai, và để làm gì? Ngày nay ta (ĐCS/VN) có đủ cả: tiền của, đất đai, nhà cửa… Vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam SỢ.

Ngày nay, tư bản vào đầu tư ở Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam, những người “cặp rằng”, những người “cai cu-li của Việt Nam thế kỷ 21” sợ những ông chủ tư bản mới sẽ không “chi” cho mình nếu mình không kiểm soát nổi công nhơn (cu-li) của mình.

Ngày nay có hai giai cấp mới đang nổi dậy ở Việt Nam.

Giai cấp mới thứ nhứt không hề có trong chế độ cộng sản: đó là Giai cấp Công Nhơn.

Giai cấp Công Nhơn đấu tranh theo thuyết Mác-lê dạy. Nhưng đấu tranh trong thời gian Đảng Cộng Sản hoặc còn trong bóng tối hoặc khi ra ánh sáng rồi mà vẫn ở trong thế đối lập và thế xách động “đấu tranh giai cấp” trong những chế độ tư bản chủ nghĩa. Nhưng khi Đảng Cộng Sản đã chiếm được chánh quyền rồi thì đảng Cộng Sản vội vàng xóa bỏ “giai cấp công nhơn”, quốc hữu hóa các xí nghiệp và biến công nhơn thành giai cấp “công nhơn làm chủ ” nghĩa là thành “công nhơn viên Nhà nước” vừa là làm “chủ” vừa là làm “tớ”, nghĩa là hết đấu tranh, chỉ biết làm công cho Nhà nước thôi. Mà Nhà Nước là Đảng Cộng sản, nghĩa là Đảng cộng sản là Chủ.

Giai cấp thứ hai mới, ngoài giai cấp Công nhơn là giai cấp Chủ nhơn của giới Tư bản vào đầu tư.

Khi có hai giai cấp như vậy là có điều kiện để có “đấu tranh giai cầp”. Và Đảng Cộng Sản Việt Nam rất sợ đấu tranh giai cấp nên gọi đó là diễn biến hòa bình.

3. MẶT TRẬN MỚI, ĐẤU TRANH VỚI GIAI CẤP CHỦ NHƠN TƯ BẢN

Mặt trận ngày hôm nay là phải ủng hộ Công nhơn Việt Nam đấu tranh đòi hỏi giới chủ nhơn tư bản ngoại quốc đang đầu tư ở Việt Nam tôn trọng những điều kiện lao động đúng tiêu chuẩn thế giới.

Biết rằng tiêu chuẩn thế giới định nghĩa cái nghèo là một người sống với 2 US dollars một ngày, nghĩa là nếu một người sống với 60 US dollars/tháng, người ấy là một người nghèo.

Thế mà, Nhà Nước Việt Nam Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa, thành viên rất nhiều tổ chức thế giới, chẳng những chấp nhận, thậm chí còn ra lệnh cho các chủ nhơn tư bản ngoại quốc đang đầu tư ở Việt Nam chỉ trả cho Công nhơn 800 000 đồng VN thôi, tương đương với 50 US dollars, viện cớ rằng các công nhơn các khu công nghiệp nhà nước chỉ lãnh có 35 US dollars mà thôi.

Vì thế, với Mặt trận mới ngày nay, chúng ta phải đấu tranh để người công nhơn ở Việt Nam đòi hỏi:

*- Các xí nghiệp do tư bản ngoại quốc đầu tư vào Việt Nam phải trả lương công nhơn cao hơn tiêu chuẩn nghèo quốc tế, nghĩa là mức lương tối thiểu phải trên 60 US dollars một tháng.

*- Các chủ nhơn tư bản tư phải tổ chức một hệ thống An Sinh Xã hội, với mạng lưới y tế :

Quỹ Bảo hiểm Y tế phòng những tai nạn Lao động và khi ốm đau, nếu có thể cho cả gia đình công nhơn.

- Quỹ Hưu trí phải được dự phòng cho mỗi Công nhơn, do Chủ nhơn tổ chức và bảo đảm tài khoản.

*- Công nhơn phải được huấn nghệ thường trực để cập nhựt hóa tay nghề qua những trường huấn nghiệp do chủ nhơn tổ chức, để đào tạo nghề nghiệp cho thế hệ tương lai cho Việt nam.

Những điều kiện lao động phải được bảo đảm :

*- Giờ làm việc: quy luật thế giới là 48 giờ, làm thêm giờ phải được tính giờ phụ trội

*- Quy định lại những thời gian nghỉ vệ sanh, hiện nay có những xí nghiệp Đại Hàn chỉ cho phép mỗi buổi được một lần 2 phút để đi vệ sanh thôi.

*- Quy định giờ nghỉ trưa để ăn, hiện nay chỉ có 15 phút thôi.

Những điều kiện làm việc phải được phòng chống ô nhiễm:

*- Ô nhiễm bụi bặm, ô nhiễm tiếng động, ô nhiễm nóng nực, hay quá lạnh.

*- Quy định áo, nón, giày, kiếng đeo mắt, bao tay, che tai an toàn.

*- Các vật liệu sản xuất có đúng tiêu chuẩn chống ô nhiễm quốc tế không?

Chúng ta quy định tất cả những điều kiện lao động ấy dưới hai tiêu chuẩn, gọi chung là Đạo Đức và Môi Trường.

*- Đạo Đức là những điệu kiện bảo vệ con người và quyền lao đông của công nhơn.

*- Môi Trường là những điều kiện nơi làm việc của công nhơn, và cũng là những vật liệu sản xuất, trong trường hợp xử dụng vật liệu nông nghiệp, điều kiện và cách thức sản xuất vật liệu ấy có hạp môi sanh không? Thí dụ trái cây bị phân bón hóa học, bị thuốc diệt rầy có thể hại dến sức khỏe người công nhơn xí nghiệp đóng đồ hộp xuất cảng, và hại đến người xử dụng.

Công nhơn các xí nghiệp do tư bản nước ngoài đầu tư phải tự lập các Nghiệp đoàn để đấu tranh đòi hỏi bảo vệ theo dỏi những điều kiện đàng hoàng làm việc.

Công đoàn Nhà nước do Đảng Cộng sản chỉ đạo không thể làm nhiệm vụ này được, vì là công nhơn viên Nhà nước thì làm sao có lý lịch một Công nhơn để đấu tranh cho Công nhơn. (Công đoàn Nhà nước chỉ biết những điều kiện của những xí nghiệp Nhà nước thôi, vì là những Công nhơn viên Nhà nước, và có thể cũng là những cán bô của Đảng, ăn lương Đảng và không biết sản xuất là cái gì).

Càng nhiều Nghiệp đoàn Lao động càng tốt, vì mỗi ngành nghề có mỗi điều kiện làm việc khác nhau, sau đó có thể lập ra một Liên Hiệp Nghiệp Đoàn.

Đó là những đòi hỏi chúng ta sẽ gởi vào trong nước.

Những điều kiện Đạo Đức và Môi Trường ấy chúng ta đấu tranh đòi hỏi cho Công nhơn Việt Nam không thái quá đâu!. Ngày nay ở tại Pháp, khi một người công nhơn nhận số lương tối thiểu là 1,000 euros, tốn kém chi phí cho chủ nhơn là 1,700 euros.

Các Chủ nhơn Tư bản ngoại quốc đầu tư ở Việt Nam

Phải trả cho lao động Việt Nam một chi phí toàn diện là 200 euros, các chủ nhơn tư bản vẫn còn lời chán: 100 euros cho lương Công nhơn, 50 cho chi phí Đạo Đức, 50 cho chi phí Môi trường.

Việt Nam nay đã vào WTO. Các chủ nhơn tư bản ngoại quốc đang ồ ạt đổ vào Việt Nam.

Giới Chủ nhơn đang cần Công Nhơn Việt Nam, theo luật cung/cầu.

Công Nhơn Việt Nam phải biết sức mạnh của mình.

Đừng nghe Nhà Nước và Đảng Cộng sản Việt Nam hù dọa là Tư bản sẽ bỏ đi, nếu ta đòi hỏi quá.

Tư bản đến đầu tư ở Việt Nam trước là nhờ giá Công nhơn rẻ, tạo giá thành thấp để sẽ bán dễ dàng ở thị trường Âu Mỹ, nhưng sau đó nhờ công ăn việc làm Việt Nam sẽ tạo một thị trường lớn, tư bản đầu tư sẽ tạo “mãi lực cho lao động Việt Nam” để bán hàng hóa Âu Mỹ. Công Nhơn có lương là có mãi lực, có mãi lựccó thị trường. Bằng chứng là các siêu thị bắt đầu có mặt ở Việt Nam

Ở Hải ngoại, bổn phận của chúng ta là phải bảo vệ quyền và điều kiện lao động của Công nhơn Việt Nam qua tiêu chuẩn hàng hóa “Made in Việt Nam”. Mỗi người Việt Hải ngoại chúng ta phải là một thành viên bảo vệ những điều kiện Đạo Đức và Môi Trường cho hàng hóa Việt Nam.

Chúng ta, trong phạm vi đời sống của chúng ta, bạn bè chúng ta, nơi sở làm, nơi nhà thờ, nơi chùa chiền, nơi anh bạn hàng xóm, khu vực,.. chúng ta hãy theo dõi và báo đông cho mọi người biết là những hàng hóa Viêt Nam nhập cảng (dưới bất cứ nhản hiệu nào) ấy có được hưởng những điều kiện Đạo Đức và Môi Trường không? Nếu không, chúng ta kêu gọi tẩy chay (boycott) món hàng ấy ngay, dù hàng ấy ở Wall Mart, ở Carrefour hay Ikea. Như vậy, chính Chủ nhơn ấy trách nhiệm và quan hệ mặc cả với Công nhơn ở Việt Nam để tạo những điều kiện tốt cho mặt hàng.

Nếu chúng ta làm được việc ấy, chúng ta sẽ giúp một sức mạnh cho các Nghiệp đoàn lao động trong nước thành hình. Và công nhơn trong nước sẽ tự động nhận lấy trách nhiệm một cách trưởng thành hơn.

Chúng ta nên hiểu đây là vấn đề thuần túy kinh tế thị trường. Mà kinh tế thị trường chỉ có người tiêu thụ (tức là thị trường) ra những điều kiện. Tư bản bỏ tiền đầu tư thật đấy, nhưng chính thị trường, tức là người tiêu thụ mới thật sự là chủ nhơn.

Và ngày nay, chúng ta đã có đủ điều kiện để tạo những Nghiệp đoàn, hay nói theo từ ngữ trong nước, những Công đoàn Độc lập từng ngành, từng xí nghiệp rồi, vì hiện nay đã bắt đầu có những cuộc đình công đang nổi dậy ở Việt Nam mà Công đoàn Nhà nước không kiểm soát được.

Tạo được Mật trận mới này, chúng ta sẽ thoát ra khỏi cái vòng lẫn quẫn của thứ “ngáo ộp” đe dọa “khủng bố” của thế giới. Sở dĩ ngày nay Đảng Cộng sản Việt Nam thẳng tay đàn áp các phong trào trong nước là Đảng cộng sản xử dụng chiêu bài “khủng bố” và “an ninh”.

Khi trong nước thành lập được những Nghiệp đoàn làm thằnh những lực lượng đối trọng sẽ đối thoại thẳng với chủ nhơn, chúng ta sẽ thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn ấy.

Ở Hải ngoại, chúng ta nắm được cái nhu cầu “bán”của chủ nhơn. Hàng Việt nam phải hội đủ tiêu chuẩn Đạo đức và Môi trường.

Người ngoại quốc hiện nay rất nhạy cảm về hai tiêu chuẩn ấy.

Nô lệ và Ô nhiễm Môi sanh là hai ấn tượng tiêu cực và cũng là hai cái nhức nhối lương tâm của tư tưởng Âu tây.

Còn đối Nhà Nước do Đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền?

Trên mặt trận đấu tranh đòi thành lập những Nghiệp đoàn độc lập, chúng ta ở Hải ngoại chúng ta hãy giúp đỡ người công nhơn Việt Nam đòi cho được quyền thành lập Nghiệp đoàn, vì đó là một Nhơn quyền, vì đó là quyền của một công nhơn. Chúng ta phải ủng hộ người công nhơn Việt Nam đòi Nhà Nước Cộng Sản đương quyền phải bảo vệ và ủng hộ người công nhơn Việt Nam trong việc tổ chức một Nghiệp đoàn lao động.

Không ai có thể thay thế, nói thay hay thương thuyết thay cho người công nhơn Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ những quyền lợi và điều kiện làm việc của người công nhơn Việt Nam với giới chủ nhơn ngoại quốc đang vào đầu tư ở Việt Nam.

Những khế ước làm việc giữa công nhơn và chủ nhơn một xí nghiệp phải là những khế ước lưởng lợi, hai chiều, synallagmatique, Win-Win, chứ không phải chỉ có một chiều thôi.

Đã qua rồi những thởi gian của chủ tớ, những thời gian của thuộc địa, với những ông chủ, những tài pán, cặp rằng, cai thầu, cai cu-li và cu-li, nô lệ.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng tự hào cho rằng mình thuộc giai cấp công nhơn, vậy thì Đảng Cộng sản Việt Nam phải dám mạnh dạn trao lại cho giai cấp công nhơn Việt Nam quyền tự quyết bằng cách trả cho công nhơn Việt Nam quyền thành lập Nghiệp đoàn.

4. BỨC TƯỜNG ĐÃ RẠN NỨT : CÔNG ĐOÀN ĐỘC LẬP VIỆT NAM

Ngày 20 tháng 10 năm 2006, Công Đoàn Độc Lập Việt Nam ra đời và được công bố từ Hà Nội. Ban đại diện lâm thời của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam gồm ba vị: ông Nguyễn Khắc Toàn, Trần Thiên Ân và Lê Trí Tuệ.

Các ngày 28, 29 và 30 tháng 10 năm 2006 tại một phòng họp ở quốc hội Ba Lan. hội nghị “Quyền Lao Động tại Việt Nam” đã được nhóm họp. Hội nghị quy tụ người Việt từ 16 quốc gia trên thế giới, tham dự phiên họp còn có: chủ tịch Hiệp Hội Đối Lập Kazakhstan, lãnh sự Cộng Hòa Chechnya, đại diện toàn quốc Công Đoàn Đoàn Kết, chủ tịch Hiệp Hội Tự Do Ngôn Luận Ba Lan, trưởng Nội Các Chính Trị Bộ Kinh Tế Ba Lan. Mặt khác, cần nhấn mạnh thêm: Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan, một tổ chức chủ chốt trong biến cố lật đổ chế độ Cộng Sản Ba Lan trước đây, hiện nay là đồng minh đáng tin cậy hàng đầu của công nhân Việt Nam, của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam.

Ngày 30 tháng 10 năm 2006, phát biểu trước Quốc Hội CHXHCN Việt Nam, bà Cù Thị Hậu, Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam đã khẩn cấp lên tiếng báo động bằng cách kêu gọi Đảng Cộng Sản Việt Nam hãy nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của giai cấp công nhơn nếu không giới công nhơn sẽ đi theo Công Đoàn Độc Lập Việt Nam và “chúng ta (tức Đảng Cộng SảnViệt Nam) sẽ bị “tuột tay”“ (nguyên văn từ ngữ của Cù Thị Hậu).

Công Đoàn Độc Lập Việt Nam, ngay sau khi chào đời, đã làm cho dư luận của Cộng Sản Việt Nam độc tài cũng như dư luận của phe tự do dân chủ của quốc gia và của quốc tế trở nên sôi nổi hẳn lên.

Vì sự ra đời của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam đáp ứng đúng vào nhu cầu của thị trường lao động Việt Nam đang bị giới chủ nhơn ông tư bản ngoại nhơn tung hoàng. Vì Công Đoàn Nhà Nước, cơ quan ngoại vi của Đảng Cộng Sản Việt Nam tạo ra để kiểm soát người công nhơn Việt Nam không hoàn thành nhiệm vụ đối thoại được với giới chủ nhơn tư bản ngoại nhơn.

Trước khi vào kinh tế thị trường, guồng máy sản xuất Việt Nam Cộng sản chỉ có xí nghiệp quốc doanh và công nhơn là công nhơn viên làm việc cho quốc doanh. Nhằm bảo vệ hệ thống xí nghiệp quốc doanh, Đảng Cộng Sản Việt Nam xây dựng tại mỗi xí nghiệp bốn tổ chức căn bản. Từ ngữ Cộng Sản gọi là bộ tứ. Bộ tứ gồm có: thứ nhất là chi bộ Đảng Cộng sản, thứ hai là ban giám đốc xí nghiệp (gồm toàn đảng viên), thứ ba là Công đoàn, thứ tư là đoàn thanh niên nam nữ Cộng Sản. Công đoàn và đoàn thanh niên CS là tổ chức vệ tinh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trình bày như vậy để chúng ta thấy rằng Công đoàn của Nhà nước Cộng Sản chỉ có thể tồn tại trong môi trường bộ tứ. Không có bộ tứ, Công đoàn Cộng Sản chẳng khác nào con cá mắc cạn.

Sau hơn 20 năm sanh sống trong kinh tế thị trường, hệ thống xí nghiệp quốc doanh ngày càng tàn tạ, nhường chỗ cho xí nghiệp của kinh tế thị trường. Đối diện kinh tế thị trường, Cộng Sản Việt nam

Nam hoàn toàn không có khả năng “gài đặt” bộ tứ trong mỗi xí nghiệp tư bản phần đông là của ngoại nhơn. Từ đó Công đoàn Cộng Sản chỉ là những cái xác không hồn, Công đoàn Cộng Sản đã bị vô hiệu hóa. Tuy vậy, Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn còn cố dùng đến hai chữ “Công Đoàn” vừa để giữ thể diện vừa để hù dọa công nhơn. Công đoàn nay tuy đã vô hiệu, nhưng Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn hoàn toàn bó tay trong việc làm cho Công đoàn tái sanh. Thế nhưng, Hà Nội vẫn không từ bỏ tham vọng thống trị giới công nhơn.

Vì vậy chế độ Cộng Sản tìm cách khống chế công nhơn bằng pháp luật. Và luật lao động 2002 được ban hành. Luật 2002 không hề định nghĩa thế nào là đình công. Nhưng trái lại, đặc biệt với những điều 170, 171 và các điều kế tiếp của luật, đòi hỏi công nhơn muốn đình công phải trải qua thủ tục hòa giải 17 ngày. Nếu hòa giải bất thành, công nhơn phải được một nửa số công nhơn đồng nghiệp ký tên xin đình công, cộng với ba nhân viên ban chấp hành công đoàn đồng ý chuyển đơn đình công đến các cơ quan liên hệ. Có như vậy, cuộc đình công mới hợp pháp theo luật Cộng Sản. Nhưng vì ngày nay “công đoàn đã vô hiệu” thì làm gì có sự việc ban chấp hành công đoàn giúp công nhân đình công?

Luật lao động 2002 của CSVN chỉ là luật làm ra với chủ ý gián tiếp nhưng dứt khoát và cứng rắn ngăn cấm công nhân đình công.

Với một công đoàn có tiếng nhưng không có miếng, với một Luật lao đông ngăn cấm đình công. Đảng Cộng sản Việt Nam quyết dùng hai gọng để kẹp cổ công nhơn.

Thế nhưng, đời sống hằng ngày của công nhơn vẫn âm ĩ chuyển mình và đầy biến động.

Ngày 17 tháng 03 năm 2006, báo Lao Động thuật lại tờ trình của bà Nguyễn Thị Hằng, Bộ Trưởng Bộ Lao Động gửi Quốc Hội Cộng Sản:

Hầu hết các cuộc đình công đều xuất phát từ việc người xử dụng lao động (chủ nhơn) vi phạm luật pháp dẫn đến hậu quả là 90% các cuộc đình công do người lao động tự phát”.

Đình công tự phát có nghĩa là đình công bất hợp pháp theo luật lao động của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Nhưng khi chúng ta nói tới đời sống là chúng ta phải nghĩ tới mối liên hệ chặt chẽ giữa đời sống và luật pháp:

- thứ nhất là luật pháp qui định và điều hành đời sống. Luật pháp ra trước, tập tục chấp hành. Luật trước Lệ

- luật pháp đi theo và hợp thức bằng luật lệ đời sống. Trước khi có luật pháp loài người đã tự động thành lập gia đình, sinh con đẻ cái. Luật pháp hợp thức định chế và giá trị pháp lý của gia đình. Tập tục có trước, là luật pháp đi theo và hợp thức đời sống. Lệ trước Luật.

Luật lao động 2002 của Đảng Cộng Sản Việt Nam từ chối theo đời sống và sự thật.

Đời sống và sự thật ở đây là nhu cầu đòi hỏi quyền tự do sanh hoạt nghiệp đoàn của giới công nhơn.

Đời sống và sự thật ở đây là sự ra đời đầy tánh thách đố của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam.

Công Đoàn Độc Lập Việt Nam đang phục vụ hướng sống của công nhơn, của người dân.

Công Đoàn Độc Lập Việt Nam đang buộc Đảng Cộng Sản đương quyền của Nhà Nước Việt Nam phải nhìn nhận quyền tự do thành lập Nghiệp đoàn giống như xưa kia luật pháp đã phải nhìn nhận định chế gia đình. Mọi loại luật pháp chống lại quyền đình công, quyền tự do sanh hoạt nghiệp đoàn phải bị loại bỏ. Nếu không, nhà cầm quyền sẽ bị lật đổ. Đó là cốt lõi chánh trị nằm bên trong sanh hoạt nghiệp đoàn. Đó là lý do giải thích tại sao Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan xưa kia đã đi từ quyền đình công tới quyền lật đổ chế độ Cộng Sản Ba Lan.

Cũng xin đừng hỏi: trong hoạt động nghiệp đoàn có màu sắc chánh trị hay không?, chỉ hãy cùng nhau xác định con đường nào là con đường ngắn nhất đưa dẫn một Nghiệp Đoàn Độc Lập Việt Nam tiến tới thành công? Hãy mạnh dạn và dứt khoát nắm tay nhau bước vào con đường ngắn nhất đó. Đó là con đường đòi hỏi quyền tự do nghiệp đoàn, con đường đấu tranh cho công lý, con đường phục vụ lịch sử.

Ngày hôm nay, Công Đoàn Độc Lập Việt Nam đang bị đàn áp mạnh, đã lui vào bóng tối, các lãnh đạo hoặc bị tù tội, hoặc đã đi vào bí mật, nhưng Công Đoàn Độc Lập Việt Nam đã có công đánh lên tiềng chuông. Nhu cầu có một Nghiệp đoàn để nói chuyện với giới tư bản chủ nhơn ngoại quốc đã hiện rõ. Công Đoàn của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bị vô hiệu hóa để lại một lỗ trống khá to. Đừng để các chủ nhơn tư bản ngoại nhơn tung hoành trên thị trường xã hội và lao động.

Thành lập phong trào Nghiệp đoàn là một sứ mệnh. Đó là lành mạnh hóa, Đạo đức hóa thị trường Lao động ở Việt Nam.

KẾT LUẬN

Con đường Phát triển của Việt Nam phải đi với Toàn cầu hóa.

Ngày nay hiện tượng Toàn cầu hóa đang bộc phát một cách vô trách nhiệm.

Luân lý hóa, Đạo đức hóa Toàn cầu hóa cũng là bổn phận của mỗi chúng ta. Đem được Đạo Đức vào Phát triển kinh tế Việt Nam, đem được Môi trường vào Phát triển Việt Nam, đó cũng là làm một cuộc cách mạng biến đổi được chế độ chánh trị và dân chủ hóa Việt Nam.

Phan Văn Song
Tháng Sáu 2010

.

.

.

No comments: