Thursday, May 7, 2009

Ô NHIỄM BÔ-XÍT TẠI TRUNG QUỐC

TÌM HIỂU TÌNH TRẠNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG KHI KHAI THÁC BAUXIT TẠI MỘT VÀI NƠI Ở TRUNG QUỐC
Dương Danh Dy (*)
http://www.bauxitevietnam.info/tulieu/081128_timhieuonhiemotq.htm
Trong quá trình trở thành “công xưởng thế giới”, các ngành công nghiệp chủ chốt của Trung Quốc đã “ngốn”, “nuốt”… một cách như thỏa cơn khát, không thương tiếc bao nhiêu là tài nguyên của nước mình và của thế giới (qua con đường nhập khẩu) và trong việc khai thác như lấy được đó, mấy vấn đề đã xảy ra: tài nguyên trong nước dần cạn kiệt, phải nhập khẩu của nước ngoài ( từ chỗ nhỏ ít, tới chỗ ngày càng lớn, có loại đã tới mức lâm vào tình trạng phụ thuộc) và tại hầu hết những nơi khai thác tài nguyên đều phổ biến xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, có nơi rất nghiêm trọng như báo cáo chính trị tại Đại hội 17 ĐCS Trung Quốc thừa nhận : “đã phải trả giá quá lớn đối với tài nguyên và ô nhiễm môi trường trong tăng trưởng kinh tế”
Do giới hạn của vấn đề, nên ở đây chỉ nói tới tình trạng nhập khẩu bauxit và ô nhiễm môi trường tại một vài nơi khai thác bauxit tại Trung Quốc

I Vài nét về tình hình chung

Tài liệu công khai của Trung Quốc cho biết, ngành công nghiệp nhôm của Trung Quốc đã có hơn một nửa thế kỷ phát triển nhưng đến năm 1992, sản lượng nhôm mới đột phá mức 1 triệu tấn. Tuy nhiên từ năm 2000 trở lại đây, đặc biệt là mấy năm gần đây, sản lượng nhôm của Trung Quốc đã phát triển với tốc độ kinh người, năm 2005 đạt 7,8 triệu tấn, năm 2006 tăng lên tới 9,35 triệu tấn, năm 2007 đạt 12,56 triệu tấn. Đến năm 2006, sản lượng nhôm bằng điện phân của TQ liên tục 6 năm liền đứng đầu thế giới.
Tuy nhiên sự phát triển của ngành công nghiệp này hiện nay đang bị hai nhân tố chủ yếu kìm hãm một là tài nguyên, hai là năng lượng (với lý do đã nêu. ở đây không đề cập tới vấn đề năng lượng)
Trữ lượng tài nguyên nhôm ở Trung Quốc không lạc quan lắm. Theo tài liệu thống kê của Bộ tài nguyên đất đai, trữ lượng bauxit đã thăm dò ở Trung Quốc vào khoảng 550 triệu tấn, ước chiếm 3% trữ lượng thế giới tập trung chủ yếu tại mấy tỉnh Hà Nam, Sơn Tây, Quảng Tây, Quí Châu (có tài liệu nói chỉ là 540 triệu tấn chiếm 2,3% trữ lượng thế giói nhưng lượng khai thác của Trung Quốc đã bằng 8% tổng lượng khai thác của thế giới). So với trữ lượng bauxit đã biết trên toàn thế giới là 25 tỷ tấn, rõ ràng là dự trữ của Trung Quốc quá khiêm tốn. Theo tốc độ phát triển của ngành công nghiệp nhôm hiện nay ở trạng thái tĩnh mà suy ra thì chỉ 10 năm nữa sẽ dùng hết trữ lượng bauxit của Trung Quốc. Chính vì vậy mà mấy năm gần đây Trung Quốc đã tăng cường lượng nhập khẩu bauxit. Năm 2004 nhập khẩu 880.000 tấn, năm 2005 nhập khẩu 2,16 triệu tấn, năm 2006 nhập khẩu 9,68 triệu tấn lần lượt tăng 42%, 145%, 348% so với năm trước; năm 2007 nhập khẩu 23,28 triệu tấn tăng 150% so với năm trước, năm tháng đầu năm 2008 nhập khẩu gần 9 triệu tấn.
Nhập khẩu bauxit của Trung Quốc có một nhược điểm là quá tập trung vào một số ít nước, như năm 2006 Trung Quốc nhập từ Indonesia tới 8,8 triệu tấn, chiếm 91% tổng lượng nhập khẩu trong năm. Để loại bớt rủi ro có thể xảy ra, từ năm 2006 Trung Quốc tăng lượng nhập khẩu bauxit của Ấn Độ. Nếu như năm 2005 tỷ lệ nhập khẩu bauxit từ Ấn Độ mới chiếm chưa đến 1% tổng lượng nhập khẩu thì năm 2006 tỷ lệ đó đã tăng lên gần 30%, trong 5 tháng đầu năm 2008, trong số 9 triệu tấn bauxit nhập khẩu đã có tới 2,5 triệu tấn đến từ Ấn Độ, ngoài ra Trung Quốc còn tăng cường nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến ngành công nghiệp sản xuất nhôm từ Australia, Kenya, Việt Nam và Lào v.v.. , lượng nhập khẩu bauxit từ Indonesia đã giảm xuống còn 55%

II Tình trạng ô nhiễm môi trường tại một vài nơi khai thác bauxit tại Trung Quốc.

Tình hình ô nhiễm nói chung
Tình trạng nước, không khí, đất đai… bị ô nhiễm là những vấn đề đã diễn ra chỉ một bước và ngày càng nghiêm trọng sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách và mở cửa. Nhận định chung nhất là : “70% nước sông hồ và 90% nguồn nước ngầm ở Trung Quốc đã bị ô nhiễm với mức độ khác nhau; theo báo cáo của Đoàn khảo sát của Quốc Hội Trung Quốc thì trên mấy con sông lớn của Trung Quốc như Trường Giang, Hoàng Hà, sông Hoài, sông Châu Giang… có đoạn nước sông đen xịt, thối hoăng, có địa phương dùng nước của các con sông này tưới cho cây trồng thì cây cối bị nhiễm kim loại nặng hoặc bị các axit lẫn trong nước sông làm cho cây cối bị chết. Đập Tam Hiệp vừa xây dựng xong, nước ở vùng gần đập đã ô nhiễm… Mỗi năm có khoảng 30 tỷ tấn nước ô nhiễm chưa qua xử lý đã thải ra các các sông, hồ, ngoài ra còn có 24 tỷ tấn phế thải rắn công nghiệp. Từ năm 2003 trở đi, mỗi năm Trung Quốc có khoảng 5 triệu TV, 4 triệu tủ lạnh, 6 triệu máy giặt cần vứt bỏ, những thiếc, chì, đồng dùng làm vật hàn trong các các máy này khi được tận dụng thường gây ra ô nhiễm. Vật chất độc thấm xuống đất, ngấm vào nước, bốc hơi vào không khí, sẽ làm cho môi trường ô nhiễm nặng thêm .Báo cáo công tác của Chính phủ năm 2007 cho biết năm này phải giải quyết vấn đề nước uống không an toàn cho 97,48 triệu dân nông thôn và năm 2008 là 32 triệu người. Để xử lý tình trạng ô nhiếm tại Thái Hồ, phải bỏ ra 15 tỷ USD với một thời gian từ 5-10 năm (trong đó phải đóng cửa hàng ngàn xí nghiệp nhỏ chưa giải quyết được vấn đề ô nhiễm như 772 xí nghiệp hóa chát, 125 nhà máy chế tạo accu, 78 nhà máy giấy…). Trung Quốc hiện đã là nước có lượng khí thải CO2 lớn nhất thế giới, gây hiệu ứng nhà kính rất cao.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm Trung Quốc có khoảng 750.000 người chết vì ô nhiễm, còn số người sau đó mươi năm, hai mươi năm mới chết vì bị ung thư.., thì chưa tính được. Một nguồn tin Trung Quốc nói mỗi năm Trung Quốc có khoảng 800.000 - 1.000.000 trẻ em vừa đẻ ra đã bị dị hình.
Cuốn báo cáo văn học “Vì sao dân lấy ăn làm trời” (xuất bản năm 2004) của Chu Quỳnh cho biết do an toàn thực phẩm ngày càng kém nên mỗi năm có từ 20 vạn - 40 vạn người trúng độc thực vật, khoảng 1/3 số người mắc ung thư là từ ăn gây ra. Cộng thêm trong thực phẩm có chất kích thích nên có nơi bé gái 7 tuổi đã thấy kinh, bé trai 6 tuổi đã có râu, nồng độ tinh trùng của đàn ông ngày càng loãng, nếu không có biện pháp tích cực thì sau 50 năm nữa đại đa số đàn ông Quảng Đông sẽ mất năng lực sinh dục.” (dẫn theo Dương Danh Dy, trong cuốn Vấn đề và xu hướng tiến triển, Nhà xuất bản Lao động năm 2008, tr52-53).

Tình trạng ô nhiễm tại một vài nơi khai thác bauxit ở Trung Quốc
Nói chung những cơ quan và những người có trách nhiệm về vấn đề môi trường ở Trung Quốc dường như ít nêu rõ hiện tượng ô nhiễm môi trường của một đơn vị cụ thể nào, trừ khi cần răn đe những việc làm gây tác hại, hoặc biểu dương những việc làm tốt sau khi đã sửa chữa. Do đó rất khó mô tả toàn diện và tác hại cụ thể tình trạng ô nhiễm do khai thác bauxit gây ra. Tuy nhiên căn cứ vào các tư liệu sưu tầm được có thể đưa ra một số vấn đề sau:
Chính quyền các cấp của Trung Quốc cho rằng các xí nghiệp sản xuất hóa chất, thực phẩm, luyện kim(đen và màu), các mỏ khai thác than, quặng, bauxit... là những nơi dễ gây ra ô nhiễm môi trường nhất, đặc biệt là tại những đơn vị nhỏ, kỹ thuật lạc hậu.. thì lại càng nguy hiểm. Như vậy khai thác bauxit được chỉ rõ là một trong những ngành gây ra ô nhiễm môi trường.
Khai thác bauxit gây ra ô nhiễm ở các mặt sau: nước, đất, không khí, hoàn cảnh sinh thái (do nước chứa chất độc, chất thải có chứa chất độc, khí độc, bụi độc…thấm vào nước, đất, không khí… ảnh hưởng tới con người, động vật và cây cối) nhưng chỉ bắt đầu từ đầu thế kỷ này và có lẽ từ năm 2003 - 2004 trở lại đây, chính quyền TW và địa phương mới thực sự coi trọng vấn đề này(phần lớn các văn bản, qui định …đến những năm này mới thấy)
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm do khai thác bauxit gây ra, chính quyền các vùng có nhiều mỏ đều căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương mình để ban bố các văn bản, qui định
Như tỉnh Hà Nam có “Phương án chỉnh hợp thực thi tài nguyên than và bauxit tỉnh Hà Nam”(công bố năm 2004), “Phương án thực thi tài nguyên bauxit ưu hóa phối trí thành phố Trịnh Châu”; tỉnh Sơn Tây có “Phương án lợi dụng khai thác tài nguyên bauxit” v..v.. Nói chung các văn bản, qui định này đều nói rõ những việc quan trọng nhất mà các khu mỏ khai thác bauxit cần phải làm trong khâu khai thác lộ thiên hay phải đào hầm, khâu vận chuyển, khâu rửa và tuyển quặng, khâu khôi phục lại môi trường đất (nói chung qui định nếu mỏ nằm ở vùng đất canh tác thì 4 năm sau khi khai thác xong vùng đất đó phải trở lại tình trạng như trước khi khai thác )
Những nơi nào vi phạm nghiêm trọng thì phải đóng cửa như tỉnh Hà Nam vốn có 144 mỏ bauxit nhỏ đã đóng cửa 92 mỏ (năm 2006).


Dưới đây xin giới thiệu vài nét về tình trạng ô nhiễm môi trường tại một mỏ khai thác bauxit tại huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây. Mỏ này bắt đầu khai thác năm 2007, đến trung tuần tháng 8 năm 2008, nước suối chảy qua vùng khai thác mỏ bỗng xuất hiện dòng nước bùn đỏ như máu, và cho đến nay vẫn như thế, khiến cư dân ven suối trước đây đều có thể trực tiếp dùng nước suối để tăm rửa, nấu cơm thì nay phải chờ xe chở nước của huyện mang nước tới dùng. Trước đây một số loài cây mọc ven suối cứ đến mùa là hoa nở rộ nay cũng không còn (Đề nghị xem ảnh kèm theo).
Ngoài ra, Tĩnh Tây vốn là huyện lớn văn hóa du lịch nay sông, suối và sinh thái bị ô nhiễm như vậy, chắc chắn là sẽ bị ảnh hưởng.
Ô nhiễm môi trường do khai thác bauxit gây ra là điều rõ như ban ngày, Trung Quốc đang phải trả học phí cho bài học này. Hiện nay họ đang đóng cửa các khu mỏ không đạt yêu cầu ở trong nước, tìm những nước gần để nhập bauxit thay thế với mục đích không nói cũng rõ.
Mong nhà chức trách TW và địa phương thận trọng, nhất là mong các nhà khoa học hãy vì lợi ích 100 năm mà lên tiếng.
Xin cám ơn!

Hà nội ngày 18 tháng 11 năm 2008

Nguồn tham khảo: tất cả các số liệu dùng trong bài đều lấy từ các mạng chính thống của Trung Quốc như: news.china.com;
www.jri.com; worldbydata.com; www.crionline.cn v.v...

-----------------------------------------------
(*) Bài của tác giả gửi cho Bauxite Việt Nam
Tác giả từng làm công tác ngoại giao lâu năm, và là cựu Tổng Lãnh sự của Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, trước khi nghỉ hưu năm 1996

No comments: