Phương Tây phẫn nộ vụ bà Suu Kyi
Cập nhật: 03:15 GMT - thứ sáu, 15 tháng 5, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/05/090515_thewest_outrage.shtml
Nhiều chính phủ phương Tây lên án lời buộc tội mới của chính phủ quân nhân Miến Điện dành cho nhân vật đối lập, nhà hoạt động dân chủ, bà Aung San Suu Kyi.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton kêu gọi trả tự do ngay cho bà Su Chi. Bà Clinton nói bà "cực kỳ phiền lòng" trước những lời buộc tội vô căn cứ dành cho nhân vật tranh đấu cho dân chủ tại Miến Điện.
Một số lãnh đạo thế giới cũng bày tỏ quan ngại về việc bà Suu Kyi bị đưa vào tù.
Thứ Hai bà Suu Kyi sẽ ra tòa vì vi phạm các điều luật về quản thúc tại gia, vì sự xuất hiện không mời mà đến của một người đàn ông gốc Mỹ.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton nói: "Chúng tôi kêu gọi chính quyền Miến Điện trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Suu Kyi, cùng với bác sĩ của bà, và hơn 2.100 tù nhân chính trị hiện đang bị giam cầm."
Tổng thư ký LHQ, Ban Ki-moon bày tỏ "quan ngại sâu sắc" và một phát ngôn nhân nói ông TTK kêu gọi chính phủ Miến Điện không nên phá hoại tiến trình hòa hợp dân tộc.
Đảng của bà Suu Kyi, Liên đoàn toàn quốc vì Dân chủ (NLD), giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử năm 1990. Phe quân nhân đã bác bỏ kết quả này.
NLD nói họ cực lực phản đối tội danh mới. Lời buộc tội này xuất hiện chỉ hai tuần trước khi thời hạn quản chế mới nhất dành cho bà hết hạn.
Thủ tướng Anh Gordon Brown nói ông cảm thấy "thật khó chịu" trước lời buộc tội mới, và cáo buộc chính quyền quân nhân Miến dùng bất cứ lý do gì, dù phức tạp đến đâu, để kéo dài thời gian giam cầm bà Su Chi.
'Động cơ tinh vi'
Đặc phái viên của EU về Miến Điện, Piero Fassino, nói không có lý do gì để kéo dài thời gian giam cầm bà Suu Kyi.
Thay mặt các nước trong Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á, thủ tướng Thái Lan bày tỏ quan ngại. Asean là một trong các tổ chức quốc tế hiếm hoi mà Miến Điện là thành viên.
Thủ tướng Thái Abhisit Vejjajiva cho hãng Reuters hay "Chúng tôi muốn thấy người ta tiến hành các bước tích cực." Và ông nói thêm tổ chức Asean quan ngại trước các sự việc mới diễn ra.
Sau khi thăm bà Su Kyi tại nhà tù Insein khét tiếng, luật sư của bà, Kyi Win, cho chương trình Newshour của đài BBC hay tinh thần và sức khỏe của bà còn tốt.
Ông nói: "Chúng tôi thấy bà bình thường, tuy người hơi gầy một chút."
Ông Kyi Win nói, qua ông bà Suu Kyi muốn nhắn với bạn bè rằng bà khỏe mạnh. Thậm chí người phụ nữ nhận giải thưởng Nobel hòa bình còn động viên ông với lời nói như: "Cần phải kiên định trong những lúc như thế này."
Tin nói rằng bà Suu Kyi bị buộc tội liên quan đến luật bảo vệ nội an của Miến Điện.
Tội danh mới có thể bị tù tới 5 năm. Như vậy thời gian bà Suu Kyi bị giam cầm sẽ vượt qua ngày 27/5 là hạn chót của lệnh quản thúc tại gia và qua cả thời gian bầu cử năm 2010.
Luật sư của bà nói bằng mọi cách họ sẽ lập luận chống lại lời buộc tội mới.
Quốc tế đòi chính quyền Miến Điện trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi
Tú Anh
Bài đăng ngày 15/05/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 15/05/2009 14:45 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/113/article_3526.asp
Không phải chỉ có bà Aung San Suu Kyi, mà bà quản gia và cô con gái của bà cũng bị đưa ra xét xử. Hai người này đã sống trong nhà của bà từ năm 2003. Họ bị quy trách nhiệm đã để ông John Yettaw xâm nhập vào nhà của lãnh đạo đối lập Miến Điện
Cộng đồng quốc tế đang gây sức ép buộc chính quyền Miến Điện phải trả tự do cho nhà lãnh đạo đối lập. Theo một luật sư, phiên toà xét xử bà Aung San Suu Kyi sẽ mở ra vào ngày thứ hai tới, trong nhà tù Insein, nơi giam cầm 2.100 tù nhân chính trị.
Chính phủ Pháp, qua tuyên bố của Quốc vụ khanh đặc trách Nhân quyền Rama Yade, kêu gọi các nước Á châu phải làm áp lực với Miến Điện. Bà cho biết thêm đã viết thư cho các chính phủ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Indonesia kêu gọi các nước này can thiệp.
Theo giới phân tích, chính quyền Miến Điện có thể nhân vụ một người Mỹ tìm cách tiếp xúc với bà Aung San Suu Kyi, dù thật hay do nhà nước tạo dựng, để quản chế bà thêm nhiều năm nữa, không cho bà có tiếng nói trong cuộc bầu cử 2010.
Thông tín viên Arnaud Dubus tường trình từ Bangkok.
"Đây là một vụ xét xử kín diễn ra tại nhà tù Inseng ở phiá Bắc Rangoon. Không phải chỉ có bà Aung San Suu Kyi, mà bà quản gia và cô con gái của bà cũng bị đưa ra xét xử. Hai người này đã sống trong nhà của bà Aung San suu Kyi từ năm 2003.
Việc hai người lo giúp việc quét dọn, bị quy trách nhiệm đã để ông John Yettaw xâm nhập vào nhà của bà Aung San Suu Kyi, đã cho thấy khiá cạnh lố bịch của thủ tục tố tụng này. Bà Aung San Suu Kyi sẽ được hai luật sư Mién Điện bảo vệ, nhưng luật sư người Mỹ của bà không đươc phép hiện diện.
Bây giờ thì người ta biết là bà Aung San Suu Kyi, đã yêu cầu người đột nhập vào nhà bà, hãy rời khỏi nơi này ngay lập tức, nhưng ông John Yettaw đã năn nĩ cho ông ở lại một đêm vì ông bị chuột rút sau khi bơi qua hồ Inya để đến đây.
Dù gì đi nữa, ngành tư pháp Miến Điện là một công cụ của giới lãnh đạo quân sự cầm quyền, và dù cho sự cố đã diễn ra trong bối cảnh nào đi chăng nữa, thì bà Aung San Suu Kyi rất ít có hy vọng được trắng án. Theo phe đối lập, nếu bà bị kết án mấy năm tù, thì sự việc này có thể khiến dân chúng nổi dậy nữa".
No comments:
Post a Comment