Thursday, May 7, 2009

BÔ-XÍT TÂY NGUYÊN : HAI CÁCH GIẢI QUYẾT

Bauxite Tây Nguyên – một vấn đề và hai cách giải quyết
http://www.bauxitevietnam.info/ykien/090506_motvandehaicachgiai.htm
Khai thác Bauxite ở Tây Nguyên đang là một chủ đề "nóng" ở Việt Nam và được rất nhiều thành phần trong xã hội quan tâm. Tôi nghĩ có hai cách giải quyết.

I. Cách giải quyết thứ nhất
Chính phủ tiếp tục triển khai dự án như kết luận của Bộ Chính trị và như lời của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nói. Đã có quá nhiều ý kiến phản đối cách làm trên. Do đó, tôi xin được phép không trình bày lại mà chỉ tóm lược một số ý kiến quan trọng.

1. An ninh quốc phòng
- Hai lá thư của Bác Võ Nguyên Giáp [a]
- Bài viết của Bác Đồng Sĩ Nguyên [b]

2. Môi trường và kinh tế
- Báo cáo củaVUSTA [c]
- Báo cáo của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn [d]
- Báo cáo của Thiếu tướng, PGS TS Lê Văn Cương [e]
- Bài viết của Bác Dương Danh Dy [f]
- Bài trả lời của ông Đoàn Văn Kiển [g]

3. Ảnh hưởng Văn hóa
-Ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc [h]

Qua những dẫn chứng trên đây, tôi xin được đưa ra kết luận rằng: dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên của Chính phủ lúc này mang nhiều rủi ro về kinh tế, nguy hiểm về an ninh quốc phòng, hủy hoại môi sinh và phá hủy nền văn hóa lâu đời của Tây Nguyên.

II. Cách giải quyết thứ hai

Nên dừng ngay dự án trước khi quá muộn. Chúng ta hãy nhìn những đất nước phát triển. Họ dựa vào cái gì để phát triển. Tài nguyên thiên nhiên? Không phải, vì Iran tuy nhiều dầu nhưng vẫn không giàu. Sức mạnh lao động? Không phải, vì bỏ sức lao động ra kiếm cơm thì chẳng qua là đi làm mướn mà thôi. Con người? Không phải, vì con người ở đâu cũng là con người. CHẤTXÁM. Cái này hoàn toàn đúng.

Ở những nước phát triển, CHẤT XÁM được đặt lên HÀNG ĐẦU. Chính phủ lập ra tổ chức được gọi là “Vựa chất xám” (Think tanks). Mà nguồn cung cấp là các trường đại học và những người am tường trong từng lãnh vực. An ninh quốc phòng thì có các tướng lãnh đương chức hay đã về hưu. Khoa học thì có các Giáo Sư, Tiến Sĩ từ các trường đại học. Y tế thì có các Bác sĩ đầu ngành. Ngoài ra, lượng sinh viên ra trường hàng năm từ các trường đại học cung cấp không ít cho kho tàng chất xám càng thêm phong phú. Sau khi ra trường, họ sẽ vào làm việc trong các công ty kỹ thuật cao và phát triển kỹ năng của mình.

Tôi rất mừng khi biết đất nước Việt Nam chúng ta có nhiều quặng bauxite như vậy. Do đó, việc khai thác không phải một ngày hai bữa mà phải nóng vội. Còn nói như ông Kiển “có tài nguyên thì cần khai thác” [g], thì đó chỉ là lời nói của kẻ nông cạn, thiếu suy nghĩ. “Có tiền thì tiêu”, ai không biết điều nàỵ Nhưng tiêu như thế nào mới là đáng bàn, đáng nói. Mua xế hộp chạy rông rông sau 2 năm thì xe mất giá. Còn mua miếng đất để dành thì sinh lợi, sinh lời. Tuy cũng là việc tiêu tiền, nhưng kết quả lại khác xa. Khai thác bauxite cũng vậy. Cho dù dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên qua sự điều hành và giám sát của TKV mà người đứng đầu là ông Kiển có thành công thì cũng chỉ là giải quyết cái ngọn mà thôi. Chưa phải là giải quyết tận gốc của vấn đề phát triển đất nước, phát triển Tây Nguyên.

Các nước phát triển biết dựa vào “CHẤT XÁM”, tại sao chúng ta lại không?

Công tác chuẩn bị cho việc khai thác tiềm năng này đã được chuẩn bị từ cách đây hàng chục năm. [i]
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cho việc khai thác bô-xít của Tây Nguyên được chuẩn bị khá kỹ càng. Các dự án khai thác, sản xuất alumin đã được nghiên cứu từ rất lâu, trong giai đoạn hợp tác với các nước khối SEV [Hội đồng tương trợ kinh tế trong các nước XHCN trước đây]. Chủ trương phát triển ngành công nghiệp này đã được nêu trong văn kiện của 2 Đại hội Đảng IX và X. Bộ Chính trị cũng đã xem xét và có rất nhiều chỉ đạo về vấn đề này, giao cho Chính phủ lập quy hoạch.[i]

Tôi nghĩ lời của ông Lê Quang Dương là không chính xác. Vì ông ta tự mâu thuẫn với chính mình. Đại hội Đảng IX vào năm 2001. vậy các dự án khai thác bauxite hiện nay ở Tây Nguyên không thể nào “đã được chuẩn bị từ cách đây hàng chục (10) năm“ được. Nếu ông Lê Quang Dương nói rằng “đã tính tới việc khai thác từ những năm 1980” thì đúng hơn.

Bác Giáp nhắc tới việc khối COMECON có tiến hành thăm dò nhưng khuyên chúng ta đừng khai thác bauxite vì không có lợi và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Lúc đó đất nước khó khăn hơn bây giờ rất nhiều, mà Chính phủ ta vẫn không khai thác bauxite, thì chắc là phải có nguyên nhân chính đáng và được cân nhắc kỹ càng. Còn sự chuẩn bị cho các dự án hiện giờ của Chính phủ có thể nói là quá “sơ sài” và việc triển khai thì quá “vội vàng”. Ông Lê Quang Dương về tìm đọc bản báo cáo của VUSTA thì rõ, Hình như ông Lê Quang Dương không được “thuộc bài” cho lắm thì phải!!!

Để chuẩn bị cho việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên nói riêng và trong nước nói chung một cách hiệu quả, Chính phủ nên xem xét và thực hiện theo hướng sau đây.

1. Đầu tư và giao cho các trường đại học trong nước nghiên cứu và mở rộng chuyên ngành về bauxite. Có như vậy, các trường đại học của ta mới là nguồn cung cấp “chất xám” cho nhu cầu phát triển của đất nước. Hơn nữa trong lâu dài, các trường đại học của ta có thể cải tiến, phát triển các nguồn công nghệ khai thác hoàn thiện hơn mà không cần người ngoài.
2. Gởi các chuyên gia, nhà khoa học, và kỹ sư của đất nước ra nước ngoài học hỏi về khai thác bauxite và môi trường để tăng thêm bề dày về kiến thức.
3. Đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chuyên ngành để vận hành nhà máy và khai thác.
4. Giao cho các nhà kinh tế tìm hiểu thị trường. Nghiên cứu thị trường để tìm ra đối tác thích hợp và tạo ra điểm mạnh cho mình. Chúng ta, ai đã không một lần chứng kiến cái cảnh dân trồng cà phê phải đứt ruột đi chặt cà phê hay người làm ruộng đổ nước mắt vì giá lúa rẻ mạt. Những kinh nghiệm đó cho ta bài học quý giá. Không phải có sản phẩm là có tiếng nói. Thương trường là chiến trường. Sự cạnh tranh của nó rất là khốc liệt. Chúng ta có sản phẩm mà không có chỗ đứng, không có tiếng nói thì suốt đời chúng ta vẫn là “cò con” mà thôi. Mà thân phận “cò con” thì dễ chết yểu lắm.
5. Nghiên cứu đời sống, văn hóa bản làng của bà con sinh sống nơi khai thác sau này để có cách di dời thích hợp. Làm được như vậy, chúng ta không tạo ra cảnh “xáo trộn” đến đời sống, văn hóa của bản làng.

Ngoài ra, trong thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, và đào tạo nhân lực, Chính phủ có thể xây dựng các hạng mục liên quan như đường xá, thủy điện để khi triển khai dự án khai thác bauxite thì khỏi gặp khó khăn. Hiện giờ điện thiếu, đường sá chưa có, mà đầu tư một lúc cả ba thứ thì cần nhiều vốn. Vậy không phải là Chính phủ đã tự làm khó mình hay sao? Một khi ta đã chuẩn bị chu đáo thì thành công là điều nắm chắc trong tay. Phát triển đất nước đâu phải 5 năm 10 năm. Chậm mà chắc còn hơn là tiến nhanh tiến mạnh rồi lao xuống đèo!!!
04/05/2009
Tây Nguyên


Tham khảo :
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/04/840943/ [a]
http://tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/5875/index.aspx [a]
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/04/844910/ [b]
http://www.viet-studies.info/kinhte/Baocao_VUSTA_x.pdf [c]
http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/5134/index.aspx [d]
http://www.viet-studies.info/kinhte/LeVanCuong_Boxit.pdf [e]
http://www.bauxitevietnam.info/tulieu/081128_timhieuonhiemotq.htm [f]
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/6642/index.aspx [g]
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Bauxit-mining-means-destroying-central-highland-expert-tgiao-02142009102620.html [h
http://www.chinhphu.vn/portal/page?_pageid=33,128127&_dad=portal&_schema=PORTAL&pers_id=130895&item_id=25198602&p_details=1 [i]

No comments: