Wednesday, May 6, 2009

CÒN HAY MẤT NIỀM TIN CỦA ĐẢNG VIÊN VÀO ĐẢNG

Còn hay Mất, niềm tin của đảng viên vào Đảng?
Thiện Giao, phóng viên RFA
2009-05-06
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/reading-viet-blogs-do-members-of-communist-party-remain-loyal-to-the-party-TGiao-05062009120910.html
Hai bài viết đăng trên 2 blog khác nhau, được viết cách nhau nửa năm, đều nói về vai trò của Đảng và Đảng viên trong cuộc sống xã hội hiện nay.

Bài viết đầu tiên, đăng trên blog KhanhLinh hồi cuối tháng Mười năm ngoái, có đoạn: “Đảng Cộng sản Việt Nam được giao phó sứ mệnh lãnh đạo khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, không trừ lĩnh vực nào, không ngoài mục đích đảm bảo lợi ích và quyền lực của nhân dân.”
Bài viết thứ hai, đăng trên blog Psonkhanh, đầu tháng Năm nầy, viết rằng: tài liệu của Viện Nghiên Cứu Dư Luận Xã Hội phổ biến tháng Tư năm ngoái kết luận “Đảng viên bây giờ đều chán nãn và bi quan, không còn tin vào đường lối chủ nghĩa Cộng Sản và học thuyết Mác Lê-Nin nữa, Đảng viên chỉ hy vọng vào sự đổi mới của Đảng. Nhưng bây giờ Đảng đã không còn đổi mới nữa, đang đi vào ngõ cụt.”

Bài viết của KhanhLinh được đưa lên mạng với nội dung trả lời một bài viết do Đài Á Châu Tự Do thực hiện ngày 7 tháng 10 năm 2008, với tựa đề “Cơ Quan Vô Thẩm Quyền Chi Phối Luật Pháp Việt Nam,” nói về sự can thiệp của Đảng Cộng Sản vào hệ thống tư pháp.
Bài viết của blogger Psonkhanh, 50 tuổi đời, 15 tuổi Đảng, đang công tác tại một viện nghiên cứu của Nhà Nước, là một sự tổng hợp các suy nghĩ và quan sát của tác giả đối với tình trạng tham nhũng, đặc quyền của giới Đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Tác giả mở đầu rằng lâu nay đã muốn có ý kiến, nhưng sợ, và có lẽ là do hèn nhát. Nhưng hôm nay thì tác giả buộc phải viết, với câu kết là ông “thật sự ân hận vì đã vào Đảng.”

Chấp nhận để mưu sinh

Trước hết, xin được trích đăng một số ý kiến trên blog của Psonkhanh.
“[Tác giả] thật lòng đã nghĩ đến việc ra khỏi Đảng nhưng lại không dám thực hiện, không đủ can đảm và mạnh mẽ để chấp nhận một cách kiếm sống mới hoàn toàn mà [ông] không tự tin với nó… Trong nội bộ người ta đấu đá giành giật nhau ghê lắm, vào Đảng cũng chỉ hy vọng lên được chức cao hơn.”
Tác giả Psonkhanh viết rằng, những Đảng viên như ông, tức là những đảng viên mất niềm tin vào Đảng, cảm thấy hèn và sợ, chấp nhận ở trong Đảng vì cuộc mưu sinh, hiện nay “chiếm đa số tuyệt đối trong Đảng, đến 95%.”
Ông viết:
Hồi tháng 4 năm ngoái, được đọc một bản nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội, đây là tài liệu chính thức nghiên cứu theo yêu cầu của Bộ Chính Trị. Qua đó nói rõ rằng Đảng viên bây giờ đều chán nãn và bi quan, không còn tin vào đường lối chủ nghĩa Cộng Sản và học thuyết Mác Lê-Nin nữa …
Hầu hết những Đảng viên [như tác giả] bây giờ đều mong muốn một sự thay đổi, nhưng họ lại sợ thay đổi. Lý do quan trọng nhất là họ sợ bị trả thù như lịch sử đã từng xảy ra, như Đảng đã từng làm, họ nghe thấy sự hung hăng và cực đoan của các Việt Kiều qua các lần biểu tình chống đối người trong nước qua làm họ sợ.
Rồi kiểu tuyên truyền của Đảng cũng tăng thêm điều đó, nếu bạn là Đảng viên, đi họp sinh hoạt Đảng thì sẽ nghe thấy những lời lẽ cảnh báo rất nặng nề, nào là các thế lực thù địch, nào là sẽ không đội trời chung với Đảng viên, âm mưu diễn biến hòa mình có thể mất nước v.v..”

Nhưng, điều mà Psonkhanh nói rằng đã và đang làm xói mòn niềm tin lớn nhất ở Đảng chính là “tham nhũng và đặc quyền.” Và điều quan trọng là “Đảng chẳng có một biện pháp hiệu quả nào ngăn chặn, nếu không muốn nói là Đảng phải duy trì nó để sống và để cai trị quan chức.”
Psonkhanh thừa nhận là mình đang “đứng trước một trạng thái chông chênh, giữa những lựa chọn không dễ dàng: theo hiện trạng và thói xấu của xã hội để sống dễ dàng hoặc thay đổi để kkông theo nó, hay tham gia vào những sự thay đổi của người khác làm xã hội tốt hơn.”
Tác giả tâm sự, rằng ông cần những thay đổi cho xã hội tốt hơn nhưng “nhiều lần không vượt qua được chính mình.” Hàng ngày, ông “bị buộc” “phải học và thực hành theo gương và đạo đức Hồ Chí Minh nhưng toàn là những gì đạo đức giả và ngụy quân tử.”
Tác giả cũng khẳng định, là ông luôn kính trọng Chủ Tịch Hồ Chí Minh “ngay cả khi đã đọc được những mặt trái của Bác,” và ông “giữ thái độ đó vì cho rằng Bác là một con người. Nhưng cách mà Đảng đang tuyên truyền về hình ảnh và đạo đức của Bác… là cách mà người ta thường làm để ca ngợi những vị giáo chủ các tôn giáo…, mà Bác không có những điều cần thiết của một giáo chủ tôn giáo.”

Đảng chi phối tất cả


Trong khi Psonkhanh nói rằng ông “đứng trước trạng thái chênh vênh,” và rằng “thực sự ân hận vì đã vào Đảng,” thì tác giả KhanhLinh của bài viết trên blog hồi tháng Mười năm ngoái nói rằng “ngày nay vấn đề Đảng cầm quyền không có gì xa lạ hay cá biệt,”:
“Đảng Cộng Sản Việt Nam được giao phó sứ mệnh lãnh đạo khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, không trừ lĩnh vực nào, không ngoài mục đích đảm bảo lợi ích và quyền lực của nhân dân,” và “Đảng Cộng sản Việt Nam phải lãnh đạo cả lĩnh vực tư pháp.”

Bài viết của KhanhLinh đặc biệt nhấn mạnh đến sự lãnh đạo của Đảng trong lãnh vực tư pháp, vì, như đã nói, bài viết của tác giả nhằm phân tích một bài viết khác của đài Á Châu Tự Do, nói về sự chi phối của Đảng trong đời sống tư pháp tại Việt Nam.
KhanhLinh nhận định, là nói “sự can thiệp của Đảng vào hệ thống luật pháp khiến đưa đến tình trạng bất cập trong hệ thống luật pháp Việt Nam” là sai, vì nói như vậy “không hiểu biết những quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam về thi hành kỷ luật đảng viên và những quy định của Nhà nước Việt Nam về thi hành kỷ luật đối với công chức.”
Vậy, quy định ấy như thế nào? Xin trích một đoạn từ bài viết của KhanhLinh:
“Đối với đảng viên là công chức khi phạm khuyết điểm đến mức phải thi hành kỷ luật thì tùy trường hợp và hoàn cảnh cụ thể mà Đảng thi hành kỷ luật trước, nhà nước thi hành kỷ luật sau, hoặc ngược lại; có trường hợp bị thi hành kỷ luật về Đảng mà không bị thi hành kỷ luật về Nhà nước; hễ đã thi hành kỷ luật về Nhà nước thì nhất thiết phải thi hành kỷ luật về Đảng.
Còn một khi đã xét xử, chỉ ra phạm tội, hoặc không chờ xét xử đã thấy phạm tội rõ ràng, thì phải làm thủ tục đưa ra khỏi Đảng.”

Ông viết, “vấn đề Đảng cầm quyền không có gì xa lạ.” Ở Mỹ, ở Nhật, ở Nga, vân vân, đều là đảng cầm quyền. Như vậy, Việt Nam không phải là cá biệt. Tác giả cũng nhấn mạnh:
“Ở Việt Nam, phản ánh đúng lịch sử, nhân dân đã ghi nhận trong Hiến pháp ‘Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội’... Đảng cũng đã tuyên bố trong Điều lệ là không có lợi ích gì khác ngoài việc mưu cầu lợi ích cho nhân dân, xây dựng và thực thi một nhà nước mà mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Vì thế Đảng Cộng sản Việt Nam phải lãnh đạo cả lĩnh vực tư pháp.”

Mặc dầu vậy, tác giả KhanhLinh thừa nhận “Trước đây cũng có lúc có nơi cấp ủy Đảng can thiệp sâu vào việc xét xử, thậm chí can thiệp vào cả mức án,” nhưng “từ hàng chục năm nay, khi công cuộc đổi mới càng sâu rộng, thì không còn tình trạng cấp ủy can thiệp vào mức án.
Tuy nhiên, đối với một số vụ án quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội, thì Đảng càng đề cao trách nhiệm lãnh đạo, định hướng việc điều tra, xét xử sao cho thật chính xác…”

Xin kết thúc bài viết bằng 2 nhận định trích từ 2 blog của KhanhLinh và Psonkhanh.

KhanhLinh khẳng định: là mặc dầu “không phủ nhận tình trạng bất cập của các hoạt động tư pháp ở Việt Nam hiện nay, song [đó] không phải lý do chính [của] “sự can thiệp” của Đảng, trái lại càng phải tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng về lĩnh vực này.”

Trong khi đó, Psonkhanh thì viết, rằng “sự sụp đổ và thay đổi là chắc chắn và không thể tránh khỏi, nhiều người bảo rằng sẽ rất nhanh, nhưng cũng có người bảo rằng sẽ chưa thể trong một hai năm nữa.” Tác giả thì nghĩ điều đó không tùy thuộc vào Đảng, vào Chính quyền nữa, cái này ngoài khả năng của họ rồi.

No comments: