Saturday, May 16, 2009

Điểm sách : VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI GIỮA VIỆT NAM và TRUNG QUỐC

ĐIỂM SÁCH
Tên sách: VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC
Nhà xuất bản: Sự Thật, Hà Nội-1979
Người điểm sách: Vũ Doanh
http://daohieu.com/website/?pg=gl&id=653

Việc tôi có được bản photocopy cuốn sách này hoàn toàn là một sự tình cờ. Hôm đầu tháng 5-2009 tôi đang đi dạo trên sân của khu tập thể thì thấy hai cô đồng nát đang ngồi nghỉ chân. Một cô đang cầm trên tay cuốn sách cũ đã mất bìa ngoài, hờ hững lật qua lật lại từng trang sách chứ không ra vẻ đọc. Khi cô gấp cuốn sách lại, như có một sức hút kỳ lạ, tôi lao đến và hầu như giật lấy cuốn sách trong tay cô gái. Cái gì thế này? VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC, nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội-1979, và trên trang cuối là:

Phụ trách bản đưa in:
Phạm Xuyên, Nguyễn Hanh
Trình bày bìa:
Nghiêm Xuân Thành
In 5.100 cuốn, khổ 12,5x19 tại Nhà máy in Tiến bộ-Hà Nội. Số in 528, Số XB 15/79
Xong ngày 15 tháng 4 năm 1979. Nộp lưu chiểu tháng 4-1979.

Đây là cuốn sách do Nhà xuất bản Sự Thật xuất bản từ năm 1979, một tài liệu chính thức của Đảng và Nhà nước được đưa ra công chúng từ 30 năm trước. Với những thông tin trên, bất cứ người nào làm công tác xuất bản hay lưu trữ đều có thể dễ dàng tìm thấy cuốn sách trong kho lưu chiểu của nhà nước, và ngoài cuốn sách đã vô tình rơi vào tay cô đồng nát, tôi tin rằng trong dân chúng vẫn còn một số lượng không ít cuốn sách này.
Tôi hỏi cô đồng nát để mua lại cuốn sách và được trả lời: Cháu không bán đâu! Thế thì cho bác mượn vậy, bác đưa cho cháu năm mươi ngàn, tiền đó là của cháu, bác chỉ mượn một lúc thôi, các cháu cứ ngồi đây chờ, không lâu đâu, bác sẽ trả lại.
Tôi vội vàng cầm cuốn sách chạy ra phố để có bản photocopy và vội vàng quay lại trả cho cô đồng nát bản gốc. Những gì viết trong cuốn sách đã làm tôi xúc động tận tâm can và tôi tin rằng bất cứ ai khi đọc cuốn sách này cũng sẽ có những ý nghĩ và tình cảm như tôi, những ý nghĩ và tình cảm khó đặt tên và viết ra trên trang giấy này. Sau đây là một số trích đoạn tôi muốn chia sẻ cùng các bạn:

Từ xâm canh, xâm cư đến xâm chiếm đất.
Lợi dụng đặc điểm là núi sông hai nước ở nhiều nơi liền một dải, nhân dân hai bên biên giới vốn có quan hệ họ hàng, dân tộc, phía Trung Quốc đã đưa dân họ vào những vùng lãnh thổ Việt Nam để làm ruộng, làm nương rồi định cư những người dân đó ở luôn chỗ có ruộng nương, cuối cùng nhà cầm quyền Trung Quốc ngang ngược coi những khu vực đó là lãnh thổ Trung Quốc.
Khu vực Trình Tường thuộc tỉnh Quảng Ninh là một thí dụ điển hình cho kiểu lấn chiếm đó. Khu vực này được các văn bản và các bản đồ hoạch định và cắm mốc xác định rõ ràng là thuộc lãnh thổ Việt Nam: đường biên giới lịch sử tại đây đi qua một dãy núi cao, chỉ rõ làng Trình Tường và vùng chung quanh là lãnh thổ Việt Nam. Trên thực tế, trong bao nhiêu đời qua, những người dân Trình Tường, những người Trung Quốc sang quá canh ở Trình Tường đều đóng thuế cho nhà đương cục Việt Nam. Nhưng từ năm 1956 phía Trung Quốc tìm cách nắm số dân Trung Quốc sang làm ăn ở Trình Tường bằng cách cung cấp cho họ các loại tem phiếu mua đường, vải và nhiều hàng khác, đưa họ vào công xã Đồng Tâm thuộc huyện Đông Hưng, khu tự trị Choang-Quảng Tây. Nhà đương cục Trung Quốc nghiễm nhiên biến một vùng lãnh thổ Việt Nam dài 6 km, sâu hơn 1,3 km thành sở hữu tập thể của một công xã Trung Quốc, thành lãnh thổ Trung Quốc. Từ đó, họ đuổi những người Việt Nam đã nhiều đời nay làm ăn sinh sống ở Trình Tường đi nơi khác, đặt đường dây điện thoại, tự cho phép đi tuần tra khu vực này, đơn phương sửa lại đường biên giới sang đồi Khâu Thúc của Việt Nam. Tiếp đó họ đã gây ra rất nhiều vụ hành hung, bắt cóc công an vũ trang Việt Nam đi tuần tra theo đường biên giới lịch sử và họ phá hoại hoa màu của nhân dân địa phương. Trình Tường không phải là một trường hợp riêng lẻ, còn đến trên 40 điểm khác mà phía Trung Quốc tranh lấn với thủ đoạn tương tự như xã Thanh Loa, huyện Cao Lộc (mốc 25, 26, 27) ở Lạng Sơn, Khăm Khau (mốc 17-19) ở Cao Bằng, Tà Lùng, Làn Phù Phìn, Minh Tân (mốc 14) ở Hà Tuyên, khu vực xã Nặm Chay (mốc 2-3) ở Hoàng Liên Sơn với chiều dài hơn 4 km, sâu hơn 1 km, diện tích hơn 300 ha. Có thể nói đây là một kiểu chiếm đất một cách êm lặng.
(trang 8, trang 9)

Lợi dụng việc xây dựng các công trình hữu nghị để đẩy lùi biên giới sâu vào lãnh thổ Việt Nam.
Năm 1955, tại khu vực Hữu Nghị Quan, khi giúp Việt Nam khôi phục đoạn đường sắt từ biên giới Việt-Trung đến Yên Viên gần Hà Nội, lợi dụng lòng tin của Việt Nam, phía Trung Quốc đã đặt điểm nối ray đường sắt Việt Trung sâu trong lãnh thổ Việt Nam trên 300 m so với đường biên giới lịch sử, coi điểm nối ray là điểm mà đường biên giới giữa hai nước đi qua. Ngày 31 tháng 12 năm 1974, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà đã đề nghị Chính phủ hai nước giao cho ngành đường sắt hai bên điều chỉnh lại điểm nối ray cho phù hợp với đường biên giới lịch sử nhưng họ một mực khước từ bằng cách hẹn đến khi hai bên bàn toàn bộ vấn đề biên giới thì sẽ xem xét. Cho đến nay họ vẫn trắng trợn nguỵ biện rằng khu vực hơn 300 m đường sắt đó là đất Trung Quốc với lập luận rằng không thể có đường sắt của nước này đặt trên lãnh thổ nước khác.
Cũng tại khu vực này, phía Trung Quốc đã ủi nát mốc biên giới số 18 nằm cách cửa Nam Quan 100 m trên đường quốc lộ để xoá vết tích đường biên giới lịch sử, rồi đặt cột kilômét số 0 đường bộ sâu vào lãnh thổ Việt Nam trên 100 m, coi đó là vị trí đường quốc giới giữa hai nước ở khu vực này.
Như vậy họ đã lấn chiếm một khu vực liên hoàn từ đường sắt sang đường bộ thuộc xã Bảo Lâm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam dài 3,1 km và vào sâu đất Việt Nam 0,5 km.
(trang 10)

Đơn phương xây dựng các công trình ở biên giới lấn sang đất Việt Nam.
Trên đoạn biên giới đất liền cũng như ở các đoạn biên giới đi theo sông suối, tại nhiều nơi, phía Trung Quốc đã tự tiện mở rộng xây dựng các công trình để từng bước xâm lấn đất.
Tại khu vực mốc 53 (xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) trên sông Quy Thuận có thác Bản Giốc, từ lâu là của Việt Nam và chính quyền Bắc Kinh cũng đã công nhận sự thật đó. Ngày 20 tháng 2 năm 1970 phía Trung Quốc đã huy động trên 2.000 người kể cả lực lượng vũ trang lập thành hàng rào bố phòng dày đặc bao quanh toàn bộ khu vực thác Bản Giốc thuộc lãnh thổ Việt Nam, cho công nhân cấp tốc xây dựng một đập kiên cố bằng bê tông cốt sắt ngang qua nhánh sông biên giới, làm việc đã rồi, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên sông và ở cồn Pò Thoong, và ngang nhiên nhận cồn này là của Trung Quốc.
(trang 11, trang12)
hết trích

Tôi nghĩ rằng sự thật lịch sử dù có nằm yên trong tủ sách của một gia đình nào đó và một ngày đẹp trời rơi vào tay cô đồng nát rồi đến tay tôi, thì nó vẫn là sự thật lịch sử có sức lay động trái tim của bất cứ công dân Việt Nam nào. Với ý nghĩ đó, tôi xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách cũ này.
Vũ Doanh

ĐỂ MINH HỌA, KỲ TỚI CHÚNG TÔI XIN PHÉP CÁC TÁC GIẢ VÀ NHÀ XUẤT BẢN SỰ THẬT TRÍCH DẪN THÊM MỘT SỐ ĐOẠN TRONG TÁC PHẨM QUAN TRỌNG VÀ QUÝ GIÁ NÀY

----------------------------------

Độc giả hãy lưu giữ hai tập tài liệu quan trọng về vấn đề biên giới Việt – Trung, tại đây :


Sự thật về quan hệ VN & TQ trong 30 năm qua (Nhà xuất bản Sự Thật)
http://www.4shared.com/get/79560779/22f8924a/S_tht_quan_h_VN_TQ.html

Về vấn đề biên giới Việt - Trung
(Nhà xuất bản Sự Thật)
http://www.4shared.com/file/79560509/6e3dd0e3/Ve_van_de_bg_VT.html

hay tại đây :


-
Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc
http://x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=21815

-
VẤN ĐỀ BIÊN GIỚI GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC
http://x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=21840

No comments: