Monday, May 4, 2009

THƯ NGỎ đã gửi

Thư Ngỏ đã gửi
Trần Khải

Đăng ngày 04/05/2009 lúc 02:41:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3739
Đó là những điều rất đáng ngại, khi đất nước quê vợ của Bác đòi nợ. Hàng ngàn nhà trí thức Việt Nam đã nhìn thấy, và đã cùng ký tên vào một bản văn Kiến nghị Bauxite Tây Nguyên để kêu gọi Bộ Chính Trị Đảng CSVN xét lại để hủy bỏ chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Tổ quốc lâm nguy. Nhưng vì sao các vị lãnh đạo Đảng CSVN vẫn cứng rắn một cách khó hiểu với "chủ trương lớn" để mời biển người lính thợ từ Trung Quốc sang Tây Nguyên, để xoá màu xanh núi rừng Tây Nguyên và quậy bùn đỏ nơi này?

Thực sự, Việt Nam chỉ là một điểm để Trung Quốc tăng áp lực. Kế sống còn lâu dài của Trung Quốc là một mặt, đưa biển người xuống toàn vùng Đông Nam Á, và mặt kia là lấn Biển Đông. Kế sách này đã thấy Trung Quốc thi hành đối với toàn khối ASEAN, từ cách nhẹ nhàng thì mua chuộc, cho vay, viện trợ, tặng học bổng, mở Học Viện Khổng Tử, ưu đãi giao thương… cho tới nặng tay là hù doạ, vây bắt hay bắn vào tàu ngư dân (đã xảy ra nhiều lần, nhiều năm với ngư dân Việt), rồi chiếm đảo, lấn biển.

Về mặt Biển Đông, bên cạnh Việt Nam là Phi Luật Tân cũng bị áp lực quậy phá từ đất nước "quê vợ của Bác" nơi Phương Bắc. Như thế, không chỉ là riêng kiếm chuyện với Việt Nam. Tuy nhiên, Phi Luật Tân vẫn còn có một đồng minh quân sự là Hoa Kỳ, dù trên nguyên tắc là để cùng chống khủng bố, chứ chưa phải là giúp tự vệ như với Đài Loan. Nhắc tới Đàì Loan thì lại than ôi, có khi cũng là hỏng rồi; nhưng đây lại là chuyện khác. Điều chúng ta muốn nói nơi đây, rằng đối tượng để Trung Quốc lấn ép lại là Việt Nam và Phi Luật Tân. Nguy hiểm thập phần là chỗ: Việt Nam giáp biên giới đường bộ với TQ.

Một điểm cũng cần ghi nhận, trong khi các nhà lãnh đaọ CSVN quỵ lụy trước thiên triều Bắc Kinh, thì Phi Luật Tân vẫn có thái độ cứng rắn dù là sức mạnh quân sự Phi cũng không bao nhiêu.
Chuyện xảy ra hồi tháng 2-2009, khi Trung Quốc phản đối mạnh mẽ quốc hội Phi Luật Tân về một dự luật vẽ bản đồ đường cơ sở biên giới Biển Đông của Phi, thì các nhà lãnh đạo Phi vẫn cứng rắn. Không hề có ai bay sang Bắc Kinh để xin nối dây điện thoại nóng. Báo Philippine Daily Inquirer trong số ngày 20-2-2009 kể rằng, Thượng Nghị Sĩ Phi Joker Arroyo tuyên bố: "Chúng ta không nên tự cho phép mình bị sách nhiễu bởi Trung Quốc". Và Thượng Nghị Sĩ Phi Manuel Roxas thì nói: "Có phải chúng ta sắp đầu hàng chỉ bởi vì họ [Trung Quốc] có quân đội mạnh hơn, hay có hải quân mạnh hơn?"
Lúc đó không ai nghe những ngôn ngữ mạnh mẽ như thế ở Hà Nội. Lúc đó, khắp thế giới, trước nhất là Việt Kiều toàn cầu và sau đó là các nhà quan sát chính trị thế giới, nhìn về Hà Nội để xem có lãnh tụ nào dám nói mạnh mẽ như các chính khách Phi Luật Tân như thế không. Nhưng không. Đảng CSVN không cho ai nói gì hết.

Nhưng rồi, bẵng qua chuyện Biển Đông một thời gian. Tới chuyện Tây Nguyên Hán Hoá thì giới trí thức Việt Nam mới cùng lên tiếng. Bởi vì khi Trung Quốc đánh ra thế võ Rồng Dữ Vào Biển Đông thì cả thế giới đều dễ thấy, dễ lân mẫn và có cớ đem ra Liên Hiệp Quốc để nói chuyện phải quấy. Nhưng khi Bắc Kinh ra độc chiêu lẳng lặng đánh từ trên núi cao xuống, theo thế võ Chim En Trắng Bay Xuyên Qua Mây thì có bao nhiêu người mà thấy, vì nhìn lên chỉ thấy mây trắng thôi, nào mấy ai thấy chim én nhỏ hung dữ kia đâu. Thế là, vì đây là đường cùng rồi, giới trí thức cùng thấy là phải nói, và phaỉ nói thật lớn tiếng, bất kể đây là "chủ trương lớn của Đảng và nhà nước". Và tuyệt vời, cả ngàn trí thức đã cùng ký tên vào bản văn
Kiến nghị Bauxite Tây Nguyên. Một số người tin ràng lịch sử đang lật qua một trang khác, khi giới trí thức cùng nhận ra rằng Bộ Chính Trị CSVN đã bị lèo lái từ Bắc Kinh, và cùng dám ký tên chống lại "chủ trương lớn".

Vào đúng ngày 30-4-2009, tròn 34 năm sau ngày quân CSVN chiếm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, nhóm trí thức này đã cùng gửi một
"Thư Ngỏ Gửi Các Đại Biểu Quốc Hội Nước CHXNCH Việt Nam", trong đó yêu cầu quốc hội từ bỏ vai trò bù nhìn nghị gật, để trong khoá họp tháng 5-2009 là hãy lên tiếng. Bản văn viết:
"…Vì thế, vai trò của quý vị đại biểu Quốc Hội lúc này, nhất là trong kỳ họp tháng 5-2009 sắp tới, thật vô cùng quan trọng.

Mọi người đều biết, từ những năm tám mươi thế kỉ trước, khối COMECON tuy rất cần nhôm, song đã quyết định không khai thác bauxite trên lãnh thổ Việt Nam. Lý do của việc này đã được nói rõ trong hai lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chắc chắn mỗi đại biểu Quốc Hội đều biết.
Ngày nay, các chuyên gia, các nhà khoa học của ta lại một lần nữa kết luận dứt khoát rằng khai thác chế biến bô xít ở Tây Nguyên là chuốc lấy vô vàn rủi ro về môi sinh và văn hoá để làm một việc không có lãi về kinh tế và tự buộc mình lệ thuộc nguy khốn vào một nước ngoài khách hàng duy nhất của sản phẩm nhôm đó. Điều này, chắc chắn mỗi đại biểu Quốc Hội đều biết.
Một em học sinh Trung học của Việt Nam cũng được dạy trong sách giáo khoa rằng Tây Nguyên là "nóc nhà của Đông Dương". Thế nhưng, cùng với dự án khai thác bauxite ở vùng này là nguy cơ có mặt của những binh đoàn "người lao động" nước ngoài tới "làm việc", trong đó nhiều người đã tới bằng visa du lịch. Sự kiện kèm theo số liệu đó đã được phóng viên báo "Nhân dân" đưa ra, chắc chắn mỗi đại biểu Quốc Hội đều đã biết cả.

Thưa quý vị đại biểu,
Thư ngỏ này được công bố trên mạng vào đúng ngày 30 tháng Tư, ngày tổng kết những mừng vui và nghẹn ngào của dân tộc Việt Nam, đó là điều rất có ý nghĩa. Nó nhắc nhở quý vị là những nhà lập pháp rằng một việc làm dù nhỏ nhặt, một lần giơ tay biểu quyết dù vẫn ngập ngừng của quý vị, đều là một viên đá lót đường để dân tộc ta, Tổ quốc ta chắc chắn có cơ may ngẩng mặt nhìn ra năm châu thế giới. Điều trái ngược lại sẽ là cái chết được báo trước, không thể là gì khác!
Chúng tôi tha thiết kêu gọi quý vị hãy xem xét kỹ lưỡng toàn bộ chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên và pháp chế hoá vấn đề này…"
Bản văn gửi cho quốc hội lần này đã đẩy toàn bộ quốc hội CSVN tới một vị trí mới: hoặc là im lặng như nhiều thập niên trước giờ, hoặc là nói thẳng như các vị dân cử của Phi Luật Tân. Nhân dân Việt Nam đang nhìn vào quốc hội Hà Nội kể từ sau khi Thư Ngỏ này phổ biến, và đang chờ đợi xem có quan lớn nào dám nói gì về "cái chết được báo trước" hay không.
Xin nhắc lại rằng, vào tháng 2-2009, Thượng Nghị Sĩ Phi Luật Tân Joker Arroyo tuyên bố: "Chúng ta không nên tự cho phép mình bị sách nhiễu bởi Trung Quốc". Và Thượng Nghị Sĩ Phi Manuel Roxas thì nói: "Có phải chúng ta sắp đầu hàng chỉ bởi vì họ [Trung Quốc] có quân đội mạnh hơn, hay có hải quân mạnh hơn?"

Bây giờ là thời điểm để các đại biểu quốc hội CHXNCN Việt Nam lên tiếng. Thư Ngỏ của giới trí thức đã phổ biến, đã gửi đi rồi. Bây giờ cả nước đang nhìn vào các đạị biểu. Không chỉ là từ hơn 80 triệu người đang quan sát, mà còn từ cả nhiều triệu hương hồn của những người đã hy sinh để gìn giữ mảnh đất của cha ông đang nhìn vào, và từ cả các vua quan sĩ nông công thương nhiều ngàn năm cùng rủ nhau về xem quý đạị biểu qúôc hội CSVN sẽ nói gì trong vài ngày tới. Thư Ngỏ đã gửi rồi. Xin chờ lời đáp.
Trần Khải
--------------------------------

THƯ NGỎ GỬI CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 2009

Thưa các đại biểu Quốc hội khóa 12,
Hơn một ngàn cử tri và không phải cử tri (sinh sống ở nước ngoài) đã ký tên vào bản
Kiến nghị gửi các cơ quan Nhà nước về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, một lần nữa viết thư ngỏ này chân thành gửi gắm lòng tin vào những nhà lập pháp đương thời, coi như một kiến nghị bổ sung, mong quý vị xem xét.

Thưa quý vị,
Gần đây, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra bản
Kết luận về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Đó không là một bản Chỉ thị, mà là một bản Kết luận, điều đó thể hiện một thái độ cầu thị, tôn trọng dư luận, một hành động giao tiếp với công luận. Tất cả những ai có thiện chí đều nhận ra điều đó.

Tuy nhiên, cũng trên tinh thần dân chủ và cởi mở, trên tinh thần xây dựng một Nhà nước pháp quyền hiện đại, chắc chắn là Bộ Chính trị cũng muốn rằng những kết luận của mình sẽ được thể chế hóa thành luật để có đầy đủ giá trị pháp lý và sức mạnh thực thi.
Vì thế, vai trò của quý vị đại biểu Quốc Hội lúc này, nhất là trong kỳ họp tháng 5-2009 sắp tới, thật vô cùng quan trọng.

Mọi người đều biết, từ những năm tám mươi thế kỉ trước, khối COMECON tuy rất cần nhôm, song đã quyết định không khai thác bauxite trên lãnh thổ Việt Nam. Lý do của việc này đã được nói rõ trong hai lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà chắc chắn mỗi đại biểu Quốc Hội đều biết.

Ngày nay, các chuyên gia, các nhà khoa học của ta lại một lần nữa kết luận dứt khoát rằng khai thác chế biến bô xít ở Tây Nguyên là chuốc lấy vô vàn rủi ro về môi sinh và văn hóa để làm một việc không có lãi về kinh tế và tự buộc mình lệ thuộc nguy khốn vào một nước ngoài khách hàng duy nhất của sản phẩm nhôm đó. Điều này, chắc chắn mỗi đại biểu Quốc Hội đều biết.

Một em học sinh Trung học của Việt Nam cũng được dạy trong sách giáo khoa rằng Tây Nguyên là "nóc nhà của Đông Dương". Thế nhưng, cùng với dự án khai thác bauxite ở vùng này là nguy cơ có mặt của những binh đoàn "người lao động" nước ngoài tới "làm việc", trong đó nhiều người đã tới bằng visa du lịch. Sự kiện kèm theo số liệu đó đã được phóng viên báo Nhân Dân đưa ra, chắc chắn mỗi đại biểu Quốc Hội đều đã biết cả.

Thưa quý vị đại biểu,
Thư ngỏ này được công bố trên mạng vào đúng ngày 30 tháng Tư, ngày tổng kết những mừng vui và nghẹn ngào của dân tộc Việt Nam, đó là điều rất có ý nghĩa. Nó nhắc nhở quý vị là những nhà lập pháp rằng một việc làm dù nhỏ nhặt, một lần giơ tay biểu quyết dù vẫn ngập ngừng của quý vị, đều là một viên đá lót đường để dân tộc ta, Tổ quốc ta chắc chắn có cơ may ngẩng mặt nhìn ra năm châu thế giới. Điều trái ngược lại sẽ là cái chết được báo trước, không thể là gì khác!

Chúng tôi tha thiết kêu gọi quý vị hãy xem xét kỹ lưỡng toàn bộ chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên và pháp chế hóa vấn đề này.
Chúng tôi xin gửi tới quý đại biểu Quốc hội lời chào trân trọng và tin tưởng.

Thay mặt các chữ ký
Kiến nghị Bauxite Tây Nguyên (*)
Gs. Nguyễn Huệ Chi, Nhà văn Phạm Toàn, Gs. Ts. Nguyễn Thế Hùng

(*) Vì một lý do riêng tư, Ông Nguyễn Hồng Quân, người có tên trong danh sách Kiến nghị ngày 12-4-2009 đề nghị rút tên khỏi Thư ngỏ ngày 30-4-2009


No comments: