Friday, May 22, 2009

NHỮNG ĐỚN ĐAU TRONG PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM

Far Eastern Economic Review
(Tạp chí Kinh Tế Viễn Đông)
Số tháng 5-2009
Những cơn đau do lối phát triển kinh tế riêng của Việt Nam
Vietnam's Growing Pains

Long S. Le
Ngày 19-5-2009
http://www.feer.com/economics/2009/may56/Vietnams-Growing-Pains
Thành tích kinh tế của Việt Nam trong quý 1 năm nay gợi lên rằng những nguy cơ trong ngắn hạn của đất nước này quả thực ở phía bất lợi.
Theo Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, một bộ phận nghiên cứu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP là 3,1% trong quý 1- nhịp độ chậm nhất trong 10 năm qua. Đây là một sự sút giảm quan trọng kể từ mức 7,3% trong quý 1 năm 2008.
Không may cho Việt Nam, bất lợi đó có thể chỉ là bước khởi đầu. Bởi vì đất nước này đang phụ thuộc hơn vào nền kinh tế toàn cầu so với cách đây 10 năm. Việt Nam cũng dễ bị tổn thương hơn trước cơn suy thoái kinh tế toàn cầu.
Trong những năm qua, xuất khẩu của nước này chiếm tới 70% tổng thu nhập. Tuy nhiên, những thị trường xuất khẩu then chốt của Việt Nam, là Liên hiệp châu Âu, Hoa Kỳ, và Nhật Bản, được dự báo là sẽ có mức tăng trưởng âm 2% trong năm nay – trong trường hợp Nhật Bản là âm 5%. Theo một số tính toán, nhập khẩu cho các thị trường này đang được trông đợi là sẽ giảm xuống 52% và , bởi vậy, các ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải chịu cú đòn rất nặng nề.
Vậy nên, tổ chức Economist Intelligence Unit vào giữa tháng Ba đã tiên đoán một kịch bản u ám: mức tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chỉ là 0,3% trong năm nay, giảm từ mức 6,2% năm 2008 và mức 8,48% năm 2007; sự hồi phục không được trông đợi cho mãi tới giữa năm 2010 khi mức tăng trưởng được cho là sẽ leo lên 2%.
Trái lại, mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Thế giới WB mới đây đã hạ thấp mức tăng trưởng của Việt Nam theo tiên đoán lần lượt là 4,7% và 5%, họ tin là việc chính phủ quyết định cắt giảm lãi suất và giảm mức dự trữ bắt buộc như là một hành động đáp ứng tình trạng phát triển quá nóng trong năm ngoái đã đặt nước này vào một vị thế chịu đựng được cơn khủng hoảng.
Chắc chắn là thật khó lòng mà đánh giá thấp nền kinh tế Việt Nam.
Theo một bản báo cáo mới đây của Nielson, nhan đề “Việt Nam – Bùng nổ hay Sụp đổ năm 2009,” giới tiêu thụ hàng hóa người Việt Nam nói chung dường như tự tin hơn so sánh với các quốc gia khác, họ cho rằng tình trạng lạm phát-vật giá gia tăng và nạn thất nghiệp ở VN là hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chứ không phải là do sự ham hố muốn phát triển.
Trong khi đó lượng tiền[trong nước thường gọi là kiều hối] thu được từ 3,5 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài (lượng tiền nầy trong năm 2007 chiếm tới 10% GDP) chắc chắn là để làm vật đệm cho những bó buộc mang tính văn hóa. Nói cách khác, người Việt Nam ở nước ngoài sẽ giúp đỡ các thành viên trong gia đình ở Việt Nam mà không cần quan tâm đến tình hình kinh tế trong nước. Hơn nữa, người Việt Nam ở nước ngoài với vốn tư bản ngày càng tỏ ra thích hợp hơn để trở thành những nhà đầu tư trong giai đoạn suy thoái nầy, đặc biệt nếu như những quy định mới đang đặt ra để đối xử với tất cả người Việt ở nước ngoài tương tự như nhau (thí dụ: không có sự đối xử khác biệt giữa những người ở phía phương Tây so với những người ở phía Đông Âu).
Bởi vậy có vẻ như là Việt Nam trong thời gian ngắn sẽ tránh được một cuộc khủng hoảng, thế nhưng các nhà lãnh đạo của nước này sẽ nhận thấy rất khó khăn để đạt được mục tiêu của họ là một mức tăng trưởng 5% cho năm 2009.
Nền kinh tế tương đối vững mạnh của Trung Quốc không thể giúp được gì nhiều cho Việt Nam – xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ vẫn còn ít ỏi và thường được sử dụng như là những nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm của Trung Quốc để xuất lại sang phương Tây.
Trên thực tế, Bộ Công thương vào cuối tháng Tư đã phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của nước này trong năm 2009 từ 13% xuống còn 3%.
Ấy thế mà những nhà lãnh đạo Việt Nam có vẻ như không chịu thừa nhận những tai ương kinh tế của nước mình. Vào tháng Hai vừa qua, thủ tướng Dũng đã nói rằng nước ông sẽ có khả năng đạt được mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2009.
Một tháng sau vị thủ tướng đã phải sửa lại dự báo là từ 5% đến 5,5%. Thế nhưng văn phòng của ông ta vẫn tỏ ra lạc quan rằng vào cuối năm nay lực lượng lao động và thị trường trong nước của Việt Nam “sẽ chắc chắn” thúc đẩy đất nước quay trở lại những mức tăng trưởng kinh tế giống như trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Điều này không được trợ giúp bởi thực tế rằng nhịp độ cổ phần hóa của các công ty do nhà nước việt Nam làm chủ đang đảo chiều. Theo Bộ Tài chính, số lượng các công ty quốc doanh chuyển đổi thành cổ phần hóa (hay tư nhân) đã sụt giảm từ 724 năm 2005 xuống còn 640 năm 2006, 150 năm 2007, và 73 năm 2008.
Mặc dù những bằng chứng gợi lên rằng hầu hết các công ty đã và đang được cổ phần hóa đã làm ăn có lời và trả những khoản cổ tức cao sau khi được cổ phần hóa, nhưng nhà nước sẽ vẫn tiếp tục làm chủ các ngành công nghiệp chiến lược vô hạn định. Các ngành công nghiệp mà nhà nước nắm giữ bao gồm dịch vụ viễn thông, ngân hàng và tài chính, và giáo dục đào tạo để nhằm mục đích bảo vệ trật tự xã hội chủ nghĩa. [1]
Vì thế mà “khi những nhà lãnh đạo ở đây nói là họ muốn một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thì họ thực sự có ý muốn nắm giữ các ngành dịch vụ và công nghiệp nói trên,” theo lời của kinh tế gia Jonathan Pincus.
Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi quyền lợi của đảng được nêu bật một cách rõ ràng trong gói kích thích kinh tế của chính phủ. (thí dụ) Trong số tiền 1 tỉ đô la đầu tiên đã được phân phối thì vào khoảng 75% là dành cho các công ty do nhà nước làm chủ [SOE], 20% cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ [SME], và 5% cho các dự án xây nhà cho những người có thu nhập thấp.
Đây là thái độ bất chấp tình trạng kém hiệu quả đã được biết đến của các doanh nghiệp nhà nước, những công ty quốc doanh không tạo ra công ăn việc làm cho đất nước nầy.
Kế hoạch kích thích kinh tế lần thứ hai cũng sẽ mang lại quyền lợi to lớn cho các doanh nghiệp nhà nước và làm chút ít để giải quyết tỉ lệ thất nghiệp. Tỉ lệ thất nghiệp sẽ chắc chắn gia tăng lên gấp đôi từ 4,7% năm 2008 lên 8,2% năm nay (không kể khu vực có lao động không chính thức).
Lời buộc tội rằng: điều gì sẽ giữ VN lại, thì có tính chất chính trị và không phải là không biết cách làm (kinh tế) đã được làm nổi bật lên bởi Chương trình Việt Nam của Đại học Harvard. Lời tuyên án của bản báo cáo nầy đã được công bố vào tháng 1-2008 là dành cho Việt Nam, “sự thành công tùy thuộc vào điều mà mình chọn lựa” *, song trên thực tế bản báo cáo nầy “không khác gì với một huấn luyện viên bóng đá; ông huấn luyện viên ra quân bằng cách đưa vào đội hình những cầu thủ yếu kém nhất trong một trận cầu tranh chức vô địch.”
Việt Nam sẽ tiếp tục nếm trải những cơn đau trong thời kỳ phát triển kinh tế cho tới khi nào mà những điều đó thay đổi [2]. (ý nói là các công ty quốc doanh phải biến mất thành các công ty cổ phần tư nhân).

Dr. Long S. Le là một giáo sư và là giám đốc những sáng kiến quốc tế của Viện nghiên cứu Toàn cầu thuộc Viện Đại học Houston, nơi ông cũng là một nhà đồng sáng lập/người giảng dạy cho các lớp học nghiên cứu về Việt Nam.
-------------------------------------
Hiệu đính:
Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009
http://anhbasam.wordpress.com/2009/05/22/172-phat-tri%e1%bb%83n-kinh-t%e1%ba%bf-c%e1%bb%a7a-vi%e1%bb%87t-nam-xu%e1%bb%91ng-th%e1%ba%a5p/#comments

* Tác giả nhắc đến bản báo cáo Lựa Chọn Thành Công đã được công bố lần đầu tiên trên basam.tk từ đầu năm 2008, nhưng nó sẽ có giá trị ít nhứt là tới năm 2020, mời bà con đọc toàn bài ấy ngay trên mục đầu trang nầy.

Lời bình cuả TH :
Nếu mức phát triển kinh tế Việt Nam của quí 1 xuống thấp như hiện nay là 3%, và các quí 2, 3, 4 xuống nữa và tính chung toàn năm 2009 là 0,3%, thì chắc chắn tình trạng thất nghiệp của VN sẽ kéo dài cho đến hết giữa năm 2010 (nếu như không muốn nói là cho đến hết năm 2011)
Theo nguồn tin của TTX Vĩa hè, hiện nay nếu các bạn nào có về miền Tây thì sẽ thấy: dân chúng ở đấy khổ hơn rất nhiều. Họ không còn có tiền để mua những món bình thường nữa ngoài việc mua đồ ăn. Nhiều dân nghèo chỉ mua xương cá, gan cá (của các công ty xuất khẩu hải sản) để sống lây lất. Các món nầy trước đây vứt bỏ hoặc mua về xay nhuyễn hoặc bằm cho heo ăn, thì nay thì càng nhiều gia đình mua ăn. Vì thiếu thức ăn, các trẻ em bị suy dinh dưỡng nhiều hơn.
Hôm qua, Ngân hàng dự trữ Liên bang Hoa kỳ báo cáo cho biết: nền kinh tế của Mỹ sẽ giảm bớt đi từ 1,23% -2% chứ không phải là 0.3-1,23% như đã suy đoán vào đầu năm 2009. Và ngân hàng nầy còn cho biết rằng: tình trạng suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chánh tính từ đầu năm 2009 đến nay chỉ là mới bắt đầu. Và bồi thêm một cú chót: từ tháng 5 cho đến cuối năm 2009, tình hình kinh tế và tài chánh của Mỹ sẽ còn xuống thấp nữa. Sau khi tin nầy vừa được đưa lên mạng internet, thì thị trường chứng khoán toàn thế giới sụt giảm (chút ít) ngay.
Nếu Mỹ cứ tiếp tục khủng hoảng tài chánh và suy thoái kinh tế, thì hậu quả mức nhập khẩu hàng hóa của Mỹ sẽ giảm bớt và kéo dài trong thời gian từ đây đến cuối năm và lan ra năm 2010, lúc ấy cả thế giới sẽ ngất ngư; bởi vì Mỹ là quốc gia nhập khẩu tất cả các mặt hàng của thế giới sản suất và bán ra như dầu, đồ phụ tùng xe, các hàng điện tử, hàng may mặc, vải, hải sản, thực phẩm…và vì nền kinh tế của Mỹ chiếm 25% nền kinh tế của toàn cầu. [ GDP của Mỹ là hơn 13 ngàn tỉ so với GDP của toàn cầu là 53 ngàn tỉ Mỹ kim; còn GDP của VN là 70 tỉ)]

[1] Chắc chắn các bạn đọc trang Ba Sàm đã nhận ra Dr. Song Lê của bài báo nầy đã quên đề cập tới loại công nghiệp béo bở khác mà nhà nước VN đang làm chủ đó là các công ty quốc doanh về năng lượng và nguyên liệu như dầu hỏa, than và khoáng sản…
Theo báo TT, VNN… thì tiền bán dầu hỏa của VN từ tháng 9-2007 đến tháng 9-2008 là 10 tỉ Mỹ kim. Số tiền nầy đi về đâu thì không một người dân nào trong nước được biết. Trái lại, giá xăng mà người VN mua hàng ngày còn cao hơn 25% giá xăng được bán ra tại các phương tây và Mỹ.
Các quốc gia có mỏ dầu thường bán xăng cho dân chúng của họ với giá rẻ, vì chính phủ của họ cho rằng: tài nguyên xăng dầu của đất nước nếu khai thác được thì phải chia lại cho người dân được hưởng chứ không phải nằm trong tay của chính phủ muốn quyết định làm gì thì làm. Vì vậy, ở hơn 20 quốc gia sản suất dầu hỏa, họ bán xăng cho dân chúng xài chỉ bằng ¼ giá bán tại các nước như Mỹ, các nước phương Tây (và Việt Nam). Cụ thể trong thời gian giá xăng cao nhất 1 lít gần bằng 1 đô la tại các nước phương tây và ở Mỹ, thì giá 1 lít xăng ở các nước sản suất dầu hỏa là 25 xu đến 30 xu.
[2] Ý nói là chỉ khi nào mà nhà nước không làm chủ các ngân hàng, tài chánh, giáo dục và đào tạo, dịch vụ viễn thông (internet, bưu điện, truyền hình…) nghĩa là cái đuôi “định hướng chủ nghĩa XH” bị rụng thì lúc ấy mới có sự phát triển kinh tế thật sự.
Tuy vậy trên đời nầy dễ thường làm gì có chuyện tự dưng AI Đó chê tiền nên không muốn làm ĐẦY TỚ nữa. Thực tế là họ đã ngang nhiên coi rằng chức vụ đầy tớ “nên được cha truyền con nối” từ mấy chục năm qua; không phải chỉ ở Trung ương mới xẩy ra, mà chính sách cha truyền con nối là điều quá phổ biến ở các cấp thành phố, tỉnh, huyện, xã.

*Mời các bạn đọc thêm về tình trạng các công ty quốc doanh ở Việt Nam từ 1990-2006 là như thế nào trong link nầy, kể từ trang 16, mục IV. SOEs and Privatization in Vietnam
http://swopec.hhs.se/eijswp/papers/eijswp0228.pdf

No comments: