Friday, May 22, 2009

KỸ NĂNG "MỀM" CHO QUAN QUỐC HỘI

Kĩ năng "mềm" cho quan Quốc hội
Tuan’s Blog
Thursday, May 21, 2009
http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/05/ki-nang-mem-cho-quan-quoc-hoi.html
Cách đây vài tuần, Gs Nguyễn Huệ Chi, Gs Nguyễn Thế Hùng và Nhà văn Phạm Toàn thay mặt cho 135 người Việt trong và ngoài nước soạn thảo một lá thư kiến nghị về vụ “Bôxít Tây Nguyên”. Ba vị này đến tận văn phòng Quốc hội để trao lá thư đó cho người có trách nhiệm.
Gần 3 tuần sau, ngày 8/5/2009, ông Trần Đình Long thay mặt Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XII hồi đáp lá thư kiến nghị. (Bạn đọc có thể đọc lá thư đó ở đây
http://www.bauxitevietnam.info/thongbao/090520_thuuybanphaplyquochoi.htm)

Đọc lá thư hồi đáp của một quan Quốc hội, tôi chỉ biết lắc đầu kinh tởm trước thái độ xem thường người dân của ông quan này.

Trước hết là thái độ vô lễ đối với Gs Nguyễn Huệ Chi. Lá thư hồi đáp do ông Trần Đình Long kí tên ghi tên của Gs Nguyễn Huệ Chi là “Gs Nguyễn Thị Huệ”! Thật là hết ý. Ông quan này tự cho mình cái quyền thay đổi giới của giáo sư Huệ Chi từ nam sang nữ. Chẳng những thay đổi giới mà còn viết sai tên của giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Chỉ có người trong lúc say rượu, hay trong trạng thái tâm thần mê sảng, hay tế bào não bị đột biến mới có thể phạm phải một nhầm lẫn tày trời như thế, chứ một người bình thường biết đọc biết viết thì khó mà sai sót như vậy được. Nếu không là một trò chơi xỏ lá, thì đây phải được xem là một thái độ vô cùng mất lịch sự của một quan chức.

Ai có quan tâm đến văn hóa và văn học đều biết Gs Nguyễn Huệ Chi, bởi vì ông rất nổi tiếng qua những công trình nghiên cứu thơ văn đời Lý – Trần và công trình về Nguyễn Trãi. Điều này chứng tỏ ông quan Quốc hội đó chẳng quan tâm gì đến văn hóa và văn học nước nhà. Người ta phải đặt câu hỏi: làm quan to ở Quốc hội mà không biết đến văn học và văn hóa Việt Nam thì có xứng đáng với chức vụ đó không?

Thứ hai là thái độ xem thường người dân của ông quan Quốc hội. Thật ra, đó không phải là một lá thư hồi đáp, mà chỉ là một cái “form” dành cho những người đệ đơn. Chính vì thế mà có dòng chữ “Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã nhận được đơn của ông (bà)”. Chú ý rằng họ không buồn tình bỏ chữ “bà”, có lẽ vì nghĩ rằng “Nguyễn Thị Huệ” là bà và Gs Nguyễn Thế Hùng là ông. Nếu nghĩ thế thì sao không viết là ông và bà? Thật ra, họ có suy nghĩ đâu, có đọc gì đâu. Bằng chứng là trong cái form đó, đã có những câu chữ sẵn, và có những ô trống. Người viết chỉ việc điền vào những ô trống đó, kí tên, đóng mộc, và gửi đi. Nói cách khác, ông quan Quốc hội này chẳng thèm đọc qua lá thư kiến nghị nói gì. Do đó, chỉ có thể kết luận từ thái độ này là một sự tắc trách và vô cảm.

Thứ ba là thái độ lười biếng và quan liêu. Thư trả lời cho người dân kiến nghị đáng lẽ phải được đánh máy chữ nghiêm chỉnh, nhưng đằng này quan ta lại viết nguệch ngoạc. Thật vậy, chữ viết rất giống như là một người đang học hay mới tốt nghiệp lớp bình dân học vụ.

Lá thư còn thể hiện tính quan liêu của các quan chức công quyền: đó là không hề có một lời cám ơn. Nếu là một người có văn hóa tối thiểu, thì câu đầu tiên (cho dù là viết sẵn) cũng phải có một câu cảm ơn người viết thư kiến nghị, và câu cuối cũng phải có một câu mến chúc hay thân mật nào đó. Nhưng ở đây, lá thư hoàn toàn mở đầu bằng một câu thông báo: “Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã nhận được đơn của ông (bà) đề ngày 21/4/2009” và không có dấu chấm câu. Câu cuối thì viết: “Ủy ban pháp luật của Quốc hội xin thông báo để ông (bà) biết./” Cái dấu “/” có ý nghĩa gì ở đây? Chẳng ai biết.

Nhưng dù có ý nghĩa gì đi nữa thì toàn bộ lá thư thể hiện một thái độ vô lễ, vô văn hóa, bất lịch sự, vô cảm, lười biếng, xem thường người dân, và quan liêu. Một lá thư như thế thật bất xứng với một cơ quan lập pháp cao nhất nước.

Nguyễn Văn Tuấn
------------------------------------

Nhân dịp này làm tôi nhờ lại thời còn đi học. Dạo đó, thầy tôi muốn cho tôi kĩ năng liên lạc (mà ông ấy gọi là communication skill), tức là những kĩ năng như viết thư cho các tập san khoa học, viết thư cho đồng nghiệp quốc tế, cách viết bài phản biện, v.v… Lần đầu viết một lá thư để nộp một bản thảo của một bài báo khoa học cho một tập san y khoa bên Mĩ là lần tôi học nhiều điều. Theo qui ước, phải nói được công trình nghiên cứu là gì, ý nghĩa ra sao, và tại sao nộp cho tập san này (mà không là tập san khác). Nhưng tất cả 3 ý đó chỉ gói gọn 1 trang, vì hơn 1 trang là có thể xem là “thất bại”. Tôi còn nhớ lá thư được sửa đi, sửa lại hơn 10 lần. Từng câu văn, từng chữ được chọn, đến cách sắp xếp margin và font chữ đều được xem xét cẩn thận trước khi gửi đi. Đó chỉ là một lá thư kèm theo bài báo (chứ cũng không phải là bài báo), và nơi gửi chỉ là ban biên tập một tập san (tức đồng nghiệp), mà chúng tôi phải cẩn thận như thế. Ấy thế mà một lá thư mang danh nghĩa của Quốc hội của một nước 86 triệu dân được viết cẩu thả và vô trách nhiệm thì quả là không thể chấp nhận được. Có lẽ ông quan Quốc hội đó nên ghi danh đi học kĩ năng mềm trong giao tiếp là vừa, chứ với đà này thì cách tiếp dân của Quốc hội dễ biến thành một câu chuyện hài hước trong dân gian quá.
Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Úc)


No comments: