Thursday, May 14, 2009

MỘT CÁI BÀN CHO BẠO CHÚA

Một cái bàn cho bạo chúa
Václav Havel
15/05/2009 12:10 sáng
Người dịch: Đinh Từ Thức

Lời người dịch: Cơ chế bảo vệ nhân quyền trước đây của LHQ là Ủy hội Nhân quyền đã bị các thành viên chà đạp nhân quyền lũng đoạn, nên bị thay thế bởi Hội đồng Nhân quyền vào năm 2006. Hội đồng mới gồm 47 nước hội viên do Đại Hội đồng LHQ bầu, đã đem lại chút hy vọng ban đầu cho những người tha thiết với nhân quyền. Nhưng chẳng được bao lâu, tệ nạn cũ lại tái diễn: Các nước có thành tích xấu về nhân quyền bầu lẫn cho nhau để được làm thành viên, và bênh vực nhau tại hội đồng. Hoa Kỳ được coi là nước cầm đuốc nhân quyền trên thế giới, cùng với cái đuôi Do Thái, trở thành mục tiêu chỉ trích tại Hội đồng Nhân quyền. Ông Bush đã chọn thái độ tẩy chay Hội đồng, khiến vai trò của Mỹ về nhân quyền càng trở thành xa vời.
Ông Obama chọn thái độ nhập cuộc, tuyên bố hồi tháng Ba là Hoa Kỳ sẽ ứng cử vào Hội đồng. Kết quả cuộc bầu cử vào đầu tuần rồi là Hoa Kỳ đã đại thắng; chỉ cần 97 phiếu để thắng, mà đạt được tới 167 phiếu trên tổng số 192; lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng, ngồi chung với… Cuba, Trung Quốc, và Saudi Arabia!
Tuy cuộc bầu cử để lấp 18 chỗ trống tại Hội đồng Nhân quyền đã qua, nhưng bài viết của ông Václav Havel, kịch tác gia nổi tiếng, cựu Tổng thống Cộng Hòa Tiệp từ 1993 đến 2003l: “A Table for Tyrants” trên trang bình luận (trang Op-Ed) của báo The New York Times ngày 10 tháng 5 sẽ giúp cho những ai muốn hiểu rõ thêm về vấn đề nhân quyền trên thế giới.
_______________

Thử tưởng tượng một cuộc bầu cử mà kết quả đã được định trước và một số ứng cử viên bị đa số coi là bất xứng. Bất cứ cuộc bầu cử nào đáng lẽ là dân chủ mà diễn ra kiểu này đều là trò hề. Ấy vậy mà ngày mai Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc lại can dự vào một cuộc “bầu cử” kiểu này khi bỏ phiếu để chọn thành viên vào những chỗ trống trong Hội đồng Nhân quyền gồm 47 ghế.

Chỉ có 20 nước tranh cử 18 ghế. Những ghế này được chia thành năm vùng trên thế giới và ba trong năm vùng có số ứng cử viên bằng với số ghế bầu, điều này khiến cho không có cơ hội chọn lựa ứng cử viên khá nhất về nhân quyền mỗi vùng có thể cung ứng.

Chính quyền các nước có vẻ đã quên mất điều cam kết mới ba năm ngắn ngủi trước đây để tạo ra một tổ chức có thể bảo vệ các nạn nhân đương đầu với những lạm dụng nhân quyền tại bất cứ đâu.

Một điều kiện tiên quyết chính yếu là các thành viên phải khá hơn. Tổ chức tiền nhiệm của Hội đồng là Ủy hội Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã dẹp tiệm năm 2006, chỉ vì nó quá tệ, vì trong thời gian quá lâu đã để cho những nước vi phạm nhân quyền ghê tởm như Sudan và Zimbabwe ngăn cản hành động đối với những vi phạm của chính họ.

Hội đồng đáng lẽ phải khác đi. Lần đầu tiên, các nước đồng ý coi thành tích nhân quyền là một yếu tố khi bầu thành viên hội đồng, và những nước hội viên không làm như vậy, theo văn tự của nghị quyết thành lập, là “gìn giữ theo tiêu chuẩn cao nhất trong việc phát huy và bảo vệ nhân quyền” thì chính mình sẽ bị kiểm điểm và chỗ ngồi có thể bị nguy hại. Đối với những nạn nhân bị lạm dụng nhân quyền, và những người cổ võ nhân quyền toàn thế giới, những cải tổ này đem lại hy vọng của một cơ chế tin cậy và hiệu quả.

Bây giờ, có vẻ như nguyên tắc đã nhường bước cho thủ đoạn. Các nước đã trở lại việc trao đổi phiếu cho thành viên của nhiều cơ chế Liên Hiệp Quốc, đặt quan tâm về chính trị trước nhân quyền. Việc thiếu vắng cạnh tranh cho thấy những nước quan tâm tới nhân quyền đã không quan tâm đủ. Tại Nam Mỹ, một vùng dân chủ đang thăng hoa, đã để cho Cuba được tái cử làm thành viên. Các nước Á châu đã ủng hộ vô điều kiện năm ứng cử viên cho năm chỗ trong vùng - trong số này có Trung Quốc và Saudi Arabia.

Trong những năm qua, các nước Tây phương khuyến khích các quốc gia tôn trọng nhân quyền từ các vùng khác được tranh cử. Năm nay họ đã nhượng bộ tay trên bằng cách đưa ra một danh sách [ứng cử viên] không cạnh tranh cho cuộc bầu cử hội đồng. New Zealand rút lui khi Hoa Kỳ tuyên bố ra ứng cử, để lại có ba nước - Bỉ, Na Uy và Hoa Kỳ — tranh ba ghế.

Ngay cả khi cạnh tranh được bảo đảm, cũng ở mức ít ỏi. Tại vùng Đông Âu - theo quy định của Liên Hiệp Quốc bao gồm tất cả các nước trước đây nằm sau bức màn sắt, kể cả đất nước tôi là Cộng hòa Tiệp - những nước tái ứng cử là Azerbaijan và Nga, là những nước mà thành tích nhân quyền của họ cũng nghiêng ngửa từ đáng ngờ đến đáng khinh. Chỉ có mình Hung Gia Lợi đã ra tranh cử hai chỗ trong vùng. Sự do dự của các nước Đông Âu để giành lại quyền lãnh đạo từ các nước lạm dụng nhân quyền không gây cảm hứng tự tin.

Giống như người dân các nước Azerbaijan, Trung Quốc, Cuba, Nga và Saudi Arabia, tôi biết cuộc sống như thế nào tại các nước chính quyền kiểm soát công luận, triệt hạ đối lập và nghiêm khắc che giấu tự do phát biểu. Vì thế tôi nản chí gấp bội khi nhìn thấy nền dân chủ Mỹ La Tinh và Á Châu sẵn lòng ngồi yên quan sát hội đồng mất thêm tín nhiệm và kính trọng.

Các nhà vận động và nhà báo tại Azerbaijan và Cuba đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng bầu cho nước họ vào Hội đồng Nhân quyền. Các nước cam kết bảo vệ nhân quyền và uy tín của Hội đồng không thể tiếp tục làm ngơ. Các nước cần bầy tỏ liên đới với các nạn nhân bị lạm dụng nhân quyền và giành lại hội đồng bằng cách giản dị là từ chối bầu cho các nước lạm dụng nhân quyền trong cuộc bầu cử đáng xấu hổ không có tranh cử.

Nguồn: Václav Havel,
A Table for Tyrants, New York Times 10/5/2009
© Bản tiếng Việt 2009 Đinh Từ Thức
© Bản tiếng Việt 2009 talawas blog

No comments: