Tuesday, February 16, 2010

HÃY CỨU SÔNG MEKONG

Mekong - dòng sông vĩ đại
Elizabeth Byrne
Nguồn
Mekong activists call for Australian help to save river
16/02/2010 - 15:25
http://www.bayvut.com.au/s%E1%BB%B1-ki%E1%BB%87n/mekong-d%C3%B2ng-s%C3%B4ng-v%C4%A9-%C4%91%E1%BA%A1i
Nhiều người lo sợ kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện mới trên dòng Mekong sẽ phá hủy môi trường, đồng thời đẩy cư dân sống dọc ven bờ con sông lún sâu vào tình trạng nghèo khó.
Tốc độ phát triển kinh tế mau chóng của các nước trong vùng Đông Nam Á khiến nhiều người quan ngại cho số phận của sông Mekong, một trong những tài sản thiên nhiên lớn nhất của vùng này. Người ta lo sợ kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện mới trên dòng Mekong sẽ phá hủy môi trường, đồng thời đẩy cư dân sống dọc ven bờ con sông lún sâu vào tình trạng nghèo khó. Từ lí do đó, một nhóm các tổ chức phi chính phủ đã thực hiện một cuộc triển lãm nhiếp ảnh tại thủ đô Canberra để giúp mọi người hiểu rõ hơn về số phận của người dân sống dọc con sông Mekong. Mục đích cuộc triển lãm là nhằm thúc đẩy chính phủ Úc lên tiếng phản đối việc xây dựng các đập thủy điện này.

Dòng sông vĩ đại
Mekong là con sông chảy qua 6 nước, từ Trung Quốc tới Việt Nam. Trước khi đổ ra biển, sông này tạo ra vùng đồng bằng sông Cửu Long rộng mênh mông ở miền Nam Việt Nam.
Suthep Kritsanavarin, nhiếp ảnh gia người Thái, đã ghi lại hình ảnh cuộc sống của cư dân sống nhờ vào dòng sông. Đây cũng là những người bị ảnh hưởng trầm trọng nhất nếu các con đập vẫn tiếp tục được xây dựng. Những bức ảnh của Kritsanavarin mô tả cuộc sống của ngư dân, tức những người phải thường xuyên sống trong tình trạng nguy hiểm trong những vùng xa xôi hẻo lánh có phong cảnh tuyệt đẹp.
Ông Michael Simon thuộc tổ chức Oxfam cho hay hậu quả của việc xây đập sẽ rất nghiêm trọng. Nó sẽ tác động sâu sắc tới hệ sinh thái và môi trường độc đáo của dòng sông này. Ngoài ra việc xây đập còn ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người sống bằng nghề đánh cá.
Mối quan ngại lớn nhất là ảnh hưởng của đập đối với các loài cá trong sông. Hầu hết những loài cá này bơi lên thượng nguồn để đẻ trứng.
Ông Simon cho hay từ vùng hồ TongLe Sap (Biển Hồ) ở Campuchia tới khu vực cao nguyên tại Việt Nam và Lào có tới 1300 loại cá khác nhau. Những nơi dự định xây đập thủy điện sẽ trở thành rào cản ngăn không cho những loài cá này bơi lên thượng nguồn để đẻ trứng.
Trong khi đó ông Premrudee Daoruang, nhân viên tổ chức phi chính phủ Liên minh Khu vực Cổ vũ Phục hồi Sinh thái TERRA (Towards Ecological Recovery and Regional Alliance) có trụ sở tại Thái Lan cho hay kinh tế của các nước dọc theo sông Mekong có thể gặp nguy hiểm. Ông cho rằng đây là điều nhiều người trong vùng chưa ý thức được bởi không chỉ cho nguồn lợi thủy sản, sông Mekong còn tạo ra khu vực nông nghiệp rộng mênh mông giúp nhiều người sinh sống.

Vận động
Với ước nguyện giúp sông Mekong, những người thực hiện chiến dịch kêu gọi mọi người nâng cao tầm nhận thức về gcon sông này và muốn chính phủ các nước trong khu vực xem xét thực hiện những giải pháp khác thay vì xây dựng đập thủy điện. Tuy nhiên, ông Premrudee Daoruang cho hay rất khó thuyết phục chính phủ các quốc gia lắng nghe. Ông cho biết sau khi thu được 23 ngàn chữ ký của nhiều người trên khắp thế giới bày tỏ quan ngại về việc xây đập, ông và những người đồng chí hướng đã mở chiến dịch gởi thư tới tất cả chính quyền những nước có sông Mekong chảy qua. Nhóm cũng đã thảo luận vấn đề với Thủ tướng Thái Lan để trực tiếp nêu lên sự quan ngại với nhà lãnh đạo Thái. Ông Daoruang cho hay Thủ tướng Thái đã đáp ứng rất tốt và nay nhóm đang chờ đợi ông thực hiện các hành động đúng đắn.
Giờ đây những người mở chiến dịch đặt hy vọng vào Úc. Họ cho rằng trong tư cách là nước cung cấp các khoản viện trợ lớn cho nhiều quốc gia trong vùng, Úc có thể sử dụng tầm ảnh hưởng to lớn của mình để thuyết phục những nước nhận viện trợ. Nhóm hoạt động sẽ thảo luận với các viên chức chính phủ tại thủ đô Canberra để kêu gọi chính phủ Úc hậu thuẫn cho lập trường của họ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước trong vùng đang khao khát có thêm nhiều nhà máy thủy điện để thúc đẩy nền kinh tế đang ngày càng phát triển nhanh chóng, chính các người thực hiện chiến dịch cũng phải thừa nhận rằng người ta chẳng có mấy quyết tâm để tìm giải pháp khác thay cho việc xây đập.



No comments: