Tuesday, May 19, 2009

NHỮNG GÌ THỰC SỰ ĐÃ XẢY RA Ở THIÊN AN MÔN

THE WALL STREET JOURNAL
Những gì thực sự đã xảy ra ở Thiên An Môn
Một cuộc đấu đá trong nội bộ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản đã dẫn tới cuộc đổ máu
.
What Really Happened at Tiananmen
A leadership struggle in the Communist Party led to bloodshed

Bao Du
Ngày 15-5-2009
http://online.wsj.com/article/SB124234738350921971.html
Hai mươi năm sau khi những đơn vị quân đội đè bẹp những người biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn, tia sáng mới giờ đây đã rọi vào biến cố nầy bởi hồi ký sắp được công bố của Triệu Tử Dương. Vị cựu thủ Tướng và tổng bí thư nầy đã mất vào năm 2005, sau khi bị cưỡng bức sống cách biệt và không được liên hệ về mặt xã hội với bất cứ ai khác trong 16 năm vì lý do (ông đã) bênh vực phong trào dân chủ.
Trong những năm sống cách biệt với xã hội, ông đã xoay xở để ghi âm lại lời chứng vào những cuộn băng. Hồi ký của ông tiết lộ rằng cuộc đổ máu có thể tránh cho khỏi xẩy ra vào năm 1989.
Những cải cách kinh tế của Trung Quốc vào những năm 1980 đã dẫn đến một sự rạn nứt trong ban lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc giữa những người ủng hộ cải cách và những người chống đối lại.

Các sinh viên biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn đã yêu cầu có cuộc cải cách sâu rộng hơn, trong đó có chế độ dân chủ. Lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình, Thủ tướng Lý Bằng và những phần tử bảo thủ khác đã chống lại các sinh viên và đồng lòng đưa ra hành động đối phó một cách tàn khốc.

Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương đã nhìn những cuộc biểu tình của sinh viên theo một cách khác. Ông đã viết “Tôi cảm thấy rằng nếu như các cuộc biểu tình của sinh viên có thể được giải quyết dân chủ và theo luật pháp, thông qua việc đối thoại và làm giảm bớt những mối căng thẳng, thì có lẽ đã có thể thúc đẩy được cuộc cải cách của Trung Quốc, bao gồm cải cách chính trị.”

Thời điểm chuyển hướng đầy bi kịch hướng tới bạo lực đã xảy đến khi Thủ Tướng Lý Bằng trực tiếp hành động để cho công bố những lời nhận xét gay gắt của ông Đặng Tiểu Bình về những người biểu tình trên một bài xã luận của tờ Nhân dân Nhật báo ra ngày 26 tháng 4, 1989.

Khi ấy ông Triệu Tử Dương lần đầu tiên nghe được những lời nhận xét của ông Đặng Tiểu Bình trong lúc ông đang có chuyến viếng thăm cấp nhà nước tới Bắc Triều Tiên, ông đã viết, “Ý nghĩ đầu tiên của tôi là một cuộc chiến khác chống lại chủ nghĩa tự do có thể đã bắt đầu.”

Thế nhưng trước sự ngạc nhiên của chính quyền, các sinh viên đã tỏ ra tức giận điên lên và cảm thấy bị xỉ nhục bởi những lời phỉ báng về các hoạt động của họ và sinh viên đã phản ứng lại bằng những cuộc biểu tình ngày 27 tháng 4. Đó là cuộc biểu tình tự phát lớn nhất từ trước tới nay của sinh viên trong lịch sử Trung Hoa hiện đại. Vào thời điểm đó ông Triệu đã quan sát thấy rằng “ngay cả biểu tượng của nhà lãnh đạo tối cao cũng đã mất đi sự hiệu lực của nó.”

Ván bài giờ đây đã được đẩy lên cao. Thủ tướng Lý Bằng và các đồng minh của ông ta không chỉ đánh bạc với nghị trình chính trị của họ mà còn với cả sự nghiệp của họ nữa. Ông Triệu nói: “Họ đã cực kỳ lo ngại rằng bài xã luận ngày 26 tháng Tư có thể bị lật ngược tình thế … Yan Mingfu [giám đốc Ban Liên lạc] đã báo cáo với tôi rằng ông Lý Bằng đã nói với anh ta là nếu như, vào lúc tôi trở về [từ Bắc Triều Tiên], mà tôi không ủng hộ bài xã luận ngày 26 tháng Tư của Đặng Tiểu Bình, thì ông Lý sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức .”
Ước muốn vây bè kéo cánh của Lý Bằng nhằm tránh bị đổ lỗi cho việc gây ra sự tức giận của sinh viên hóa ra lại trở thành vật chướng ngại quan trọng nhất cho một cách giải quyết êm thấm. Họ đã chống lại việc đối thoại với các sinh viên, “mà chỉ đưa ra lời nói không thành thật, theo cách tương tự y như họ vẫn thường giải quyết với các phóng viên nước ngoài tại cuộc họp báo, phô bày một hình ảnh làm lợi cho riêng họ về mặt chính trị.”

Hiển nhiên các sinh viên cảm thấy rằng chính phủ không thành thực với ước muốn giả vờ của họ để lắng nghe những lời than phiền của sinh viên.

Ông Triệu Tử Dương đã phải tìm kiếm giải pháp khác. Ngày 4 tháng 5, 1989, ông đã đọc một bài phát biểu có tính chất hòa giải hơn tại cuộc họp hàng năm của Ngân hàng Phát triển Á châu ở Bắc Kinh. Ông đã nhấn mạnh đến việc giải quyết xung đột theo những nguyên tắc “dân chủ và luật pháp” và tập trung vào việc xoa dịu những căng thẳng. Ông đề nghị những giải pháp tiếp theo để đương đầu với tình trạng tham nhũng và chấp thuận sự kiểm soát chính phủ công khai hơn, ví dụ như lập một uỷ ban chống tham nhũng “với quyền hành thực sự”.

Các đối thủ (trong đảng) của ông đã không bị thuyết phục. Kế hoạch nầy đòi hỏi phải được sự hậu thuẫn chính trị có tính chất quyết định. Hy vọng duy nhất còn lại là thuyết phục ông Đặng Tiểu Bình. Ông Triệu Tử Dương kể, “Vào thời điểm đó tôi đã hy vọng rằng ông Đặng có thể chỉ cần nới lỏng mọi chuyện một chút xíu thôi, ví dụ như, bằng cách nói cái gì đó như là ‘Dường như rằng khi Thủ tướng Lý Bằng đưa cho tôi bản báo cáo ngày 25 tháng Tư, chúng tôi đã phản ứng quá mạnh trước tình thế đó. Giờ đây thì có vẻ rằng các cuộc biểu tình của sinh viên không còn là một vấn nạn quá lớn để mà không vượt qua được.’ Với hành động nào đó tương tự như vậy để làm việc, tôi có thể xoay chuyển được tình hình mà thậm chí không cần phải đặt ra bất cứ trách nhiệm nào lên ông Đặng.

“Thế nhưng điều này sẽ đòi hỏi ông Đặng phải rút lại những lời phát biểu của riêng ông ta. (Nhưng) Ông Đặng đã không chịu nắm lấy ưu thế. Bị kích động bởi niềm đam mê và hiển nhiên là đối với những cuộc đấu đá mờ ám trong nội bộ Đảng, các sinh viên đã phát động một cuộc biểu tình tuyệt thực vào ngày 13 tháng Năm, và các phản ứng lan rộng từ mọi tầng lớp xã hội đã nổ ra trong thái độ đồng cảm.

Ở thời điểm đó, thái độ nhân từ của chế độ là điều đáng nghi ngờ. Thế nhưng phe nhóm ông Lý Bằng trước đó đã đặt tiền quá nhiều vào một canh bạc và chờ xem kết quả nên không còn quan tâm gì nữa đến chuyện bàn thảo. Thủ tướng Lý Bằng đã hỏi Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương: “Anh sẽ không còn tiếp tục sử dụng những giải pháp mềm dẻo để giải quyết các cuộc biểu tình của sinh viên nữa, có phải không? Sau quá nhiều thời gian đã trôi qua, có phải là những giải pháp ôn hòa đó đã không được chứng tỏ là vô ích à?”

Với việc cả thế giới đang nhìn vào, những gì xảy ra tiếp theo sau là việc sử dụng bạo lực cưỡng bức thuần túy vốn đã cho thấy ác tâm làm hại con người của hệ thống cai trị độc tài này. Ông Triệu Tử Dương đã không có vai trò nào về hành động sát nhân đó.
“Vào cái đêm mùng 3 tháng 6, 1989, trong khi đang ngồi trong sân nhà với cả gia đình, tôi đã nghe tiếng súng nổ dữ dội. Một tấn thảm kịch gây xúc động cho cả thế giới đã không được ngăn chặn, và sau cùng nó đang xảy ra.”

Vì những nỗi lo sợ của các đối thủ của ông, ông Triệu Tử Dương đã phải trả giá bằng sự tự do trong suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời.

--------------------------------------------

Ông Bao là một trong những người dịch và biên tập cuốn “Người tù của Nhà nước: Nhật ký bí mật của Thủ tướng Triệu Tử Dương,” được phát hành bởi nhà xuất bản Simon & Schuster ngày 19 tháng Năm.

Hiệu đính:
Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2009
http://anhbasam.wordpress.com/2009/05/19/171-thien-an-mon-kh%e1%bb%9fi-d%e1%ba%a7u-14-4-ch%e1%ba%a5m-d%e1%bb%a9t-4-6-1989/


No comments: