Saturday, May 16, 2009

LS LÊ QUỐC QUÂN GẶP PHÁI ĐOÀN MỸ USCIRF

Ghi chép từ một cuộc gặp
Lê Quốc Quân, Luật sư
Viết cho BBCVietnamese.com từ Hà Nội
Cập nhật: 10:42 GMT - thứ bảy, 16 tháng 5, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/05/090516_lequocquan_meeting.shtml
Đời người ta có được "chín tháng mười ngày" hoài thai. Tôi có "ba tháng mười ngày" trong tù mà tôi thường nói vui là ở "quê ngoại".
100 ngày để trả nợ cho "tư tưởng dân chủ có từ năm 20 tuổi" như nhận xét của an ninh thì cũng quả là ngắn.

Luật sư Lê Quốc Quân và các thành viên trong phái đoàn Mỹ gặp gỡ
http://www.bbc.co.uk/worldservice/assets/images/2009/05/16/090516102452_quanuscirf.jpg

Tự do tôn giáo
Theo An ninh thì những điều tôi "Học tập ở cơ quan Hỗ Trợ Dân Chủ (NED) liên quan mật thiết với bảy tổ chức đảng phái chỉ là cái ngọn" còn cái gốc là "theo đạo". Một trong những cơ quan mà tôi bị coi là có quan hệ mật thiết chính là - Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ.
Ủy Ban tự do tôn giáo của Hoa Kỳ là một cơ quan độc lập, lưỡng Đảng, thành lập vào năm 1998 theo Đạo luật IRFA (Luật công 105-292 ) để giám sát tình hình tự do tôn giáo ở hải ngoại. Hồi còn học ở NED, tôi đã một số lần đến thăm Ủy ban, và còn đóng vai trò là phiên dịch cho Đoàn trong một vài cuộc gặp với người Việt.
Để tìm hiểu tình hình tự do tôn giáo, Uỷ ban tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ có các đoàn đi thăm và đánh giá về tình hình tự do của các nước mà họ cho là có vi phạm về tự do tôn giáo.
Khi tôi rời "quê ngoại" khoảng 100 ngày thì Đoàn tự do tôn giáo của Hoa Kỳ đến thăm tôi và đó cũng là lần đầu tiên Đoàn được phép đến thị sát về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Đó là vào tháng 10 năm 2007. Lần đó Đoàn đã đến thăm tôi tại văn phòng riêng trong khi hàng chục công an với sự hộ tống của cả xe cảnh sát dàn cảnh thị uy bên ngoài. Tôi cảm giác người ta xù lên vì nghĩ rằng có gì đó thật nguy hiểm.

Những lần gặp
Trong đoàn có người bạn là Scott Flipse - có tình cảm đặc biệt với Người Việt Nam, Ông đã làm đề tài Tiến sỹ về "Di tản nội địa ở Việt Nam sau hiệp đinh Geneva năm 1954".
Ngay khi xuống xe ông đã ôm tôi thật chặt ngay phía ngoài văn phòng. Tôi ghé sát tai mà nói rằng "họ đang quan sát chúng ta đó", cậu ấy bảo: "càng tốt Việt Nam và Mỹ là bạn mà".
Lần đó cuộc gặp diễn ra trong vòng một giờ với những tình cảm thực sự chân thành. Họ quan tâm đến thời gian tôi ở trong tù, đời sống gia đình và những khó khăn tôi gặp phải và hỏi liệu có thể giúp đỡ gì được cho tôi không.
Hôm 12.5,09 là lần thứ hai tôi có buổi gặp gỡ với phái Đoàn về cuộc hẹn ở khách sạn Metropole - Khách sạn lâu đời nhất ở Hà Nội được xây dựng từ năm 1901.
Đoàn do Phó Chủ tịch là ông Michael Cromartie - người được Tổng thống Bush bổ nhiệm - làm trưởng đoàn.
Đoàn đã gặp gỡ nhiều giới khác nhau, trong đó có Bộ Trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Ban Tôn giáo của Chính Phủ. Đoàn cũng gặp Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, Bác Sỹ Phạm Hồng Sơn.
Đoàn đến thăm giáo xứ Thái Hà, gặp gỡ các Cha và toàn bộ 8 nạn nhân bị xét xử trong vụ tranh chấp đất đai tại giáo xứ. Đoàn đã lắng nghe nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động tôn giáo ở Việt Nam nói chung, Thái Hà nói riêng .
Trong một tiếng rưỡi đồng hồ, Đoàn cũng cho biết là họ đã đến thăm nhà tù Ba Sao, Thăm cha Nguyễn Văn Lý và Luật sư Nguyễn Văn Đài. Cha Lý vui và nói nhiều vì Ngài bị biệt giam, không có người nói chuyện trong suốt một thời gian dài.
Luật sư Đài trông khỏe mạnh. Cả hai đều có kinh thánh để đọc và một "tờ báo của đảng".
Đoàn cũng dự định vào thăm Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Luật sư Lê Trần Luật và một số lãnh đạo tôn giáo khác ở Miền Nam để tìm hiểu kỹ hơn về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam.
Một thành viên của Đoàn đã nhận xét rằng: Cha Lý và Hòa Thượng Thích Quảng Độ thì bị buộc tội vì những vấn đề về chính trị nhưng khi gặp Ban Tôn giáo chính phủ thì những vị mặc áo Linh Mục và Hòa Thượng đều đứng lên nói những vấn đề hoàn toàn Chính trị, ca ngợi những thành tựu của Chính Phủ.

Xâm nhập đường 'tiểu ngạch'
Tôi cho rằng không có một sự phân biệt rõ ràng giữa tôn giáo và chính trị. Khi người dân bị hạn chế về Quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và quyền tự do báo chí thì điều đó vẫn là một sự hạn chế của tự do tôn giáo. Tôn giáo gắn chặt với các sinh hoạt nhóm cộng đồng và là một phần quan trọng của xã hội dân sự.
Tôi cho rằng một xã hội dân chủ hơn là điều đảm bảo tốt nhất cho Nhân quyền và tự do tôn giáo và việc để cho Đoàn vào Việt Nam là một điều tốt đẹp.
Theo một thành viên trong Đoàn thì Chính phủ của Tổng Thống Obama rất quan tâm đến tình hình Tôn giáo, dân chủ và Nhân quyền nói chung, đặc biệt đất nước Việt Nam nhỏ bé vốn có nhiều duyên nợ với Hoa Kỳ, lại ở một vùng ông Obama rất thân thiết.
Có một kỷ niệm vui là Tiến Sỹ Scott Flipse - người mà Con gái tôi gọi thân mật là "Bác Scott". Hôm nay Scot tặng "Thái Hà" một bộ quần áo trẻ sơ sinh, Scot mua ở Mỹ và khi mở ra mới biết ở nhãn ghi là "Made In Vietnam".
Hóa ra có nhiều đồ đang dùng tại Mỹ thực ra đã được làm ở Việt Nam và đang quay trở lại Việt Nam bằng đường "tiểu ngạch". Hy vọng là giá trị về tự do tôn giáo và nhân quyền - như tôi cảm nhận được ở Mỹ - sẽ sớm thành hiện thực trên quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng ta qua những con người và phái đoàn cụ thể có tình yêu với nhân dân Việt Nam.

No comments: