Friday, June 25, 2010

NÓI "KHÔNG" với XẤU HỖ

Nói không với xấu hổ

Đăng bởi: Nguyễn Quang Lập

25.06.2010

http://quechoablog.wordpress.com/2010/06/25/noi-khong-v%E1%BB%9Bi-x%E1%BA%A5u-h%E1%BB%95/

Sau ba năm Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, năm nay ngành giáo dục đạt đến được “thành tích” không ngờ, tỉ lệ tốt nghiệp đạt 90%, bằng với tỉ lệ tốt nghiệp năm 2006 là năm tình trạng tiêu cực lên đến đỉnh điểm buộc ngành giáo dục phải giương cao ngọn cờ hai không. Thật lạ kì.

Năm thứ nhất thi đua hai không từ chỗ đạt tỉ lệ 90% đổ lên đã tụt xuống 70-80%. Lại tiếp tục thi đua, năm thứ hai tụt xuống 50-60%. Lại tiếp tục thi đua nữa, năm thứ ba tụt xuống 30-40%, nhiều tỉnh chỉ 20%, thậm chí có tỉnh chỉ đạt 14%. Có người kêu tình hình này chỉ cần đến năm 2020 tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông chỉ còn 1-2%, có khi không phần trăm, âm phân trăm cũng không biết chừng. Thậm nguy thậm nguy.

Thế mới biết nếu chỉ nói không với tiêu cực chứ không nói có vớí chất lượng giáo dục, quanh năm suốt tháng loay hoay cải cách giáo dục mà không biết cải cách cái gì, cải cách như thế nào thì càng nói không với tiêu cực càng rơi vào bế tắc. Chất lượng giáo dục được xây dựng trên cơ sở triết lý giáo dục lỗi thời, chủ yếu để tạo ra thứ học trò biết vâng lời dễ sai bảo, không tôn trọng cái tôi của học trò, tư duy tự do được coi như một mối nguy hại thì cải cách đến giời không vẫn hoàn không. Từ trước đến nay chưa ai nghĩ muốn cải cách giáo dục phải bắt đầu từ triết lý giáo dục, thời nào cũng thế hễ nghĩ đến cải cách giáo dục là lập tức nghĩ đến xây dựng phong trào, rõ bi hài.

.

Trước đây có phong trào hai tốt bị coi là hai dốt. Dốt ở đây nghĩa là dại. Mà dại thật, bày ra hai tốt tạo điều kiện cho thầy trò thi đua học dối thi gian, tỉ lệ tốt nghiệp cao ngất ngưỡng mà chất lượng lắm khi tụt xuống gần với zero. Ai đời thua ông tú tài thời nay không biết Đông Nam Á ở đâu, ngày 2/9/1945 là ngày nào, còn bảo khai căn với luỹ thừa khác gì bảo đầu gối ngâm thơ. Học trò như thế tất nhiên thầy xấu hổ rồi, thế là bỏ hai tốt làm ra cái hai không.

.

Khốn thay hai không người ta lại bảo hai khờ. Khi không tự mình đánh tụt thành tích của mình có phải khờ không. Phụ huynh la làng, nói thầy cô dạy dỗ thế nào con cái chúng tôi trượt hết thế này. Tỉnh than huyện trách xã mắng, nói giáo dục làm ăn kiểu gì thi cử mỗi năm mỗi kém, giáo dục chống được tiêu cực thì chúng tôi mất điểm thi đua, chống tiêu cực hay trù ẻo nhau đây. Rồi thì Sở phòng kêu mất cờ quạt, trường lớp kêu mất học trò, thầy cô kêu mất tiền thưởng. Khờ quá là khờ.

.

Trở lại với hai tốt không xong, giữ cái hai không chẳng được, đành đánh bài lờ thả nổi để cho thầy trò vào cuộc thi cử “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Dĩ bất biến là thành tích tốt nghiệp phải trở lại như xưa, ứng vạn biến là như vầy như vầy… không nói ai cũng biết. Kết qủa thật không ngờ, năm ngoái tốt nghiệp ba bốn chục phần trăm, năm nay đại nhảy vọt tám chín chục phần trăm tất tần tật.Tỉnh bét dem năm ngoái đạt 14,2% năm nay đạt 95%, trường bét dem năm ngoái đạt 0% năm nay đạt 96%. Thất kinh.

.

Tất nhiên thầy cô ngoài mặt thì giả bộ vui mừng nhưng trong lòng thì xấu hổ lắm. Ai chẳng biết để có kết quả đó thầy cô phải biết hai không, không nghe không thấy, học trò hỏi bài nhau, quay cóp nhau tha hồ, giám thị có mắt như mù có tai như điếc. Thế nên có tập bài thi tất cả các bài đều nhất tề gọi nhà máy điện Yên Phụnhà máy Điện Biên Phủ. Có tập bài thi tất cả các bài thi gọi việc Pháp gửi tối hậu thư yêu cầu ta “trao quyền kiểm soát Thủ đô” thành ra “trao quyền sát sinh cho chúng” (Theo SGGP online). Rõ là thiên tài copy and paste. Khổ thay, các tập bài thi ấy thầy cô đều muối mặt cho điểm 7 điểm 8, chẳng ai dám cho điểm 1 điểm 2.

.

Cứ tưởng học trò như thế, thi cử như thế ai không xấu hổ người đó chắc chắn không phải là nhà giáo. Chẳng dè nghe một nhà giáo hân hoan khoe với quốc hội mà giật cả mình: “Tiêu cực thi cử năm nay giảm hẳn, không còn là bức xúc xã hội… Tại kỳ thi 2007 có 2.612 thí sinh bị đình chỉ thi, năm 2010 chỉ còn 90 (giảm gần 97%). Tương tự, số giám thị bị đình chỉ cũng giảm từ 32 xuống còn 1 (giảm 97%).” Rõ là con số không ngờ, con số khó tin, con số gây sốc, con số chỉ có thánh thần mới làm được.

.

Có thật số thí sinh và giám thị vi phạm giảm hay việc đánh bài lờ, tha bổng không đình chỉ tăng? Có thật chất lượng học sinh tăng cao hay việc chống tiêu cực giảm hẳn? Có thật giáo dục vẫn đang nói không với tiêu cực hay đã trở về nói không với xấu hổ? Hu hu…

.

.

.

No comments: