Monday, June 28, 2010

TIẾN SĨ...CÂM ĐIẾC

Tiến sĩ… câm điếc!

Hồ Tuấn

Cập nhật lúc :1:28 PM, 28/06/2010

http://www.baodatviet.vn/Home/giaoduc/Tien-si-cam-diec/20106/100233.datviet

Người ta thường gọi những người học ngọai ngữ lâu năm, có bằng cấp hẳn hoi như cử nhân chẳng hạn, mà không nói, viết đuợc tiếng Anh là những người… câm điếc! Kể cũng có lý bởi trong bệnh học, bệnh câm thường đi đôi với điếc và ngược lại.

Bây giờ xã hội chúng ta lại xuất hiện thêm một khái niệm mới hoàn toàn: Tiến sĩ… câm điếc! Nó cũng giống như khái niệm tiến sĩ giấy mà thi sĩ Nguyễn Khuyến từng chế giễu trong một bài thơ cùng tên. Và nó cũng đồng bệnh, tức đã là tiến sĩ điếc thì chắc chắn cũng phải câm!

Loại tiến sĩ mù ngoại ngữ như vậy ở ta có khá nhiều. Với những vị này, họ hãi mấy cái hội nghị quốc tế đến vãi linh hồn, vì chẳng lẽ đường đường khoác trên vai cân đai áo mũ hẳn hoi, đến hội nghị lại phải đeo tai nghe để nghe qua phiên dịch! Thường những vị tiến sĩ như vậy họ lặn mất tăm trên các diễn đàn học thuật. Họ chỉ xuất hiện đường hoàng ở phòng tổ chức cán bộ mỗi khi có cơ hội được đề bạt, thăng tiến và ở những nơi cần “giải quyết khâu oai”! Cũng có thể cảm thông vì họ là những người do “lịch sử để lại” dù đó cũng là một gánh nặng cho xã hội.

Những vị tiến sĩ… câm điếc thời hiện đại mới kinh, bởi họ hoàn toàn chủ động, hoàn toàn khát khao cái học vị tiến sĩ ấy để… làm việc và cống hiến cho xã hội! Vị tiến sĩ… câm điếc hiện đại đó xuất hiện công khai lần đầu tiên trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày qua là ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc sở VH-TT-DL tỉnh Phú Thọ, tiến sĩ… câm điếc ngành quản trị kinh doanh của ĐH Southern Pacific University (ĐH Nam Thái Bình Dương ở Mỹ).

Thực ra ông tiến sĩ… câm điếc này chẳng dại chi mà xuất hiện, chẳng qua là báo chí thấy chuyện ông làm tiến sĩ ở Mỹ mà không cần tiếng Anh quá kỳ lạ nên mới tìm hiểu xem nó là cái bằng gỉa hay thật! Vậy là ông Ân nổi tiếng như cồn bởi cách lấy bằng tiến sĩ quá tài tình của ông: học tiến sĩ từ xa trong vòng có 2 năm, trong đó có 2 tuần học ở Mỹ qua phiên dịch và cả khi trình luận văn cũng qua phiên dịch.
Giá cái bằng này là 17.000 USD

.

Cái “xui” của “tiến sĩ” Ân là để lộ cái bằng dỏm này ra để cho báo chí nó tò mò tọc mạch. Cuối cùng qua dư luận, một cuộc “kiểm tra” bằng “tiến sĩ” dỏm không chính thức này được tiến hành và kết luận chẳng có trường ĐH đàng hòang nào bên Mỹ đào tạo tiến sĩ kiểu ấy. Nhưng khốn nạn, ông Ân vẫn tin có một trường ĐH như vậy, tin vào cái bằng tiến dỏm của ông và tiết lộ thêm vẫn còn có một số người đang học lấy bằng tiến sĩ kiểu như ông!

.

Thực ra chuyện tiến sĩ dỏm như vậy đã được nhiều người ở ta cố lấy cho bằng được, đến khi biết nó là đồ dỏm, bèn dấu biệt. Cái “xui” của ông Ân là cái bằng của ông nó phát lồ lộ ra, cho nên ông mới bị “chiếu tướng” và ông cảm thấy “mình không may” như lời ông tâm sự. Ôi, nếu ông may, cơ hội sắp tới ông còn thăng tiến nữa nhờ cái bằng tiến sĩ… điếc ấy, ít ra cũng có thể làm… hiệu trưởng của một trường ĐH dân lập!

.

Chuyện ông Ân là chuyện bi hài nhưng nó cũng cho thấy một góc nhỏ của một xã hội quá coi trọng bằng cấp, dù là bằng cấp dỏm. Nó làm cho chúng ta liên tưởng tới những cử nhân các lớp ĐH tại chức, cao học liên kết được các trường ĐH tổ chức khắp nơi, được đào tạo qua loa, cốt yếu để có cái bằng mà giữ chức, thăng tiến. Nó cũng làm cho chúng ta giật mình với kế họach của bộ GD-ĐT sẽ đào tạo 20.000 tiến sĩ cho đến năm 2020. Chúng ta đã có nhiều tiến sĩ câm điếc rồi và không thể chữa nổi căn bệnh ấy của họ. Vậy liệu 20.000 vị tiến sĩ sẽ được đào tạo như thế nào để có thể không mắc bệnh câm, điếc?

Hồ Tuấn

.

.

.

No comments: