Hoa Kỳ triển hạn các biện pháp trừng phạt Miến Điện
Trọng Nghĩa, Thanh Thủy
Bài đăng ngày 16/05/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 16/05/2009 14:18 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/113/article_3538.asp
Trong một bức thư gởi Quốc Hội vào hôm qua, tổng thống Barack Obama đã thông báo quyết định kể trên. Lý do : chính sách của tập đoàn Quân sự Miến Điện vẫn đe dọa nghiêm trọng lợi ích của Mỹ.
Biểu tình đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi trước tòa đại sứ Miến Điện tại Malaysia. (Ảnh : Reuters)
http://www.rfi.fr/actuvi/images/113/birmanie_160509_200.jpg
Hoa kỳ triển hạn các biện pháp trừng phạt Miến Điện vào lúc tập đoàn quân sự cầm quyền bị cực lực lên án về âm mưu kết án tù lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi.
Trong một bức thư gởi Quốc Hội Mỹ vào hôm qua, tổng thống Barack Obama đã thông báo quyết định kể trên.
Theo ông, chính sách của Tập đoàn Quân sự Miến Điện vẫn đe dọa nghiêm trọng lợi ích của Hoa Kỳ, do đó Washington cần phải duy trì các biện pháp trừng phạt để đối phó.
Các biện pháp trừng phạt Miến Điện đã được Washington ban hành vào năm 1997, và từ đó đến nay đã nhiều lần được tăng cường nhằm buộc chế độ quân phiệt Miến Điện chấm dứt đàn áp phong trào dân chủ, đối thoại với Liên Đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi.
Tổng thống Mỹ đã quyết định triển hạn lệnh trừng phạt Miến Điện vào lúc chính quyên nước này đang bị cực lực tố cáo vì đã cho bắt giam lãnh tụ đối lập để chuẩn bị đưa bà ra xét xử với những tội danh không có cơ sở.
Xin nhắc lại là tập đoàn quân sự Miến Điện vừa cho bắt giam bà Aung San Suu Kyi tại nhà tù Insein ở Rangoun vào hôm thứ năm vừa qua, và sẽ đưa bà ra xử vào thứ hai tới đây về tội ''vi phạm lệnh quản chế'' khi để cho một người Mỹ vào tư dinh của mình, bất chấp thực tế là nhân vật này đã tự ý hành động như vậy và không chịu bỏ đi cho dù đã được chính bà Aung San Suu Kyi yêu cầu.
Từ hai ngày nay, nhiều tiếng nói từ Âu sang Á đã vang lên tố cáo chính quyền Miến Điện ngụy tạo tội danh để kết án lãnh tụ đối lập.
Tại Hoa Kỳ, hai thượng nghị sĩ hàng đầu, John Kerry thuộc đảng Dân chủ và Richard Lugar, thuộc đảng Cộng hòa đã kêu gọi chính quyền Miến Điện trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi trong một bản tuyên bố chung.
Còn Cao uỷ Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, Navy Pillay, lấy làm tiếc là bà Aung San Suu Kyi tiếp tục bị truy bức và ông yêu cầu tập đoàn quân sự hãy ngay tức khắc trả tự do vô điều kiện cho nhà lãnh đạo đối lập.
Trong khi đó Ủy ban Nobel Na Uy hôm qua đã gửi một bức thư đến đại sứ Miến Điện để cực lực phản đối cách đối xử của chính phủ nước này đối với bà Aung San Suu Kyi, giải Nobel Hoa Bình năm 1991. Theo chủ tịch Ủy ban Nobel, quyết định của chính quyền Miến Điện đi ngược lại với các luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jose Manuel Barroso, cũng làm lấy tiếc là chính quyền Miến Điện đã bắt giam bà Aung San Suu Kyi và ông tuyên bố là sẽ làm hết sức mình để tạo đối thoại giữa các phe ở Miến Điện nhằm xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho nước này.
Trong số các nhân vật ở phương tây lên tiếng phản đối còn có cựu tổng thống Tiệp Khắc,Vaclav Havel. Trong một bức thư ngỏ gửi đến các báo đài Séc, ông kêu gọi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki Moon, phải có hành động để bà Aung San Suu Kyi được trả tự do ngay tức khắc và vô điều kiện.
Về phần các nước Á châu láng giềng của Miến Điện, đến này có Inđônêxia và Singapo đã trực tiếp kêu gọi trả tự do cho nhà lãnh đạo đối lập Miến Điện. Còn thủ tướng Thái Lan thì tỏ ra quan ngại cho sức khoẻ của bà Aung San Suu Kyi.
Hai tổ chức bào vệ nhân quyền, Amnesty International và Human Rights Watch đã kêu gọi Hiệp hội Asean phải đòi Miến Điện trả tự do ngay tức khắc cho bà Aung San Suu Kyi. Đồng thời hai tổ chức này cũng kêu gọi ba nước quan trọng nhất ở châu Á, tức Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, gây áp lực lên Miến Điện.
No comments:
Post a Comment