Sunday, May 10, 2009

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC THỜI VIỆT NAM CỘNG HOÀ

Lý luận phê bình văn học dưới thời Việt Nam Cộng Hòa:
Giá trị ở đâu cũng là giá trị
Phạm Xuân Nguyên trả lời phỏng vấn
Theo blog Phạm Xuân Nguyên
27 Apr, 2009, 07:04
http://phamxuannguyen.vnweblogs.com/post/1958/151109

1.Thưa anh Phạm Xuân Nguyên. Khi vào nghề phê bình anh biết gì về lý luận phê bình (LLPB) văn học của nền văn học ở nửa bên kia của đất nước? Giá trị của nó đối với cá nhân anh?


- Sau 1975, tôi biết đến mảng lý luận phê bình văn học của chế độ Việt Nam Cộng Hòa khá sớm. Đó là vào những năm 1979 - 1982 khi tôi đang là lính đóng quân tại Sài Gòn. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi được xả trại, tôi hay lân la các hàng sách cũ, và loại sách được tôi quan tâm trước nhất lại không phải là sách sáng tác, mà là sách LLPB và biên khảo, dịch thuật. Khi ấy và mãi đến sau này, ở đó tôi đã được "gặp" các tác giả như Thanh Lãng (Bảng lược đồ văn học Việt Nam), Nguyễn Văn Trung (Nhận định, Lược khảo văn học, Ca tụng thân xác, Ngôn ngữ và thân xác, Chủ đích Nam Phong, Trường hợp Phạm Quỳnh), Bùi Giáng (Mùa thu thi ca, Luận đề về Tản Đà), Võ Phiến (Chúng ta qua cách viết), Nguyên Sa (Quan điểm văn học và triết học, Một bông hồng cho văn nghệ), Tạ Tỵ (Mười khuôn mặt văn nghệ), Phạm Công Thiện (Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, Im lặng hố thẳm, Hố thẳm của tư tưởng), Nguyễn Hữu Hiệu (Con đường sáng tạo), nhóm Sáng Tạo (Thảo luận)...
Tôi đọc họ và cảm giác ban đầu phải nói là bị "sốc". Vì cái cách nghiên cứu phê bình của họ rất khác với những cái tôi đọc trên ghế nhà trường, từ phổ thông đến đại học. Dữ liệu, thông tin của họ phong phú hơn, nhiều chiều hơn. Phương pháp tiếp cận đa dạng hơn. Lối viết tự do hơn. Tôi khi đó đang chân ướt chân ráo từ đại học văn khoa bước chân vào lính nên vừa đọc họ vừa so sánh, đối chiếu với những cái mình đã đọc được, học được từ trước, thấy vỡ ra nhiều cái. Cái rõ nhất khi đọc các sách LLPB ở Sài Gòn trước 1975 là sự cập nhật nhanh thông tin và sự tìm cách ứng dụng chúng vào lĩnh vực văn chương, văn học. Điều này có thể thấy đậm nhất và kết quả nhất ở Nguyễn Văn Trung chẳng hạn. (Sau này trong một bài nghiên cứu về sự đánh giá Phạm Quỳnh trên dòng lịch sử, tôi đã có những điểm tranh biện lại ông Trung quanh nhân vật này). Cho đến khi về làm việc tại Viện Văn học, vào Ban Văn học Việt Nam hiện đại, tôi có điều kiện đọc tập trung và sâu hơn toàn bộ khu vực văn học Sài Gòn trước 1975, trong đó có mảng LLPB. Từ đó, khi tham gia vào một chương trình nghiên cứu cấp nhà nước về văn học Việt Nam thế kỷ XX, tôi đã đề xuất một đề tài nghiên cứu văn học của chế độ VNCH (1954 - 1975) như một bộ phận của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Ý hướng này khi được phát biểu trên báo đã gặp phải những sự phản đối mạnh mẽ, phủ nhận quyết liệt, thậm chí có cả sự quy kết chính trị cho người đề xuất. Nhưng dưới cái nhìn lịch sử và khoa học, đây là một đối tượng nghiên cứu không thể bỏ qua.

2. Ngày hôm nay nhìn lại, anh có thể nói gì về nó?


- Đáng tiếc, đối tượng đó đã chưa được nghiên cứu một cách hệ thống và khoa học. Đến nay, chế độ VNCH đã chấm dứt sự tồn tại của nó gần ba lăm năm. Nhưng nền văn học VNCH tồn tại trong khoảng thời gian tồn tại của chính thể đó (1954 - 1975) chưa được mô tả, khảo sát, nghiên cứu như một thực thể có quá trình phát sinh, phát triển, chấm dứt, với nhiều dòng phái, nhiều xu hướng, với đội ngũ tác giả và số lượng tác phẩm đông đảo, phức tạp. (Ở ngoài nước, nhà văn Võ Phiến đã tự gánh lấy trách nhiệm này, một mình ông trong nhiều năm trời đã biên soạn cả một bộ sách như bộ sử văn học VNCH, đi từ tổng quan đến các bộ môn). Trong cái tổng thể chung đó của văn học VNCH, phần LLPB do đặc thù của nó, đòi hỏi phải được khảo sát kỹ hơn.
Từ hôm nay nhìn lại, đặt trong diễn trình của ngành LLPB văn học VN thế kỷ XX, tôi thấy trong LLPB của Sài Gòn trước 1975 có một số cuốn sách vẫn có giá trị và chúng vẫn còn có tác động và ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp này. Một ít những sách đó gần đây đã được in lại, như của Bùi Giáng, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Vũ Đình Lưu... Đọc chúng, người làm nghề nói riêng, người đọc nói chung, vẫn còn có thể thu nhận được những thông tin mới mẻ về cách tiếp cận vấn đề, cách lý giải hiện tượng, cả những sai sót, ngộ nhận cũng là kinh nghiệm có ích. Cố nhiên về thời gian tính thì có những điều đã bị vượt qua, đã được bổ sung, điều chỉnh, nhưng thế không có nghĩa là những luận điểm, những phát kiến được các nhà LLPB Sài Gòn trước đây chứng minh có luận cứ khoa học bị mất đi ý nghĩa. Lấy một thí dụ rất nhỏ về từ ngữ. Ngay một cái từ như "thức nhận" (pris de conscience) thì trước Phan Ngọc khá lâu, Nguyễn Văn Trung đã từng dùng. (Đây không phải nói chuyện hơn kém, mà là nói tính chuyên môn của ngành nghề).
Theo tôi, bây giờ đã đến lúc phải tiến hành nghiên cứu nghiêm túc tổng thể văn học VNCH như một thực thể có số phận riêng và như một bộ phận có tính lịch sử của văn học Việt Nam hiện đại, từ đó đưa ra những đánh giá khách quan, khoa học để những gì thực sự có giá trị chung của cộng đồng dân tộc trong đó sẽ được tiếp thu và sử dụng. Giá trị ở đâu cũng là giá trị. Với LLPB của bộ phận văn học này cũng vậy.

(Đã đăng báo Văn Nghệ, số 17 - 18 / 2009. Đây là bản gốc của tác giả).

No comments: