Sunday, May 17, 2009

QUÁ KHÓ HIỂU NÊN RẤT KHÓ TIN

Quá khó hiểu nên rất khó tin (kỳ 1)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-05-16
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Compare-vietnam-attitude-in-dealing-with-china-full-of-contradictions-part1-tvan-05162009122642.html
Những diễn biến dồn dập liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của cả người Việt ở trong và ngoài nước, lẫn cộng đồng quốc tế.
Trong vài tháng qua, Việt Nam đã có một số phản ứng được xem là mạnh mẽ và cứng rắn hơn trước, song bên cạnh những dấu hiệu tích cực gieo mầm hy vọng này, lại là một số biểu hiện mà người ta không thể nào hiểu được tại sao...
Mời quý vị nghe Trân Văn tổng hợp và so sánh những mâu thuẫn ấy.

Ba tuần qua, chính quyền Việt Nam đã có hàng loạt động tác được xem là mạnh mẽ và cứng rắn hơn trước, đối với Trung Quốc trong những vấn đề liên quan đến chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông.

Phản ứng mạnh mẽ, cứng rắn

Hồi cuối tháng 4, chính quyền thành phố Đà Nẵng công bố quyết định bổ nhiệm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa – phần lãnh thổ đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm hồi tháng giêng năm 1974 - cùng lúc với việc kêu gọi đóng góp thông tin, tài liệu, hiện vật liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
Ở thời điểm vừa kể, báo chí Việt Nam còn cho biết, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đang gấp rút hoàn thành “Khu di tích Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa” và “Bảo tàng Hoàng Sa Bắc Hải”, tại huyện đảo Lý Sơn (cù lao Ré) như một nỗ lực khác, nhằm khẳng định lịch sử về chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông. Theo dự kiến, “Khu di tích Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa” và “Bảo tàng Hoàng Sa Bắc Hải” sẽ được khánh thành vào đầu tháng 9 sắp tới.
Sang đầu tháng 5, cùng với Malaysia, Việt Nam chính thức gửi bản đăng ký ranh giới ngoài của thềm lục địa đến Ủy ban Ranh giới thềm lục địa thuộc Liên Hiệp Quốc.
Khi Trung Quốc lên tiếng phản đối vụ bổ nhiệm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa, ông Lê Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, khẳng định: “Việc bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Đó là việc làm bình thường, được tiến hành từ nhiều năm qua”.
Kế đến, đáp trả việc Trung Quốc ngăn cản Việt Nam đăng ký ranh giới ngoài của thềm lục địa, ông Lê Dũng tuyên bố: “Nội dung công hàm của phía Trung Quốc và bản đồ kèm theo công hàm đó đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thể hiện trên bản đồ đi kèm với công hàm là không có giá trị vì không có sơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn”.

Trả lời Đài chúng tôi, ông Dương Danh Dy – cựu Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc – tiết lộ thêm về việc Việt Nam cùng Malaysia đăng ký ranh giới thềm lục địa và quan điểm của Việt Nam về chủ quyền biển:
“Ta báo trước cho Trung Quốc biết đấy: “Tôi nói cho các anh biết là tôi sẽ đăng ký dù các anh có phản đối”. Qua đó để nói rằng thái độ của những nhà lãnh đạo bây giờ đã cương quyết. Những vấn đề lớn, những vấn đề nguyên tắc là chúng ta không lùi.”

Chuỗi sự kiện vừa kể đã được nhiều người xem như những dấu hiệu tích cực, gieo hy vọng về việc chính quyền Việt Nam sẽ mạnh mẽ và cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là trước những vấn đề liên quan đến chủ quyền.

Ca ngợi, cam kết hợp tác

Song những hy vọng vừa lóe lên như thế đã tắt gần như lập tức. Chỉ ba ngày sau khi ông Lê Dũng – người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam - chỉ trích Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông”, Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật: Ngày 11 tháng 5, trong chuyến thăm Trung Quốc, bà Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng CSVN, vẫn tiếp tục tuyên bố tại Đại Lễ Đường nhân dân Bắc Kinh: Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, dành ưu tiên cao, mong muốn và phấn đấu hết sức mình nhằm không ngừng xây dựng, củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với Trung Quốc ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả theo khuôn khổ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” và “phương châm 16 chữ”, “tinh thần 4 tốt”.

Bà Hà Thị Khiết không phải là trường hợp cá biệt. Trước bà, nhiều lãnh đạo Đảng và lãnh đạo chính quyền của Việt Nam vẫn thường xuyên ca ngợi và cam kết như vậy với Trung Quốc.
Trung Quốc có thực sự tốt đến mức để những lãnh đạo Đảng và lãnh đạo chính quyền của Việt Nam như ông Nông Đức Mạnh, thay mặt “Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam”, hứa với ông Đới Bỉnh Quốc - Ủy viên Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đồng thời là Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc - khi ông này đến thăm Việt Nam, hôm 20 tháng 3 là sẽ: “Luôn trước sau như một, coi trọng việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với Trung Quốc, mãi mãi vun đắp cho quan hệ láng giềng hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững”?

Ông Dương Danh Dy, viên chức ngoại giao cao cấp, nhận xét thế này về đối tượng mà Việt Nam vẫn bảo là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”:
Tôi làm việc với Trung Quốc suốt từ năm 1962, đến năm nay về hưu rồi nhưng mà vẫn cứ tiếp xúc, vẫn phải làm với Trung Quốc - anh láng giềng to, khỏe, lại tham, xấu tính. Mệt lắm! Lúc hữu nghị mình tưởng nó giúp mình hết sức nhưng mà nó luôn luôn tìm cách thọc gậy. Ngay trong những lúc họ giúp đỡ mình to lớn nhất, họ vẫn có ý đồ. Lúc đầu mình không để ý. Cho nên trong một buổi phát biểu gần đây tôi có nói thế này: "Mắt tôi đã từng thấy thế hệ cha anh bị Trung Quốc mang lòng tin ra để đánh lừa, thế hệ tôi cũng có lúc bị Trung Quốc mang lòng tin ra để đánh lừa. Tôi hy vọng và mong rằng thế hệ sau tôi không mắc những nhược điểm đó".

Thật ra nhiều người cũng thấy như ông Dương Danh Dy. Cũng vì vậy, cách hành xử của chính quyền Việt Nam khiến không ít người lo lắng vì không phải chỉ có những biểu hiện cho thấy chính quyền Việt Nam bị “Trung Quốc mang lòng tin ra để đánh lừa” như ông Dương Danh Dy đề cập...

Quý vị vừa nghe Trân Văn tóm lược những biểu hiện mâu thuẫn trong quan hệ của chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc suốt ba tuần qua.
Thật ra, sự bất nhất đến mức khó hiểu trong quan hệ giữa chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc không chỉ ngừng ở đó và đây sẽ là nội dung của bài kế tiếp, mời quý vị đón nghe...


Quá khó hiểu nên rất khó tin (kỳ 2)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-05-17
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Compare-vietnam-attitude-in-dealing-with-china-full-of-contradictions-part-2-tvan-05172009074516.html
Trong bài trước Trân Văn đã tóm lược những biểu hiện mâu thuẫn của chính quyền Việt Nam trong quan hệ đối với Trung Quốc suốt ba tuần qua. Sự bất nhất đến mức khó hiểu trong quan hệ giữa chính quyền Việt Nam đối với Trung Quốc không chỉ ngừng ở đó và những biểu hiện này làm người ta hoang mang tới mức không rõ chính quyền đương nhiệm tại Việt Nam là “của ai, do ai và vì ai” (?)
Mời quý vị nghe Trân Văn tường thuật tiếp...

Website Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc

Vài ngày qua, từ phát hiện của blogger Lê Tuấn Huy, một số blogger và một số diễn đàn điện tử bắt đầu điều tra, loan báo về những vấn đề có liên quan đến một website của chính phủ Việt Nam, có địa chỉ trên Internet là
www.vietnamchina.gov.vn và mang tên là “Website Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc”.
Khi ông Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đến thăm Việt Nam hồi giữa tháng 11 năm 2006, Đảng và chính quyền Việt Nam đã tổ chức “Lễ công bố website Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc”, theo báo chí Việt Nam, vào thời điểm đó “đích thân Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, và Tổng bí thư - Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cùng nhấn nút kích hoạt trang thông tin điện tử hữu ích này”.
“Website Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc” đã đưa những thông tin hữu ích nào?
Những thông tin “hữu ích” nhất mà người ta có thể tìm thấy trên website này là quan điểm đối nội, đối ngoại của riêng chính quyền Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị, xã hội, văn hóa đến quân sự…

Một chính quyền với hai quan điểm

Những thông tin được xem như “hữu ích” đó, trái ngược hoàn toàn với quan điểm chính thức của chính quyền Việt Nam về chủ quyền lãnh thổ, bất kể website ấy có đuôi là “gov.vn” - về nguyên tắc, chỉ được dành cho những website thuộc quyền kiểm soát, điều hành của chính phủ Việt Nam. Cũng vì vậy, người ta hết sức hoang mang khi nhận ra một chính quyền có đến hai quan điểm. Tuy hai quan điểm này đối chọi với nhau nhưng đáng ngạc nhiên là chúng vẫn có thể song hành.
Chẳng hạn, hồi cuối tháng tư năm nay, báo chí Việt Nam công bố quan điểm của Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc bổ nhiệm Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa: “Việc bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Đó là việc làm bình thường, được tiến hành từ nhiều năm qua” thì “Website Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc” chỉ giới thiệu tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Theo đó: “Cách làm của phía Việt Nam là trái phép và vô hiệu. Trung Quốc đã nghiêm chỉnh bày tỏ lập trường với phía Việt Nam về việc này”.
Tình trạng tương tự còn xảy ra đối với tất cả những xung đột trong quan điểm giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền. Thậm chí, trên “Website Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc”, các sự kiện liên quan đến quan hệ Việt Nam – Trung Quốc còn được tường thuật theo kiểu mà không người Việt nào còn ý thức tự hào về dân tộc của mình có thể chấp nhận. Ví dụ, khi tường thuật về sự kiện Tổng bí thư Đảng CSVN Nông Đức Mạnh tiếp ông Tôn Quốc Tường, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam hồi đầu tháng 4 năm nay, “Website Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc” cho biết: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh nói, Đảng và Chính phủ Việt Nam nguyện cùng Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt- Trung phát triển lên phía trước theo phương châm chỉ đạo “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”.
Sau phát hiện về sự tồn tại kỳ quái của “Website Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc”, một nhà báo tên Huy Đức, tường thuật trên blog Osin rằng, ông đã thông báo điều bất thường này cho các cơ quan có thẩm quyền từ sáng 13 tháng 5 nhưng tới cuối ngày 14 tháng 5, “Website Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc” vẫn còn tồn tại những nội dung sai trái như thế. Ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin của Bộ Công Thương, cơ quan chịu trách nhiệm về trang web, nhận định, đại ý: “Tôi nghĩ không có gì quá ghê gớm cả... Thực tế trang web có nhiều thông tin về hợp tác thương mại, kinh tế rất là tốt. Còn ông Trần Hữu Linh, Cục phó Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin của Bộ Công thương tiết lộ: “Theo thỏa thuận, phía Trung Quốc lo phần tiếng Việt. Phía Việt Nam lo phần nội dung bằng tiếng Trung, cho nên sẽ phải gửi công hàm sang Bộ Thương mại Trung Quốc, đề nghị bỏ những nội dung không dành cho kinh tế và thương mại”.

Website Việt Nam server Trung Quốc

Trung tâm Internet Việt Nam xác nhận với nhà báo Huy Đức: Về nguyên tắc, khi đã đăng ký tên miền Việt Nam thì server phải đặt tại Việt Nam nhưng “Website Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc” đang hoạt động với một server ở Trung Quốc! Bất kể những tên miền có đuôi “gov.vn” trước nay vẫn được coi như một hình thức thuộc chủ quyền quốc gia trên Internet.

Thiếu cảnh giác với TQ nhưng đề cao cảnh giác với đồng bào mình

Có thể là chính quyền Việt Nam thiếu cảnh giác nên lại tiếp tục bị Trung Quốc “lừa” thêm một lần nữa như ông Duơng Danh Dy từng kể và chúng tôi đã đề cập trong bài viết trước. Song vì sao chính quyền Việt Nam lại chỉ “thiếu cảnh giác” với Trung Quốc trong khi lại “đề cao cảnh giác” với đồng bào của mình khi họ thúc giục chính quyền nên cương quyết hơn đối với những vấn đề liên quan tới chủ quyền.

Blogger “Điếu Cày” vẫn còn mất tự do vì chưa thụ hình xong bản án 30 tháng tù. Ông Nguyễn Trung Dân, Phó Tổng biên tập tờ Du Lịch thì vừa bị tước thẻ hành nghề bởi “sai phạm nghiêm trọng về nội dung” khi thực hiện ấn phẩm Xuân 2009. “Sai phạm nghiêm trọng đó” từng được ông Nguyễn Quốc Thái, Trợ lý Phó Tổng biên tập phụ trách tờ Du Lịch, giải thích với không ít trăn trở khi tờ báo này nhận lệnh đình bản trong ba tháng:
“Nói về những bài trong số báo Xuân, trong đó có bài “Tản mạn đảo xa” của phóng viên Trung Bảo. Chúng tôi thấy rằng bài “Tản mạn đảo xa” chỉ thể hiện bức xúc, buồn phiền của một công dân khi quốc gia bị quốc gia khác xâm lấn quê cha, đất tổ của mình. Một biểu lộ về lòng yêu nước như vậy không nên bị kết án.”

Cách nay ít ngày, khi nhận định về tình thế của Việt Nam trong chuyện bảo vệ chủ quyền, ông Dương Danh Dy cho rằng:
Không còn lùi được nữa. Trên bộ xong rồi. Bây giờ trên biển. Vấn đề nóng bỏng rồi. Bây giờ mình giải quyết như thế nào? Theo tinh thần của cha ông mình: Khôn ngoan, khéo léo dựa vào sức mạnh của ta, sức mạnh trong nước, sức mạnh ngoài nước, sức mạnh của thế giới, sức mạnh của dư luận tiến bộ, vân vân…”

Làm sao có thể huy động được sức mạnh tổng hợp và hết sức cần thiết đó, khi chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục hành xử bất nhất và đầy mâu thuẫn như vậy?

No comments: