Friday, May 8, 2009

Trung Quốc vươn ra biển
Mục tiêu kinh tế, phương cách quân sự
SGTT - Ngày 08.05.2009 Giờ 07:33
http://www.sgtt.com.vn/Default30.aspx?ColumnId=30
Hai vụ “tiếp cận” tàu chiến Mỹ của Trung Quốc xảy ra trong vòng ba tháng trở lại đây cho thấy, nước đông dân nhất thế giới này đang gia tăng sự hiện diện của mình trên mặt biển

Quân sự bảo vệ kinh tế
Các chuyên gia quân sự quan tâm nhiều tới việc Trung Quốc phô diễn tàu ngầm hạt nhân nhân ngày kỷ niệm thành lập hải quân nước này và xuất hiện các phỏng đoán trong năm 2009 Trung Quốc bắt tay đóng tàu sân bay. Cơ sở hình thành phỏng đoán dựa trên tin tức Trung Quốc đã mua ba tàu sân bay cũ để nghiên cứu công nghệ thiết kế. Chuyên gia bình luận quân sự Andrei Chang cho rằng, do khả năng bùng nổ chiến tranh ở eo biển Đài Loan thấp, nên quân đội Trung Quốc tiến hành điều chỉnh chiến lược quay trở lại coi trọng vấn đề chủ quyền và lợi ích trên biển tại biển Đông và tại biển Hoa Đông… Từ tháng 5.2008 trở lại đây, Trung Quốc điều động tàu điều tra tích cực hoạt động tại khu vực biển Hoa Nam, đưa tàu hộ vệ tên lửa lần đầu tiên tiến vào eo biển Tsugaru (Tây Thái Bình Dương).
Tháng 12.2008, Trung Quốc phái đội tàu hộ tống tới vùng biển Somalia. Đây là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc hoạt động bên ngoài Thái Bình Dương.
Có nhiều cách nhìn về nguyên nhân hải quân Trung Quốc gia tăng sự hiện diện không chỉ ở vùng biển gần mà còn tới Ấn Độ Dương. Chuyên gia Booz Alen Hamilton trong bài phân tích về tương lai năng lượng ở châu Á đã nhận định rằng, sự kích thích của động cơ kinh tế là nguyên nhân chủ yếu khiến chính sách của Trung Quốc chuyển hướng từ lục địa ra đại dương. Đây cũng chính là mô thức mà Anh, và sau đó là Mỹ, đã từng áp dụng trong quá khứ. Gót chân Achilles của Trung Quốc là tài nguyên như dầu mỏ, quặng. Trong mấy năm qua, các công ty Trung Quốc tìm mua các mỏ đồng, mỏ dầu ở châu Phi, Úc. 60% năng lượng nhập khẩu vào Trung Quốc được vận chuyển qua đường Ấn Độ Dương. Hiện nay, Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lửa đã giúp giải quyết một nửa nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc, trong đó 95% lượng dầu thô nhập khẩu là qua đường biển. Con số thống kê của hải quan cũng cho biết tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã nhập 52,08 triệu tấn quặng sắt và 99% lượng hàng này phải vận chuyển bằng đường biển.
Vì vậy, Trung Quốc không chỉ tăng cường sức mạnh của hải quân bằng các khoản ngân sách trang bị tàu ngầm nguyên tử hay đóng tàu sân bay mà còn gia tăng sự hiện diện ở vịnh Ba Tư và vịnh Bengal.

Chiến lược Chuỗi ngọc trai
Trong khi chờ đợi các tàu sân bay như một căn cứ nổi, thì Trung Quốc sử dụng đòn bẩy kinh tế với việc hỗ trợ xây dựng và rồi hiện diện ở một loạt cảng trong khu vực Ấn Độ Dương. Nhà nghiên cứu Sudha Ramachandran trên Asiatimes đưa ra con số một tỉ USD mà Trung Quốc giúp Pakistan xây dựng cảng Gwadar, chỉ cách eo biển Hormuz khoảng 180 hải lý. Đây là vị trí chiến lược để kiểm soát con đường vận chuyển dầu mỏ trên Ấn Độ Dương. Gwadar cũng là cánh cửa ra biển gần nhất của Trung Á qua con đường cao tốc nối hải cảng này với vùng Trung Á vốn đang được xây dựng. Theo nhà phân tích Zia Haider ở trung tâm Stimson (Mỹ), Gwadar là trạm trung chuyển nhập khẩu dầu từ Iran và châu Phi tới vùng Tân Giang của Trung Quốc. Nên nhớ, 60% năng lượng nhập khẩu vào Trung Quốc là từ Trung Đông. Đặt chân được ở Gwadar, Trung Quốc có thể dõi mắt trông theo hoạt động của hải quân Mỹ ở vùng Vịnh hay nhất cử, nhất động của Ấn Độ ở biển Arập, theo Haider.
Chuỗi ngọc trai chiến lược của Trung Quốc còn bao gồm cảng container ở Chittagong, Bangladesh, hay thông qua các trạm radar, cơ sở nạp nhiên liệu đặt tại Sittwe, Coco, Hianggyi, Khaukphyu, Mergui và Zadetkyi Kyun của Myanmar, một số ở Thái Lan, Campuchia.
Mối quan hệ giữa kinh tế ngoại thương và sức mạnh quân sự được giáo sư Nghê Lạc Hùng, viện Chính trị – pháp luật Thượng Hải ví như tình cảm vợ chồng. Khi người vợ làm ăn ở nước ngoài, thì người chồng hải quân phải theo sát. “Nếu không, chẳng may người vợ gặp cướp, thì người chồng sẽ “mất cả chì lẫn chài” – ông này viết.
Phi Giao tổng hợp (Asia Times, Tương lai năng lượng ở châu Á của Booz Alen Hamilton, TTX)

No comments: