NHỮNG CÂY CẦU ĐÀ NẴNG
Bao nhiêu là đủ !?
Trần Việt Trình
5/18/2009 2:16:55 PM
http://www.take2tango.com/?display=7011
Trên thế giới khi nói đến San Francisco ở Mỹ, người ta liên tưởng đến cây cầu đặc biệt Golden Gate có màu vàng sẫm, là biểu tượng của San Francisco và làm tôn vẻ đẹp của cả nước Mỹ. Khi nói đến Trung Quốc người ta liên tưởng đến Vạn Lý trường thành. Khi nói đến Thái Lan người ta liên tưởng đến chùa vàng. Khi nói đến Đà Nẵng người ta sẽ liên tưởng đến cầu quay Sông Hàn. À không, người ta sẽ biết đến Đà Nẵng một thành phố nhỏ với một con sông ngắn có nhiều cầu bắt ngang nhất. Đúng vậy, con sông Hàn thơ mộng và chỉ dài vài cây số hiện đã có đến 4 cây cầu bắt ngang và 1 cây cầu khác đã được duyệt xét và đang trền đà thi công. Nhìn từ trên không nhìn xuống, cũng giống như thể một cái thang leo ngắn có đến 5 nấc thang mà mỗi nấc cách nhau không quá 1 gang tay.
Tôi được sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng (ĐN). Thưở thiếu thời tôi ở trên đường Bạch Đằng, nhà đưa mặt ra sông Hàn. Tôi vẫn thường ra bờ sông ngồi hóng gió, miên mang nhìn qua bên kia bờ sông mà ao ước có một ngày một cây cầu sẽ được xây bắt ngang qua để tiện việc đi lại. Trước 75, thành phố ĐN chỉ có 1 chiếc cầu duy nhất ở đầu sông. Dân ở phố muốn qua bên kia sông để đi tắm biển Mỹ Khê, Sơn Chà hay Tiên Sa phải đảo một vòng thật xa qua chiếc cầu độc nhất này. Bẳng đi sau bao nhiêu năm lưu lạc xứ người chưa có dịp về lại thăm ĐN nhưng qua tin tức mấy năm gần đây tôi mới giật mình sững sốt vì ước mơ ngày xưa của tôi nay đã được hiện thực và được nhân lên gấp 4, 5 lần.
Cầu Trịnh Minh Thế. Ảnh: Hà Vũ
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/05-2009/Tuan%2011/Cau-01.jpg
Tôi muốn mời quý vị cùng tôi trở lại những năm tháng qua và đi một vòng dọc sông
Hàn ...
Là cây cầu đầu tiên bắt ngang sông Hàn. Ngày xưa cầu này được gọi là cầu De Lattre de Tassigny. Thành phố ĐN trước đây bị cắt chia hai bởi dòng sông Hàn. Trước 75, người ĐN hai bên bờ qua lại phải đi phà hoặc chạy vòng qua cầu Trịnh Minh Thế tổng cọng phải mất cả chục cây số. Cách cầu Trịnh Minh Thế chỉ chừng 10 thước còn có 1 cây cầu khác vốn là cầu dành cho tàu hỏa được sửa lại dùng vào việc lưu thông. Ngày nay hai cầu này được gọi là cầu Nguyễn Văn Trổi và cầu Trần Thị Lý nghe cho "cách mạng" một chút chứ Trịnh Minh Thế là một người theo chủ nghĩa quốc gia Việt Nam và là một thủ lãnh quân sự trong cuộc chiến tranh Việt Nam thì làm sao có thể lưu danh trong chế độ Cộng Sản được!?
Cầu quay Sông Hàn lúc tạm ngưng hoạt động vì "sự cố" Ảnh: HC.
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/05-2009/Tuan%2011/Cau-02.jpg
Đây là cây cầu quay đầu tiên "tự biên tự diễn" của thành phố ĐN và là cây cầu duy nhất ở Việt Nam hiện nay quay được. Cầu sông Hàn hoàn thành vào tháng 3-2000 nhân dịp kỷ niệm ngày nón cối dép râu vào thành phố 25 năm trước. Trong buổi lễ khánh thành, giám đốc Công ty Hợp doanh xây lắp và kinh doanh Quảng Nam – Đà Nẵng là Phạm Minh Thông đã được “biểu dương” và được Uỷ Ban Nhân Dân (UBND) thành phố ĐN tặng bằng khen. Nhưng ngay sau khi khánh thành, Thông bị bắt. Thông bị công an ĐN lúc bấy giờ là Đại tá Trần Văn Thanh làm Giám đốc, bắt tạm giam về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô”. Sau vài lần “tạm hoãn xét xử”, cuối cùng bị xử tù vì tội rút ruột công trình. Thông khai đã dùng tiền "tham ô" được để "đi quà biếu một số cá nhân và tập thể", và đi "chúc Tết" một số người nào đó, nhưng đó là những ai thì không bao giờ được làm sáng tỏ.
Trong tiến trình điều tra vụ án, đã từng có một số lời khai về việc chi tiêu cho cấp lãnh đạo thành phố, trong đó có chủ tịch thành phố ĐN Nguyễn Bá Thanh. Tuy nhiên, kết luận điều tra không chứng minh được việc đưa và nhận tiền (!?). Kết thúc vụ án, Phạm Minh Thông bị xử 13 năm tù, sau được đề nghị giảm xuống còn 3 đến 5 năm tù. Thiếu tướng Trần Văn Thanh rời ghế Giám đốc Công an ĐN về làm Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam và sau đó là Chánh Thanh tra Bộ Công an cho đến nay. Chủ tịch UBND thành phố ĐN Nguyễn Bá Thanh trở thành Bí thư Thành ủy. Dư luận về việc này vẫn râm ran, dân chúng vẫn bất mãn và nhiều cơ quan Trung ương vẫn tiếp tục nhận được đơn tố cáo. Sau quá trình thẩm tra và kiểm tra, ông Nguyễn Bá Thanh - lúc đó là Bí thư Thành ủy ĐN vẫn đủ tiêu chuẩn trở thành ứng cử viên rồi trúng ủy viên Trung ương Đảng qua Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ 10 (!?).
Cầu Thuận Phước.
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/05-2009/Tuan%2011/Cau-03.jpg
Cầu Thuận Phước bắt qua cửa sông Hàn, nối liền quận Hải Châu với bán đảo Sơn Trà do một công ty xây dựng của VN liên doanh với Viện Thiết kế cầu đường Trung Quốc thiết kế. Là một trong những cây cầu dây văng có quy mô lớn nhất Việt Nam, cầu được khởi công xây dựng vào ngày 17-1-2003, với số vốn ban đầu hơn 587 tỉ đồng, nhưng đến nay khi hoàn thành có tổng số vốn đầu tư tăng lên đến gần 1000 tỉ đồng. Có những thời điểm cầu Thuận Phước tưởng sẽ không thể thi công được nữa, bởi lý do trục trặc kỹ thuật mà nguyên nhân là công tác khảo sát địa chất quá bết bát lẫn bế tắc trong giải pháp thi công.
Theo dự kiến, cầu Thuận Phước sẽ được đưa vào sử dụng tháng 3/2005 nhân dịp kỷ niệm ngày thành phố ĐN đổi chủ 30 năm trước. Thế nhưng, phải sau gần 4 năm “trễ hẹn”, cầu mới được hoàn thành vì gặp nhiều trục trặc kỹ thuật. Nhà thầu Tàu nó gây nên như vậy, làm không xong, nửa chừng bỏ chạy, phơi mấy cái trụ móng năm này tháng nọ, ai thấy cũng xót ruột. Mấy ông chính quyền thành phố chẳng hiểu nợ nần gì mấy ông nhà thầu Tàu mà chẳng thấy hó hé phàn nàn gì, chỉ âm thầm chịu đựng tiếng bấc tiếng chì của người dân thành phố, lo chạy đôn chạy đáo tìm thầy để sửa chữa cái lỗi lầm của anh Tàu, vì vậy mà cái giá của cây cầu tăng vọt lên thêm 500 tỷ nữa.
Sau nhiều năm thi công, cuối cùng cầu Thuận Phước cũng được khánh thành sáng 26 tháng 2 năm 2009. Cây cầu không dùng cho xe tải vì thật ra bên kia cầu có gì mà tải (!?), một khu công nghiệp nhỏ bằng cái bàn tay, một hải cảng tuy lớn nhưng không có tàu vào cho nên chỉ với một cây cầu nằm cuối phía nam thành phố là đã quá đủ. Cây cầu Thuận Phước này chỉ phục vụ cho khách du lịch thôi, khách từ ngoài Bắc vào chỉ chạy một lèo là đến những khu du lịch nằm nối nhau trên bãi biển cho đến tận Hội An, những khu du lịch nằm quanh dãy núi Sơn Trà.
Núi Sơn Trà ngày xưa người Mỹ gọi là Monkey Mountain, vì trên đó có vô số khỉ, nhưng sau 1975 bộ đội đóng trên núi đã săn khỉ bằng AK, nấu cao khỉ bằng củi rừng suốt 10 năm dài của khoảng thời gian đói khổ đến nỗi khỉ Sơn Trà gần như tuyệt chủng. Đến khi mở cửa làm ăn với tư bản thì những “ông quan đỏ” xem núi Sơn Trà như cái mỏ vàng để chia nhau. Bộ đội được huy động để phá núi làm cho được con đường chạy quanh núi, những bải biển bằng phẳng hiếm hoi dưới chân núi nhanh chóng có chủ. Bãi Miếu, bãi Nam, bãi Xoài, và bãi Bắc trở thành những khu khách sạn, resort, cao cấp. Người dân bình thường khó biết được ai là chủ nhân của những khu đất đó. Khu resort Biển Đông chiếm trọn khu vực bãi Nam chẳng hạn, ai cũng biết là của gia đình Nguyễn Bá Thanh. Ở khu resort Furama ở Non Nước thì bảo vệ của khách sạn đứng canh trên bãi biển trước khu vực khách sạn không cho người dân tắm biển được ngồi trên bãi! Nhiều người tức mình hỏi: “Này! ông Thanh bán bãi biển này hồi nào mà mấy anh cấm không cho dân vào tắm?” Mấy nhân viên bảo vệ chỉ biết năn nỉ “Tội tụi tui quá! tụi tui có biết gì đâu, không làm vậy thì chủ nó đuổi việc liền”. Đó là dạo ông Thanh còn làm chủ tịch thành phố. Sau này khi hết làm chủ tịch uỷ ban qua làm chủ tịch Hội đồng, ông Thanh lại cao giọng chỉ đạo thành phố phải lập riêng một khu bãi biển công cộng cho dân tắm để che lấp bớt chuyện các bãi biển bị chiếm làm của tư nhiều quá.
Phối cảnh mô hình cầu Rồng qua sông Hàn. Ảnh: HC.
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/05-2009/Tuan%2011/Cau-04.jpg
Tháng 10 năm 2007, UBND thành phố ĐN đã chọn phương án thiết kế cầu Rồng của Công ty Louis Berger (Mỹ) làm thiết kế cho cầu sông Hàn xây dựng ở khu vực Cổ viện Chàm nối dài từ đường Bạch Đằng sang tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc. Được xác định là công trình trọng điểm của thành phố ĐN, cây cầu mới này sẽ nối thẳng tuyến đường đưa du khách từ sân bay quốc tế ĐN ra đến biển. Cầu sẽ được xây dựng với hình tượng con rồng đang bay qua sông Hàn. Tổng số vốn đầu tư cho phần cầu dự đoán khoảng 35 triệu USD. Công trình triển khai đầu năm 2009.
Chiếc cầu sẽ chạy qua hai đường Bạch Đằng và Trần Phú (đường Độc Lập cũ), đồng thời đường dẫn lên cầu sẽ xây dựng sát cạnh Bảo tàng điêu khắc Champa (Cổ viện Chàm), đẩy bảo tàng này xuống vị trí nằm ở gầm cầu. Bảo tàng điêu khắc Champa là một trong những bảo tàng quốc gia được thành lập sớm nhất của VN, là nơi trưng bày các di sản văn hóa về nghệ thuật Champa giá trị, một di tích và là một điểm
địa điểm du lịch đẹp của ĐN. Bây giờ, thành phố qui hoạch và xây dựng thêm một chiếc cầu bắc qua sông Hàn chạy ngang Cổ viện Chàm, tôi thấy rất tiếc. Nó sẽ phá vỡ ngay không gian yên tĩnh và quan cảnh chung quanh. Khi cây cầu được đưa vào sử dụng, các phương tiện giao thông qua lại trên cầu sẽ tạo tiếng ồn, bụi bặm khiến môi trường di tích bị ô nhiễm.
Bao nhiêu năm vẽ vời xây thêm bao nhiêu là cầu rồi, gần đây UBND thành phố ĐN mới giật mình nghiệm ra là hai cây cầu này thật đã quá cũ, quá chật chội … và "âm mưu" chuẩn bị thay thế bằng một cây cầu mới. Dự án thay cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý bằng một cây cầu mới đã được UBND thành phố ĐN phê duyệt kế hoạch đấu thầu vào ngày 10/4/2009.
LỜI BÀN:
Ai đến Đà Nẵng cũng đều công nhận là sông Hàn rất đẹp. Hiện nay trên sông Hàn đã có bốn cây cầu. Nhìn vào bản đồ sông Hàn hiện nay, khoảng cách của bốn chiếc cầu, từ cầu Thuận Phước, đến cầu Sông Hàn, cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Trần Thị Lý chỉ khoảng 2 cây số. Tỉ lệ này đã là kỳ cục và mất thẩm mỹ rồi. Bây giờ lại có thêm một cây cầu nằm giữa cầu Sông Hàn và cầu Nguyễn Văn Trỗi thì quan cảnh tự nhiên chung quanh sẽ bị phá vỡ ngay. Tỉ lệ này lại càng kỳ cục và mất thẩm mỹ hơn nữa.
Cầu sông Hàn là nút giao thông quan trọng, nối liền hai bờ Đông Tây của thành phố. Từ năm 2000 đến nay, sau 9 năm đưa vào sử dụng, cầu Sông Hàn đã phải chịu sức ép lớn do lưu lượng xe qua lại ngày càng nhiều, nhất là trong các giờ cao điểm. Vẫn biết là giải pháp độc nhất để giải quyết nạn ứ động lưu thông và giảm áp lực lên cầu sông Hàn là phải xây thêm cầu. Nhưng, Hội đồng qui hoạch thành phố đâu rồi? Hội đồng qui hoạch kiến trúc lâu nay làm làm cái trò trống gì!? "Đỉnh cao trí tuệ của loài người" mà! Không dự kiến nỗi mức tăng dân số, không hoạch định nỗi mức phát triển của đô thị hay sao để cứ mỗi 2 năm lại ngẫu hứng xây 1 cây cầu !?
Trở lại với cây cầu Thuận Phước 1000 ngàn tỷ đồng. Với số tiền đó thành phố ĐN có thể làm được khối chuyện, chẳng hạn như xây dựng được nhiều nhà máy, xí nghiệp để giải quyết việc làm cho người nghèo. Chuyện nào cũng cho thấy được những lợi ích kinh tế rõ ràng chứ cây cầu qua cửa biển này chẳng cho bất cứ một người dân bình thường nào thấy được cái lợi ích kinh tế mà nó đem lại cả. Đứng trên cầu sông Hàn tưởng chừng như người ta có thể với tay đụng cầu Thuận Phước, vậy thì cớ gì phải xây thêm một cây cầu tốn kém như thế!?
Người dân thành phố ĐN không được giải thích, mà người ta cũng chẳng cần mất công giải thích làm gì cho mệt. Xuất thân là một anh chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Quảng Nam, Nguyễn Bá Thanh leo lên được cái địa vị hiện nay với khối tài sản kết xù nhờ vào tham nhũng đất đai. Nhưng đặc biệt ông ta thích Tàu, có lẽ bởi vì ông ta thuộc loại “học sinh miền Nam” được đưa ra Bắc trong thời chiến tranh rồi được đưa qua Tàu để tránh bom Mỹ. Một chiếc cầu Sông Hàn cũng chính tay ông ta lặn lội qua Tàu khiêng về cái cầu quay theo một công nghệ đã tuyệt chủng. Chắc tụi Tàu cũng đã lại quả cho ông ta một số tiền kha khá vì đã có công mua giúp cái thứ hàng mà ngay cả bên Tàu cũng không xài. Vậy mà lúc ấy ông ta với bộ sậu nâng bi đã huênh hoang khoe là “công trình thế kỷ”. Nhắc lại chiếc cầu này là một trong những công trình có liên quan đến chuyện tham nhũng của ông Thanh, khiến cho một tướng công an cũng tên Thanh mất chức, ra tòa mới đây. Thời ấy nhiều tờ báo trong nước nói nhiều đến chuyện công nghệ cổ lổ sĩ của cây cầu, sau này có lần ông Thanh nói “vậy chứ hiện nay có bao du khách đến Đà Nẵng chỉ cốt để xem chiếc cầu nó quay lúc nửa đêm về sáng.” Bào chữa như vậy thì hết nước nói!!!
Theo tôi, trong giai đoạn hiện nay, ĐN chưa cần phải xây thêm cầu, bởi vì nhu cầu đó chưa thật sự cần thiết. Việc xây cầu đương nhiên đem lại lợi lộc riêng tư cho cá nhân hay tập thể tư bản đỏ nhỏ nào đó nên họ mạnh tay vẽ vời, mạnh tay thi triễn để có thêm nhiều tiền bỏ túi, không cần biết đến sinh hoạt hay đếm xỉa gì đến phúc lợi của người dân. Trong ngành xây dựng, mỗi năm đầu tư hàng trăm triệu mỹ kim thì sự thất thoát dù là vài phần trăm cũng là cả hàng chục triệu Mỹ kim. Cái tỉ lệ năm bảy phần trăm, một vài chục phần trăm thất thoát đó lại rơi vào hầu bao của một nhóm rất nhỏ những người có chức có quyền. Nhóm này chiếm một tỉ lệ vô cùng nhỏ, không phải một phần triệu mà là một phần nghìn triệu của tổng dân số trên 80 triệu người Việt mình khiến cho khoảng cách thu nhập cao thấp của dân chúng ngày càng rộng ra đến mức khủng khiếp, quá đỗi chênh lệch.
Với nhóm người chủ mưu và hưởng lợi từ đủ loại thất thoát đó thì vài trăm ngàn đôla, vài triệu đôla là sự tính toán thường tình. Trong khi đó, với số đông còn lại, làm ăn chân chính để tăng thêm thu nhập mỗi tháng, mỗi người được một vài trăm ngàn tức là một hai chục đôla đang là hết sức khó khăn. Người ngoại quốc thường có câu ta thán "Enough is enough!", bao nhiêu là đủ!? Tôi nghĩ đã đến lúc người dân Đà Nẵng nói riêng và người dân Việt Nam nói chung phải nói lên cái suy nghĩ của mình, nói lên ý nguyện của mình.
Chủ nghĩa Cộng Sản được phát triển mạnh nhờ chiêu bài “xóa bỏ giai cấp” để đưa đến thế giới đại đồng, nhưng thực tế hôm nay cho thấy hoàn toàn ngược lại. Không những không “xóa” mà còn “thêm” để cho sự cách biệt giai cấp tồi tệ hơn: giai cấp của tham quan thì giàu nứt vách còn giai cấp của nhân dân thì nghèo mạt rệp. Thật đúng là “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm” !!!
Trần Việt Trình (18 tháng 5, 2009).
No comments:
Post a Comment