Wednesday, May 6, 2009

TRỊNH CUNG TẠT NƯỚC LẠNH VÀO "ĐẠO TRỊNH"

Trịnh Cung tạt nước lạnh vào “đạo Trịnh”
Nguyễn Bảo Tư
05-05-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6279 “Kể xấu” bạn than
Gần đây, bài viết
“Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị” của họa sĩ Trịnh Cung đăng trên tạp chí Da Màu đã làm xôn xao dư luận. Là một trong những người bạn thân của Trịnh Công Sơn (TCS), những lời kể (lần này) của ông Trịnh Cung làm người đọc đặc biệt sửng sốt. Sửng sốt vì những câu viết thẳng thừng như lời tố cáo.
Trịnh Công Sơn không còn là một người “rất dễ thương” như nhiều người đã viết, đã nghĩ… hoặc như một người chỉ tơ lơ mơ giữa thơ, họa, nhạc và… đàn bà. Trái lại, Trịnh Công Sơn là một người có tham vọng. Tham vọng “được gia nhập Đảng Cộng Sản Việt Nam”
Dần dà rồi TCS cũng tìm lại cho mình một phần phong độ sáng tác nhờ hấp thụ những ngọn lửa nhỏ từ những nhan sắc phụ nữ và sự trân trọng (theo chủ trương) của những nhạc sĩ thuộc Hội Âm Nhạc Tp. HCM như Xuân Hồng, Hoàng Hiệp, Thanh Tùng, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn,… và một nhóm nhạc do họ tổ chức có tên “Những Người Bạn” ra đời khoảng thập niên 90, và TCS được coi là đầu đàn. Anh trở thành nhân tố quan trọng nhất trong việc thu hút sự chú ý của công chúng mỗi khi anh có mặt trong các show diễn của nhóm. TCS cũng là một tiếng nói có trọng lượng nhất đối với nhiều tên tuổi hàng đầu của nhạc cách mạng VN như Văn Cao, Trọng Bằng, Hồng Đăng,… trừ ông nhạc sĩ Bộ Trưởng Bộ VH&TT Trần Hoàn (đã nghĩ hưu), người từng mở chiến dịch đả đảo anh một thời ở Huế, là vẫn tiếp tục nhìn TCS như một kẻ xấu.
Dù gì thì thế đứng chính trị của TCS cũng đã được tốt hơn trước rất nhiều, có phải vì thế mà anh đã chủ quan nghĩ mình là người đến lúc nên đứng vào hàng ngũ của đảng?

Lướt qua bài viết, người đọc sẽ thấy những tiêu đề nhỏ: Vỡ mộng chính trị cầm quyền, Bài Học Lớn Cho Người Làm Chính Trị Tự Phát Trong Xã Hội CSVN, Sa Lầy vào Rượu và Xu Nịnh, Ảo Tưởng Cuối Cùng, Cái Chết ‒ Vinh Quang Đích Thực… Chỉ vài đường phác thảo, chân dung Trịnh Công Sơn qua nét bút Trịnh Cung hiện rõ như một người chẳng lấy gì làm tao nhân mặc khách cho lắm.

Phản ứng của “dư luận”

Ngay sau khi bài viết của Trịnh Cung được đăng tải, các bài viết phản biện liên tiếp xuất hiện. Nhưng điều đặc biệt là đa số các bài viết này thuộc các trang báo “lề phải”, báo Phụ Nữ chê Trịnh Cung loạn sắc, báo Thanh Niên mắng Trịnh Cung ngậm máu phun người, báo Lao Động lắc đầu quầy quậy (hổng dám đâu) tham vọng chính trị của Sơn (chỉ là) là tham vọng hòa bình! (1)
Hoạt cảnh các báo Đảng đồng loạt nhảy vào “xỉ vả” Trịnh Cung, đã làm cho một bạn đọc Da Màu phải thốt lên, “Tôi không tìm thấy trong 600 tờ báo ở đất nước tôi đăng lại toàn bài viết của Trịnh Cung. Chỉ có những bài chỉ trích Trịnh Cung. Vì sao thế?” Có mà bắc thang lên hỏi ông dzời! Thưa bạn Nguyễn Quãng. Duy bài viết
“Thử bàn về 3 cách viết về Trịnh Công Sơn” của Lý Đợi là tỏ sự đồng tình với Trịnh Cung, còn (dám) gọi ông nhạc sĩ là “dũng cảm”.
Tuy nhiên, từ góc độ người đọc, tôi nghĩ Trịnh Cung đã có cách hành xử dũng cảm ‒ vì dám chống lại những “tâm hồn”, những “cái tâm” trong nhóm tác giả số 1, vốn rất đông đúc.
Đó là chưa nói, dám chống lại những người yêu mến và thần tượng TCS, yêu một cách “vô tâm, vô lý”, yêu “mê muội”, không cần lý lẽ… nghĩa là vì yêu mà muốn đứng ngoài tất cả những “thị phi” về tiểu sử,lịch sử và con đường nghệ thuật của TCS. Yêu không cần phân tích và nghiên cứu trung lập, độc lập. Những bài viết của nhóm tác giả số 2 thường ít được đọc (theo thống kê qua mạng Internet) và ít được đề cập, phân tích, trao đổi, thảo luận… là một minh chứng.
Nhóm tác giả được Lý Đợi đặt vào nhóm “Số 2” là những người viết đi vào chuyện môn và nghiên cứu về Trịnh Công Sơn, như: tiểu sử, âm nhạc, ca từ, tính triết lý, một quan niệm nghệ thuật…

Còn nhóm “Số 1” gồm:
Những bài kể lể, kiểu như TCS là bạn tôi, thầy tôi, thần tượng của tôi, là hàng xóm, đồng nghiệp, người cùng quê, người tình, người “cùng chiến tuyến”, “cùng mặt trận”… Nói chung viết để thấy “tôi” là người cũng “khá quan trọng”, là có thể quàng vai, choàng cổ, ngồi chung bàn, nằm chung chiếu… với Trịnh Công Sơn

Và nhóm “Số 3” là:
Bài viết của Trịnh Cung thuộc nhóm tác giả (số 3), mà tôi cho rằng nó thuộc vào số những phần trăm ít ỏi còn lại. Những bài viết dạng này rất có tính thách thức với người đọc, vì nó đụng vào những chuyện kiểu “thâm cung bí sử” ‒ mà vì nhiều lý do nào đó, luôn bị giấu kín, hoặc khi nói ra, luôn bị bóp méo, xuyên tạc.
Còn bài viết này, xin tạm cho vào nhóm “Số 4”, tìm hiểu tại sao các báo Đảng không đăng bài của Trịnh Cung mà chỉ viết lời phê bình. Tựa như bản án của tòa án “nhân dân”, chỉ có lời tuyên xử, không (thèm) nhắc tới hồ sơ vụ án.

Khi “nhạc Trịnh” trở thành “đạo Trịnh”
“Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Diễm xưa), đó là một triết lý mà tôi tâm đắc nhất ở Trịnh. Sống trong một cộng đồng xã hội ta cần nhau, sống cho nhau và vì nhau. Con người cũng vậy. Thiên nhiên, cây cỏ, muông thú cũng vậy. Nương tựa để sống, để yêu thương và dưỡng nuôi lòng từ giữa bon chen, bề bộn… Vậy là, giữa thị thành sầm uất của Sài Gòn, gã thanh niên 25 tuổi là tôi đã tìm thấy cho mình một tôn giáo, tôn giáo ấy tên “nhạc Trịnh” để tôn thờ, để trầm mình vào những “giáo lý” mà ông ‒ Trịnh Công Sơn ‒ vị “giáo chủ” tài hoa đã xây dựng nên bằng ngôn từ và bằng trái tim rộng mở, thiên lương của một người nghệ sĩ.
Trên đây là một đoạn trong bài
Tôi theo ‘tôn giáo’ tên ‘nhạc Trịnh’ của một thanh niên tự giới thiệu là một gã con trai miệt vườn 25 tuổi. Bài được đăng trên báo Tuổi Trẻ vào đúng ngày 1 tháng Tư, ngày chết của Trịnh Công Sơn. Hóa ra Trịnh Công Sơn được cả nước kỷ niệm to quá! Những “Đêm nhạc Trịnh” được tổ chức khắp nơi với những tựa đề sũng nước, “Ru Tình”, “Cát Bụi”, “Mẹ - Cánh chim cô đơn”, “Có đâu bao giờ”…
Trịnh Công Sơn bỗng được chú ý một cách hơi (bị) kỹ, “Ngắm Trịnh Công Sơn trên tóc thiếu nữ”, “Trịnh Công Sơn và quãng buồn ở Quy Nhơn”, “Những người tình của Trịnh Công Sơn”, “Những nàng thơ của Trịnh Công Sơn”… Rồi những bài hát chẳng ai hay chẳng ai biết, đột nhiên xuất hiện! “Dã Tràng Ca” được đem trình làng một cách long trọng. Người sáng tác nhạc thì đã chết, mà nhạc của “người” thì mỗi ngày một sinh sôi nảy nở thêm. Thế mới biết cái “đạo” là động đậy chuyển biến vô lường vậy! (2)

Khi “nhạc Trịnh” thành nhịp cầu “hải ngoại - quốc nội”

Giữa những buổi trình diễn kỷ niệm ngày sinh, ngày chết... chợt nổi lên một loại “Đêm Nhạc Trịnh” với một mục đích khác, không vị thơ, không vị nhạc, không vị triết lý nhân sinh mà vì… tổ quốc cần!
TTO – “Vì đất nước cần một trái tim...”, Trịnh Công Sơn nhắn nhủ, và bao người đã đi theo tinh thần ấy của ông. Tại buổi giao lưu trực tuyến sáng nay (31-3), ca sĩ hải ngoại Thái Hòa và nhà văn Phùng Lệ Lý đã thổ lộ rất nhiều tâm tình đau đáu hướng về quê hương, sự thấu hiểu - niềm mong muốn chia sẻ những nỗi đau chiến tranh...
Phần audio clip giới thiệu có của báo Tuổi trẻ có đoạn nói:
Chúng tôi tin rằng sau bước đi đầu tiên này chương trình ủng hộ nạn nhân dioxin sẽ được nối dài vòng tay ra nước ngoài qua các đồng bào bằng hữu yêu quý nhạc Trịnh Công Sơn trên toàn thế giới. (3)
Tưởng cũng nên nhắc rằng chất Dioxin đã từ lâu được coi là một yếu tố cốt lõi trong chủ trương chính sách của Đảng Cộng Sản đối với công tác đối ngoại. Trong bài viết tựa đề “Nỗ lực phấn đấu đưa công tác thông tin đối ngoại lên tầm cao mới” (12/2004) có đưa ra “10 giải pháp chính” ‒ Giải pháp thứ nhất là:

1 - Tổ chức các đợt thông tin đối ngoại lớn.
Căn cứ Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tổ chức kỉ niệm các ngày lễ lớn trong 2 năm 2004 - 2005, căn cứ các hoạt động có tác động đối ngoại lớn (như gia nhập WTO, Hội nghị cấp cao Á - Âu, vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam, Festival Huế,...), các địa phương, đơn vị, các báo, đài sẽ có các chuyên mục, tạo ra các đợt tuyên truyền lớn. (4)
Chính quyền Việt Nam đã từ lâu luôn tìm cách đánh động thế giới về “tội ác của đế quốc Mỹ” qua hình ảnh các nạn nhân chất da cam. Những nghệ phẩm của Đinh Q. Lê, Liza Nguyễn, Lê Trí Dũng … trong một thời gian dài đều xoáy quanh đề tài dioxin trong các cuộc triển lãm ở nước ngoài. Nhưng tất cả đã không đem lại kết quả mà nhà cầm quyền Hà Nội mong muốn (5)
Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ đã bác bỏ vụ kiện của Việt Nam năm 2005. Đến năm 2009, đơn kháng cáo của các nạn nhân chất độc màu da cam của người Việt Nam và Mỹ một lần nữa bị Hoa Kỳ bác bỏ (6). Ông Trần Xuân Thu (Tổng Thư Ký Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam) sau đó đã phát biểu trên VietnamNet:
“Quyết định này không làm chấm dứt con đường đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh đòi công lý theo các phương án khác. Phán quyết không thể kết thúc toàn bộ vấn đề liên quan đến nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam” (7)
Như thế “nhạc Trịnh”, hay “giao lưu nhạc Trịnh”, có đang là một trong những “phương án khác” mà ông Thu đã đe như trên?

Tuồng cũ, diễn viên cũ…

Trong “10 giải pháp chính” cho “công tác thông tin đối ngoại” vừa nói trên giải pháp thứ sáu được viết như sau:

6 - Hỗ trợ thông tin cho kiều bào.

Giúp đỡ mọi mặt để các kiều bào yêu nước, có uy tín, có năng lực tự tổ chức các hình thức thông tin, văn hóa phục vụ cộng đồng như: ra báo, lập đài phát thanh, truyền hình, biểu diễn nghệ thuật, du lịch về nước, dạy tiếng Việt...; tranh thủ tiếp cận và lôi kéo các cá nhân và tổ chức người Việt hướng về quê hương đất nước, tham gia tiếp thị văn hóa, thông tin Việt Nam ra nước ngoài.
Cộng đồng người Việt hải ngoại không còn xa lạ với bà Phùng Lệ Lý (Lệ Lý Hayslip). Bà là tác giả của hai cuốn sách với chủ đề chiến tranh Việt Nam. Sách của bà sau đó được chuyển thành phim có tựa đề “Trời & Đất” (Heaven & Earth). Bà còn là người thành lập hội “Đông Tây Hội Ngộ”. Được biết bà Lệ Lý đã không còn làm ở hội này nữa. Phải chăng vì bà bận về Việt Nam để làm những công tác có tính văn hóa hơn như…“Đêm Nhạc Trịnh”?

nhưng… lời ca mới!

Khi trả lời một bạn trẻ Việt Nam về đặc điểm của nhạc Trịnh Công Sơn so sánh với nhạc “thị trường” đang được giới trẻ ưa thích, bà Lệ Lý nói, “Đây là một trong những bổn phận của những người yêu mến nhạc Trịnh, phải khiến những giá trị của nó sống động trở lại.”

Những giá trị của nhạc Trịnh là gì?

Thái Hòa (người cùng tham gia tổ chức với bà Lệ Lý) phát biểu, “Nếu chỉ có một lời khuyên trong 10 từ, tôi xin được dùng một câu trong ca khúc Trịnh Công Sơn: “Hãy yêu nhau đi” và “Tôn vinh giá trị lao động.” (3)

Như vậy nhạc Trịnh, “tôn giáo” Trịnh, “đạo” Trịnh không chỉ “mang tính chất triết lý sống, hướng về tình yêu con người, mang khát vọng hòa bình...” mà còn dạy bảo người ta phải lao động tốt. Thật là một “đạo lý” hòa hợp tuyệt vời, tuyệt hơn cả sự hòa hợp giữa… Trời và Đất!

“Tá thi hoàn hồn”
“Tá thi hoàn hồn” (Mượn xác chết để hồn về), một kế sách trong Tam Thập Lục Kế, là một mưu kế vô cùng tàn nhẫn nếu người ta áp dụng nó theo nghĩa đen: xử dụng người đã chết cho âm mưu của mình. Tàn nhẫn vì nó hủy hoại tên tuổi của người đã nằm xuống. Tàn nhẫn vì nó làm cho thân nhân người đã khuất thêm đau đớn tủi nhục (8)
Trịnh Công Sơn được vinh danh, Trịnh Công Sơn được đề cao lên hàng “quốc đạo” để làm gì? Phải chăng chỉ để phục vụ cho mục đích đen tối của một tập đoàn thống trị. Nếu có ai đó dám châm lửa đốt cái xác đang được dựng sống lại để hòng lừa đảo mọi người thì chẳng trách người đó bị “chúng” xúm lại đấu đá tá lả.
“Sự thật bao giờ cũng gây mất lòng, tôi đã tự hỏi mình nhiều lần trong nhiều năm qua: có nên viết nó ra, giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua? Sự quằn quại của nó trong cái nhà tù ký ức cũng làm tôi đau buồn đến không chịu nổi. Giải phóng cho nó là giải phóng cho chính tôi, dù có phải bị trả giá”
Họa sĩ Trịnh Cung, trong lúc thoát khỏi ngục tù ký ức của mình đã vô tình làm một toan tính bị rạn nứt. Mong sao bài viết này sẽ như lưỡi dao khoét cho vết nứt đó càng vỡ toác them

© DCVOnline

---------------------------

(1)
Sự “loạn sắc” của họa sĩ Trịnh Cung, Đoàn Vi Thượng, phunuonline.com, 07/04/2009
Ngậm máu phun người, Lê Minh Quốc, thanhnien.com, 04/04/2009
“Tham vọng chính trị” của Sơn là hoà bình, Lê Thanh Phong, lao dong.com, 07/04/2009
(2)
Trịnh Công Sơn và quãng buồn ở Quy Nhơn, zingnews, 01/04/2009
(3)
Vì đất nước cần một trái tim..., tuoitre.com, 31/03/2009
(4)
Nỗ lực phấn đấu đưa công tác thông tin đối ngoại lên tầm cao mới, Hồng Vinh (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tư tưởng - Văn hoá TW), 12/12/2004
(5)
Nam Bang! Triển lãm nghệ thuật ở Úc Châu (I), Thạch Tảo, DCVOnline.net, 05/03/2009
(6)
VN, Hoa kỳ và vụ kiện chất độc da cam, Trần Bình Nam, DCVOnline.net, 05/12/2006
Tòa Tối Cao Hoa Kỳ bác đơn kiện của các nạn nhân chất da cam Việt Nam, DCVOnline.net, 05/03/2009
(7)
Phán quyết của tòa án Mỹ không kết thúc vấn đề dioxin, vietnamnet, 03/03/2009
(8)
Tam Thập Lục Kế

No comments: