Hãy cảnh giác!
Phạm Việt Vinh
Đăng ngày 04/05/2009 lúc 00:00:00 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3738
Ngày 24 tháng Tư vừa qua, truyền thông nhà nước Việt Nam công bố “Thông báo số 245- TB/TW” về “Kết luận của Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Việt Nam” đối với vấn đề khai thác quặng bauxite tại Tây Nguyên. Trong bản kết luận trên, có đoạn viết: “Riêng dự án Nhân Cơ (Đăk Nông), cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá lại hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và đảm bảo được yêu cầu về bảo vệ mội trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện”. Trung Quốc là đối tác của dự án Nhân Cơ. Tất cả các nhận định nghiêm túc đều trả lời “Không” cho các câu hỏi của bản “Kết luận”. Có nghĩa là về nguyên tắc, ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đã ra chỉ chị rằng hợp đồng khai thác bauxite giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ bị đình chỉ!
Tiếp theo, ngày 25 tháng Tư, Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng quyết định bổ nhiệm trực tiếp chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa. Ngày 28 tháng Tư, để trả lời sự phản đối gay gắt của Trung Quốc về việc này, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam bác bỏ ý kiến của Trung Quốc, tái khẳng định quyền sở hữu của Việt Nam đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Chính phủ Việt Nam cũng cho biết sẽ kịp thời gửi “Yêu sách về chủ quyền thềm lục địa” của Việt Nam tới cơ quan hữu trách của Liệp Hiệp Quốc trước thời hạn 13 tháng Năm sắp tới.
So với những hành xử trong nhiều năm vừa qua của nhà nước Việt Nam, các hiện tượng trên đây là rất bất thường. Có người nhận định là để bảo vệ quyền lợi quốc gia, ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận đối đầu với các hành vi bành trướng của Trung Quốc.
Từ hàng chục năm nay, ước vọng bá quyền của Bắc Kinh ngày càng lộ rõ. Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới hiện nay, chính sách hòa dịu của phương Tây nói chung và của Hoa Kỳ nói riêng có vẻ như khuyến khích chính quyền Trung Quốc gia tăng mức độ hung hăng. Vụ hải quân Trung Quốc uy hiếp tàu do thám của Hoa Kỳ mới đây là một ví dụ điển hình. Trung Quốc đã công khai bày tỏ chiến lược xây dựng một vành đai an toàn được tạo bởi các quốc gia “đồng minh” bao quanh họ. Tuy không nói ra nhưng ai cũng đoán được đằng sau vụ Bắc Triều Tiên trắng trợn vi phạm nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, tiến hành thử hỏa tiễn tầm xa vào ngày 5 tháng Tư vừa qua không thể không có bàn tay của Trung Quốc. Để thực hiện giấc mộng “thiên triều” của mình, điều dễ hiểu là Bắc Kinh rất coi trọng lá bài Bình Nhưỡng với chức năng là một “đồng minh chiến lược”, là tiền đồn phía Bắc và là một đe dọa thường trực đối với Nam Hàn, Nhật Bản.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc từ trước tới nay vẫn theo đuổi mục tiêu muốn biến Hà Nội thành tiền đồn phía nam của họ. Việc xâm lấn đất, biển không nằm ngoài chiến lược luôn tạo cho Việt Nam một tư thế bất an. Nhìn lịch sử, người Trung Quốc biết rõ là Việt Nam không bao giờ thần phục hoàn toàn Trung Quốc. Đằng sau những mỹ từ “đồng minh chiến lược và toàn diện” vẫn tồn tại ở cả hai bên sự nghi kỵ và cảnh giác. Đối với một “đồng minh” như vậy, tạo ra sự bấp bênh và e sợ thường trực ở Hà Nội có thể là những bài “cẩm nang” cố hữu của Bắc Kinh. Tiến xa hơn, sự nhu nhược của chính quyền Việt Nam trong vấn đề biên giới gần đây, vị thế thăng tiến về kinh tế, ngoại giao và quân sự hiện nay có thể đã thúc đẩy Trung Quốc, ngoài mục đích đáp ứng cơn khát về nguyên liệu, đã dùng mọi thủ đoạn tiến hành dự án bauxite để có mặt ở Tây Nguyên với kết quả mong muốn là đặt được một chiếc vòng “kim cô” khống chế hầu như là chắc chắn “chú đồng minh đàn em” ở phía nam.
Những động thái gần đây của Việt Nam đối với vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa và dự án bauxite Tây Nguyên cho thấy có vẻ như trong ban lãnh đạo cộng sản tại Hà Nội đang nẩy nở quyết tâm thoát khỏi vòng kiềm tỏa nguy hiểm của Bắc Kinh.
Một số người đồn đoán rằng việc xuất hiện những bài báo, những cuộc biểu tình, hội thảo, những kiến nghị trong xã hội và tiếp theo là những hành động từ phía nhà nước về hai vấn đề Trường Sa-Hoàng Sa và bauxite là nằm trong kịch bản được dàn dựng từ ban lãnh đạo Hà Nội nhằm sửa chữa lại những sai lầm đã phạm phải để phần nào bảo vệ được quyền lợi của quốc gia mà không quá chọc giận Bắc Kinh. Người ta sẽ lý giải với Bắc Kinh là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải làm như vậy vì sức ép của xã hội. Phán đoán này có vẻ như yếu lý hơn so với nhận định là chính quyền Hà Nội “lần đầu tiên đã phải nghe theo tiếng nói của xã hội dân sự” - như phát biểu gần đây từ trong nước của nhà văn Nguyên Ngọc. Có nghĩa là ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đang tìm cách cưỡng lại ý đồ của Trung Quốc do bị tác động của biểu tình phản đối, của hội thảo, của kiến nghị từ phía trí thức và dân chúng Việt Nam. Giải thích này phù hợp với truyền thống là từ trước tới nay, hầu như tất cả các hành động thay đổi tích cực của chính quyền cộng sản Hà Nội đều là sự nhượng bộ hay chấp nhận những tác động từ “bên dưới”. Tức là trong trường hợp này, chính quyền một lần nữa lại phải làm những điều mà họ không (hoặc chưa) muốn làm. Nó lý giải cho thực tế là cho đến hôm nay, sau “Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị”, Hà Nội vẫn chưa đưa ra những bước đi cụ thể cho việc “rà soát lại” dự án khai thác bauxite, và việc triển khai dự án vẫn đang được tiến hành.
Nhưng, ngay cả khi là bị động, thì các động thái đã nêu của chính quyền Hà Nội vẫn là những biểu hiện tích cực và đáng khuyến khích. Mặc dù không thể nhắm mắt trước thực tế là luôn bị đè nặng bởi gã khổng lồ phương bắc, và phải khôn khéo trong đối sách với Trung Quốc, nhưng mọi cố gắng và biểu hiện để thoát khỏi bàn tay thô bạo của chính quyền cộng sản Bắc Kinh hiện nay luôn là điều đúng đắn và phải làm. Trừ trường hợp là những hành vi đáng khuyến khích này của ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam lại nằm trong một bài bản tháo ngòi nổ, đánh lừa dư luận để tiếp tục bán rẻ lợi ích quốc gia cho Trung Quốc nhằm “ổn định xã hội” với mục đích cuối cùng là bảo vệ vị trí và quyền lợi của phe nhóm và cá nhân.
Đảng Cộng Sản Việt Nam phải hiểu rằng, người Việt Nam có thể bị lừa dụ nhiều điều, nhưng vết thương hàng ngàn năm vẫn nuôi dưỡng sự cảnh giác cần thiết trong mọi cá nhân khi nhìn sang Trung Quốc. Chính thể cộng sản Bắc Kinh hiện nay càng không thể là một thực thể có thể hàn gắn vết thương đó. Bất kể chính thể nào quỳ gối trước Trung Quốc cũng là một tội đồ đối với dân tộc Việt Nam. Trường Sa-Hoàng Sa và dự án bauxite Tây Nguyên có thể sẽ là những giọt nước tràn ly. Chính quyền Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn còn có cơ hội làm giảm nhẹ phần nào tội lỗi của mình nếu họ thực thi bảo vệ hai quần đảo và nhanh chóng đình chỉ dự án bauxite tại Nhân Cơ. Nếu họ lại dại dột sai lầm tiếp tục đi ngược lòng dân trong hai vấn trên, rất có thể họ sẽ phải trả giá rất đắt.
Phạm Việt Vinh
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment