Tuesday, May 19, 2009

PHÁI ĐOÀN MỸ USCIRF GẶP CÁC NHÂN VẬT ĐẤU TRANH

Thượng tọa Thích Thiện Minh gặp phái đoàn USCIRF
Đỗ Hiếu, phóng viên RFA
2009-05-18
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Reverend-ThichThienMinh-meets-with-the-USCIRF-in-Saigon-DHieu-05182009151029.html
Hôm Chủ nhật 17-6-2009, Thượng Tọa Thích Thiện Minh đã có cuộc gặp với phái đoàn Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ USCIRF, tại một khách sạn ở TP.HCM.

Thượng toạ Thích Thiện Minh gặp gỡ phái đoàn Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ tại Khách Sạn Sheraton, Sài Gòn, hôm 17-5-2009. Photo courtesy BTS/TƯ/HH-PGHH
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Reverend-ThichThienMinh-meets-with-the-USCIRF-in-Saigon-DHieu-05182009151029.html/ThichThienMinh-uscirf-05182009-305.jpg

Sau cuộc gặp với phái đoàn USCIRF, Thượng toạ Thích Thiện Minh đã dành cho cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn đặc biệt về việc này. Cuộc phỏng vấn do phóng viên Đỗ Hiếu thực hiện và sau đây là phần tóm lược những điểm chính:
Nội dung cuộc gặp
Đỗ Hiếu : Thưa Thầy, là đại diện duy nhất của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong cuộc tiếp xúc với phái đoàn Uỷ Ban Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (USCIRF) mới ngày hôm qua, xin Thượng Toạ sơ lược về nội dung của cuộc tiếp xúc đó.
TT Thích Thiện Minh : Xin thưa với anh Đỗ Hiếu là vào 9 giờ ruỡi sáng ngày Chủ Nhật 17-5-2009 tôi được phái đoàn Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế - Hoa Kỳ mời tiếp xúc tại Khách Sạn Sheraton ở Quận I thành phố, dưới sự chủ trì cuộc gặp gỡ của ông Michael Cromartie, Phó Chủ Tịch USCIRF, và ông Tiến sĩ Scott Flipse, chuyên viên phân tích và giải thích về chính sách cao cấp của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, trong đó còn có hai vị trong đoàn và một bà tuỳ viên của Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tổng cộng tất cả là 5 vị, tiếp khách từ 9 giờ rưỡi đến 11 giờ trưa.
Nội dung chính thức của cuộc tiếp xúc thì tôi cũng muốn tìm hiểu phái đoàn đến với mục đích chính là gì, bởi vì phái đoàn đến thì đầu tiên chỉ chào hỏi và tôi muốn hiểu biết trước, cho nên phái đoàn cũng nói rằng phái đoàn có nhận được những thông tin về sự vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam, muốn tìm hiểu cá nhân tôi và một số vị trong các tôn giáo để xác minh các thông tin đó có chính xác hay không, để phái đoàn có thể đúc kết và báo cáo về cao cấp để có phương hướng giải quyết trong tương lai. Đó là mục đích của phái đoàn.
Sau đó tôi cũng có hỏi tiếp rằng ngoài ra nếu phái đoàn, sau khi tiếp xúc với chúng tôi, có đạt được những kết quả tốt đẹp thì phái đoàn sẽ giải quyết những hướng đó như thế nào? Phái đoàn nói rằng "Chúng tôi sẽ làm hết sức mình cũng như có thể đưa Việt Nam vào trở lại danh sách như trước đây". Mặc dù phái đoàn không nói rõ danh sách CPC, nhưng ý của phái đoàn là như vậy.
Lúc đó tôi có thắc mắc, hỏi rằng "Nếu quý vị nói rằng sẽ đưa Việt Nam vào danh sách CPC thì xin phái đoàn cho biết một quốc gia - không nói gì về Việt Nam đâu - nếu bị Hoa Kỳ liệt vào danh sách CPC thì quốc gia đó sẽ thiệt hại về quyền lợi như thế nào?" Thì chuyên viên Scott Flipse cũng có nói rằng có nhiều thiệt hại về quan hệ giữa hai nước, chẳng hạn như bây giờ cắt đi sự viện trợ về kinh tế hay là văn hoá, về giáo dục, kể cả luôn không cấp visa cho những chính khách của chính phủ sang Hoa Kỳ, và nhiều vấn đề khác.
Mặc dù tôi không nhớ hết nhưng mà ông Scott Flipse đã nói như thế, thì tôi có đặt vấn đề rằng "Nếu quý vị nói như vậy thì kể từ khi Tổng Thống Bush nhậm chức và Tổng Thống Bush đã trao cho Việt Nam món quà là rút Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, như vậy lúc bấy giờ việc rút đó có sai lầm hay không? Có cẩn thận cân nhắc kỹ lưỡng hay không? Tôi xin hỏi quý vị vấn đề đó."
Phái đoàn Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ trả lời rằng "Phái đoàn chúng tôi là độc lập, không liên quan đến Bộ Ngoại Giao, vì chúng tôi là của Quốc Hội hình thành cho nên giữa chúng tôi và Bộ Ngoại Giao vẫn có nhiều vấn đề bất đồng và tranh cãi. Chúng tôi xin xác nhận rằng cái sự rút Việt Nam ra khỏi danh sách CPC trong những năm trước là hoàn toàn sai lầm."
Đó là câu trả lời của Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ.
Cũng xin thưa là qua cuộc tiếp xúc như vậy thì phái đoàn cũng có giải thích cho tôi một số vấn đề mà mình được thấy rõ cái nhìn của phái đoàn đối với cuộc tham quan, tìm hiểu, điều tra nhân quyền của phái đoàn. Tôi cũng đặt nhiều vấn đề giữa hai bên. Xin trình bày một số vấn đề với anh Đỗ Hiếu, còn vấn đề cuộc họp thì đương nhiên dài lắm.
Đỗ Hiếu : Thưa Thượng Toạ, nói chung không khí làm việc giữa phái đoàn Hoa Kỳ và các đại diện tôn giáo, trong đó có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo, thì Thầy đánh giá ra sao?
TT Thích Thiện Minh : Thưa, không khí làm việc của hai bên rất là cởi mở, thẳng thắn và chân tình. Quý vị đó cảm thấy rằng buổi làm việc tiếp xúc với tôi và có thể với nhiều vị khác, họ cảm thấy có ấn tượng sâu sắc. Và họ nói rằng hình như Thầy cũng có quan tâm suy nghĩ về vấn đề nhân quyền, cũng như hiểu về vấn đề của Hoa Kỳ?
Tôi cũng có đặt thẳng vấn đề với họ rằng trong thời gian rút Việt Nam ra khỏi danh sách CPC thì tôi có nghe công luận quần chúng nói rằng chính phủ Hoa Kỳ và người cộng sản Việt Nam có hai vấn đề:
Thứ nhứt, người ta cho là vấn đề nhân quyền đưa ra trong quan hệ Mỹ Việt đôi khi chỉ là biểu tượng, tượng trưng cho hai bên để mặc cả thương lượng của hai phía chứ chưa đạt kết quả tốt đẹp.
Lúc bấy giờ ông Scott Flipse nói rằng "Chúng tôi không có dùng nhân quyền để mặc cả giá của hai bên. Xin đính chánh lại để cho Thầy được hiểu". Đó là một trường hợp như vậy.
Cũng qua cuộc tiếp xúc, tôi cũng có trình bày rõ là nhân dân Việt Nam bây giờ bầu cử những người đại diện xứng đáng cho mình để họ phục vụ quyền lợi của nhân dân nhưng mà khi bầu ra thì họ không phục vụ quyền lợi của nhân dân mà họ lại đè đầu cởi cổ nhân dân nữa. Cho nên dân quyền bị cướp đoạt, nhân quyền bị chà đạp, cuối cũng thì người dân mới yêu cầu đến nhân loại, lúc đó thì cộng đồng nhân loại lên tiếng nói để bảo vệ quyền con người.
Cho nên ngày hôm nay tôi thiết nghĩ phái đoàn không phải chỉ nhân danh riêng của Uỷ Ban Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ mà quý vị còn nhân danh với tư cách là cộng đồng của con người lên tiếng nói để bảo vệ cho con người nữa.
Lúc đó phái đoàn mới OK, hoan nghênh lời nói này, và họ vui vẻ trong cuộc tiếp xúc đó, thưa anh Đỗ Hiếu.


Tự do tôn giáo?
Đỗ Hiếu : Thưa Thượng Toạ, trước khi tạm biệt xin Thưọng Toạ cho biết ngắn gọn những điều gì Thầy cần nhắn gửi và sau hết xin Thầy cho biết từ hồi Thầy rời phái đoàn đến giờ thì Thầy có gặp điều gì thuận lợi hay khó khăn không?
TT Thích Thiện Minh : Khi làm việc với phái đoàn thì phái đoàn có hỏi rằng mấy hôm nay tôi có khó khăn gì với chình quyền hay không, thì tôi có nói là bên Bộ Công An đã cho người đến gia đình tôi thông báo rằng phái đoàn có thông qua Công An Thành Phố cho nên Thầy có đến gặp thì cứ gặp tự nhiên.
Nhưng buổi sáng Chủ Nhật thì khi tôi thức dậy thì có khoảng 4 người đeo kiếng đen đã ngồi trước nhà tôi và họ chờ tôi đi thì họ chạy xe theo. Cho nên tôi đã tìm một phương khác để đi gặp phái đoàn. Lúc bấy giờ phái đoàn ông Scott có trả lời rằng Thầy rất can đảm để cố gắng tìm gặp chúng tôi, thật là hoan nghênh.
Tôi nói điều này không có gì lạ cả vì phái đoàn cách xa bờ đại dương hàng nghìn cây số mà quý vị còn qua đây, một nước nghèo nàn để mà quan tâm đến vấn đề nhân quyền. Đặc biệt nhứt ngày hôm nay là ngày Chủ Nhật mà quý vị còn cố gắng tìm hiểu về nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, cho nên tôi không ngần ngại đến với quý vị.
Đó là những vấn đề mà họ nhiệt tâm thì mình phải đối lại bằng sự nhiệt tình, xin thưa với anh Đỗ Hiếu. Cho nên tôi xin nhắn nhủ với đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước là mình cũng trung thực nhưng mà không phải cầu luỵ, vì vấn đề này tôi cũng trình bày với phái đoàn nếu phái đoàn đứng với tư cách nào để nhận xét hai bên, trong khi nhà nước Việt Nam họ nói rằng mở rộng tôn giáo còn chúng tôi là những người đang bị nạn nhân của tôn giáo, tôi yêu cầu quý vị chỉ cần đứng trung gian - chính giữa - công bằng thôi là lẽ phải thuộc về chúng tôi rồi chứ không cần ngả về phía chúng tôi.
Đó là những câu nói của chúng tôi như thế để cho thấy rằng chỉ cần Hoa Kỳ đứng chính giữa trung gian thì lẽ phải sẽ về phía những nạn nhân rồi, thưa anh Đỗ Hiếu.
Đỗ Hiếu : Xin cảm ơn Thượng toạ Thích Thiện Minh!


BS Nguyễn Đan Quế đề nghị đưa VN vào lại danh sách CPC
Trân Văn, phóng viên RFA
2009-05-18
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/NguyenDanQue-suggests-USCIRF-to-put-Vietnam-back-to-the-CPClist-TVan-05182009133810.html
Một phái đoàn thuộc Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ USCIRF hiện đang có mặt tại Việt Nam để tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế gặp gỡ phái đoàn USCIRF. Từ trái sang: Phó chủ tịch USCIRF Michael Cromartie, Bí thư thứ hai Đại Sứ Quán Hoa Kỳ ở Hà Nội Jane Bocklage, BS Nguyễn Đan Quế và Tiến sĩ Scott Flipse. Photo courtesy of UBQTYTCTNB
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/NguyenDanQue-suggests-USCIRF-to-put-Vietnam-back-to-the-CPClist-TVan-05182009133810.html/NguyenDanQue-uscirf-05172009-305.jpg

Phái đoàn đã tiếp xúc với một số nhân vật đang tranh đấu cho tự do tôn giáo - dân chủ - nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có Bác sĩ Nguyễn Đan Quế.
Từ TP.HCM, BS Nguyễn Đan Quế đã kể với Trân Văn của Đài Á Châu Tự Do về nội dung cuộc trao đổi giữa ông với phái đoàn tự do tôn giáo của Hoa Kỳ, diễn ra tại tư gia BS Nguyễn Đan Quế hôm 16-5-2009.

Trân Văn : Thưa Bác Sĩ, Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ đang ở Việt Nam và theo chúng tôi được biết thì một trong những nguời mà Uỷ Ban này muốn gặp là ông. Xin ông cho biết là ông đã có gặp họ chưa?
BS Nguyễn Đan Quế : Thưa, tôi có gặp rồi.
Trân Văn : Ông có thể cho Đài chúng tôi và thính giả của chúng tôi biết về cuộc gặp được không?
BS Nguyễn Đan Quế : Vâng. Cuộc gặp gỡ diễn ra ngày 16-5, từ 16 giờ đến 18 giờ 15 phút, kéo dài 2 tiếng 15 phút.

Chính sách tôn giáo
Trân Văn : Trong cuộc gặp này, hai bên đã trao đổi những vấn đề gì, thưa Bác Sĩ?
BS Nguyễn Đan Quế : Trong buổi này, trao đổi chủ yếu là về vấn đề tự do tôn giáo, thì tôi cũng có trình bày với phái đoàn là sau khi Việt Nam gia nhập Cơ quan Mậu dịch Thế giới WTO thì Việt Nam có tiến bộ nhỏ mang tính cách hình thức về nhân quyền, chứ còn từ cuối năm 2007, đầu năm 2008 cho đến bây giờ thì phải nói là có rất nhiều những vi phạm về nhân quyền tại Việt Nam.
Đáng chê trách là sự vi phạm trầm trọng về tự do báo chí và tự do tôn giáo, từ chuyện giới hạn cho đến chuyện sách nhiễu, cho đến chuyện bỏ tù, cho đến chuyện bắt bớ những nhà báo, những người viết blog hay là các vị lãnh đạo tôn giáo. Tôi có trình bày với phái đoàn như vậy.

Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và ông Michael Cromartie, Phó chủ tịch USCIRF. Photo courtesy of UBQTYTCTNB
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/NguyenDanQue-suggests-USCIRF-to-put-Vietnam-back-to-the-CPClist-TVan-05182009133810.html/NguyenDanQue-uscirf-05172009b-250.jpg

Trân Văn : Thưa Bác Sĩ, về phía phía đoàn thì họ có đưa ra ý kiến nào không?
BS Nguyễn Đan Quế : Họ cũng ghi nhận và cũng có hỏi thêm, thì tôi cũng có nói thí dụ như về trường hợp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tôi có nói rất rõ với họ như thế này : Giáo Hội PGVNTN có từ năm 1964, trong khi ở thời điểm này tại Miền Bắc thì hoàn toàn không có một giáo hội nào như thế này cả.
Sau năm 1975, sau ngày 30-4-1975, Bộ Chính Trị - Đảng CSVN mới thành lập một cách vội vàng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam với ý đồ là muốn thâu nhập Giáo Hội PGVNTN vào, thì họ đã thất bại. Năm 1981, lúc bấy giờ Viện Trưởng Viện Hoá Đạo là Hoà thượng Thích Trí Thủ đã từ chức trong một buổi họp và Thượng Toạ Thích Quảng Độ đã lên thay thế.
Thượng toạ Thích Quảng Độ không chấp nhận cách thống nhất của Bộ Chính Trị - Đảng CSVN và ông đã chống đối một cách cương quyết, can đảm và kiên trì cho đến ngày hôm nay. Thì tôi có đề cập đến vấn đề đó.
Về vấn đề Thiên Chúa Giáo, tôi có đề cập đến chuyện các tài sản của giáo hội cũng như các hoạt động của giáo hội bị nhà nước kiểm soát, bị đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước, nghĩa là của Bộ Chính Trị - Đảng CSVN.
Thế rồi muốn đi tu thì phải có giấy phép của nhà nước, tôi thấy cái đó là không đựoc; thế rồi bổ nhiệm các chức sắc từ linh mục lên đến giám mục, hoặc là từ giám mục lên tổng giám mục, hay từ tổng giám mục lên hồng y, thì Vatican phải tham khảo Hà Nội để được Hà Nội đồng ý.
Thế rồi tôi cũng có nêu lên những vấn đề như Thánh Kinh, sách kinh cho tới vấn đề xuất bản, kể cả tờ thông tin nội bộ đều bị kiểm soát, kể cả chuyện hành lễ của các giáo hội cũng bị chính quyền kiểm soát.
Tôi có đề cập đến những vụ tranh chấp đất đai ở Toà Tổng Giám Mục Hà Nội và ở giáo xứ Thái Hà. Tôi có nói rằng nhà nước đã đơn phương và dùng sức mạnh để biến hai khu dất tranh chấp thành vườn hoa, và đặc biệt là đã mở một chiến dịch bôi nhọ đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt ở Hà Nội trên báo chí nhà nước.
Phái đoàn cũng có tìm hiểu một số vấn đề. Tôi có tóm tắt và tôi nói về cái bá đạo của cộng sản ở chỗ họ bắt các giáo hội phải đăng ký nghĩa là chịu sự kiểm soát qua cái gọi là Mặt Trận Tổ Quốc, tức là một tổ chức ngoại vi của Đảng CSVN. Nếu mà không đăng ký thì họ quy là bất hợp pháp. Tôi thấy cái điểm đó là không được. Thứ hai là những đạo luật, những luật lệ của nhà nước thì phần nhiều là mập mờ, có thể giải thích cách này cách khác, không được rõ ràng.
Tôi có nói tới vấn đề chiến thuật của nhà cầm quyền cộng sản đối với những tín đồ của các tôn giáo mà theo tôi là không đàng hoàng, một mặt thì dễ dãi, nới lỏng đối với tín đồ theo đạo nhưng mặt khác thì lại kiểm soát gắt gao những vị lãnh đạo tinh thần, thậm chí canh gát, hoặc bỏ tù nếu cần.
Và một điểm nữa tôi có đề cập đến các luật lệ thì giữa lời nói và việc làm của chính quyền, của Bộ Chính Trị - Đảng CSVN, thì là bất nhất, không đi đôi với nhau.
Đại khái tôi có đề cập đến những vấn đề đó.

Danh sách CPC
Trân Văn : Thưa Bác Sĩ, Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ có giải thích với Bác Sĩ lý do họ đến Việt Nam lần này không?
BS Nguyễn Đan Quế : Họ không có giải thích nhưng mà đại khái thì ông Trưởng Phái Đoàn, tức là ông Michael Cromartie, nói với tôi là Phái Đoàn đến Hà Nội được Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm tiếp.
Sau đó ông Cromartie nói qua là có gặp Linh mục Nguyễn Văn Lý và Luật sư Nguyễn Văn Đài, nhưng không gặp được Luật sư Lê Thị Công Nhân. Phái Đoàn lại có nói đến chuyện gặp một số những vị linh mục.
Phái Đoàn không nói lý do và tôi cũng không hỏi, nhưng mà rõ ràng theo tôi thì Uỷ Ban này đến đây là lần thứ ba thành ra rõ ràng là để tìm hiểu về vấn đề vi phạm tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Hà Nội tức là không theo đúng những lời cam kết trước khi vào WTO, cũng như những cam kết đối với quốc tế.
Trân Văn : Thưa Bác Sĩ, trước - trong - và sau cuộc gặp với Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ thì Bác Sĩ có gặp rắc rối nào từ phía công an của chính quyền Việt Nam hay không? Họ có đưa ra những cảnh báo hoặc là ngăn chận cuộc gặp giống như một số trường hợp khác không?
BS Nguyễn Đan Quế : Không. Họ chỉ canh gác thôi. Canh gác bên ngoài một ngày trước và trong cuộc họp. Canh gác ngoài đường. Nhà tôi ở trong hẽm thành ra canh gác trước nhà đã đành nhưng mà bên ngoài nữa. Thường thường công an canh gác rất nhiều. Còn trực tiếp thì không có một sự tiếp xúc nào hết.
Trân Văn : Thưa Bác Sĩ, canh gác vào thời điểm trước - trong và sau cuộc gặp thì nó có khác với những ngày bình thường hay không?
BS Nguyễn Đan Quế : Có khác, khác hoàn toàn.
Trân Văn : Bác Sĩ có muốn nói gì thêm về cuộc gặp này không?
BS Nguyễn Đan Quế : Trong cuộc họp này ông Trưởng Phái Đoàn nói với tôi rằng Phái Đoàn sẽ có cuộc gặp với Ngoại Trưởng Phạm Gia Khiêm, thì ông ấy có hỏi tôi, yêu cầu tôi cho một số đề nghị cụ thể về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Trân Văn : Và Bác Sĩ đã đề nghị ra sao?
BS Nguyễn Đan Quế : Tôi có đề nghị với ông ấy, thứ nhất tôi thúc giục chính quyền Obama đưa tên Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần phải quan tâm đặc biệt về tôn giáo, tức là danh sách CPC.
Điểm thứ hai là tôi thấy Toà Thánh Vatican và chính quyền Hà Nội cần phải thiết lập quan hệ ngoại giao càng sớm càng tốt. Và tôi có nói rằng phía Hà Nội phải thay đổi lập trường, mềm mỏng hơn nữa để có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với Vatican.
Và tôi có nói thêm là chính quyền Hà Nội cần phải tiếp xúc, nói chuyện, thương thảo với Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt để tìm ra một giải pháp thoả đáng để giải quyết vấn đề tranh chấp đất đai ở trước Toà Tổng Giám Mục và giáo xứ Thái Hà.
Điểm thứ ba, tôi đề nghị nhà nước Việt Nam mà quyền lực tối cao là Bộ Chính Trị - Đảng CSVN phải công nhận, phải thương thuyết với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Và cuộc thương thuyết phải bình đẳng, ngay thẳng, không có điều kiện. Ngoài ra, Bộ Chính Trị - Đảng CSVN, nhà nước và chính quyền, cũng phải thương thuyết với các giáo hội độc lập khác là Cao Đài và Hoà Hảo.
Tôi cũng yêu cầu chính quyền Hà Nội phải thả ngay, ngay tức khắc và vô điều kiện, tất cả những tù nhân lương tâm, trong đó có cha Nguyễn Văn Lý, Luật sư Nguyễn Văn Đài, Luật sư Lê Thị Công Nhân, Blogger Điếu Cày.
Thì tôi có đề nghị với ông Trưởng Phái Đoàn như vậy.
Trân Văn : Cảm ơn Bác Sĩ đã dành cho Đài Á Châu Tự Do cuộc phỏng vấn này. Xin chào Bác Sĩ!

Nội dung cuộc gặp giữa USCIRF và Giáo xứ Thái Hà
Thiện Giao, phóng viên RFA
2009-05-18
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/USCIRF-met-with-priests-from-ThaiHa-parish-TGiao-05182009113006.html
Ngày 13 tháng 5 vừa qua, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ USCIRF đã có cuộc thăm viếng và tiếp xúc với các tu sĩ, giáo dân giáo xứ Thái Hà.

Công an canh gác bên ngoài trong khi phái đoàn USCIRF gặp gỡ với các tu sĩ và giáo dân Thái Hà. Photo courtesy of Vietcatholic
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/USCIRF-met-with-priests-from-ThaiHa-parish-TGiao-05182009113006.html/Hanoi-police-Thaiha-05182009-305.jpg

Linh mục Nguyễn Văn Khải của giáo xứ này nói rằng lúc đầu thì có tin là Ban Tôn Giáo Trung Ương không cho gặp, nhưng sau đó thì Chính Quyền cũng đồng ý.
Cuộc gặp gỡ giữa 2 bên cũng là một bất ngờ đối với phía Nhà Thờ. Xin gởi đến quý vị nội dung cuộc phỏng vấn của biên tập viên Thiện Giao với linh mục Nguyễn Văn Khải sau đây.

Thiện Giao: Chúng tôi được biết tuần vừa rồi, Ủy Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Hoa Kỳ có đến thăm Giáo Xứ Thái Hà. Thưa, không biết tin tức ấy có chính xác không?
Linh Mục Nguyễn Văn Khải: Phái Đoàn của Ủy Ban đến gặp gỡ các linh mục và giáo dân của nhà thờ Thái Hà chúng tôi. Chúng tôi nghe họ nói là cũng có một chút khó khăn. Đó là Ban Tôn Giáo Trung Ương mới đầu không đồng ý, nhưng đến những ngày cuối thì Nhà Nước cũng đồng ý cho phái đoàn đến gặp. Chúng tôi cũng hơi bất ngờ.

Quan tâm của phía Mỹ
Thiện Giao: Phái đoàn tiếp xúc với các linh mục và cả giáo dân. Thưa linh mục, xin ông chia sẻ nội dung cuộc gặp với Ủy Ban.
Linh Mục Nguyễn Văn Khải: Chúng tôi thấy họ quan tâm những vấn đề mà những người có thiện chí quan tâm đến tự do tôn giáo tại Việt Nam vẫn nói từ trước đến giờ đấy thôi.
Họ quan tâm đến tự do thờ phụng ở Việt Nam. Vấn đề nhân sự trong Giáo Hội. Vấn đề không gian sinh hoạt của Giáo Hội trong xã hội. Chẳng hạn, việc dấn thân của Giáo Hội vào các lãnh vực y tế, giáo dục, từ thiện… Vấn đề nhân sự các dòng tu, cụ thể là tại tu viện chúng tôi. Họ hỏi các linh mục gặp khó khăn gì và thuận lợi gì.
Thiện Giao: Thưa linh mục, họ có hỏi cụ thể về tình hình tranh chấp đất đai giữa Nhà Nước và Giáo Xứ không?
Linh Mục Nguyễn Văn Khải: Họ cũng hỏi đến điều này và việc Nhà Nước bắt giáo dân mang ra tòa xét xử. Chúng tôi nói với họ những sự kiện diễn ra như mọi người và Nhà Nước đã biết.
Chúng tôi nói về chuyện chính quyền chiếm dụng đất đai của các tôn giáo, của Giáo Hội Công Giáo, cụ thể là tại Tu Viện chúng tôi.
Chúng tôi cũng nói chuyện Nhà Nước bắt giáo dân, truy tố, kết án một cách bất hợp pháp, bất công.
Thiện Giao: Thưa, Ủy Ban cũng gặp gỡ giáo dân đã từng bị bắt trước đây. Các giáo dân đã nói gì ạ?
Linh Mục Nguyễn Văn Khải: Giáo dân cũng nói họ bị bắt bớ oan sai, bị kết án bất công. Họ nói chính quyền thể hiện rõ sự phân biệt đối xử, o ép họ, khiến họ sống không được tự do. Công lý và sự thật liên quan đến họ không được tôn trọng.
Thiện Giao: Cuộc gặp đã diễn ra trong bao lâu và sau đó thì Tu Viện có gặp khó khăn nào từ phía chính quyền?
Linh Mục Nguyễn Văn Khải: Cuộc gặp diễn ra trong 1 giờ rưỡi. Chúng tôi nói chuyện tại nhà khách, sau đó Ủy Ban đi thăm viếng tu viện, nhà thờ, quan sát các khu đất nhà nước chiếm dụng.
Chúng tôi thấy đây là cuộc thăm viếng chính thức đã được chính quyền Việt Nam thông qua nên Phái Đoàn đến Nhà Thờ công khai chính thức, và chúng tôi cũng tiếp phái đoàn công khai, chính thức.
Kể từ ngày gặp mặt hôm 13 tháng Năm đến nay, chúng tôi chưa thấy công an, chính quyền có động thái nào làm khó dễ chúng tôi cả.
Thiện Giao: Xin cảm ơn thời gian của linh mục.


Gặp gỡ giữa Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và Phật Giáo Hòa Hảo
Trân Văn, phóng viên RFA
2009-05-18
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Interview-with-hoa-hao-budhist-church-member-who-met-with-uscirf-delegation-05182009121813.html
Một phái đoàn thuộc Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ (USCIRF) hiện đang có mặt tại Việt Nam để tìm hiểu về tình hình tự do tôn giáo. Phái đoàn đã tiếp xúc với một số nhân vật đang tranh đấu cho tự do - dân chủ tại Việt Nam.

Phái đòan Phật Giáo Hòa Hỏa đi gặp USCIRF (từ trái sang phải: Đ/đ Trần văn Nghĩa, Trần hòai Ân, Lê minh Triết,Thích thiện Minh (G) Cô Nguyễn Thị Thùa, Nguyễn quí Giới, Nguyễn văn Lía) Photo courtesy BTS/TƯ/HH-PGHH
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Interview-with-hoa-hao-budhist-church-member-who-met-with-uscirf-delegation-05182009121813.html/DoanPGHH-305.jpg

Mới đây phái đoàn đã tìm gặp đại diện của Phật Giáo Hoà Hoả. Trần Văn tường trình về cuộc gặp gỡ đó như sau :

Phật Giáo Hoà Hảo không có tự do tín ngưỡng
Trần Văn : Thưa ông, chúng tôi được biết Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ đã gặp đại diện Phật Giáo Hoà Hảo để hỏi thăm về tình hình Phật Giáo Hoà Hảo hiện nay.
Ông Trần Hoài Ân : Đúng như ông nói. Phái Đoàn vào Việt Nam làm việc với chính phủ Việt Nam lần này về vấn đề tự do tín ngưỡng - tôn giáo tại Việt Nam. Bên phía Phật Giáo Hoà Hảo, tôi - Trần Hoài Ân và tu sĩ Lê Minh Triết cùng 4 đồng đạo khác đi theo ủng hộ chúng tôi, và chúng tôi đã trực tiếp gặp Phái Đoàn.
Trần Văn : Thưa ông, trong buổi gặp đó ông đã trình bày những gì với Phái Đoàn của Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ?
Ông Trần Hoài Ân : Chúng tôi được tự trình bày và trả lời một số câu hỏi của Phái Đoàn chung quanh vấn đề tự do tôn giáo của Phật Giáo Hoà Hoả tại Việt Nam.
Trần Văn : Những vấn đề đang xảy ra đối với Phật Giáo Hoà Hảo ở Việt Nam mà các ông đã trình bày với Phái Đoàn là gì ?
Ông Trần Hoài Ân : Chúng tôi đã trình bày với Phái Đoàn về thực trạng của Phật Giáo Hoà Hảo mất tự do tín ngưỡng ở tại Việt Nam.
Trần Văn : Việc không có tự do tín ngưỡng đối với Phật Giáo Hoà Hảo cũng như các tín đồ của Phật Giáo Hoà Hảo chính xác là sao, xin ông cho biết cụ thể.

Dựng ra một giáo hội Phật Giáo Hoà Hảo quốc doanh
Ông Trần Hoài Ân : Chính xác là Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Việt Nam trong một thời gian thật dài quyết tâm tiêu diệt Phật Giáo Hoà Hảo mà không được bởi tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo đấu tranh ôn hoà cộng với yếu tố quốc tế, cho nên phía chính quyền đã dàn dựng ra một tổ chức giáo hội Phật Giáo Hoà Hảo quốc doanh dùng toàn đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo Phật Giáo Hoà Hảo chi phối hết mọi nội dung Phật Giáo Hoà Hảo, xoá gần hết những tín ngưỡng chân truyền của Phật Giáo Hoà Hảo, cho nên tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo tiếp tục đấu tranh ôn hoà để đòi hỏi lại truyền thống tín ngưỡng của đạo mình đã bị xâm hại.
Chúng tôi khẳng định là Phật Giáo Hoà Hảo đã lâm vào tình trạng không được tự do tín ngưỡng ở tại Việt Nam.

Tu Sĩ Lê Minh Triết người ngôi bên phải của TT Thích Thiện Minh
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Interview-with-hoa-hao-budhist-church-member-who-met-with-uscirf-delegation-05182009121813.html/VPRPFA_LeMinhTriet-305.jpg

Trần Văn : Thưa ông, sau khi nghe đại diện Phật Giáo Hoà Hảo trình bày những vấn đề - như ông đã kể - phía Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ có ý kiến gì không ?
Ông Trần Hoài Ân : Phía Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ có trả lời rằng "Chúng tôi đã làm, đang làm và sẽ làm thế nào để cho chính phủ Việt Nam cải thiện tốt nhứt về tự do tín ngưỡng cho Phật Giáo Hoà Hảo cũng như cho các tôn giáo khác tại Việt Nam".

Giải quyết yêu cầu của Phật Giáo Hoà Hảo
Trần Văn : Ngoài việc trình bày tình hình thực tế và những khó khăn mà Phật Giáo Hoà Hảo đang đối diện tại Việt Nam, Phật Giáo Hoà Hảo có đưa ra đề nghị cụ thể nào với UBTD Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ hay không ?
Ông Trần Hoài Ân : Chúng tôi có đưa ra yêu cầu. Chúng tôi là những tín đồ chân tu bao giờ cũng muốn cho đất nước của mình được bình ổn, nhưng phía chính quyền phải thật sự tôn trọng tự do tín ngưỡng của tôn giáo chúng tôi nói riêng và tự do tín ngưỡng của các tôn giáo khác đang có mặt tại Việt Nam nói chung.
Riêng về Phật Giáo Hoà Hảo, chúng tôi tha thiết yêu cầu tổ chức quốc tế có trách nhiệm về tự do tôn giáo tiếp tục khuyến cáo chính phủ Việt Nam phải thả tù lương tâm của Phật Giáo Hoà Hoả mà hiện giờ còn quý ông Nguyễn Văn Điền, Võ Văn Thanh Liêm và mười hai đồng đạo khác vì đấu tranh ôn hoà cho công bằng tôn giáo Phật Giáo Hoà Hảo mà hiện còn đang bị cầm tù.
Yêu cầu phía chính quyền Việt Nam phải:
- giải tán ngay giáo hội Phật Giáo Hoà Hảo quốc doanh,
- rút chân đảng ra khỏi sinh hoạt tôn giáo,
- trả lại tín ngưỡng chân truyền của Phật Giáo Hoà Hảo,
- chập nhận đạo kỳ Phật Giáo Hoà Hảo như trước,
- giáo lý Phật Giáo Hoà Hảo phải được chấp nhận một cách toàn diện,
- hoàn trả giáo sản của Phật Giáo Hoà Hảo đã bị tịch thu không có dữ kiện pháp lý sau ngày 30-4-1975.
Đấy là những đề nghị cụ thể mà chúng tôi tha thiết mong rằng đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam phải sớm thoả mãn những yêu cầu đứng đắn của tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo.
Trần Văn : Thưa ông xin hỏi ông cuộc gặp giữa đại diện Phật Giáo Hoà Hảo và Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ diễn ra vào thời điểm nào và địa điểm nào ?
Ông Trần Hoài Ân : Dạ, vào lúc 11 gìơ trưa ngày 17-5 tại Khách Sạn Sheraton ở Quận I, TP.HCM .

Lén lút trốn tránh mới gặp được UBTG Quốc tế Mỹ
Trần Văn : Thưa ông, khi ông cũng các đồng đạo đến gặp Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ thì các ông có bị công an Việt Nam gây khó khăn gì không ?
Ông Trần Hoài Ân : Tất nhiên là phải có. Trường hợp cá nhân của tôi, tôi xin trả lời để công luận hiểu thêm cái cách mà nhà nước Việt Nam đã áp dụng.
Cá nhân tôi sau khi được thư mời của Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ, bởi vì thư mời đến bằng đường bưu điện của phía chính quyền Việt Nam cho nên khi thư mời thì ngành an ninh tăng cường tới lui giám sát, dòm ngó chặt chẽ tôi.
Tôi tiên liệu trước là chính quyền Việt Nam không bao giờ muốn có những cuộc tiếp xúc như thế này, nhưng đứng ra cản trở một cách thẳng thừng thì không thể được, bởi vì đây là một phái đoàn mang danh nghĩa quốc tế muốn gặp các tôn giáo để tìm hiểu những trăn trở, những khó khăn.
Vì vậy cho nên tôi áp dụng cái cách là gửi hành lý tới nơi an toàn và trước 2 ngày theo thư mời thì tôi chọn giờ ngày 13 tôi đi tập thể dục khoảng 4 giờ sáng (giờ Việt nam). Tôi mặc quần ngắn, áo thun với tình cách như đi thể dục. Tôi phải lội bộ 4 cây số khỏi nhà tôi. Tôi qua đò và tôi mặc đồ, tôi lên xe, tôi đi đến một nơi an toàn để chờ đúng ngày giờ tôi có mặt tại địa điểm theo thư mời của Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ.
Trong thời gian tôi đi lánh như thế thì gia đình và đồng đạo điện cho biết là công an tăng cường giám sát chặt chẽ bởi vì họ nghĩ rằng tôi còn ở trong nhà, và tình trạng này kéo dài cho tới khi tôi về đến nhà.
Đó là một trong những biểu hiện rất cụ thể Phật Giáo Hoà Hảo nói riêng và các tôn giáo nói chung tại Việt Nam vô cùng mờ nhạt, và đi ngược lại mọi ý nghĩa thực tế của nó.
Trần Văn : Còn các vị khác cùng đi với ông tới gặp phái đoàn của Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ thì họ có gặp khó khăn tương tự hay không ?
Ông Trần Hoài Ân : Tu sĩ Lê Minh Triết là người cũng trực tiếp được mời như tôi thì tu sĩ Lê Minh Triết cũng áp dụng cách thức như tôi, và tình trạng giám sát nhà, tình trạng đeo bám cũng xảy ra tương tự như tôi vậy.
Trần Văn : Bằng những việc mà ông đã có trong giai đoạn vừa qua, bằng vào thực tế đã xảy ra với ông thì các ông phải tìm hiểu cách khác nhau để có thể đến gặp phái đoàn của Uỷ Ban Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ, ông dự đoán trong những ngày sắp tới tình trạng cá nhân các ông sẽ như thế nào? Điều gì sẽ xảy ra ?
Ông Trần Hoài Ân : Theo kinh nghiệm của những năm tháng vừa qua, chúng tôi chắc chắn một điều là chúng tôi sẽ bị ngành an ninh của phía chính quyền Việt Nam mời làm việc, và chúng tôi đã sẵn sàng.
Chúng tôi vì sự thịnh suy của tôn giáo mình, vì đạo cả, chúng tôi chấp nhận mọi gian nguy. Chúng tôi sẽ trực tiếp cho phía chính quyền Việt Nam, những người an ninh Việt Nam biết sự thật là chúng tôi chân tình trình bày những trăn trở, những khổ đau của đạo mình để mong rằng các tổ chức công luận quốc tế có trách nhiệm về vấn đề tôn giáo quan tâm sâu sắc và tiếp tục khuyến cáo nhà nước Việt Nam phải trả tự do tín ngưỡng một cách thật sự cho Phật Giáo Hoà Hảo cũng như cho các tôn giáo đang có mặt tại Việt Nam.
Ngoài dự đoán bị mời làm việc thì những khó khăn có thể xảy ra nữa là bị đeo bám, bị hạch sách, bị khó khăn đủ thứ, ngay cả những sự trù dập về kinh tế, về đời sống.
Nhưng tất cả những cái đó chúng tôi đều xem là nhỏ hơn và thấp hơn vận mệnh thịnh suy của đạo mình.


No comments: