Saturday, May 16, 2009

TRIỆU TỬ DƯƠNG - TIẾNG VỌNG TỪ ĐÁY MỘ

Triệu Tử Dương: Tiếng vọng từ đáy mộ
Ngô Nhân Dụng
Friday, May 15, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=95026&z=7
Tựa đề này phỏng theo lời thơ Nguyễn Chí Thiện, và rất thích hợp. Nhân vật đang nằm trong đáy mộ là Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang). Và tiếng vọng đang vang lên là những lời nói trong năm sau cùng của đời ông được ghi âm sau 16 năm bị quản thúc tại gia, nay xuất bản thành sách. Ðiều đáng buồn cho mọi người Trung Hoa là bản dịch bằng tiếng Anh (Prisoner of State, Tù Nhân của Nhà Nước) được xuất bản trước, trong khi nguyên bản bằng Trung văn vẫn chưa in ra. Riêng điều này cũng chứng tỏ đời sống tinh thần của quốc gia với hơn một tỷ dân và hơn bốn ngàn năm văn hiến nay vẫn còn u ám vì thiếu tự do xuất bản.

Hai mươi cuốn băng thu lời tự sự của Triệu Tử Dương đã được các đồng chí của ông lén đưa ra ngoài để phiên tả, đến nay in thành sách. Người từng là cánh tay mặt của Triệu Tử Dương, ông Bao Ðồng (Bao Tong) nhận xét rằng việc in bản tiếng Anh cuốn sách ngay bây giờ là để dư luận thế giới chú ý, khiến cho đảng Cộng Sản Trung Quốc không thể phủ nhận sự có mặt của cuốn tự sự này, và không thể cấm đoán và xóa bỏ nó mãi được. Ông Bao Ðồng là người tìm cách đưa cuốn sách này ra ánh sáng.
Ngoài ra, chúng ta cũng biết việc xuất bản cuốn tự sự trong thời gian này cũng là để đi một bước trước ngày 4 Tháng Sáu, đúng 20 năm sau cuộc tàn sát ở Thiên An Môn mà ông Triệu Tử Dương đã phản đối, mà vì thế ông mất chức tổng bí thư đảng Cộng Sản.
Những tiếng vọng từ đáy mộ được cất lên chỉ trong 3 tuần lễ trước ngày “Lục Tứ” này chính là để nêu lại vấn đề lịch sử về vụ án Thiên An Môn, mà nhiều gia đình của các sinh viên đã chết vẫn kêu gọi đảng Cộng Sản Trung Quốc xét lại.

Trong các lời tự sự, Triệu Tử Dương lên án quyết định đưa quân đội tới Thiên An Môn bắn giết các sinh viên là một hành động bất hợp pháp. Ðáng lẽ quyết định này phải được Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản thảo luận và biểu quyết, nhưng Ðặng Tiểu Bình đã chuyên quyền ra lệnh điều quân với tư cách chủ tịch Quân ủy Trung ương, với sự đồng lõa của Thủ Tướng Lý Bằng. Theo Triệu Tử Dương, chính Lý Bằng là người đứng hẳn về phía chủ trương tàn bạo và thúc đẩy Ðặng Tiểu Bình đi tới quyết định giết người đó.
Triệu Tử Dương kể rằng ông phải yêu cầu được gặp Ðặng Tiểu Bình, và khi được đưa tới dinh cơ của ông này thì thấy các lãnh tụ khác trong Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị đã có mặt ở đó để ủng hộ quyết định đàn áp. Nhưng Triệu Tử Dương nhấn mạnh rằng không hề có một cuộc biểu quyết nào trong Bộ Chính Trị cho phép ban hành tình trạng thiết quân luật, và hành động đó hoàn toàn không hợp pháp, theo chính pháp luật của Trung Quốc trong thời gian đó.

Trong suốt thời gian Tháng Năm năm 1989 khi các sinh viên đang biểu tình, Triệu Tử Dương luôn luôn chủ trương phải nói chuyện với đại diện của các sinh viên để đáp ứng với nguyện vọng của người biểu tình, gồm các sinh viên, công nhân và giới trí thức trẻ ở Bắc Kinh, đã được thanh niên toàn quốc ủng hộ. Theo ông, các lãnh tụ sinh viên không mấy người tỏ ý chống lại sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản mà họ chỉ yêu cầu đảng chống tham nhũng, đặc biệt là những đặc quyền đặc lợi của đám “con ông cháu cha” thuộc giới thống trị trong đảng.

Nhưng đối với những người không quá quan tâm đến biến cố lịch sử Thiên An Môn mà chỉ muốn tìm hiểu về công việc cải tổ kinh tế và chính trị ở Trung Quốc, thì cuốn sách của Triệu Tử Dương cũng cho chúng ta biết nhiều điều mới.

Một điều Triệu Tử Dương đã vạch ra là ý kiến thay đổi hệ thống kinh tế độc quyền của đảng Cộng Sản không phải do Ðặng Tiểu Bình xướng xuất mà do chính những kinh nghiệm thực tế mà Triệu Tử Dương đã thành công khi thi hành những cải cách ở các tỉnh. Ðọc lại tiểu sử của ông, chúng ta thấy có thể tin ở lời quả quyết này, và thấy Ðặng Tiểu Bình vẫn theo thói của các lãnh tụ Cộng Sản độc tài, là cướp công của những người thuộc cấp.

Triệu Tử Dương sinh năm 1919 ở Hà Nam, cũng là con một địa chủ như Ðặng Tiểu Bình. Gia nhập đảng Cộng Sản từ năm 19 tuổi, ông làm cán bộ huyện ủy thi hành cải cách ruộng đất ở các tỉnh miền Trung Trung Quốc trong thời gian kháng Nhật và nội chiến với Quốc Dân Ðảng. Sau khi Cộng Sản chiếm được chính quyền năm 1949, Triệu Tử Dương tiếp tục những hoạt động về nông thôn ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc, năm 1955 được bầu vào ban lãnh đạo tỉnh Quảng Ðông, một tỉnh rộng lớn và sản sinh nhiều người có tinh thần cách mạng trong nước Trung Hoa. Năm 1965, ông làm bí thư thứ nhất của tỉnh Quảng Ðông, cho tới khi bị phế truất trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa; nhưng tới năm 1972 ông lại trở về tỉnh này rồi hai năm sau được lên làm tổng bí thư trở lại. Trong thời gian đầu lãnh đạo tỉnh Quảng Ðông, Triệu Tử Dương đã thí nghiệm những cải tổ về kinh tế đầu tiên ở nước Trung Hoa, cho phép chợ búa ở thôn quê được hoạt động và cho nông dân được cầy cấy những thửa ruộng tư của họ. Trong thời gian Cách Mạng Văn Hóa, Triệu Tử Dương đã bị đưa đi làm ở các nhà máy để “cải tạo bằng lao động” cũng giống như Ðặng Tiểu Bình.

Năm 1976, Triệu Tử Dương được đưa về làm bí thư thứ nhất của tỉnh Tứ Xuyên, tỉnh đông dân nhất Trung Quốc lúc đó, với 100 triệu dân, và cũng là quê hương của Ðặng Tiểu Bình. Chính tại tỉnh này, Triệu Tử Dương đã cho thử hệ thống “khoán sản” cho nông dân chịu trách nhiệm về mảnh đất mà họ trồng trọt, thay vì chỉ theo chỉ tiêu của công xã nhân dân. Cuộc cải tổ táo bạo này đã nâng sản năng nông phẩm của toàn tỉnh. Chính thành tích này đã khiến Ðặng Tiểu Bình chú ý tới và nâng Triệu Tử Dương lên làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị vào năm 1977, và hai năm sau thành ủy viên chính thức, một cuộc thăng quan tiến chức rất nhanh.
Sang năm 1978 Ðặng Tiểu Bình bắt đầu cho áp dụng một số chính sách thay đổi nền kinh tế “xã hội chủ nghĩa.” Năm 1980 Triệu Tử Dương được phong làm phó thủ tướng, rồi mấy tháng sau lên làm thủ tướng Trung Quốc.
Năm 1984 ông đi thăm nhiều quốc gia, trong đó có nước Mỹ. Năm 1987 Triệu Tử Dương được làm tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc thay Hồ Diệu Bang, nhưng hai năm sau thì ông mất chức vì muốn đi xa hơn trong việc cải tổ chính trị.

Về cuộc tàn sát Thiên An Môn, Triệu Tử Dương nói, “Tôi tự nhủ, dù bất cứ cái gì xẩy ra, tôi không thể nào là người tổng bí thư ra lệnh cho quân đội đàn áp sinh viên... Ðêm mùng Ba Tháng Sáu, tôi ngồi trong sân sau với gia đình, nghe thấy tiếng súng nổ. Một thảm kịch làm cả thế giới bị sốc đã không tránh được, giờ này đang diễn ra.”

Ðặng Tiểu Bình vẫn được coi là người xướng xuất cuộc “cải tổ” xóa bỏ kinh tế Cộng Sản ở Trung Quốc. Nhưng nay Triệu Tử Dương nói thẳng chính ông là người đi tiên phong trong cuộc cách mạng đó. Không những ông đã xóa bỏ các công xã nhân dân của Mao Trạch Ðông trước tiên, ông cũng là người khuyên Ðặng Tiểu Bình thành lập những khu kinh tế đặc biệt chuyên sản xuất để xuất cảng, một mô thức đã được áp dụng ở Ðài Loan trước đó.

Trong lời giới thiệu cuốn Tù Nhân của Nhà Nước, Roderick MacFarquhar nhận xét rằng: “Ðọc những lời tự sự chân thật và không chút khoe khoang của ông, chúng ta thấy chính ông chứ không phải Ðặng là kiến trúc sư của cuộc cải tổ. Ðặng không đưa ra những tư tưởng mới, chính Triệu là người đưa ra.” Trên mặt chính trị, cuốn sách cho thấy Triệu Tử Dương đã thay đổi tư tưởng từ những ngày ông làm tổng bí thư đảng cho tới ngày ông qua đời năm 2005.

Khi còn lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc, Triệu Tử Dương vẫn chủ trương nước ông không thể theo chế độ đa đảng. Nhưng khi suy nghĩ trong thời gian bị quản thúc, ông đã nhận ra rằng công cuộc cải tổ kinh tế chỉ thành công nếu những người cai trị phải có chức trách (accountability), người dân phải được tự do tổ chức hội họp, và hệ thống tư pháp phải độc lập với đảng cầm quyền. Ông nói là, “Chính hệ thống dân chủ đại nghị đã chứng tỏ có sức sống mạnh nhất. Nếu chúng ta không tiến tới trên mục tiêu này thì không thể nào giải quyết được những hiện tượng bất bình thường trong nền kinh tế thị trường ở Trung Quốc.”

Trái với Ðặng Tiểu Bình là người mà ông mô tả là hoàn toàn tin tưởng vào chế độ độc tài của đảng Cộng Sản, Triệu Tử Dương chủ trương ngược lại là phải giảm bớt sự tập trung quyền hành trong tay một đảng. Ông viết: “Nếu một đảng chính trị mà quyền lực không bị ai giám sát, thế nào nó cũng sinh ra các quan chức tham nhũng.” Những lời nói phải rất giản dị đó đã bị giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải bỏ qua!

Cuốn sách gồm 30 giờ nói chuyện của Triệu Tử Dương sẽ ghi danh ông trong lịch sử Trung Quốc. Một người đã chết vẫn cất được tiếng nói từ đáy mộ, nhờ các đồng chí như Bao Ðồng tận tâm tận lực bảo vệ tiếng thơm của ông.

Hiện nay đảng Cộng Sản Việt Nam đang theo chủ nghĩa Ðặng Tiểu Bình, người mà trong những năm 1979 - 1980 bộ máy tuyên truyền ở nước ta vẫn gọi tên là Ðặng Lưu Manh.
Theo Lưu Manh có lợi cho riêng mình và gia đình mình. Nhưng nếu biết thuận theo lẽ phải thì sẽ tránh được tiếng xấu ngàn năm.

Hồi Ký của Triệu Tử Dương sẽ đụng phải bức tường kiểm duyệt của Trung Quồc
Friday, May 15, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=95041&z=5
BẮC KINH, Trung Quốc (Reuters) - Hai thập niên sau khi bị lật đổ và bốn năm sau khi qua đời, cựu lãnh tụ Triệu Tử Dương, người được coi như có tinh thần cải cách, đã phá vỡ sự im lặng chính thức về vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989, khi lên án việc giết chết những người phản đối như một “thảm kịch.” Nhưng hầu như chắc chắn cuốn hồi ký của ông sẽ gặp bức tường kiểm duyệt của nhà nước Cộng Sản.

Họ Triệu, người đã từ trần vào năm 2005 sau những năm bị quản thúc tại gia, đã bí mật ghi lại những ký ức của ông vào thời ông nắm quyền lực tột đỉnh của đảng Cộng Sản khi ông bị những thành phần cứng rắn trong đảng lật đổ vào năm 1989.
Việc xuất bản những ký ức đó sẽ khuấy động sự quan tâm của công chúng tại nhiều nước.
Nhưng không phải ở Trung Quốc, nơi việc đả động đến họ Triệu là điều cấm kỵ.

Phiên bản bằng tiếng Hoa của cuốn hồi ký của ông chẳng bao lâu nữa sẽ được xuất bản tại Hong Kong, mặc dù không phải trên lục địa.
“Mọi người có thể quan tâm, nhưng không thể nào xuất bản cuốn hồi ký trong nước,” theo lời ông Yang Jisheng, phó chủ nhiệm của một tạp chí lịch sử tại Bắc Kinh - tờ báo đã gặp rắc rối vì tưởng niệm họ Triệu một cách gián tiếp hồi năm ngoái.
Mặc dù đã lao vào chủ nghĩa tư bản, giới lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ, dù ngày càng lạc lõng, về những gì mà các công dân của họ có thể đọc ở những ấn bản hoặc trên Internet.
Sự kiểm duyệt đó sẽ đặc biệt gắt gao trước kỷ niệm lần thứ 20 ngày 4 Tháng Sáu đầy nhạy cảm, khi các binh sĩ đè bẹp những cuộc phản đối đòi dân chủ tập trung trên quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, một biện pháp mà họ Triệu phản đối khi ông bị đẩy ra khỏi quyền lực và là điều mà ông chỉ trích trong cuốn hồi ký, sắp sửa xuất hiện bằng tiếng Anh và tiếng Hoa.

“Vào đêm 3 Tháng Sáu, trong khi ngồi trong vườn cùng với gia đình, tôi đã nghe thấy tiếng súng dữ dội,” ông Triệu Tử Dương nói. “Một thảm kịch sẽ làm chấn động thế giới mà không bị ngăn chặn.”
Họ Triệu, người cầm đầu đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 1989, bác bỏ lời rêu rao của chính phủ rằng những sinh viên phản đối nằm trong một âm mưu chống Cộng.

Cuốn hồi ký, gồm khoảng 30 giờ thu băng, đã được giao cho ba người thân tín và đã được chuyển lậu ra khỏi Trung Quốc.
Không có lời đề cập nào về cuốn hồi ký của họ Triệu trong báo chí Trung Quốc hôm Thứ Sáu, và cho tới nay không thấy các viên chức chính phủ lên tiếng bình luận. Ðó là điều không có gì ngạc nhiên tại nước này, nơi ngay cả cái chết của ông cũng chỉ được giới truyền thông chính thức đề cập một cách sơ sài.

Ðối với nhiều người Trung Quốc bình thường, đặc biệt là những người trẻ, ngay cả những biến cố 20 năm về trước cũng chỉ là một điều lờ mờ giữa lúc đất nước hối hả tiến vào sự thịnh vượng. Họ đã bị những người kiểm duyệt ngăn cách với quá khứ.

Họ Triệu và cuốn hồi ký của ông sẽ ít gây chú ý đối với những người dân thường, theo lời Tiến Sĩ Bo Zhiyue, một chuyên viên về nền chính trị của Trung Quốc tại Viện Ðông Á thuộc trường đại học quốc gia của Singapore.
“Tôi không nghĩ những ký ức đó có thể gây bất cứ ảnh hưởng đáng kể nào đối với những gì đang diễn ra tại Trung Quốc,” ông Bo nói bằng điện thoại. “Ðây là một vấn đề có tính cách lịch sử nhiều hơn.”

Nhưng ông Du Guang, một học giả kỳ cựu về đảng Cộng Sản, người đã thúc đẩy việc giải phóng chính trị kể từ thập niên 1980, nói:
“Ðối với những người liên hệ và quan tâm về những điều này, những biến cố của 20 năm về trước vẫn là một vấn đề lớn.”
“Ông Triệu Tử Dương đã quảng bá các kế hoạch cải tổ chính trị, nhưng đáng tiếc là các kế hoạch của ông đã bị chôn vùi bởi ngày 4 Tháng Sáu. Tuy nhiên, những lời kêu gọi cải tổ chính trị đó không hề chấm dứt, và do đó sẽ có sự quan tâm rộng rãi về cuốn hồi ký của ông.”

Ông Du Guang nói rằng mặc dù có sự kiểm duyệt, cuốn hồi ký của ông Triệu Tử Dương chắc chắn sẽ lọt vào lục địa và rồi sẽ được sao chép.
Ông nói: “Ðiều đó không tốt cho vấn đề bản quyền, nhưng lần này sự sao chép lậu có thể là một điều tốt.” (n.n.)

No comments: