Sunday, June 27, 2010

KẺ ĐẠO DIỄN và ĐÓNG TRÒ Trong Vụ QH BÁC SIÊU DỰ ÁN

Việc QH "bác" siêu dự án:

Người đạo diễn và kẻ đóng trò "leo cao, ngồi lâu" trong ĐH 11 sắp tới !

Âu Dương Thệ

Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:

www.dcpt.org hay www.dcvapt.net

.

Ngày 19.6 Quốc hội (QH) của chế độ độc tài toàn trị đã „bác“ siêu Dự án Đường sắt cao tốc. Quyết định này đang gây một loạt phản ứng trong nước và ngoài nước những ngày qua. Một phần dư luận coi đây là „một bất ngờ lớn“, vì đây là „quyết định chưa từng có trong lịch sử QH“ của chế độ này. Cũng có những người lạc quan đã hồ hởi "Mừng đến phát khóc", "vui không ngủ được"... Nhưng có người còn đi xa hơn quả quyết rằng „như một quả bom phát nổ ngay giữa hội trường Quốc hội“ và „Gió đang đổi chiều. Gió dân chủ thổi bạt gió độc đoán phản dân chủ…“.

Dư luận thận trọng thì cân nhắc Nhẹ lòng nhưng chưa thể gọi là mừng và cảnh báo „Có phải là “trò đánh trận giả” hay không?“. Ông Hà Sĩ Phu, một nhân sĩ dân chủ và từng bao năm là nạn nhân của chế độ độc tài toàn trị đã nghiêm túc cảnh báo:

„Tôi vốn không phải người dễ lạc quan, nên rất chia sẻ với những lời cảnh báo rằng không dễ gì thay đổi tính chất và thói quen của một Quốc hội, không dễ gì khiến cho những tham vọng núp sau quyền lực lại ngoan ngoãn chịu thua.“

Diễn tiến trong QH

Sự thực đằng sau của việc QH „bác“ siêu dự án của Chính phủ như thế nào? Trong kì họp thứ 7 của QH khóa 12 vừa chấm dứt ngày 19.6 có hai siêu dự án được chính phủ đưa ra „xin ý kiến“ của QH, đó là Dự án Đường sắt cao tốc (ĐSCT) với ngân khoản dự trù là 56 tỉ USD (trên một nửa tổng sản lượng hiện nay của VN) và Dự án xây dựng thủ đô Hà nội với ngân khoản còn cao hơn là 90 tỉ USD. Trong Báo cáo đọc tại QH ngày 20.5 Phó Thủ tướng (PTT) Nguyễn Sinh Hùng đã nhắc tới hai Dự án này. Đầu tháng 6 Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời chất vấn trước QH về Dự án ĐSCT và khẳng định, đây là công trình rất cần thiết cho pháp triển đất nước trước mắt và lâu dài. Sau khi một số đại biểu chỉ trích công khai và nhất là nhiều chuyên viên, nhân sĩ cả những lão thành cách mạng công khai viết bài trên một số báo điện tử của các tổ chức độc lập hay cá nhân –trong đó phải kể tới tờ Bauxite VN của nhiều chuyên viên và trí thức độc lập- đã chống đối kịch liệt một siêu dự án chỉ có lợi cho giới tư bản Nhật, nhưng lợi ích thiết thực cho kinh tế VN thì không rõ ràng. Nhiều vị đã cảnh báo, nếu siêu dự án này được tiến hành thì nguy cơ nợ nần nước ngoài của VN càng gia tăng để các đời con cháu phải gánh vác! Nhiều chuyên viên có uy tín ở trong và ngoài nước đã đưa ra những phản biện với những dẫn chứng khoa học có căn cứ.

Để giải tỏa và tìm cách đánh tan những bi quan và chỉ trích của dư luận cả trong đảng lẫn ngoài xã hội ngày 10.6 Ủy viên Bộ chính trị kiêm PTT Nguyễn Sinh Hùng đã thân hành giải thích thêm trước QH về siêu dự án này. Ông Hùng đã khẳng định không thể không làm ĐSCT”,“Tôi yên tâm. Yên tâm rằng phải làm. Yên tâm cùng Chính phủ xin Quốc hội chủ trương để làm. Yên tâm là Quốc hội và Chính phủ tính được bài để làm“.

Trước khi QH biểu quyết thì Ủy ban Thường vụ QH đã thực hiện một cuộc „thăm dò“ xem phản ứng của các đại biểu đối với Dự án này. Kết quả cho thấy đa số với 57% đã đồng ý với Dự án. Nhưng trong phiên họp cuối cùng vào chiều 19.6 trong tư cách là Chủ toạ phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đã để QH biểu quyết. Kết quả: Chỉ có 185 đại biểu tán thành thông qua (185/493, đạt hơn 37,5%), trong khi số không tán thành lại lên đến 208 người (chiếm 42,19%). Như vậy đây là lần tiên QH của chế độ độc tài toàn trị đã „dám“ bác bỏ một siêu dự án đã được chính phủ của TT Nguyễn Tấn Dũng đệ trình !

Có thể nào đêm trước là độc tài sáng hôm sau biến thành người dân chủ?

Căn cứ vào thành phần nhân sự trong ban lãnh đạo hiện nay của ĐSVN và các mục tiêu cùng chính sách họ đang theo đuổi có cho phép các người nghiên cứu nghiêm túc và các tổ chức tranh đấu có kinh nghiệm dám vội vã lạc quan tin là, việc QH vừa bác bỏ Dự án ĐSCT là chống lại Đảng và Nhà nước? Như thế là một hành động cách mạng và VN đang chuyển sang xã hội dân chủ ? Và QH đã thể hiện sinh hoạt của một QH trong chế độ dân chủ đa nguyên ?

Có thể nào cũng vẫn những người cầm đầu đó vừa năm trước đã vội vã cho Bắc kinh khai thác các Dự án bauxite ở Tây nguyên, mặc dầu sự chống đối của đại thần cuối cùng còn sống của chế độ là Tướng Võ Nguyên Giáp, các lão thành cách mạng và nhiều chuyên viên, nhân sĩ có uy tín, nhưng nay đã dám để QH bác quyết định của Chính phủ mà cũng chính là quyết định của Bộ chính trị (BCT)?

Có thể nào vẫn những người cầm đầu đó từng ra Quyết định cấm phản biện công khai và bắt giam hàng loạt những nhà hoạt động dân chủ nay đã tự nguyện trở thành những người dân chủ đi tiên phong?

Có lẽ nào đêm hôm trước những người cầm đầu vẫn khư khư độc quyền chân lí, bắt những người khác phải tuân lệnh và các nhà báo phải viết có „định hướng“, thế rồi sáng hôm sau tự trở thành „những người biết điều“, biết nhìn nhận và thực hiện sinh hoạt dân chủ ?

Có thể nào trên 90% đại biểu QH (gần 500) là đảng viên của ĐCSVN, suốt mấy thập niên qua chỉ biết gật từ những đạo luật cho tới các chính sách của Đảng, nhưng nay lại „dám cả gan“ bác một siêu dự án của Chính phủ do sự ủy nhiệm của BCT đưa ra QH ?

Có thể nào một Chủ tịch QH, đồng thời là Ủy viên BCT, thừa biết và cũng thường tuyên bố QH thi hành đường lối của Đảng đồng thời hết mình ca ngợi chế độ độc đảng, nay lại cả gan để cho các đại biểu nổi loạn chống lại Đảng và Nhà nước ?

Đối diện trước các áp lực và bất mãn của nhân dân và cả trong Đảng

Chỉ cón vài tháng nữa là tới Đại hội (ĐH ) 11, một hội nghị quan trọng nhất để bầu ban lãnh đạo mới của ĐCSVN trong nhiệm kì 2011-2015 và thông qua mục tiêu chính sách của đảng trong thời gian tới. Một số người trong ban lãnh đạo hiện nay sẽ nghỉ, nhưng nhiều người khác đang vận động bằng nhiều cách khác nhau trong „cung đình vô sản“, kể cả mưu kế mua chuộc và đánh lừa dư luận bên ngoài để được leo cao hơn, ngồi lâu hơn, giữ chỗ tranh phần. Mặc dầu họ đã bị chỉ trích từ nhiều giới, là đối với bên ngoài chỉ biết thần phục Bắc kinh, bên trong thì đàn áp dân và hoàn toàn bất lực trước quốc nạn tham nhũng, thậm chí còn là thủ phạm và tiếp tay cho bọn tham quan. Trong số những người này phải kể tới các Ủy viên BCT Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, TT Nguyễn Tấn Dũng, Thường Trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Tô Huy Rứa, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh….

Hiện nay có hai bức xúc nhất trong xã hội và bất mãn nhất trong quảng đại nhân dân ở trong và ngoài nước, kể cả đại bộ phận trong đảng là: 1. Tệ trạng tham nhũng, làm giầu nhanh bất chính cực kì trắng trợn của những người lãnh đạo từ BCT, Chính phủ tới các Bí thư thành ủy, tỉnh ủy…2. Thái độ nhu nhược hèn yếu của những người cầm đầu CSVN trước những đòi hỏi ngang ngược của bá quyền Bắc kinh (BK) về lãnh thổ, hải phận, các hải đảo và bòn rút tài nguyên VN.

Nay đại đa số nhân dân đã thấy rất rõ, chính thái độ hèn nhát thần phục BK của những người có quyền lực nhất hiện nay trong BCT ĐCSVN đã khiến họ phải tiếp tục nhượng đất, nhượng biển, bán rẻ rừng và tài nguyên bauxite cho Trung quốc (TQ), đồng thời bất lực trước các hành động bạo tàn của hải quân TQ với ngư dân VN. Thái độ cầu vinh cho bản thân sẵn sàng bán đứng công khai quyền lợi đất nước đã tới mức độ những người dân bình thường cũng biết, những giới trẻ vô cùng bất mãn.

Chia xẻ với những bất mãn và lo ngại của người dân, nhiều đảng viên và cán bộ trong ĐCSVN biết tự trọng và còn ý chí cũng rất bất bình và phẫn uất. Thời gian qua nhiều sĩ quan cao cấp, cán bộ lãnh đạo đã về hưu –những người đã từng đóng góp xương máu xây dựng chế độ- đã thấy rằng, nhóm cầm đầu hiện nay chỉ vì quyền lợi ích kỉ phe nhóm đang đi ngược lại mục tiêu cách mạng ban đầu, bán đứng quyền lợi của đất nước và làm nhục quốc thể! Các thành phần này hiện nay đang sát cánh với các giới chuyên viên, trí thức, lên tiếng chỉ trích đích danh một số nhân vật đang có quyền lực nhất.

Quyết định chống đối rõ ràng nhất của các giới này đã được thực hiện vào đúng dịp Giỗ Tổ Hùng vương năm nay. Nhiều tướng lãnh, sĩ quan cao cấp và lão thành cách mạng với 50-60 tuổi Đảng đã kí tên chung trong Thư ngày 22.4 gởi BCT và Ban bí thư (BBT) đưa ra nhiều đề nghị liên quan trực tiếp tới đường lối, việc tổ chức và nhân sự mới trong ĐH 11 sắp tới. Đòi hỏi tập trung là phải dân chủ hóa ngay trong nội bộ Đảng, đòi các ủy viên BCT vô đức bất tài nên rút lui trong ĐH 11. Điều quan trọng nhất là trong Thư ngày 22.4 những nhân vật kí tên đã dám nêu tên thẳng và kết án TBT Nông Đức Mạnh, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, TT Nguyễn Tấn Dũng và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Tô Huy Rứa.

Về thành quả của Nông Đức Mạnh trong 10 năm làm TBT, các tác giả lá Thư 22.4 đã có kết luận chung, “ nói thực là cả bản thân chúng tôi cũng như dư luận đông đảo cán bộ, đảng viên thất vọng về những gì mình mong đợi và hy vọng ở 2 nhiệm kỳ Tổng bí thư của đồng chí.“ Đối với bên ngoài, vẫn theo lá Thư này, Nông Đức Mạnh đã thỏa hiệp vô điều kiện với Bắc kinh, còn ở trong đảng thì đã chống lại đòi hỏi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều tướng lãnh, vẫn tiếp tục lợi dụng chức vị bao bọc cho Nguyễn Chí Vịnh thăng lên Trung tướng và để giữ chức Thứ trưởng bộ Quốc phòng, chỉ vì Vịnh thuộc vây cánh của Lê Đức Anh-Đỗ Mười (hai người này đã đưa ông Mạnh lên làm TBT). Không những thế, các tác giả của Thư này còn kết án Nông Đức Mạnh đã lợi dụng chức quyền để gò ép nơi này nơi kia đưa con trai, con gái, con rể vào các chức danh mà năng lực, phẩm chất, đạo đức không tương xứng.“ (Ám chỉ con gái và con rể của ông Mạnh đã tham gia trong vụ tham nhũng tày trời PMU 18 nhưng vẫn được bình yên và để cho con trai làm Phó Bí thư tỉnh ủy…)

Đối với Nguyễn Phú Trọng, các tướng lãnh và lão thành cách mạng đã phê bình Cả một thời gian dài là Bí thư Thành uỷ Hà Nội để thành phố quá trì trệ; để nhiều cán bộ dính đến tiêu cực về tài sản, tài chính, nhà đất, có cả Chủ tịch và một số Phó chủ tịch thành phố. Nghiêm trọng là để cho Chủ tịch lợi dụng chức quyền làm giầu, dùng tiền công quỹ mua ô tô quá đắt, quá sang để dùng“. Khi làm Chủ tịch Hội đồng Lí luận Trung ương (HĐLLTU) thì ông Trọng „ chưa thấy phát hiện được vấn đề gì mới về lý luận, nhiều dư luận cho đồng chí giáo điều, sao chép.“ Còn hiện nay trong cương vị Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cũng có các hành động độc đoán. Các tác giả lá Thư trên đã dẫn chứng như „Việc phá bỏ hội trường Ba Đình“, „Việc mở rộng thủ đô Hà Nội“. Và đặc biệt trong dự án khai thác Bauxite ở Tây nguyên, là người thần phục BK cho nên ông Trọng đã ngăn cản:“ Khi một số đại biểu quốc hội đề nghị bàn thảo, thì Chủ tịch Quốc hội cắt không cho bàn, nói rằng vấn đề đã được quyết định.“.

Còn Nguyễn Tấn Dũng đã bị các tác giả Thư ngày 22.4 phê bính là, trong tư cách là TT „Không làm tròn trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước.“,“ hàng hoá nước ngoài tràn ngập thị trường,“ nhập siêu liên miên,lạm phát không hạn chế được“. Tuy là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương chống tham nhũng, nhưng chính „đồng chí và gia đình có những biểu hiện về tài sản không minh bạch, xây nhà thờ họ quá lớn, quá qui mô hoành tráng tốn đến 40 tỷ“

Đới với Tô Huy Rứa một ngôi sao chính trị đang lên và người đang chỉ huy báo chí và đứng đầu công tác tư tưởng của chế độ, Thư 22.4 kể rõ những bất lực của Tô Huy Rứa ngay từ thời làm Bí thư Thành phố Hải phòng: „đã để xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực về nhà đất, kéo dài không được xử lý nghiêm minh.“. Hiện nay trong cương vị Chủ tịch HĐLLTU ông Rứa có „nhược điểm lớn là thiếu thực tế do vậy không phát hiện được vấn đề nào mang tính sáng tạo, dễ giáo điều, sao chép“. Cả trên cương vị Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, các tác giả lá Thư 22.4 đã phê bình nghiêm khắc Tô Huy Rứa:

„Cả về mặt lý luận, tư duy quá nghèo nàn, mà năng lực hoạt động thực tiễn cũng rất hạn chế, để quá nhiều tiêu cực phát sinh trên mặt trận tư tưởng – văn hóa tới cấp độ báo động, dẫn đến bị động, đối phó lúng túng, đi tới sử dụng nhiều các biện pháp hành chính, mệnh lệnh, cấm đoán làm cho tình hình đã rối càng rối rắm thêm. Phát động học tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, tưởng rằng để chỉnh đốn tư tưởng, nhưng những người nắm quyền ở các cấp là đối tượng cần học là chính thì không mấy ai học, những cán bộ tham nhũng, quan liêu, hách dịch thì không có biểu hiện gì chuyển biến thành ra tốn tiền vô ích. Tuyên truyền chỉ một chiêu tô hồng, ai nói lên sự thật thì phạm cấm, coi là kẻ xấu.“

Việc nêu đích danh và phê bình cũng như kết án bốn nhân vật đang có quyền lực, trong đó ba người đang tìm cách leo cao hơn, ngồi lâu hơn đã được truyền tải rộng rãi không chỉ bên ngoài mà ngay trong nội bộ đảng. Khiến nhóm có quyền lực rất bực mình nhưng cũng rất e ngại. Cho nên mới đây họ đã cử người đứng địa vị thứ hai trong đảng là Thường trực Ban Bí thư TU Trương Tấn Sang tới gặp Tướng Nguyễn Văn Vĩnh, một trong những người chủ trương Lá thư 22.4. Mục đích của ông Sang gặp tướng Vĩnh là vừa tìm cách xoa dịu vỗ về, nhưng cũng còn răn đe các Tướng lãnh, lão thành cách mạng.

Tiếp nối các phê bình và đòi hỏi liên quan tới ĐH 11 của các tác giả Lá Thư 22.4, một đảng viên cao cấp đã về hưu với bút hiệu Hoàng Giang đã viết bài Sự im lặng lịch sử và món nợ hậu thếphổ biến trên Bauxite VN vào giữa tháng 6 chỉ ít ngày trước khi QH „bác“ siêu dự án. Ngay phần mở đầu ông Hoàng Giang, một đại biểu của các tướng lãnh và lão thành cách mạng, đã chọn lựa một lập trường rất rõ ràng và dứt khoát:

„Thế nhưng, trước bất công của xã hội, trước áp bức của cường quyền, trước một vấn đề có liên quan đến tồn vong của đất nước thì sự im lặng của con người sẽ có ý nghĩa gì đây?“.

Sau khi liệt kê những sai lầm và các dịp bỏ lỡ thời cơ đề canh tân đất nước từ sau 1975 của chính những người cầm đầu chế độ, tác giả Hoàng Giang đã đặt câu hỏi rất đanh thép về trách nhiệm của những người cầm đầu chế độ ở giai đoạn trước cũng như đang nắm quyền hiện nay:

„Đảng ta có thói quen, mọi công lao và thành quả cách mạng đều được quy về công tích của Đảng và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Vậy thực trạng bi đát kể trên của đất nước thì phải quy về tội lỗi và năng lực lãnh đạo của ai?“

Nhưng với lòng thành thực và sòng phẳng, ông Hoàng Giang cũng đặt vấn đề trách nhiệm với chính mình và hàng ngũ của ông, vì đã giữ thái độ „im lặng lịch sử“ trước những sai lầm và tội ác của những người lãnh đạo của mình:

„Chỉ có chúng ta – bao gồm cả các cán bộ và chiến sĩ cách mạng lẫn quần chúng cách mạng thuở ấy – những người đã tiến hành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và đang ở độ tuổi trưởng thành đầy đủ lúc ấy là phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự im lặng lịch sử nói trên, mặc dù hồi ấy đã không ai hỏi chúng ta về quyết định này của họ cả.“

Và đảng viên cao cấp bút hiệu Hoàng Giang còn dám nêu rõ cả nguyên nhân đưa tới thái độ như vậy:

„Chúng ta đã tôn thờ lãnh tụ của mình với lòng trung thành và sự phục tùng tuyệt đối như người xưa đã tôn thờ và phục tùng đức vua của họ. Chúng ta đã tôn thờ cái chủ nghĩa được coi là lý tưởng ấy như tôn thờ một tôn giáo mà không hề xét đến đặc điểm dân tộc, trình độ nhận thức và bối cảnh đặc thù của xã hội chúng ta. Chúng ta đã coi cái tổ chức mà chúng ta trực thuộc ấy không khác gì một giáo hội, chúng ta đã tuân thủ nó một cách tự nguyện và nghiêm túc như con chiên ngoan đạo ứng xử với tổ chức giáo hội của họ.“

Có lẽ tới nay chưa có một nhân vật cao cấp về hưu của CSVN đã viết công khai kết án thành phần lãnh đạo và tự phê bình ngay chính bản thân và đồng lưu thẳng thắn, chính xác và rõ ràng như vậy.

Đối với thái độ và chính sách của nhóm cầm đầu hiện nay, đặc biệt là chủ trương tiến hành các siêu dự án đang tìm cách đưa QH thông qua, ông Hoàng Giang đã kết án:

„Không thể theo nguyên tắc cứ tiêu xài, cứ xa xỉ, cứ vay mượn nước ngoài, cứ xà xẻo vốn liếng, bất kể đó là vốn trong nước hay vốn vay nước ngoài để làm giàu cá nhân; bất chấp thế hệ con cháu mai sau có trả nổi hay không, hay vì ngập đầu bởi món nợ đó mà mãi mãi bị giam hãm trong vòng nghèo khổ và dốt nát; bất kể đất nước có vì thế mà suy sụp, mà tụt hậu và mãi mãi sa vào vòng lệ thuộc ngoại bang hay không.“

Cũng vẫn thái độ đanh thép và thẳng thắn này, ông Hoàng Giang đã kết án sự nhu nhược đối với BK của nhóm cầm đầu CS hiện nay:

„Đứng trước dã tâm bành trướng và xâm lược của một kẻ vừa là đồng minh truyền thống, vừa là kẻ thù truyền kiếp, đứng trước một đối thủ có thế và lực vượt trội, áp đảo hơn ta nhiều lần thì việc ứng xử cho phải lối, cho đúng cách không phải là chuyện dễ, nhưng để “tránh nạn binh đao cho đất nước” mà ứng xử bằng cách luôn nhân nhượng, thỏa hiệp, lùi bước, khúm núm, van xin, cầu cạnh để người ta “được đằng chân lân đằng đầu” như hiện nay thì không đúng với truyền thống ứng xử khôn ngoan và khí phách anh hùng của cha ông chúng ta, không đúng với tư thế của một dân tộc đã từng có một quá khứ lẫy lừng như dân tộc chúng ta. Đối với người Việt nam thì không gì vinh dự và hãnh diện hơn bằng được làm người đại diện cho một đất nước và một dân tộc như đất nước và dân tộc chúng ta, không gì tội lỗi và đáng nguyền rủa hơn khi làm ô nhục một đất nước và một dân tộc như đất nước và dân tộc chúng ta.“

Tiếp theo đó ông Hoàng Giang, đại diện rất tiêu biểu cho hàng ngũ các tướng lãnh, các lão thành cách mạng biết tự trọng và vẫn giữ được nhiệt tâm yêu nước trong sáng, đã chỉ cho dư luận biết những ai đang nối giáo cho giặc ngoài:

„Ngày nay, nếu các vị hỏi rằng giặc đang ở đâu thì bất cứ một người dân yêu nước nào, nếu người đó không mù, không câm, không điếc và không mất trí cũng có thể chỉ rằng:“Những kẻ đã trói tay và bịt mắt, bịt miệng xã hội qua chiêu bài hãy bám “lề phải” mà đi, những kẻ đã đàn áp, cấm đoán, truy tố những hành động của quần chúng phản đối nước ngoài xâm chiếm lãnh hải, lãnh thổ của Tổ quốc, những kẻ đã tiếp tay cho người nước ngoài xâm chiếm tài nguyên, chiếm cứ các vị trí xung yếu của Việt Nam như cảng biển, đất biên giới, rừng đầu nguồn một cách lâu dài, những kẻ đã dùng phương tiện của Đảng và bộ máy cầm quyền để nói hộ và tuyên truyền thay cho quan điểm xâm lược của ngoại bang; tóm lại là những kẻ đã và đang trực tiếp tiến hành một cách lén lút, hay công khai, hoặc làm ngơ dung túng và ngầm cổ vũ những hành động sai trái, phản trắc nói trên. Những kẻ đó đang trà trộn ngay trong hàng ngũ lãnh đạo và trong tất cả các cơ quan và các bộ phận đầu não của Đảng và chính quyền nhà nước mà các vị đang quản lý đó!”.

Và cựu đảng viên cao cấp bút hiệu Hoàng Giang đã đi đến nhận định rất đanh thép làm kết luận bài nhận định của Ông, là kêu gọi các đảng viên phải tích cực chủ động đứng lên chống lại những thành phần „Lê Chiêu Thống, „Trần Ích Tắc“ và „Trọng Thủy“ trong nhóm cầm đầu hiện nay và quyết chí loại trừ những người này trong ĐH 11 sắp tới:

„Để ngăn được giặc ngoài điều đầu tiên là phải chặn được giặc trong.

Ngay trong đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI sắp tới, các vị cần có biện pháp cụ thể để phát hiện và loại trừ ngay bọn “giặc trong”, kể cả những hậu duệ của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống và Trọng Thủy thuở nào đang lẩn khuất trong hàng ngũ của chúng ta ra khỏi vị trí hiện nay của chúng, không để chúng tiếp tục nối giáo cho giặc, tiếp tục lũng đoạn nền chính trị nước nhà như vừa qua. “

Vở tuồng siêu dự án: Ai đạo diễn, ai đóng trò?

Nhóm cầm đầu hiện nay không thể không biết và lại càng không thể không hiểu những phê bình đòi hỏi rất thẳng thắn và những lời kêu gọi mạnh bạo nhất của ông Hoàng Giang trong bài Sự im lặng lịch sử và món nợ hậu thế Lá Thư 22. 4 của nhiều Tướng lãnh, sĩ quan cao cấp và lão thành cách mạng liên quan tới ĐH 11 sắp tới. Họ càng không thể coi thường những đòi hỏi và những lời kêu gọi xuất phát từ trái tim và trí tuệ không chỉ trong một bộ phận trong đảng mà cũng là của các giới chuyên viên, trí thức và nhân sĩ ở ngoài xã hội, kể cả các giới trẻ.

Nhóm cầm đầu chế độ thấy rằng, tuy bị cấm đoán thành lập các tổ chức đối lập, nhưng các thành phần và lực lượng ở trong đảng và ngoài xã hội đang chống lại họ và sự phẫn uất của nhiều giới đang dâng lên như một trận cuồng phong. Cuồng phong này đang chĩa hướng chống nhóm tham nhũng, lạm quyền và nhu nhược đầu hàng BK. Cuồng phong này đang tập trung vào ĐH 11.

Chính vì thế trong thời gian gần đây những người có quyền lực đã đưa ra sách lược nhằm tránh trận cuồng phong này. Những người cầm đầu chế độ đang muốn “leo cao hơn, ngồi lâu hơn” có thể ví như người đang đi trên một thuyền buồm mà ĐH 11 là bến họ muốn tới, nhưng giữa đường đang bị trận cuồng phong đe dọa. Cho nên để tránh trận cuồng phong có thể phá tan con thuyền và dìm họ xuống biển, họ đang thi hành sách lược hạ buồm để tránh gió. Thay vì kiêu ngạo thì nay xuống nước. Thay vì quát mắng, dọa nạt và trừng phạt, nay tới thăm hỏi vỗ về….Họ lại đang tái diễn quỉ kế “bất biến, vạn biến” để mong sẽ “leo cao hơn, ngồi lâu hơn”, nghĩa là nhẩy cao hơn, hoặc giữ những chức vụ then chốt trong thời gian 5 năm nữa, nếu họ thắng trong ĐH 11 vào tháng 1. 2011. (Về sách lược giành quyền và giữ quyền của những người cầm đầu CSVN xem bài phân tích của cùng tác giả “Hội nghị Trung ương 12 – Đại hội 11 phục vụ ai?” trong Web Dân chủ & Phát triển: www.dcpt.org phần Thời sự.)

Người đạo diễn chính hiện nay là Nguyễn Phú Trọng, phụ tá đắc lực là Tô Huy Rứa và một số người đóng tuồng là Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Phùng Quang Thanh…Vở tuồng mới là Siêu dự án ĐSCT. Trái với Dự án bauxite trước đây, Nguyễn Phú Trọng trong tư cách là Chủ tịch QH đã tìm mọi cách ngăn cản. Nhưng trong Dự án ĐSCT không chỉ để PTT và một số bộ trưởng trình bày và trả lời chất vấn, lại còn để các báo và đài dưới quyền kiểm soát của Ban Tuyên giáo Trung ương phổ biến rất rộng rãi. Sau đó ông Trọng còn để tổ chức cuộc thăm dò ý kiến của các đại biểu về Dự án này. Và cuối cùng đã để cho QH “bác” Dự án.

Trong diễn văn bế mạc đạo diễn Nguyễn Phú Trọng đã tự đề cao biết lắng nghe ý dân của QH do chính ông làm Chủ tịch:

“Với tinh thần trách nhiệm cao, trên cơ sở các báo cáo và tờ trình của Chính phủ, lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, Quốc hội đã thảo luận, xem xét, cân nhắc toàn diện các mặt một cách nghiêm túc, kỹ lưỡng, thận trọng dự án đường sắt cao tốc”

Và cũng không quên tự khen:

“Nhìn lại toàn bộ diễn biến của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII, có thể khẳng định, đây là một trong những kỳ họp sôi động, hấp dẫn và có chất lượng cao,… Không khí thảo luận rất thẳng thắn, dân chủ, xây dựng, có trao đi đổi lại, tranh luận, thuyết phục nhau bằng lý lẽ trí tuệ và thực tiễn cuộc sống,”

Từ việc để Trương Tấn Sang cung kính thân hành tới gặp Tướng Nguyễn Văn Vĩnh liên quan tới Lá Thư 22.4, tới việc để QH chất vấn và thảo luận cũng như cho các báo đài phổ biến rộng rãi các ý kiến khác nhau về siêu dự án ĐSCT và cuối cùng để cho QH bác, mặc dầu nếu muốn họ chỉ cần ra lệnh cho các đại biểu là chắc chắn Dự án sẽ được thông qua, như từ trước tới nay. Làm như thể là họ muốn tạo một không khí mới hồ hởi, một hi vọng trong dư luận, đồng thời cũng là vỗ về an tâm các thành phần chống đối trong nội bộ Đảng. Làm như vậy là để gạt mọi chống đối có thể cản trở ý đồ “leo cao hơn, ngồi lâu hơn” của họ trong ĐH 11 chỉ còn vài tháng. Đó là sách lược “hòa bên trong” và thủ đoạn hạ buồm để tránh ngọn cuồng phong!

Nay Nguyễn Phú Trọng đang được trình diện như một chính khách biết nghe lòng dân, biết tôn trọng ý kiến của QH. Chỉ hai ngày sau để QH “bác” siêu dự án ông Trọng đã xuất hiện như nhân vật trung tâm trong buổi lễ trao Huân chương Sao vàng cho Báo chí VN, nhân dịp kỉ niêm 85 năm “Ngày báo chí cách mạng” ra đời. Mặc dầu đúng ra đây là công việc của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Chắc chắn trong ít ngày nữa tại Hội nghị Trung ương 13 để chuẩn bị cho ĐH 11, Nguyễn Phú Trọng và vây cánh sẽ còn được đề cao là những người biết điều, được sự hậu thuẫn rộng rãi của Đảng và chiếm được lòng dân!

* * *

Những người cúi đầu thần phục BK vẫn còn đó, những người độc tài vẫn còn đó, những người tham nhũng vẫn nhởn nhơ. Trò hề nhượng bộ để QH “bác” siêu dự án chỉ giả vờ, là vở tuồng đã được họ chuẩn bị. Cuộc thăm hỏi, vỗ về các tướng lãnh và lão thành cách mạng là chỉ ve vuốt bề ngoài. Tất cả các trò này họ chỉ cốt nhắm mục tiêu được yên ổn leo cao hơn, ngồi lâu hơn trong ĐH 11 sắp tới.

Nếu họ tiếp tục nắm quyền thì mọi chuyện sẽ như cũ, nhiều mặt sẽ nguy hiểm hơn và tồi tệ hơn, đặc biệt trong việc cúi đầu nhượng bộ BK và tham nhũng lộng hành. Bộ máy công an mật vụ sẽ tăng cường đàn áp những người khác chính kiến, bộ máy Tuyên giáo sẽ tăng cường bịt miệng, bịt mắt và bịt tai nhà báo, chuyên viên, trí thức và nhân dân.

Vì thế, việc “bác” siêu dự án của QH hoàn toàn không phải là chiến thắng của QH, các chuyên viên, tướng lãnh, lão thành cách mạng và nhân dân. Đây chỉ là nhượng bộ giả vờ để sau ĐH 11 sẽ đưa ra trở lại. Nhượng bộ chiến thuật của những người độc tài và cúi đầu trước BK đang muốn leo cao hơn, ngồi lâu hơn để tỏ rằng, họ „biết nghe ý dân“!

Những người dân chủ, các vị tu hành, chuyên viên, trí thức và các tướng lãnh cùng lão thành cách mạng cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động rất chính đáng và khẩn thiết để những phần tử cúi đầu trước BK, bọn quan tham nhũng và những kẻ đàn áp nhân dân không thể leo cao, ngồi lâu trong ĐH 11 sắp tới. Đây là tiếng gọi của lương tâm và mệnh lệnh của trí tuệ, là nguyện vọng chân chính và khẩn thiết của nhân dân VN ở trong và ngoài nước !

Mục Thời sự Tạp chí Dân chủ & Phát triển điện tử:

www.dcpt.org hay www.dcvapt.net

.

.

.

No comments: