Nguyễn Hữu Vinh
21/05/2009 3:27 sáng
http://www.talawas.org/?p=4715
Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ trước phát biểu của ông “sử gia”[1] kiêm “nghị sĩ” Dương Trung Quốc trước thềm kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 12 về đại dự án bô-xít Tây Nguyên đang gây nên làn sóng sôi sục. Khác với rất nhiều trí thức đang lên tiếng cảnh báo bằng những lập luận hết sức thuyết phục về mối nguy mang tính sinh tử cho quốc gia, từ những diễn đàn “chính thống” cho tới nơi không được coi là chính thống, ông đã “định hướng” ngay cho không những cử tri mà mình đại diện, mà còn cả cho 492 vị đại biểu còn lại, rằng: “Trong thảo luận sẽ không đặt ra vấn đề làm hay không làm (khai thác bôxit ở Tây Nguyên) mà làm thế nào cho tốt, cho đảm bảo đúng theo kết luận của Bộ Chính trị…“[2]
Thế nhưng, nếu ai từng theo dõi sát sao và nhớ lại vụ việc đình đám về toan tính xây khách sạn trên Đồi Vọng Cảnh đúng 4 năm trước thì sẽ không bất ngờ về ông Trung Quốc này. Vụ việc đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực và tâm trí của mọi tầng lớp nhân dân, thậm chí có cả ông tiến sĩ luật đã khởi kiện UBND Thừa Thiên-Huế bằng một bộ hồ sơ dày cộm[3]. Nhưng riêng ông Trung Quốc, sau khi được nhà đầu tư và địa phương mời tham dự lễ khởi công, ông đã làm cuộc thị sát thực địa và viết một bài báo công phu (nghe đâu có cả nhiều bức ảnh minh hoạ), để vẽ lên hình ảnh nhem nhuốc tại Đồi Vọng Cảnh, chứng minh cho thiên hạ biết rằng không giữ sạch sẽ được cho nó thì phải xây khách sạn nhiều sao thì nó mới sạch thôi. Cái lý thật ngộ nghĩnh. Ông như mắng cái uỷ ban tỉnh đó là để chốn linh thiêng của ông cha bẩn thỉu, rồi “xoa đầu” bảo không cần dọn dẹp mà hãy nhận đây một món quà cực lớn: “Tôi đang đứng trên đỉnh Vọng Cảnh đây và có lẽ là ở vị trí đẹp nhất mà xưa kia, nếu các vị vua có tới cũng chọn đứng chỗ này. Nhưng dưới chân tôi là cả một bãi rác đầy những thứ xú uế, những vết loang lổ của sự đào bới và những nấm mộ ai đó đã đem táng bừa bãi ở nơi đây. Liệu có nên bảo tồn bằng cách chẳng làm gì như bao nhiêu lâu nay ta đã để đồi Vọng Cảnh hoang phế. Tôi tin chắc rằng nếu cứ để tình trạng này thì đồi Vọng Cảnh chỉ còn cái giá trị từ xa nhìn lại”[4]
Chưa hết, ông còn nức nở ca ngợi cái dự án cáp treo Yên Tử ông cũng từng ủng hộ, mà chẳng có một cơ sở nào mang đúng tính xã hội-lịch sử là lĩnh vực mà ông dường như là “thống soái”.
May thay, dự án xây khách sạn trên Đồi Vọng Cảnh đã phải hủy bỏ.
Chỉ qua hai hiện tượng này, liệu ta có thể đặt dấu hỏi, rằng trong con người ông Trung Quốc, chất “sử gia” và chất thương gia, cái nào lớn hơn? Chắc sẽ không cho là nặng lời với những ai từng theo dõi những dư luận gần đây quanh hiện tượng trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, tốn kém không biết bao nhiêu tiền của nhân dân nhưng lại phá hỏng, bôi bẩn lên ghê gớm, đến nỗi đã có những ý kiến cho rằng ở cái thời buổi này, tốt hơn hết là cố giữ nguyên hiện trạng.[5]
Trở lại chuyện bô-xít. Có thể sau kỳ họp Quốc hội, mọi chuyện đúng như ông Trung Quốc đã công khai “bấm nút” trước giờ khai mạc, nhưng những gì còn lại về hình ảnh một “đại” trí thức của nước Việt thời hiện đại này, mà ông chắc phải có điều kiện học được ở tiền nhân nhiều hơn ai hết, sẽ không còn như nhiều người tưởng nữa.
© 2009 Nguyễn Hữu Vinh
© 2009 talawas blog
---------------------------------
[1] Mà thực ra, người ta còn bảo ông chỉ là sử thần thôi chứ chưa được gọi là sử gia.
[2] Đưa bôxit lên bàn nghị sự của Quốc hội (Tuổi Trẻ, 17/5/2009).
[3] Một họa sĩ kiện UBND Thừa Thiên Huế vì đồi Vọng Cảnh (Tuổi Trẻ/VNExpress, 23/4/2005).
[4] Đồi Vọng Cảnh (Huế): “Hãy nhìn xuống chân mình” (VNN, 27/2/2005).
[5] Báo động từ di tích! (Tuổi Trẻ, 24/3/2009).
------------------------------
Về việc Quốc hội sẽ xem xét về đại dự án khai thác bauxite:
Quốc hội chưa thảo luận, sao dân biểu Dương Trung Quốc đã “gật”?
http://www.bauxitevietnam.info/bandoc/090512-_quochoichuagat.htm
No comments:
Post a Comment