Thursday, May 14, 2009

QUÂN PHIỆT MIẾN ĐỊÊN MUỐN LOẠI TRỪ LÃNH TỤ ĐỐI LẬP SUU KYI

Sử dụng thủ đoạn bất minh để loại lãnh tụ đối lập ra khỏi cuộc bầu cử năm 2010 ?
Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 14/05/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 14/05/2009 14:51 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/113/article_3520.asp
Theo giới quan sát, thái độ vội vã của chính quyền trong việc tổ chức phiên toà thể hiện mục tiêu của tập đoàn quân sự muốn tiếp tục giam giữ lãnh tụ đối lập và ngăn cản không cho bà Aung San Suu Kyi tham gia cuộc bầu cử dự trù vào năm tới.

Hôm 14/05/2009), chính quyền Miến Điện đã chính thức truy tố lãnh tụ đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi về tội vi phạm chế độ quản thúc tại gia và sẽ đưa bà ra xét xử vào ngày 18/05, với khả năng bản án lên đến 5 năm tù.
Theo các nhà quan sát, thái độ vội vã của chính quyền trong việc tổ chức phiên toà thể hiện mục tiêu của tập đoàn quân sự, muốn tiếp tục giam giữ lãnh tụ đối lập và ngăn cản không cho bà tham gia cuộc bầu cử dự trù vào năm tới.

Mục tiêu : không buông tha bà Aung San Suu Kyi
Vào ngày 27/05/2009, trên nguyên tắc, chính quyền Miến Điện sẽ phải quyết định tiếp tục quản thúc hay trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi. Nguyên nhân là vì hôm đó là ngày kết thúc thời hạn quản chế đối với lãnh tụ đối lập. Đó sẽ là một quyết định tế nhị đối với tập đoàn quân sự. Họ hoàn toàn không muốn trả tự do cho lãnh tụ đối lập, nhưng đang phải chịu áp lực ngày càng gia tăng từ cộng đồng quốc tế, yêu cầu phải thả bà Aung San Suu Kyi và thực thi lộ trình dân chủ hoá mà chính quyền quân sự đã cam kết thực hiện.
Trong tình hình đó, nhân phiên tòa mở ra đầu tuần tới, nếu lãnh tụ đối lập bị kết án tù, tập đoàn quân sự cầm quyền sẽ không còn phải bận tâm biện minh cho việc không phóng thích bà Aung San Suu Kyi.
Theo Liên Đoàn Quốc gia vì Dân chủ, đảng của lãnh tụ đối lập, thì phiên toà mà chính quyền lập ra chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là hợp thức hoá việc tiếp tục cầm giữ bà Aung San Suu Kyi, để vô hiệu hoá đối thủ lợi hại nhất của chế độ.
Phải nói là từ khi bắt đầu tham gia đời sống chính trị tại Miến Điện từ năm cuối thập niên 80 đến nay, hầu như rất ít khi bà Aung San Suu Kyi được tự do. Tuy nhiên, dù bị giam cầm, nhưng uy tín của bà vẫn không suy suyển, và bà luôn luôn là mối đe dọa đối với chế độ quân sự cầm quyền tại Miến Điện.
Vô hiệu hoá đối thủ lợi hại nhất
Đối với những người thuộc phong trào đối lập Miến Điện, nếu một cuộc bầu cử công bằng được tổ chức tại Miến Điện dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế, và nếu bà được tự do tham gia, thì chắc chắn là bà Aung San Suu Kyi và đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ của bà sẽ lại giáng cho các tướng lãnh một thất bại não nề, tương tự như những gì đã xẩy ra cách nay gần 20 năm.
Vào năm 1990, nhân cuộc bầu cử Quốc hội, Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ đã toàn thắng, chiếm được 392 trên tổng số 485 ghế dân biểu được bầu lên. Thế nhưng kết quả này không hề được tập đoàn quân sự công nhận, và những người đối lập trong đó có bà Aung San Suu Kyi đã bị liên tục đàn áp từ đó đến nay.
Chính quyền rất muốn bà lưu vong ra ngoại quốc, thế nhưng vô hiệu, lãnh tụ đối lập vẫn ở lại trong nước, tiếp tục cuộc đấu tranh cho dân chủ.
Theo ông Sunai Phasuk, chuyên gia thuộc tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, thì bà Aung San Suu Kyi là một biểu tượng được người dân Miến Điện khâm phục và noi theo. Chính vì thế mà bà bị tập đoàn quân sự xem là mối đe dọa chính đối với họ cần phải khống chế bằng mọi cách.
Tóm lại, theo các nhà phân tích, việc tạo dựng phiên toà, xét xử bà Aung San Suu Kyi về tội ''vi phạm lệnh quản chế'' chỉ là cái cớ để có thể tiếp tục cầm giữ lãnh tụ đối lập, khiến cho bà khó có thể tham gia cuộc bầu cử dự trù vào năm tới.

Chính quyền truy tố lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi
Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 14/05/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 14/05/2009 13:40 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/113/article_3521.asp
Theo luật sư của bà Aung San Suu Kyi, vào hôm nay lãnh tụ đối lập Miến Điện đã bị dẫn giải đến nhà tù Insein ở Rangoun, bà sẽ bị giam giữ cho đến ngày ra tòa, ấn định vào thứ hai 18/05, với lý do đã để cho một người Mỹ đột nhập vào nhà riêng.

Theo lời ông Kyi Win, luật sư của bà Aung San Suu Kyi, vào hôm nay lãnh tụ đối lập Miến Điện đã bị dẫn giải từ tư dinh nơi bà bị quản thúc đến nhà tù Insein ở Rangoun.
Bà đã bị chính quyền truy tố về tội để cho một người Mỹ đột nhập vào nhà riêng. Hành động này như vậy đã vi phạm chế độ quản chế áp dụng đối với bà cho đến ngày 27 tháng này tới đây.
Bà Aung San Suu Kyi sẽ bị giam giữ tại nhà tù Insein cho đến ngày ra tòa, ấn định vào thứ hai 18/05. Nếu bị xét là có tội, bà có thể bị kết án tới 5 năm tù.
Báo chí chính thức tại Miến Điện mới đây đã loan tin một người Mỹ tên John Yettaw đã bị bắt ngày 06/05 vừa qua sau khi đột nhập vào tư dinh của lãnh tụ đối lập và ở lại đấy trong hai ngày.
Theo lời luật sư Kyi Win, người Mỹ này đã tìm cách liên lạc với bà Aung San Suu Kyi vào năm ngoái, nhưng đã bị từ chối. Sự cố đó đã được báo cho chính quyền. Lần này cũng vậy, lãnh tụ đối lập cũng đã yêu cầu, thậm chí ''năn nỉ'' nhân vật này, từ ngữ trong nguyên văn, để ông ta rời tư dinh của bà nhưng vô hiệu.
Theo giới bảo vệ nhân quyền, việc truy tố cũng như xét xử bà Aung San Suu Kyi về sự cố nói trên là một thủ đoạn của tập đoàn quân sự cầm quyền nhằm ngăn chặn không cho lãnh tụ đối lập tham gia cuộc bầu cử quốc hội mà chính quyền đã hứa sẽ tổ chức vào năm tới.
Trước mắt, Liên Hiệp Châu Âu vào hôm nay đã thẩm định : quyết định truy tố bà Aung San Suu Kyi là một hành động hoàn toàn không có cơ sở. Phát biểu tại Rôma, ông Piero Fassino, đặc phái viên Liên Hiệp Châu Âu chuyên trách Miến Điện đã cho rằng : ''Cần phải gây áp lực bằng mọi cách để bà Aung San Suu Kyi cùng với 2000 tù nhân chính trị ở Miến Điện được trả tự do".
Theo ông Fassino : ''Châu Âu, Hoa Kỳ và các nước châu Á cần đấu tranh để tình hình Miến Điện thay đổi, và để cho tập đoàn quân sự tại nước này hiểu rằng chính sách độc tài và đàn áp của họ không được cộng đồng quốc tế chấp nhận''


No comments: