Sunday, May 24, 2009

TỪ VĂN HOÁ "VẶT HOA" ĐẾN VĂN HOÁ "CÔNG VAN"

Từ văn hóa "vặt hoa" đến văn hóa "công văn"
Hồng lê Thọ,
22-5-2009
http://vietsciences.free.fr/vietnam/donggopxaydung/tuvanhoavathoa.htm
Cách đây không lâu lễ hội Hoa anh Đào năm 2008 giữa thanh thiên bạch nhật, bàn chân của hàng trăm khách thưởng ngoạn chen lấn dẫm nát sân cỏ, những bàn tay “với” lên vặt hoa sạch trụi ,tan tác, trơ cành đến tội nghiệp…làm hoen ố không những cho ngày lễ hội mà còn xát muối vào cái nét văn hóa thanh lịch nghìn năm của người dân thủ đô Hà nội.
Người ta đổ lỗi cho ban tổ chức chưa có kinh nghiệm, lớp trẻ ngày nay thiếu “giáo dục”, tâm lý “sính ngoại”, quá “ngưỡng mộ” hoa anh đào hay “nô nức” biến thành lòng tham, tranh nhau “giựt” của chung làm của riêng, đem về trưng bày trong phòng khách để “lấy hên”…nghĩa là cố bào chữa bằng mọi lý lẽ, nhưng nhờ vậy mà lễ hội hoa anh đào năm nay được hàng rào bảo vệ “sát sườn”, biển báo “cấm” khắp nơi…làm người vui xuân, thưởng ngoạn cảm thấy bị tù túng, bực bội !

Vặt trụi sau 10 phút cho thông thoáng
http://vietsciences.free.fr/vietnam/donggopxaydung/images/vathoa.jpg
http://vietsciences.free.fr/vietnam/donggopxaydung/images/vathoa02.jpg

Người Việt chúng ta có câu “khi thái quá khi bất cập” là vậy. Thôi thì có lên án thế nào thì bao nhiêu tội cũng dồn về cho tầng lớp trẻ háo hức, vì quá mến mộ mà sinh ra tệ hại…một mai khi mà hàng trăm cây hoa anh đào được đem về trồng và nở hoa trong lòng thủ đô theo một kế hoạch(dự kiến) mà tôi mới được nghe thì không còn những cảnh tượng “trái tai gai mắt” như thế nữa…Hi vọng thay. Nếu chỉ là đề tài “văn hóa” chung quanh cây Hoa anh Đào thì chuyện lên án hay sửa sai chỉ đến thế nhưng sự ẩu tả, thái độ khinh miệt, cung cách bầy hầy và nhếch nhác nầy lây lan sang lĩnh vực “công quyền” hay cơ quan đại diện của dân thì thật là đáng ngại.

Có thật vậy không ?

Đã từ lâu, tôi đã để ý hiện tượng ghi tên người nhận trên thư từ, công văn…ở nước ta ngày càng xuống cấp, thiếu tôn trọng ngay từ bao thư viết bên ngoài. Thường xuyên nhận những công văn “Gửi Hồng Lê Thọ” thậm chí có thư không có chữ “gửi” nữa, chỉ có tên cúng cơm-- chẳng có “kính” trước “gửi”, không “Ông” hay “Bà” --với nét chữ viết cẩu thả ngoằn ngoèo rất khó đọc !
Việc không cần “thưa” gửi, ông bà, chức vụ(nếu có) đối với người nhận thư cho thấy nhân cách, nhân phẩm, và vị trí trong xã hội của họ… bị xem thường và tước đoạt trắng trợn, một thái độ chỉ có đối với tội phạm đã bị tòa kết án ! Có thể nào giải thích để “thông cảm” cho trình độ “học vấn” và văn hóa thấp kém của viên thư kí văn phòng được nhận vào cơ quan công quyền qua sự quen biết, giới thiệu(có thể là “mua chức”, bảo lãnh) hoặc thuộc loại “con ông cháu cha” được đưa vào biên chế ?…. Thái độ khinh thường, kênh kiệu hoặc lười biếng, bỏ qua cách hành xử lễ độ thông thường của xã hội mà NGƯỜI GỬI (kí tên trong công văn) phải tôn trọng để giữ gìn lễ giáo trong giao dịch, quan hệ tôn trọng giữa cơ quan công quyền với nhân dân. Thái độ quan liêu, hách dịch của quan chức ở “cửa công” trong cơ chế xin-cho phản ánh rất rõ qua những văn bản hành chính, thậm chí là một lá thư mời họp trang trọng, lễ độ là điều hiếm trong quan hệ thường nhật ở cửa công.
Thật vậy, sẽ không quá lời, khi đọc qua thư trả lời Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Giáo sư Nguyễn Thế Hùng của Ủy ban pháp luật quốc hội, hẳn mọi người cũng đã ngỡ ngàng, không thể không dụi mắt khi nhìn dòng chữ nguệch ngọac của một “cháu” nào đó viết cẩu thả thay cho ông Trần Đình Long(Phó chủ nhiệm)với dấu ấn và chữ kí rất “hoành tráng” (của ông) ở dưới. Thật đáng buồn cho nhân dân và “xấu hổ” cho Quốc Hội khi gặp phải một công văn chính thức của Ủy Ban Pháp Luật (thuộc Quốc Hội)—một cơ quan dân bầu, vì dân---mà lại khiếm nhã thế kia.

Thư kiến nghị đề ngày 12 tháng 4, không phải 21 tháng 4, đến 26 ngày sau mới trả lời kiểu này!
http://vietsciences.free.fr/vietnam/donggopxaydung/images/nguyenthihue02.jpg
http://vietsciences.free.fr/vietnam/donggopxaydung/images/nguyenthihue01.jpg

Hơn thế nữa, trong công văn bằng thư “bảo đảm”(1) ngắn ngủi nầy còn ghi sai cả tên người nhận, sai cả nội dung phải “hồi đáp” như vậy thì người ta có quyền thắc mắc là từ trước đến nay đã có biết bao nhiêu LÁ THƯ TÂM HUYẾT của nhân dân, kiều bào đã bị cho vào “sọt rác”, bặt vô âm tín hay trả lời “cho có” theo kiểu nầy của quí vị “quan” chức dân bầu (theo cơ cấu) (!?). Nếu không lầm thì lá thư Kiến Nghị do ba vị thay mặt 135 trí thức trong nước và kiều bào gửi đến Ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc Hội thì lẽ ra người nhận là Ngài chủ tịch QH phải hồi đáp chứ đâu phải “khoán” cho ông Phó ký thay Chủ Nhiệm UBPL(chứ không phải thừa lệnh của Chủ tịch QH), và cuối cùng đi đến ‘nhếch nhác” như đã nói trên. Có thể Ngài Chủ tịch QH quá bận rộn không thể xem Kiến Nghị để có ý kiến hoặc sự việc “chẳng đáng” để ngài quan tâm vì đã có “Kết luận”(2) Bộ Chính Trị rồi ?

Cách xử lý “hành chính” của một cơ quan lập pháp mà đại biểu những người “được” nhân dân “bầu” là như vậy thì thật đáng cho chúng ta suy ngẫm lại vai trò và chức năng của Quốc Hội nước ta, đường đường theo Hiến pháp là “cơ quan quyền lực cao nhất” lại được thể hiện như vậy ư . Thử đặt ra một tình huống là trong buổi tiếp xúc với cử tri tại Hà Nội hay ở đâu đó, vị đại biểu và là quan chức cao cấp của QH có thể “phủi tay” thế kia, “dám” giao cho thư ký hay cán bộ ủy ban nào đó thuộc QH trả lời thay những câu hỏi, thắc mắc hay chất vấn những vấn đề hệ trọng của đất nước của cử tri ? Vậy mà đối với những vị trí thức đã đến trao “Kiến nghị” tận cửa QH thì lại có thái độ quá phủ phàng, “đá bóng qua lại” rất đáng tiếc.
Thật không thể nào lý giải được sự ứng phó và tính toán của quý vị. Một thái độ hoàn toàn đi ngược lại với những gì cao quí và tốt đẹp vốn có của một cơ quan đại diện cho tiếng nói và quyền lực của nhân dân không chỉ ở nước ta mà tất cả cơ quan lập pháp trên thế giới( trừ một số nước quân sự độc tài chuyên chế)

Cảnh tượng những cây hoa anh đào bị hái vặt tơi tả năm trước có khác bao xa với “cái” công văn hồi đáp trơ trụi kia ? Văn hóa ”vặt hoa” và văn hóa “công văn” sao mà gần gũi và thô bạo đến vậy. Có thể đổ lỗi cho sự bồng bột của ai đó nhưng chắc chắn là không thể gán ghép thái độ tắc trách nầy cho “cô”(có lẽ thế) thư ký văn phòng của ông Trần Đình Long !

Cuối cùng có thể “ông” cũng sẽ rút kinh nghiệm theo chỉ thị của “trên”, bắt chước, dán thông báo, biển báo “cấm đến gần” khắp nơi như những cây anh đào trong lễ hội năm nay ?

Thiết nghĩ không phải ông Trần Đình Long mà cao hơn là người đứng đầu QH đang nợ những người kí tên trong Kiến Nghị cùng Giáo sư Nguyễn Huệ Chi một lời xin lỗi và thư hồi đáp chính thức những vấn đề được đặt ra trong Kiến Nghị trước công luận. Vì đây là một thái độ tự trọng cần có của người đại biểu nhân dân.
Hồng lê Thọ
21/5/2009


(1)
http://www.bauxitvietnam.info/thongbao/090520_thuuybanphaplyquochoi.htm
(2) http://quehuongonline.vn/VietNam/Home/Thoi-su/2009/04/35E218A9/

-------------------------------

Về mặt đạo đức, CNXH không thể tạo dựng mà chỉ phá hủy nền tảng của tất cả các giá trị đạo đức: tự do và trách nhiệm cá nhân. Về mặt chính trị, nó sớm hay muộn dẫn tới chính phủ toàn trị. Về mặt vật chất, nó sẽ làm tổn hại đáng kể quá trình tạo ra của cải, nếu không muốn nói, nó là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo trên thực tế...
F.A. Hayek
Chủ nghĩa xã hội và khoa học
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=14113&rb=0306

No comments: