Friday, June 25, 2010

THẾ NÀO LÀ YÊU NƯỚC (3) (Nguyễn Hưng Quốc)

Thế nào là yêu nước ? (3)

Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Sáu, 25 tháng 6 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/quoc/the-nao-la-yeu-nuoc-3-06-25-2010-97178854.html

Cuối bài ”Thế nào là yêu nước” (2) , tôi đi đến kết luận: Yêu nước, thật ra, là yêu những điều tưởng tượng. Viết như vậy, hẳn nhiều người thấy lạ; phản ứng tự nhiên là phản đối. Tuy nhiên, luận điểm ấy lại rất dễ dàng được chứng minh bằng chính lịch sử của Việt Nam.

.

Người ta thường nói yêu nước, trước hết, là yêu ba yếu tố: yêu đất nước, yêu đồng bào, và yêu các thiết chế, chủ yếu là các thiết chế chính trị trên đất nước của mình. Trong ba yếu tố ấy, hai yếu tố đầu là quan trọng nhất. Vấn đề là: Tại sao tôi yêu hay phải yêu đất nước và đồng bào của mình?

.

Người Việt, trong đó có các chính trị gia và các học giả, giống như Trần Văn Giàu, trong cuốn Trong dòng

chủ lưu của văn học Việt Nam: Tư tưởng yêu nước (1), khẳng định một cách chắc nịch: Đó là thứ “tình cảm tự nhiên” (tr. 7). Nhưng, thật ra, chẳng có chút gì “tự nhiên” cả khi một người sống ở Hà Nội hoặc Sài Gòn, hơn nữa, sống tuốt tận California hay Melbourne, yêu mấy cái hòn đảo lởm chởm đá xa lơ xa lắc ở tận Hoàng Sa và Trường Sa. Cũng chẳng có chút “tự nhiên” nào cả khi người ta yêu một hay những người Việt lạ hoắc lạ huơ và hoàn toàn khác biệt với mình từ quê quán đến nghề nghiệp, trình độ học thức, quan điểm chính trị, cách sống, v.v....

.

Không, những tình cảm ấy chẳng “tự nhiên” chút nào cả. Yêu gia đình, họ hàng, hàng xóm có thể tự nhiên, vì nhiều lý do: huyết thống, quan hệ gần gũi, những kỷ niệm chung, v.v... Nhưng, trừ tình trai gái, yêu một người một nơi hoàn toàn xa lạ, có khi đầy khác biệt, chắc chắn chẳng có gì tự nhiên cả.

.

Những thứ tình cảm ấy không tự nhiên nảy nở. Chúng được gieo cấy và vun trồng qua hệ thống giáo dục và tuyên truyền, qua nền văn học, nghệ thuật và văn hoá đại chúng nói chung từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ đời này qua đời khác. Ở Việt Nam, trung tâm của toàn bộ nội dung giáo dục và tuyên truyền nằm ở câu chuyện Họ Hồng Bàng (mà tâm điểm là chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ với huyền tích trăm trứng trăm con): chúng ta yêu đất nước vì đó là lãnh thổ tổ tiên dày công xây dựng và gìn giữ; và chúng ta yêu đồng bào vì đó là... đồng bào, là ruột thịt của mình. Như vậy, đất nước được hình dung như một gia đình mở rộng. Đây chính là lý do tại sao nhiều người xem tình yêu nước là điều tự nhiên: Nó cũng giống như tình yêu gia đình.

.

Trong cuốn Trong dòng chủ lưu của văn học Việt Nam: Tư tưởng yêu nước, Trần Văn Giàu cho “truyện Họ Hồng Bàng là truyện đứng đầu tất cả các truyện đứng đầu” (tr. 28). Ông nhấn mạnh thêm: “Đã có thần thoại Họ Hồng Bàng thì, trong tâm tư người Việt Nam, chữ ‘đồng bào’ (cùng một bọc sinh ra) ắt có nghĩa thâm thuý hơn chữ ‘cùng tổ quốc’ của nhiều nhóm ngôn ngữ dân tộc khác. Nổi lên một áng văn truyền miệng hay, truyện Họ Hồng Bàng, xưa nay là một vũ khí chính trị sắc của người Việt Nam, tổ tiên thời xa xưa nhất của chúng ta đã dùng truyện con Hồng cháu Lạc để đánh tan sự khinh miệt của bọn xâm lược Tàu nói rằng dân tộc ta là ‘man di’, ‘nam man’; gần đây nhất thì truyện con Hồng cháu Lạc được gợi lên để

cổ vũ đồng bào khởi nghĩa tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.” (tr. 30).

.

Nhưng truyện Họ Hồng Bàng, hay, tập trung hơn, truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, như thế nào?

.

Xin chép lại lời kể trong cuốn Lĩnh Nam chích quái tương truyền do Trần Thế Pháp sưu tầm và biên soạn từ thế kỷ 15:“Đế Minh cháu ba đời họ Viêm Đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, sau nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ Lĩnh lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Tục dung mạo đoan chính, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường cho anh. Đế Minh liền lập Nghi làm kẻ nối ngôi. Lại phong Lộc Tục là Kinh Dương Vương để trị đất Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương có tài đi dưới Thủy Phủ, lấy con gái Long Vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long Quân, cho nối ngôi trị nước.

[...]

Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ ra một bọc, cho là điềm bất thường, vứt ra cánh đồng; qua sáu bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi. Không phải bú mớm, các con tự lớn lên, trông đẹp đẽ kỳ dị, người nào cũng trí dũng song toàn, người người đều kính trọng cho là triệu phi thường. Long Quân ở lâu dưới Thủy Quốc vợ con thường muốn về đất Bắc. Về tới biên giới, hoàng đế nghe nói rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về được bèn quay về nước Nam mà gọi Long Quân rằng: "Bố ở nơi nào mà để mẹ con tôi cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này". Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở đất Tương. Âu Cơ nói: "Thiếp vốn là người nước Bắc, ở với vua, sinh hạ được trăm con trai, vua bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi con, làm người vô phu vô phụ, chỉ biết thương mình". Long Quân nói: "Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia lìa. Ta đem năm mươi con về Thủy Phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên". Trăm con vâng theo, sau đó từ biệt mà đi. Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đông giáp Nam Hải, tây tới Ba Thục, bắc tới Động Đình hồ, nam tới nước Hồ Tôn (nay là Chiêm Thành). [...] Đó trăm người con trai chính là tổ tiên của người Bách Việt vậy.” (2)

.

Liên quan đến truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, có mấy điều cần chú ý:Trước hết là xuất xứ.

.

Trong bài “Truyền thuyết Hùng Vương”, Trần Gia Phụng viết: “Ngày nay người ta cho rằng truyền thuyết Hùng Vương chính thức xuất xứ từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư của sử quan Ngô Sĩ Liên” (3). Thực tình, tôi không dám chắc. Không có gì bảo đảm Đại Việt sử ký toàn thư ra đời trước Lĩnh Nam chích quái cả. So sánh tuổi tác của Vũ Quỳnh (đỗ tiến sĩ năm 1478) và của Kiều Phú (đỗ tiến sĩ năm 1475) với Ngô Sĩ Liên (đỗ tiến sĩ năm 1442), thật ra, không có ý nghĩa gì nhiều. Lý do đơn giản: Vũ Quỳnh cũng như Kiều Phú chỉ là những người hiệu chính lại một văn bản đã có sẵn, theo truyền thuyết, do Trần Thế Pháp (không rõ năm sinh và năm mất) biên soạn. Vì tiểu sử của Trần Thế Pháp không rõ và năm bản gốc của Lĩnh Nam chích quái được hoàn tất không được biết, mọi vấn đề đều tồn nghi. Tuy nhiên, tôi vẫn tin là Lĩnh Nam chích quái ra đời trước Đại Việt sử ký toàn thư. Thứ nhất, câu chuyện trong Lĩnh Nam chích quái nhiều chi

tiết hơn hẳn trong Đại Nam sử ký toàn thư và tất cả các cuốn sách khác sau đó. Thứ hai, trong Đại Việt sử ký toàn thư (4), khi kể chuyện Lạc Long Quân dẫn 50 con về miền Nam, Ngô Sĩ Liên chú: “Có bản chép là về Nam Hải” (tr. 128). Như vậy rõ ràng trong tay ông có ít nhất một văn bản nào đó. Văn bản đó có phải là cuốn Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp hay không thì không có gì chắc cả. Chúng ta chỉ có thể chắc chắn một điều: Ngô Sĩ Liên không phải là người đầu tiên nhắc đến truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Không những không phải là người đầu tiên chép truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, Ngô Sĩ Liên còn thay đổi một số chi tiết trong truyện, trong đó, quan trọng nhất là: qua lời kể của ông, vị vua Hùng đầu tiên của nước Văn Lang là một trong những người con theo bố chứ không phải thuộc nhóm theo mẹ: “Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: ‘Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thuỷ hoả khác nhau, chung hợp thật khó.’ Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua.” (tr. 128).

Sửa, ừ, thì sửa, nhưng có lẽ ông biết ngay là ngượng ngập: mọi chứng cứ đều cho thấy các triều đại đầu tiên của Việt Nam đều ở miền núi chứ không phải dưới biển hay đồng bằng. Bởi vậy, sau đó mấy trang, ông phân vân: “Nói 50 con theo mẹ về núi, làm sao biết không phải thế?” Rồi ông biện giải: “Vì mẹ làm

quân trưởng, các con đều làm chúa một phương. Cứ xem như tù trưởng người man ngày nay xưng là nam phụ đạo, nữ phụ đạo.” (5)

Lý do của sự thay đổi ấy không có gì khó hiểu: Tư tưởng chính thống theo quan điểm phụ quyền (ngôi vua là do cha truyền lại cho con trai trưởng). Chắc chắn đó là do ảnh hưởng của Nho giáo lúc ấy đang bắt đầu thịnh phát ở Việt Nam.mAi là người đầu tiên công khai vạch trần những sự thay đổi ấy của Ngô Sĩ Liên?

Có lẽ là một sử gia họ Ngô khác: Ngô Thì Sĩ (1726-1780). Trong Việt sử tiêu án (6), Ngô Thì Sĩ viết: “Trong truyện lại chép: Lạc Long cùng với Âu Cơ chia con ra mỗi bên một nửa, theo cha mẹ lên núi và xuống bể, có việc gì cũng cho nhau biết, Bà Cơ đưa 50 con đến ở Phong Châu, tôn người hùng trưởng, đời đời gọi là Hùng Vương. Nhà làm sử muốn lấy người theo cha làm chính thống, nên đổi lời văn mà nói rằng: 50 con theo cha ở phía nam, mà lấy Hùng Vương để ở sau, khiến cho sự việc mất sự thực, người đọc sách không thể không nghi được.” (tr. 12)

.

Một điều khác cũng cần được chú ý là: suốt thời phong kiến, cho đến tận cuối thế kỷ 19, dường như không mấy người mặn mà với truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ. Chép thì chép, nhưng, thứ nhất, người ta chỉ chép trong phần “ngoại kỷ”; thứ hai, vừa chép vừa nghi hoặc. Ngô Sĩ Liên thì cố biện bạch cho chuyện Âu Cơ đẻ ra trăm trứng: “có vợ chồng rồi sau mới có cha con, có cha con rồi sau mới có vua tôi. Nhưng thánh hiền sinh ra, tất có khác thường, đó là do mệnh trời. Nuốt trứng chim huyền điểu mà sinh ra nhà Thương, giẫm vết chân người khổng lồ mà dấy nhà Chu, đều là ghi sự thực như thế.” (tr. 128-9). Ngô Thì Sĩ thì bác bỏ thẳng thừng: “Đến như việc Kinh Dương lấy con gái Động Đình, Lạc Long lấy nàng Âu Cơ, loài ở nước, loài ở cạn lấy nhau, thần với người ở lẫn, lời đó tựa hồ không hợp lẽ thường.” (tr. 11).

.

Trong Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, sau khi đọc chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ, Tự Đức phê:

“Kinh Thi có câu ‘Tắc bách dư nam (hàng trăm con trai). Đó là lời chúc tụng cho nhiều con trai đấy thôi. Xét đến sự thực cũng chưa đến số ấy. Huống chi lại nói là đẻ ra trăm trứng. Nếu quả thực như vậy thì khác gì chim muông, sao gọi là người được? Dẫu đến như chuyện nuốt trứng chim huyền điểu, giẫm vào dấu chân người khổng lồ cũng chưa quái lạ quá lắm như thế.Vậy thì chuyện này dường như cũng hoang đường, lờ mờ, không kê cứu như chuyện ‘Mình rắn đầu người, mình người đầu trâu’ đó chăng?” (7)

.

Từ những ghi chép trên, có hai điều cần ghi nhận:

Thứ nhất, những hoài nghi hay phản đối của Ngô Sĩ Liên đến Ngô Thì Sĩ và Tự Đức về tính khả tín của huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ kể cũng khá... vô duyên. Tất cả đều lẫn lộn giữa huyền thoại và lịch sử. Lịch sử thì cần chính xác. Còn huyền thoại thì... chính xác một cách khác: Trước hết, nó không nhắm đến giải thích; nó chỉ nhằm mô tả; không phải mô tả hiện thực mà là mô tả kinh nghiệm, thậm chí, cả ước mơ, của con người về hiện thực; hơn nữa, nó đầy tính chất tượng trưng: chẳng hạn, chi tiết một trăm cái trứng không quan trọng bằng chi tiết cái bọc: không có cái bọc ấy sẽ không có, không thể có, ý niệm đồng bào bao trùm không những người ở đồng bằng mà còn cả những người sống trên các miền núi nữa.

Thứ hai, ý nghĩa câu chuyện thần thoại trên rất rõ ràng: Nó được dùng để giải thích nguồn gốc dân tộc Việt Nam trên các khía cạnh: lịch sử (xuất phát từ phương Bắc), lãnh thổ (bao gồm cả miền xuôi lẫn miền ngược), chủng tộc (tất cả đều ra đời từ một buồng trứng, đều là con Hồng cháu Lạc), và phần nào cả thể chế nữa (mẫu hệ: Sùng Lãm lấy họ mẹ khi lên ngôi; một trong 50 đứa con đi theo Âu Cơ trở thành vị vua Hùng đầu tiên của nước Văn Lang).

Với ý nghĩa như thế, truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ đã đóng một vai trò cực lớn trong việc hình thành ý niệm về quốc gia và đồng bào, và trở thành biểu tượng chung của cả dân tộc. Nó là một tác nhân quan trọng trong việc phát triển tư tưởng yêu nước của người Việt Nam.

Thứ ba, dù vậy, tất cả các ý nghĩa vừa kể chỉ được người Việt Nam khám phá lại vào đầu thập niên 20 mà thôi. Trước, rất hiếm người nhắc đến truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ; sau: cực kỳ nhiều. Trước, không ai nhắc đến chữ đồng bào; sau: hết sức phổ biến.

Tại sao?

Chưa vội trả lời câu hỏi ấy, tôi chỉ xin tóm tắt những luận điểm chính trong bài này trước: một, nền tảng của tư tưởng yêu nước của Việt Nam là một câu chuyện; hai, bản chất của câu chuyện ấy là một thần thoại; và ba, thần thoại ấy không ngừng bị/được cải biên.

Nói tóm lại, tất cả đều chỉ là những điều tưởng tượng.

Yêu nước là yêu những điều tưởng tượng đại loại như vậy.

Bạn có nghĩ vậy không?

.

Chú thích:

1. Nhà xuất bản Văn Nghệ tp Hồ Chí Minh, 1983.

2. Trích từ

http://vi.wikisource.org/wiki/L%C4%A9nh_Nam_ch%C3%ADch_qu%C3%A1i/Truy%E1%BB%87n_h%E1%BB%8D_H%E1%BB%93ng_B%C3%A0ng

3.Trần Gia Phụng (2002), Những câu chuyện Việt sử, tập 3, Toronto: Non Nước

4. Ngô Sĩ Liên (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, bản dịch của Ngô Đức

Thọ, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.

5. Mấy câu này trong bản dịch của Nhượng Tống (Đại Nam tái bản ở Mỹ, không ghi

năm) rõ hơn: “Còn năm chục người con theo mẹ về núi, biết đâu là không như

thế? Chắc là mẹ thì làm vua mà các con thì đều làm chúa một phương. Cứ xem như

các chúa Mường ngày nay có danh hiệu nam phụ đạo, nữ phụ đạo thì hoặc giả có

lẽ như thế.” (tr. 39)

6. Ngô Thì Sĩ (1991), Việt sử tiêu án, bản dịch của Hội Việt Nam Nghiên cứu

Liên lạc Văn hoá Á châu, Văn Sử tái bản ở San Jose.

7. Dẫn theo Nguyễn Khắc Ngữ (1985), Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Montréal: Nhóm

Nghiên cứu Sử Địa, tr. 11.

.

.

.

No comments: