Wednesday, May 13, 2009

KHEN THƯỞNG KẺ GIẾT NGƯỜI

Khen thưởng kẻ giết người!
Thứ tư, 13/05/2009 07:51GMT+7
http://www.nld.com.vn/2009051207034464P1042C1002/khen-thuong-ke-giet-nguoi.htm
(NLĐO)- Tôi đọc báo, xem tivi về vụ Vedan VN, thấy Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên- Môi trường nói rằng, Vedan VN đã bỏ ra chi phí khoảng 50 triệu đến 60 triệu USD để làm công tác bảo vệ môi trường, nước thải ra đã đạt yêu cầu. Ngài bộ trưởng cũng “khoe” đã làm việc với nhiều thế hệ giám đốc Vedan VN và đây là lần đầu tiên bộ trưởng chứng kiến Vedan VN thực hiện lời hứa nghiêm túc như vậy. Ngài bộ trưởng còn mạnh miệng nói: Điều đáng tuyên dương của Vedan VN nữa là trong tình hình kinh tế hiện nay khó khăn, Vedan VN một mặt vừa xử lý môi trường, vừa giữ và tạo công ăn việc làm cho công nhân. Nếu đến cuối năm 2009, Vedan khắc phục hoàn toàn ô nhiễm, Bộ sẽ... khen thưởng.

>
Những “gánh nợ” bên sông Thị Vải
> Một đại diện cho nạn nhân của Vedan
> Thương lượng không xong, sẽ kiện tới cùng !
> Sông Thị Vải còn tiềm ẩn ô nhiễm rất lớn!

Nghe đến đây, tôi tự hỏi không biết ngài bộ trưởng có nhầm lẫn gì chăng? Nói vậy chẳng khác nào khuyến khích người ta phạm tội. Bởi, sau khi phạm tội, chỉ cần anh cải tạo tốt thì sẽ được thưởng ngay.

Ai cũng biết, Vedan VN đã tàn phá môi trường như thế nào, đã giết chết cả một dòng sông, gây biết bao thiệt hại cho bà con nông dân 3 tỉnh, thành Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, TPHCM. Dư luận đã lên án, yêu cầu phải xử lý nghiêm, thậm chí phải xử lý hình sự, phải bỏ tù những kẻ đã hủy diệt môi trường một cách có chủ ý, có tổ chức; phải bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần, sức khỏe… cho bà con nông dân. Thế nhưng, Vedan VN đã phớt lờ tất cả. Và giờ đây, lại có cơ được khen thưởng!

25 tỉ đồng mà Vedan bỏ ra để “hỗ trợ” chẳng thấm vào đâu so với con số 50 triệu- 60 triệu USD mà ngài bộ trưởng cho rằng Vedan VN bỏ ra “để làm công tác bảo vệ môi trường”. Tại sao, ngay từ đầu Vedan VN không làm “công tác bảo vệ môi trường” mà phải chờ đến khi đối diện với pháp luật mới chịu thực hiện?

Tôi hoan nghênh vị đại diện tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã khẳng khái: "Không có chuyện nhập nhằng giữa bồi thường với hỗ trợ. Lãnh đạo tỉnh sẽ làm đến cùng để giúp nông dân đòi quyền lợi!". Người nông dân VN dẫu nghèo tiền, nghèo bạc, dẫu có sống khổ cực, đói nghèo nhưng sẽ không bao giờ ngửa tay nhận những đồng tiền bố thí bẩn thỉu ấy. Đó là một sự sỉ nhục không hơn không kém.

Tôi cũng không nhẹ dạ, cả tin như ngài bộ trưởng về việc Vedan VN sẽ khắc phục hoàn toàn ô nhiễm. Cái sự không tin này có căn cứ. Bởi trên một trang báo hôm nay, đã đăng ý kiến của ngài thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Xuân Cường rằng, Vedan VN vẫn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đó là, “21 hồ xử lý yếm khí chứa nước thải chưa xử lý trên diện tích 14 ha của Vedan VN qua kiểm tra hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cực lớn nếu xảy ra mưa lũ, triều cường. Tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh không chỉ cho cộng đồng xung quanh, mà ngay cả cho người trong nhà máy Vedan VN”.

Như vậy, nếu ngài bộ trưởng không chủ ý bênh vực Vedan VN thì có thể nghĩ rằng, câu nói của bộ trưởng “Nếu đến cuối năm 2009, Vedan khắc phục hoàn toàn ô nhiễm, Bộ cũng sẽ... khen thưởng” chỉ là một câu nói đùa. Có thể là ngài đang chơi chữ và mượn dân gian để ví von:
Bao giờ trạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta… tin mình!

Bành Thị Lệ Thủy (Phường 10- quận 10- TPHCM)


Một Đại Diện Cho Nạn Nhân Vedan
Ô Sin
May 12 2009
http://www.blogosin.org/?p=891
Nhiều người im lặng khi Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói: “Không nên quá nặng nề bàn khái niệm hỗ trợ hay đền bù”. Nhưng, ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng trong cuộc họp hôm 11-5, thì gay gắt: “Không thể muốn đền bù thì đền bù, muốn hỗ trợ thì hỗ trợ”. Có lẽ vì, sinh sống ở địa phương, ông Thới nhìn thấy vấn đề không chỉ là năm hay mười tỷ, mà còn là danh dự của nông dân và danh dự của một nhà nước có kỷ cương, pháp luật.

Ngày 19-9-2008, “sau 8 giờ tranh cãi”, Vedan đã ký thừa nhận “10 nội dung sai phạm”. Sông Thị Vải “chết” là bởi thủ phạm chính Vedan đã xả những chất thải không qua xử lý. Nhiều năm qua, hàng chục ngàn hộ nông dân nuôi trồng thủy sản đã điêu đứng vì nước sông bị ô nhiễm. Với cương vị của một nhà ban hành chính sách, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên hẳn sẽ phải nhận ra trách nhiệm khi thấy pháp luật đã có quá nhiều kẽ hở; đến nỗi: bắt “quả tang” những kẻ âm mưu, gian dối, lắp đặt bí mật đường ống, xả chất thải “giết chết” dòng sông, mà không thể truy tố ra tòa.

Sẽ là xúc phạm nông dân khi gọi khoản bồi thường những thiệt hại ấy là “hỗ trợ”. Những nông dân ấy phải được nhận lại phần thiệt hại do Vedan gây ra mà không phải “thọ ơn”. Đã gọi là bồi thường thì Vedan có thể yêu cầu định lượng. Nhưng, vấn đề là thiệt hại bao nhiêu chứ không phải là có thiệt hại hay không. Chính Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng vừa nhìn nhận: “Khi Vedan ngưng xả thải thì nước sông Thị Vải lại xanh”.

Vedan cứ “cò cưa” vì họ biết, người nông dân có thể nhìn thấy cá chết, lúa chết, chén cơm vơi đi, lu nước đầy cặn; nhưng, nếu đòi “định lượng” thì họ sẽ bó tay. Vedan biết, sẽ có những chứng cứ mà người dân không tự thu thập được, và chưa có ai thực sự giúp nông dân.

Việc các nạn nhân gửi đơn kiện đến Tòa án huyện Long Thành, nơi có trụ sở Công ty Vedan, yêu cầu tòa giải quyết là đúng trình tự tố tụng. Với một vụ án phức tạp như vậy, Tòa hoàn toàn có thể yêu cầu các cơ quan, tổ chức liên quan giúp dân thu thập chứng cứ; hoặc đích thân Tòa thu thập chứng cứ. Tiếc thay, Tòa lại trả đơn vì nông dân không thể chứng minh những thiệt hại của mình.

Ở Đồng Nai, Hội Nông dân đã phải trình thường trực Tỉnh ủy, “xin phép phối hợp với các ngành chức năng”. Tuy nhiên, tại công văn ngày 28-10-2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Hội “hướng dẫn nông dân viết đơn riêng gửi đến Vedan để yêu cầu bồi thường”. Nhưng, có những khi, nông dân mang đơn tới Vedan, cho dù có cả đại diện Hội Nông dân xã đi theo, vẫn không nộp được vì bảo vệ Vedan không cho vào cửa.

Theo ông Bùi Cách Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Môi trường: “Về mặt khoa học, có thể tính toán để đưa ra các con số về ô nhiễm và thiệt hại”. Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, TS Nguyễn Ngọc Sinh cho biết, Hội đã “có nhã ý đứng ra nhận công việc hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở để đòi đền bù đúng pháp luật. Rất tiếc là việc đó vẫn chưa thực hiện được”. Hội Nông dân sở tại thì “vướng chủ trương”, không ai thực sự đại diện cho những nông dân này để mời các nhà khoa học như TS Sinh truy tìm bằng chứng.

Con số mà nông dân, chỉ riêng TP HCM và Đồng Nai, yêu cầu Vedan bồi thường đã lên đến 445 tỷ. Thế nhưng, đến nay Vedan chỉ mới đưa ra mức “hỗ trợ” cho nông dân khoảng 25 tỷ mà thôi. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nói, ông “đã làm việc với nhiều thế hệ Tổng giám đốc Vedan” và, “đây là lần đầu tiên Vedan giữ lời hứa”. Lời hứa mà ông Nguyên nói là Vedan không còn xả nước ô nhiễm ra sông. Nếu pháp luật không nghiêm và nếu nông dân không có ai thực sự là đại diện thì không có gì đảm bảo rằng Vedan sẽ “bồi thường” cũng như trước đây họ chưa từng làm như những gì đã hứa.

Nếu như, ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có thể bày tỏ một thái độ gay gắt với Vedan thì ở Đồng Nai, nơi đặt nhà máy Vedan, thái độ của chính quyền lại khá là “mềm dẻo”. Hội Nông dân phải “xin ý kiến” và không phải là lúc nào họ cũng có thể hành động như ý nguyện của nông dân. Đấy chính là một khoảng trống mà những “đại gia” như Vedan khai thác. Hệ thống Chính trị rõ ràng là phải tìm ra giải pháp, để lấp đầy những khoảng trống ấy, nếu muốn bảo vệ người dân.

Hai tuần trước, ở Biên Hòa, hơn 500 nông dân đã phải bao vây một nhà máy rác vì kiến nghị về tình trạng ô nhiễm ở nhà máy này của họ đã bị bỏ qua. Nếu có một tổ chức có thể giúp làm cho chính quyền lắng nghe đề nghị của họ thì 500 nông dân này đã không phải dùng tới giải pháp ấy. Với những con sông chảy qua nhiều nhà máy như Thị Vải, rất cần có một tổ chức riêng, hoàn toàn độc lập để bảo vệ môi trường, thu thập từ những chứng cứ đầu tiên, phát hiện các thủ phạm và ngăn chặn ô nhiễm từ trong trứng nước.

Chính quyền không thể ra lệnh cho tòa án đứng về một phía. Chính quyền cũng không thể để Vedan xâm phạm quyền lợi của nông dân. Trường hợp của Vedan cho thấy chính quyền không thể “bao sân” mọi việc.


No comments: