Vụ tiền polymer: '10 triệu AUD' vào tài khoản Thụy Sĩ
BBC - Cập nhật: 06:03 GMT - thứ ba, 26 tháng 5, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/05/090526_polymer_new_revelations.shtml
Vừa có thêm tiết lộ mới liên quan đến số tiền trao tay đối tác Việt Nam từ công ty Securency của Úc.
Cảnh sát liên bang Úc xác nhận với Ngân hàng Trung ương nước này rằng họ đang điều tra cáo buộc công ty cung cấp vật liệu in tiền polymer Securency của Úc ‘hối lộ' đối tác Việt Nam để giành hợp đồng.
Báo The Age số ra tại Melbourne nói Securency đã trả các khoản tiền hoa hồng lớn, ít nhất 10 triệu AUD, vào tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ của công ty Kỹ thuật và Phát triển, CFTD, trụ sở tại Hà Nội.
Tin nói rằng công ty CFTD có công ty con là BankTech, mà ông Lê Đức Minh, con trai của cựu thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam Lê Đức Thúy, làm giám đốc.
Theo The Age, bằng cách bắt mối với một công ty trong nước, nơi có con của cựu thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc, năm 2002 Securency đã giành được hợp đồng in tiền polymer cho Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Ngân hàng trữ kim Úc, RBA, sở hữu một nửa Securency, công ty chuyên làm vật liệu in tiền polymer trụ sở tại Melbourne. Hiện công ty này cung cấp nguyên liệu làm tiền polymer cho 26 quốc gia.
Cảnh sát liên bang Úc đang điều tra Securency về các khoản tiền họ trả cơ quan, hay cá nhân nước ngoài nhằm kiếm hợp đồng in tiền.
Điều tra của báo The Age cho thấy một số đối tác của Securency ở nước ngoài đang bị nước sở tại điều tra về tham nhũng. Cũng có cáo giác Securency đã trả tiền hoa hồng cho ‘đại lý' vào tài khoản ngân hàng tại quốc gia hoạt động theo nguyên tắc bảo mật và miễn thuế.
The Age lập luận việc Securency dùng các khoản hoa hồng lớn, trả cho đại lý ‘giao dịch' tại các quốc gia được biết đến với vấn nạn tham nhũng đã làm xuất hiện cáo buộc công ty dùng tiền hối lộ để giành hợp đồng làm ăn.
Luật sư Lưu Tường Quang cựu viên chức chính phủ Úc, hiện đang cư ngụ tại Sydney cho rằng luật chống tham nhũng của Úc rất chặt, và chúng có đủ thẩm quyền điều tra hành vi của công ty Úc ở nước ngoài.
"Luật chống tham nhũng của Úc rất chặt chẽ. Nó có quy định trong hình luật, criminal act, của liên bang và của các tiểu bang. Điểm thứ hai trong các luật lệ về sinh hoạt tài chánh và giao dịch ngân hàng, chủ đề trong sáng, theo đúng thủ thuật của luật pháp được quy định một cách rất rõ ràng."
Ông Quang, từng là cựu giám đốc hệ thống Radio SBS của Úc, nói đến sự nối dài ra hải ngoại bộ luật chống tham nhũng của Úc.
"Mặc dầu việc làm của công ty Securency, nếu được chứng minh, nó có thể xảy ra ở nước ngoài nhưng luật lệ của Úc vẫn áp dụng trong trường hợp này. Luật của Úc không những áp dụng cho việc làm bên trong nước Úc mà còn bên ngoài lãnh thổ Úc, liên hệ đến một công ty của Úc."
Đại lý đại diện
The Age trích lời Myles Curtis, giám đốc điều hành Securency, xác nhận mối liên hệ giữa Securency và công ty CFTD, trụ sở tại Hà Nội.
"Hoạt động của CFTD trong giai đoạn đầu chỉ liên quan đến phiên dịch hồ sơ giấy tờ và là cầu nối liên lạc với Ngân hàng Nhà nước tại Việt Nam."
Trong khi đó Ron Marchant giám đốc Á châu của Securency cho báo The Age biết thêm về hoạt động của CFTD: "Họ làm các công việc khác nữa. Ví dụ chúng tôi muốn có cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước. Hoặc tới thăm xưởng in tiền, chúng tôi gọi điện và yêu cầu họ dàn xếp,"
"Rồi họ đón người ở sân bay, đặt chỗ khách sạn, xin cuộc hẹn cho chúng tôi, những thứ mà một đại diện hay làm."
Ông Marchant nói thêm ông không giao dịch với con trai của cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Và cũng không biết BankTech, công ty con của CFTD, nơi ông Lê Đức Huy làm giám đốc.
Tuy nhiên The Age cho hay tài liệu của BankTech có hàng chữ nói rằng Securency là một trong các đối tác nước ngoài của họ. BankTech cũng là công ty cung cấp độc quyền nguyên liệu cho dự án tiền polymer tại Việt Nam.
Nhìn chung luật pháp tại Úc chặt chẽ, trong khi luật lệ các quốc gia đang phát triển đôi khi lỏng lẻo, làm sao công ty Úc tránh khỏi cám dỗ bỏ tiền 'bôi trơn' mối quan hệ để kiếm hợp đồng làm ăn?
Luật sư Lưu Tường Quang tin rằng công ty Úc cần tuân theo nguyên tắc hành xử trong giao dịch của Tổ chức thương mại thế giới WTO.
"Lập luận của nước Úc là tất cả các nước thành viên của tổ chức thương mại quốc tế, WTO, cần tuân thủ quy định của WTO, trong đó có các chủ đề như trong sáng về luật pháp, áp dụng chế độ pháp trị, và các biện pháp chống tham nhũng,"
"Úc muốn giải quyết tham nhũng từ nơi nó nó đang xảy ra, chứ không giải quyết bằng cách là các quốc gia tân tiến thay đổi luật lệ để chấp nhận thực tế, là muốn làm được việc, muốn đầu tư, muốn trao đổi thương mại tại các quốc gia đang theo chế độ cộng sản thì phải bỏ đi cái phần trong sáng, cái phần nghiêm khắc của luật pháp."
Úc điều tra vụ tiền polymer dính líu Việt Nam
Cập nhật: 13:40 GMT - thứ bảy, 23 tháng 5, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/05/090523_securency_allegations.shtml
Trang bên ngoài
Bài trên The Age
Securency
Ngân hàng Trung ương Úc
BBC không chịu trách nhiệm về nội dung các trang bên ngoài
No comments:
Post a Comment