Lương Tâm Của Quốc Gia
Đào Văn Bình
(Tháng 5, 2009)
http://www.doi-thoai.com/baimoi0509_146.html
Mới nhìn vào đề tài, chắc chắn người ta sẽ thắc mắc tự hỏi tại sao lại nói Lương Tâm Của Quốc Gia mà không nói về lương tâm của con người? Quốc gia là một vật thể tại sao lại có lương tâm? Lương tâm của quốc gia là gì? Nếu có thì nó nằm ở đâu? Và ai là người nói lên tiếng nói của Lương Tâm Quốc Gia? Ai là người bảo vệ nó và bảo vệ nó để làm gì?
Lương tâm của con người là bản tính tốt lành tự nhiên, bẩm sinh - Nhân Chi Sơ Tín Bản Thiện- có khả năng phân biệt đúng-sai, thiện-ác mà không cần luật pháp răn đe, không cần tôn giáo chỉ dạy, chẳng hạn như: Thấy Người Họan Nạn Thì Thương, Thương Người Như Thể Thương Thân, Con Ngựa Đau Cả Tàu Không Ăn Cỏ, Chị Ngã Em Nâng, Máu Chảy Ruột Mềm v.v…Nếu một người nào đó có vô lương tâm thì bất quá chỉ gây khổ đau cho gia đình, vợ con, thân nhân, bè bạn của họ mà thôi, ngọai trừ người Vô Lương Tâm này lại lãnh đạo quốc gia, tập thể quân đội, tôn giáo lớn, quản trị cả một công ty, thương mại, tài chánh lớn thì tác hại có thể khôn lường. Còn Lương Tâm Quốc Gia chính là những điều tốt lành mà quốc gia phải bảo vệ. Nó chính là những quyền căn bản của con người, mà thiếu nó, hoặc nếu nó bị tước đọat, người dân sẽ sống như một lòai nô lệ, trong một ngục tù bao la của độc tài, bạo lực và khủng bố. Trên tầm mức thế giới, lương tâm của nhân lọai được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và trên tầm mức quốc gia nó được ghi trong bản Hiến Pháp. Đấy là sự khác biệt giữa lương tâm của con người và Lương Tâm Quốc Gia.
Kinh qua lịch sử, rút tỉa kinh nghiệm từ những khổ đau ngút trời của nhân lọai phải chịu đựng do nền quân chủ chuyên chế, chính quyền độc tài, chủ nghĩa thực dân, đế quốc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bành trướng - song phần lớn lại do chính nhà cầm quyền của chính nước mình gây ra cho chính người dân của mình. Cho nên “Vào ngày 10/12/1948 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (U.N.General Assembly) đã đề nghị và công bố tòan văn Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc. Hội Đồng cũng kêu gọi tất cả các nước thành viên phổ biến rộng rãi Bản Tuyên Ngôn đồng thời yêu cầu các nước đưa Bản Tuyên Ngôn này vào chương trình giáo dục phổ thông trong các trường học và các cơ quan giáo dục khác, không phân biệt thể chế chính trị của các quốc gia thành viên hay các vùng lãnh thổ.” (*) Do đó có thể nói Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền chính là lương tâm của nhân lọai.
Các quốc gia theo kiểu mẫu dân chủ Tây Phương khi thiết lập chính quyền, đều đưa các quyền căn bản của người dân đã được ghi trên Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền vào trong hiến pháp của quốc gia mình chính là để người dân có được một đời sống tự do, an vui, bình đẳng, được luật pháp che chở để mưu cầu phúc lợi cho bản thân, từ đó mà đất nước mỗi ngày mỗi tiến bộ. Những điều khỏan dân quyền căn bản này chính là Lương Tâm Của Quốc Gia và là những giá trị tốt lành nhất của đất nước. Tuy nhiên có điều trớ trêu là các quốc gia độc tài khủng khiếp ở Á Châu, Phi Châu, Nam Mỹ, các chế độ cộng sản như Sô Viết, Trung Cộng, Đông Âu v.v…cũng chép nguyên văn mẫu dân quyền căn bản này vào trong hiến pháp của họ. Và họ còn khoe rằng kiểu mẫu dân chủ này còn “tốt đẹp” hơn cả những nền dân chủ Tây Phương bằng cách thêm hai chữ Nhân Dân hay Xã Hội vào đó.
Trong hiến pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ban hành ngày 15-4-1992, sau khi tuyên dương Chủ Nghĩa Mác-Lê Nin cũng đã trang trọng đặt Lương Tâm Của Quốc Gia tức là những điều khỏan dân quyền tốt lành, căn bản của người dân vào nơi Chương V và trong Lời Nói Đầu đã buộc tòan dân, tòan đảng và nhà nước phải “nghiêm chỉnh thi hành hiến pháp”. Chương V đã quy định như sau: Điều 50: “ Ở nước CH/XHCN/VN các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến Pháp và luật. Điều 52: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. Điều 57: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật.” Điều 58: “Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tự liệu sinh họat, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà Nước giao xử dụng thì theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 (của Bản Hiếp Pháp này).” Điều 68: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngòai và từ nước ngòai về nước theo quy định của luật pháp.” Điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.” Điều 70: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trứơc pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được luật pháp bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của nhà nước.” Điều 71: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Tòa Án Nhân Dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm Sát Nhân Dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.” Và còn rất nhiều nữa…
Thế nhưng, như một tiền oan, nghiệp chướng của kiếp người. Mặc dù những quyền căn bản của người dân tốt đẹp như thế, đã được long trọng ghi trong Hiếp Pháp và là biểu tượng cho Lương Tâm Của Quốc Gia - thế nhưng hầu hết mọi chính quyền – độc tài đã đành- mà cả các quốc gia dân chủ nhất cũng có khuynh hướng lạm quyền, hoặc tước đọat những quyền căn bản của người dân. Khuynh hướng độc tài, đàn áp người dân không phải chỉ mới có đây mà nó bắt nguồn từ thuở xa xưa khi con người mới tụ họp thành bộ tộc đã bị các ông tù trưởng đè nén. Rồi theo thời gian là các ông lãnh chúa, ông vua, hòang đế và bây giờ là các ông thủ tướng, tổng thống, chủ tịch nước, chủ tịch đảng thông qua các tổ chức chính quyền gọi là chính phủ, nhà nước, hành pháp v.v.. Những quyền căn bản của người dân giống như một đóa hoa đẹp ai cũng muốn hái, một kho tàng vô chủ ai cũng muốn chiếm đọat. Số phận của nó rất mong manh, từng giờ, từng phút.
Không hiểu tại sao là con người ai cũng thích lạm quyền ? Chính vì thế mà khi tạo lập chính quyền trong kỷ nguyên dân chủ, các sử gia, các nhà nghiên cứu về chính quyền, các nhà chính trị học, xã hội học, tâm lý học…và qua máu xương của con người đổ ra trong nhiều cuộc cách mạng đã tìm ra được một thang “thần dược” để trị căn bệnh thâm căn cố đế “độc tài” là nguyên tắc Tam Quyền Phân Lập. Thế nhưng dù đã có Tam Quyền Phân Lập rồi nhưng quyền hành phải được phân chia đồng đều, không ai mạnh hơn ai và ai cũng có quyền kiểm sóat ai theo tinh thần Check and Balance. Nếu Lập Pháp mạnh quá thì chính quyền tê liệt. Nếu Hành Pháp mạnh quá thì chắc chắn sẽ độc tài. Lập Pháp có quyền làm luật. Hành Pháp có quyền thi hành luật nhưng quyền xét xử phải thuộc về Tư Pháp độc lập với hai nghành trên.
Tối Cao Pháp Viện là cơ quan tối cao và duy nhất có quyền giải thích hiến pháp tức bảo vệ hiến pháp, tức bảo vệ những quyền căn bản của người dân. Tối Cao Pháp Viện chính là cơ quan giữ gìn Lương Tâm Của Quốc Gia và nói lên lương tâm của đất nước khi hiến pháp hoặc quyền hạn của người dân bị xâm phạm. Nơi điều 81 – Chương V của Bản Hiếp Pháp Việt Nam Cộng Hòa (Đệ II Cộng Hòa) ban hành năm 1967 quy định thẩm quyền của nghành Tư Pháp đã minh định như sau “ 1. Tối Cao Pháp Viện có thẩm quyền giải thích Hiến Pháp, phán quyết về tính cách họp hiến hay bất hợp hiến của các đạo luật, sắc luật; tánh cách hợp hiến và hợp pháp của của các sắc lệnh, nghị định và quyết định hành chánh. 2. Tối Cao Pháp Viện có thẩm quyền phán quyết về việc giải tán một chánh đảng có chủ trương và hành động chống lại chánh thể Cộng Hòa. ”
Còn trong Hiến Pháp Nước CH/XHCN/VN nơi Chương X, điều 126 & 127 quy định về Tòa Án Nhân Dân và Tòa Án Nhân Dân Tối Cao đã không cho hoặc không nói gì về quyền hạn “giải thích hiến pháp” hoặc “bảo vệ hiến pháp” như tất cả các bản hiến pháp thông thường khác trên thế giới - mà Tòa Án Nhân Dân và Tòa Án Nhân Dân Tối Cao trở thành một vệ sĩ canh gác, một anh công an bảo vệ, bênh vực các “pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa” và trong đó cũng thòng một câu “ bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân.” Rõ ràng bản Hiến Pháp 1992, không minh định một cơ quan hiến định nào để bảo vệ nó cả. Bản Hiến Pháp này giống như một đứa con do Đảng CSVN sinh ra, mới lọt lòng mẹ, còn đỏ hỏn đã bị quăng ra ngòai Chợ Đồng Xuân. Chỉ trong chốc lát, da thằng bé bầm tím, khóc oe oe, kiến và ruồi bu đầy mình, ngã ra chết, rồi người ta sẽ quăng xác nó vào một xe rác nào đó mà không cần ai biết tới!
Một câu hỏi nữa cũng cần đặt ra ở đây là tại sao các nhà thảo hiến, các chuyên viên nghiên cứu về công quyền lại không giao cho Quốc Hội giữ nhiệm vụ giải thích hiến pháp và bảo vệ hiến pháp? Họ là đại diện của dân, dân cử thì họ phải đứng về phe dân, bảo vệ dân quyền chứ? Xin thưa, do nguyên tắc phân chia quyền hành: Anh đã làm luật rồi thì anh không có quyền giải thích luật và xét xử người vi phạm luật. Ngòai ra, trong quá trình hành xử quyền hành, Quốc Hội đã rất nhiều phen ngả về phía hành pháp để xâm phạm quyền hạn của người dân. Các “nghị gật”, các dân biểu “gia nô” các quốc hội “bù nhìn” thường làm tay sai cho chính quyền để ban hành những đạo luật hết sức phản dân chủ, chẳng hạn như trao quyền lập pháp cho tổng thống, ủy quyền rộng rãi cho hành pháp, tu sửa hiến pháp để một ông tổng thống độc tài nào đó làm tổng thống mãn đời, cho phép hành pháp ban hành các “sắc luật trong thời chiến” để kiểm duyệt gắt gao báo chí khiến “ký giả phải đi ăn mày” hoặc hạn chế một số quyền hạn căn bản của người dân. Và ngay trong các quốc gia cực kỳ dân chủ như Hoa Kỳ, Anh Quốc, Đức, Ý v.v..khi một đảng nào đó vừa nắm ghế thủ tướng, tổng thống vừa chiếm đa số ở quốc hội cũng có thể sẽ đi quá đà và ban hành những đạo luật làm tổn hại đến quyền hạn của người dân. Trong suốt thời gian 25 năm ở Hoa Kỳ, tôi đã chứng kiến và còn nhớ 04 phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã hành xử quyền giải thích hiến pháp của mình dười thời TT. Bush (con) để tuyên bố:
1) Việc đốt cờ là hành vi bày tỏ quyền tự do ngôn luận của người dân và không thể bị truy tố.
2) Việc thiết lập các nút chặn trên đường để khám xét các xe tình nghi có tàng trữ ma túy là vi phạm quyền tự do đi lại của công dân đã ghi trong hiến pháp.
3) Việc trưng bày Mười Điều Răn Của Chúa (Ten Commandments) tại tòa nhà tiểu bang (tức đất công) ở Kentucky là vi phạm nguyên tắc Church and State Separation (giáo quyền và thế quyền tách biệt) đã được ghi trong hiến pháp và phải tháo gỡ dù cho Ô. Thống Đốc tiểu bang có đích thân biểu tình phản đối.
4) Bác bỏ phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Tiểu Bang Florida cho phép tái kiểm phiếu tại một số khu vực trong cuộc tranh cử tổng thống giữa Ô. George W. Bush và Al Gore năm 2000.
Đây là những quyết định thật gay go bởi những Thẩm Phán Tối Cao có khuynh hướng bảo thủ nắm đa số tại Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ lúc bấy giờ. Thế nhưng các vị này đã không quyết định theo đảng (Cộng Hòa) cũng không vị nể ân tình mà TT. Bush đã bổ nhiệm mình - mà hòan tòan đặt Lương Tâm Của Quốc Gia lên trên hết. Trách nhiệm của họ là phải cẩn trọng suy nghĩ xem các sự kiện nêu trên có vi phạm Hiến Pháp hay không? Quả thật việc đốt cờ có xúc phạm tới danh dự quốc gia. Nếu nó được thực hiện ở các nước chậm tiến, chắc chắn người đốt cờ sẽ phải chịu bản án hết sức nặng nề. Thế nhưng đây là một quốc gia dân chủ, thượng tôn luật pháp. Không một ai ở trên luật pháp và không một ai có quyền vi phạm luật pháp. Câu hỏi mà các Thẩm Phán Tối Cao đặt ra là việc truy tố người đốt cờ có vi phạm Hiến Pháp hay không? Cuối cùng thì Tối Cao Pháp Viện đã bảo vệ Hiến Pháp tức bảo vệ quyền tự do ngôn luận của người dân. Còn về phán quyết thứ hai, Tối Cao Pháp Viện cho rằng nhân viên công lực có quyền theo dõi các xe tình nghi cất dấu ma túy nhưng việc thiết lập các nút chặn đã gây phiền hà cho người dân, tức vi phạm vào quyền tự do đi lại. Còn về phán quyết thứ ba thì thật gay go và tế nhị vì Mười Điều Răn Của Chúa đã được thiết lập ở đây 06 năm rồi mà không một ai dị nghị gì. Nhưng nay có một nhóm nhân quyền đứng ra khiếu nại. Để bảo vệ Hiến Pháp để bảo vệ nguyên tắc Giáo Quyền và Thế Quyền Tách Biệt, Tối Cao Pháp Viện đã phán quyết việc tạo dựng, trưng bày biểu tượng của bất cứ tôn giáo nào nơi đất công là vi hiến. Còn phán quyết thứ tư đã chấm dứt một cuộc bầu cử căng thẳng kéo dài gây nên một cuộc khủng hỏang chính trị sâu rộng làm tê liệt nước Mỹ. Tối Cao Pháp Viện cho rằng phương pháp mà Tối Cao Pháp Viện Florida cho phép tái kiểm phiếu đã vi phạm Điều Khỏan Mọi Người Dân Được Bảo Vệ Đồng Đều (Equal Protection Clause) được ghi trong Tu Chính Án Số 14 (The Fourteenth Amendement) của Hiến Pháp.
Vậy thì Tối Cao Pháp Viện hoặc Viện Bảo Hiến hoặc Tòa Án Tối Cao chính là biểu tượng của công lý là Lương Tâm Của Quốc Gia. Nó là cơ quan cuối cùng để giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến những quyền hạn được ghi trong Hiến Pháp. Khi Tối Cao Pháp Viện, Viện Bảo Hiến, Tòa Án Tối Cao bị bịt miệng, bị mua chuộc hoặc làm tay sai cho chính quyền hay nhà nước thì lương tâm của quốc gia chết, hiến pháp bị chà đạp, người dân phải sống trong cảnh đàn áp, bất công, mọi thứ quyền hành từ từ bị giảm thiểu hay tước đoạt. Cho nên bất cứ một nhà lãnh đạo nào mà biến Tối Cao Pháp Viện hoặc Viện Bảo Hiến hoặc Tòa Án Tối Cao thành một công cụ bù nhìn thì mang trọng tội với đất nước và không có lý do gì để biện minh.
Cũng qua lịch sử nhân lọai, qua các cuộc Đệ I & Đệ II Thế Chiến và nhất là Cuộc Chiến Tranh Lạnh hay Chiến Tranh Ý Thức Hệ vừa qua, các sử gia, các nhà nghiên cứu chính trị và xã hội nhận thấy nguyên do gây khổ đau cho người dân không phải do một Ông Thần (God) nào đó mà do chính nhà cầm quyền của người dân nước đó. Như một ma chướng, khi còn ở cương vị người dân, ai cũng muốn có đầy đủ mọi thứ tự do. Nhưng cũng chính con người ấy khi đã nắm được quyền hành thì lại muốn thâu tóm mọi thứ quyền bính trong tay. Nếu có ban phát tự do thì chỉ ban phát cho bà con họ hàng, băng đảng hay phe nhóm mình. Cuối cùng muôn vàn thống khổ vẫn là người dân. Khi hệ thống quyền hành độc đóan lại được trang bị bằng chủ nghĩa, học thuyết hoặc “chính nghĩa” hoặc lấy một cá nhân nào đó làm huyền thọai tiêu biểu, hoặc tôn sùng tôn giáo… thì mức độ khủng khiếp lại được lũy thừa lên. Lúc đó chúng ta sẽ thấy một đạo binh bao gồm công an, mật vụ, đặc vụ, đội hành quyết, cảnh sát tôn giáo v.v..tha hồ bắt bớ, thủ tiêu, giết hại người dân. Báo chí bị kiểm duyệt hoặc cấm đóan, các nhà đối kháng bị tù đày, giết hại. Mọi thứ tự do bị bóp nghẹt và sinh mạng của người dân còn thua lòai chó ngựa. Chúng ta cứ to tiếng chê bai chế độ quân chủ năm xưa độc đóan. Thế nhưng trong lịch sử - chẳng hạn như lịch sử dân tộc ta- cũng đã có khá nhiều vị vua hiền đức đã biết ăn chay nằm đất, tắm gội, sắm sửa lễ vật để tế cáo với Trời Đất về những gì mình sai phạm. Cũng đã có khá nhiều quan Ngự Sử hoặc các bậc sĩ phu dám nói lên điều ích nước lợi dân như Cụ Chu Văn An chẳng hạn. Thế nhưng nhìn vào lịch sử nhân lọai đương đại, đã có mấy ông thủ tướng, tổng thống, chủ tịch nước, chủ tịch đảng công khai tạ tội với quốc dân về những điều sai lầm trong quá khứ? Đó là sự thóai hóa và hư đốn của con người. Thế nhưng trong bóng đêm chập chùng đó những bó đuốc đã được thắp lên. Liên Hiệp Quốc đã ra đời và Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã được long trọng ghi nhận và phổ biến. Các Hội Ân Xá Quốc Tế, các hội nhân quyền, các nhóm luật sư về nhân quyền thường xuyên lên tiếng tố cáo các cuộc thảm sát, thanh lọc chủng tộc, kỳ thị chủng tộc, tội ác chiến tranh, đòi hỏi thả tù chính trị, tù nhân lương tâm và vận động đưa các thủ phạm đó ra các Tòa Án Quốc Tế xét xử. Thế nhưng cuộc tranh đấu cho dân quyền cho những quyền tự do căn bản và tối thiểu của người dân giống như một cuộc Vạn Lý Trường Chinh, một hành trình không bao giờ ngưng nghỉ. Trong phạm vi của một quốc gia, cho dù đã có một hiến pháp dân chủ, cho dù đã có một Tối Cao Pháp Viện, Tòa Án Tối Cao hoặc Viện Bảo Hiến với đây đủ quyền hành, vẫn còn phải có các nhà trí thức dân chủ, các sĩ phu của thời đại dám can đảm nói lên tiếng nói của lương tâm, của lương tri và sãn sàng phê phán các quyết định sai lầm của chính phủ kể cả quốc hội. Trong bất kỳ một xã hội nào, nếu trí thức bị bóp nghẹt, tự do ngôn luận bị tước đọat hoặc hạn chế thì đó là dấu hiệu Lương Tâm Quốc Gia bị bức tử và độc tài lên ngôi thống trị.
Kết luận: Uớc mơ có được một đời sống yên lành, trong một xã hội công bằng, được luật pháp che chở để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và gia đình mình tưởng chừng như rất nhỏ bé nhưng lại là ước mơ vĩ đại và gian khổ. Người dân bầu ra chính quyền để thực hiện giấc mơ đó, nhưng chính quyền cũng có thể trở thành cơn ác mộng của giấc mơ này. Do đó đòi hỏi cho bằng được một thể chế dân chủ với tam quyền phân lập chưa đủ. Dân chủ phải có tự do báo chí, tự do ngôn luận đi song song như hình với bóng. Dù vậy vẫn cần phải hỗ trợ cho một Tối Cao Pháp Viện, Viện Bảo Hiến hay Tòa Án Tối Cao với đầy đủ quyền hành giải thích hiến pháp và là cơ quan tư pháp cao nhất của đất nước. Nhưng dù vậy vẫn chưa đủ. Người dân vẫn phải tiếp tục theo dõi, giám sát mọi họat động của chính quyền. Quá cuồng nhiệt để trao phó quyền cai trị cho một chính quyền nào đó – dù là chính quyền dân chủ - là tự từ bỏ quyền làm chủ đất nước của mình, và làm một cuộc phiêu lưu hay đánh bạc với sinh mệnh dân chủ.. Là người dân - không phải lúc nào chúng ta cũng nghi ngờ chính quyền nhưng luôn luôn ghi nhớ câu nói “Bất cứ chính quyền nào cũng có khuynh hướng lạm quyền.” Sự lạm quyền diễn ra từng giờ từng phút không phải chỉ bằng các đạo luật, sắc luật, mà bằng các nghị định, các quyết định hành chánh, các biện pháp nhân danh an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự công công v.v.. Khi đó người dân không thể nào có được cuộc sống yên lành để mưu cầu hạnh phúc cho chính bản thân và gia đình mình như Luơng Tâm Của Quốc Gia tức bản hiến pháp đã minh định.
Đào Văn Bình
(Tháng 5, 2009)
(*) Tài liệu trên Internet
------------------------------------------
Cùng một tác giả :
Vấn Đề Chính Danh
http://vietnamlibrary.informe.com/v-on-a-chn-nh-danh-noo-v-an-bn-nh-dt1197.html
No comments:
Post a Comment