Tuesday, February 16, 2010

TUYẾT, TẾT VÀ CHUYỆN HAI CỘT CỜ

TUYẾT, TẾT VÀ CHUYỆN HAI CỘT CỜ
SƠN TÙNG
15/02/2010
http://www.haingoaiphiemdam.com/Quan-ben-duong/TUYET-TET-VA-CHUYEN-HAI-COT-CO_-SON-TUNG.php
Mấy ngày trước Tết Canh Dần, cũng như nhiều tiểu bang ở miền đông nước Mỹ, vùng Hoa Thịnh Đốn đã bị chôn vùi dưới hai trận bão tuyết lớn. Hai cơn bão tuyết trong một tuần lễ đã gần như làm tê liệt mọi sinh hoạt trong vùng thủ đô nước Mỹ. Công tư sở đóng cửa, trường học đóng cửa, nhà thờ cũng đóng cửa, thương mại đình trệ, xe lửa ngưng chạy, xe điện hầm cũng nằm một chỗ, nhiều khu vực bị mất điện, mất ga, không được sười ấm.
Đường xá bị vùi sâu dưới hơn một thước tuyết đóng thành băng, hai phi trường trong vùng tê liệt, hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ, nhiều mái nhà đã bị sụp đổ dưới sức nặng của lớp tuyết dầy. Chính quyền đã phải huy động Vệ Binh Quốc Gia tới trợ giúp. Cơ quan khí tượng cho biết đây là trận bão tuyết lớn nhất trong vùng từ xưa tới nay nay.
Trong khi trẻ em vui mừng vì được nghỉ học và chơi đùa với tuyết thì người lớn không vui vì phải xúc tuyết cực nhọc và đình trệ công việc làm ăn. Chưa biết con số chính xác về sự thiệt hại do trận bão tuyết “lớn nhất hai thế kỷ”gây ra trong vùng này, nhưng giới doanh thương chắc phải buồn không ít vì bị thất thu trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Ngoài vùng Washington, các tiểu bang ở phiá bắc nước Mỹ còn bị ảnh hưởng nặng hơn do mùa đông khắc nghiệt kéo dài, và đây là lần đầu tiên, ngoài Hawaii, tất cả 49 tiểu bang trên nước Mỹ đều có tuyết. Hiện tượng này đã làm nhiều người vui và buồn, mà người buồn nhất nước Mỹ, và có thể buồn nhất thế giới, là… ông cựu Phó Tổng Thống Al Gore.
Từ nhiều năm nay, Ông Gore được coi như nhà quán quân cổ võ cho việc cảnh cáo nguy cơ làm “tăng sức nóng của quả địa cầu” (global warming). Ông ta viết sách, ông ta diễn thuyết, ông ta làm phim để cảnh cáo loài người trước thảm hoạ trái đất đang nóng dần vì chất thán khí (carbon dioxide) thải ra từ các nhà máy, xe hơi, và những máy móc dùng xăng dầu được gọi là GHG (greenhouse gases). Nhờ hăng say đi tiên phong trên mặt trận bảo vệ môi sinh, cứu nguy trái đất và lo cho tương lai nhân loại mà Ông Gore gặt hái được cả lợi lẫn danh. Ngoài những kinh doanh về môi sinh, diễn thuyết với thù lao bạc triệu, cuốn phim “The Inconvenient Truth” của ông ta đoạt Giải Oscar và thu được bộn tiền, Al Gore còn được trao tặng Giải Nobel Hoà Bình.
Tuy nhiên, không phải mọi người đều hoan hô và đồng ý với cựu Phó Tổng thống Al Gore. Nhiều người tố ông ta là tay lừa gạt, và đạo đức giả. Trong khi hô hào người khác giảm bớt việc dùng xăng dầu gây ô nhiễm không khí thì ông ta di chuyển bằng máy bay phản lực riêng, thay vì mua vé đi bằng phi cơ thương mại, ông ta làm chủ hai ngôi nhà lớn dùng nhiều máy móc gây ô nhiễm hơn người khác, hàng năm còn được chia lời từ một công ty sản xuất kẽm bị phạt vì xả bã quặng xuống sông. Ông ta còn có thói quen ăn mỗi ngày một điã lớn thịt bò bí-tết mà tổ chức bảo vệ súc vật PETA (People for Ethical Treatment of Animals) cho biết kỹ nghệ nuôi bò giết thịt thải ra nhiều GHG hơn là số lượng GHG do tất cả xe cộ thải ra.
Luận đề trái đất đang tăng dần sức nóng của Al Gore cũng bị nhiều nhà khoa học tên tuổi bác bỏ, chí trích là thiếu nền tảng khoa học chứng minh. Người ta không chối cãi về sự kiện nhiệt độ trái đất đã tăng lên 0.3 độ bách phân trong khoảng thời gian giữa năm 1980 và 1989, nhưng không phải do GHG của loài người thải ra mà là chu kỳ tự nhiên của vũ trụ.

Năm 2007, khoa học gia người Nga Oleg Sorokhtin thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Tự Nhiên ở Mạc-tư-khoa nói rằng quả địa cầu đang ở cao điểm của tiến trình tăng nhiệt độ, và tiên đoán rằng hành tinh mà loài người đang sống sẽ trở nên lạnh từ năm 2012, và sẽ rất, rất lạnh vào khoảng năm 2041.
Nhà vật lý học danh tiếng Pháp Claude Allegre đã gọi Al Gore là một kẻ lường gạt và so sánh những người Pháp về hùa theo ông ta là những kẻ theo tà đạo một cách cuồng tín.
Nhà khí tượng học Mỹ John Coleman, người sáng lập băng tần “Weather Channel” trên truyền hình, nói rằng “global warming” là một vụ phỉnh gạt lớn nhất trong lịch sử.
Richard Lindzen, giáo sư khoa khí tượng tại Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT), nói rằng sẽ phải mất nhiều năm để sự sợ hãi về thay đổi thời tiết chết đi, nhưng cái chết kiểu xoáy trôn ốc sẽ bắt đầu vào một thời điểm nào đó.
Phải chăng thời điểm đó là 2010?

Tại Mỹ đã có những chiếc áo thun được sản xuất với khẩu hiệu chế giễu Al Gore và phe “global warming” như: “Snowpocalypse Now”, hay “I survived Snowmageddon 2010”!
Nhưng, vấn đề “global warming” không phải chỉ là một cuộc tranh cãi có tính cách khoa học hay môi sinh, và không chỉ liên quan đến Al Gore. Nó là nền tảng của một cuộc tranh chấp chính trị trên bình diện toàn cầu kể từ khi có cái Quyết nghị Kyoto (Kyoto Protocol) năm 1994 do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, theo đó phần lớn GHG thải ra trên toàn cầu là do các nước kỹ nghệ hoá nên các nước này phải cắt bớt, còn các nước đang phát triển thải ra ít GHG nên cứ tiếp tục tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu xã hội và phát triển. Đồng thời các nước đã phát triển có nghiã vụ đóng góp để giúp các nước nghèo tiến lên.
Như vậy, theo Quyết nghị Kyoto thì tất cả trách nhiệm cắt giảm GHG đều thuộc về Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản, trong khi Trung Cộng, Ấn Độ (hai nước “nhà giàu mới”) và những nước còn lại (được biết dưới tên G77) thì không phải làm gì cả, mà Trung Cộng là nước gây ô nhiễm nhiều nhất.
Vì lý do trên mà cả Tổng thống Clinton và Tổng thống Bush trước đây đều đã bác bỏ Quyết nghị Kyoto với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Quốc hội Hoa Kỳ lúc ấy do Đảng Cộng Hoà nắm đa số. Nay, cả Bạch Cung và Quốc Hội đều trong tay Đảng Dân Chủ với khẩu hiệu “change” và lập trường cấp tiến bảo vệ môi sinh nên Tổng Thống Obama đã tham gia Quyết nghị Kyoto và tiến hành những biện pháp gắt gao rất tốn kém để cắt giảm GHG.

Nhưng cuộc tranh cãi về “global warming” chưa chấm dứt. Những người phản bác đã gọi đây là một âm mưu của cánh tả, một “Climategate”, mà mục đích chính là tăng thêm quyền lực cho chính phủ để kiểm soát dân chúng theo đường lối xã hội chủ nghiã.
Học Viện Khoa Học và Y Khoa Oregon đã tập họp được hơn 30,000 nhà khoa học Mỹ ký tên thúc giục chính quyền Hoa Kỳ bác khước Quyết nghị Kyoto được tạo ra bởi 2,500 chuyên viên của Liên Hiệp Quốc hầu hết là công chức bàn giấy và không có bằng cấp cao.
Giáo sư William Gray tại Trường Đai Học Colorado, được coi là một chuyên gia về bão biển nổi tiếng nhất thế giới, vừa đây đã cảnh cáo “Climategate” chỉ mới là “cái đỉnh của khối băng sơn khổng lồ trong một âm mưu quốc tế” được thi hành tinh vi của tiến trình toàn cầu hoá bất lợi cho nước Mỹ.
Nhật báo Washington Times, khuynh hướng bảo thủ, số ngày 9.02.2010 đã đăng một bài quan điểm coi trận bão tuyết vừa qua như một đòn nặng của thiên nhiên đánh vào chiến dịch tuyên truyền của phe tả hù dọa loài người về hậu quả thảm khốc sẽ xảy ra một khi sức nóng trên mặt địa cầu lên cao tới mức làm tan chảy những khối băng sơn ở Bắc cực khiến mực nước biển dâng cao. Bài báo nhắc lại những sự hù dọa tương tự hơn 130 năm trước về dự án đào con kinh Panama. Tờ New York Times ngày 7.3.1876 viết rằng con kinh đào nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương sẽ tức thì làm biến mất luồng Gulf Stream với những hậu quả ghê gớm. Những thung lũng của hai con sông St. Lawrence và Thames sẽ đầy những băng giá khổng lồ, và miền duyên hải hai nước Ái-nhĩ-lan và Anh sẽ chỉ có người Esquimaux, hải cẩu và gấu bắc cực sinh sống, và London sẽ từ từ biến mất dưới một núi tuyết và băng đá.
Khi kinh đào Panama được khánh thành vào năm 1914 thì không còn ai nhớ tới những “tiên tri” khủng khiếp của tờ báo “uy tín nhất thế giới” New York Times.

Cuộc tranh cãi về “global warming” sẽ còn kéo dài trong lúc hàng tỉ đô-la của dân đóng thuế đã được tiêu dùng vào những chương trình làm giảm GHG và những việc nghiên cứu liên quan đến vấn đề này.
Có lẽ còn quá sớm để quyết định dứt khoát vụ “global warming” có phải là một “climategate” hay không, nhưng mấy trận bão tuyết này đã làm buồn nhiều người, trong đó có cộng đồng người Việt Vùng Hoa Thịnh Đốn, dù không mấy ai quan tâm tới chuyện “climategate”.

Nhiều người buồn vì hai phiên Chợ Tết chuẩn bị từ mấy tháng trước đã phải bị huỷ bỏ do hai cơn bão tuyết lớn đổ xuống vào mấy ngày cuối năm âm lịch. Khu thương mại Eden, “điểm hẹn” của cộng đồng người Việt trong vùng, bị phủ ngập dưới “núi tuyết” khiến việc mua bán, “du xuân” bị ảnh hưởng nặng.

Những năm trước, Tết thường rơi vào những ngày trong tuần nên phần đông đều đi làm và “không ăn Tết”. Tết năm nay, Canh Dần, nhằm những ngày rất thuận tiện. Mùng một Tết, Chủ Nhật 14.2, cũng là “Valentine’s Day”. Mùng hai Tết, Thứ Hai 15.2, là Presidents’ Day, ngày nghỉ lễ liên bang. Thế nhưng, hai cơn bão tuyết khổng lồ đổ xuống đã làm hỏng nhiều chương trình “vui xuân” của cộng đồng người Việt Vùng Hoa Thịnh Đốn.

Thật ra, mùa xuân tại Vùng Hoa Thịnh Đốn bắt đầu vào tháng tư, khi hàng ngàn cây hoa anh đào nở rộ trong tiết trời ấm áp. Tháng hai hàng năm tuy còn là mùa đông nhưng người Việt xa quê hương vẫn “đón xuân trong lòng” giữa không khí lạnh giá. Năm nay, Tết đến với tuyết trắng phủ ngập hơn một thước khắp mọi nơi. Nhiều cành hoa anh đào mang đầy nụ đã gãy xuống dưới sức nặng của tuyết đóng băng.

Tuy nhiên, Tết năm nay cộng đồng người Việt Vùng Hoa Thịnh Đốn có một niềm vui. Sau mấy tháng bị đình trệ vì những tranh cãi “trên bình diện toàn cầu”, việc thay hai cột cờ mới trong Khu Eden đã được thực hiện nhanh gọn trước khi hai trận bão tuyết đổ ập xuống.

Lễ thượng kỳ đầu năm theo thông lệ đã được tổ chức vào ngày mùng một Tết. Những người Việt tị nạn trong vùng họp nhau, xúc động và tự hào ngước nhìn lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà tung bay bên cạnh cờ Mỹ trên ngọn hai trụ cờ mới sáng chóí, uy nghi dưới ánh nắng đẹp của ngày đầu năm Canh Dần. “Sau cơn tuyết, trời lại sáng”.

Khu Eden thuộc thành phố Falls Church, Virginia, được thành lập vào giữa thập niên 1980. Với mặt tiền mang hình dáng cổng chợ Bến Thành Sài-Gòn, Khu thương mại này không ngừng phát triển cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt trong Vùng Hoa Thịnh Đốn (gồm DC và vùng phụ cận thuộc hai tiểu bang Maryland và Virginia), dù tiền thuê phố ngày một tăng cao. Mấy năm sau, hai cột cờ được dựng lên giữa khu đậu xe ở mặt tiền với công sức và tâm huyết của những người tị nạn quyết giữ vững ngọn cờ chính nghĩa mà bao nhiêu người đã hy sinh xương máu bảo vệ trong một cuộc chiến chưa chấm dứt với ngày 30.4.1975.

Mười mấy năm qua, lá cờ vàng tung bay trong Khu Eden giữa vùng trời thủ đô nước Mỹ đã như một thách thức với toà đại sứ CS Việt Nam tại đây và một xác định lập trường của cộng đồng người Việt tị nạn hải ngoại, và đã có máu đổ dưới chân hai trụ cờ này.
Mấy tháng trước đây, khi việc thay hai trụ cờ mới được nêu ra đã có những tranh cãi, những va chạm đáng tiếc do những sự hiểu lầm, do cảm tính, và do những động cơ riêng tư. Nay, khi hai trụ cờ mới được dựng lên, mọi người đã nhìn nhận đây là quyết định đúng, là việc nên làm, và đáng lẽ phải được thực hiện sớm hơn.

Những người đã góp công thay hai trụ cờ mới, cũng như những người đã góp công dựng lên hai cột cờ trước đây đều là những người đáng được ghi công, đáng khâm phục. Không có “kẻ thắng, người bại”, mà đều là những người đấu tranh vì chính nghiã. Những người ấy đã chịu đựng những chỉ trích bất công, đã cùng nhau chung sức, đồng lòng, góp công góp của … giữ vững ngọn cờ chính nghiã, cùng lúc với đồng bào ở trong nước đang sôi sục đấu tranh cho tự do.

Lá cờ vàng tung bay ngạo nghễ trong Khu Eden giữa bầu trời trong xanh trong ngày Tết Canh Dần sau hai cơn bão lớn đã đem đến niềm tin mới cho người Việt tị nạn trong Vùng Hoa Thịnh Đốn.

Sơn Tùng
Mùng 2 Tết Canh Dần




No comments: