Saturday, May 16, 2009

GIẤC MƠ BIA RÙA (Truyện ngắn)

Giấc mơ bia rùa
Truyện ngắn của Nguyễn Quang Thân
http://tacpham.googlepages.com/15332233
Trong số bạn bè đông đúc, chẳng ai luôn cùng tôi lẽo đẽo theo nhau nhiều đoan đường đời như thằng Kiêu. Tôi với nó cùng học trường làng, rồi cấp hai, cấp ba, chỉ buông nhau ra khi tôi vào đại học. Của đáng tội, nói thằng Kiêu học lớp này, lớp kia, bằng này bằng nọ thì cũng là một cách nói. Dù là bạn thân nhất của nó, tôi cũng không hiểu nổi vì sao nó lại có thể “hóa rồng”, qua được các kỳ thi tiểu học và trung học! Người ta thường nói mồm miệng thay tay chân nhưng nó thì lấy “cần cù bù trí óc”. Được cái Kiêu tên vậy nhưng là đứa khiêm tốn. Nó thường nhăn nhở cười khi tôi chê nó dốt: “ Kiếp trước tao là con bò mà!” Bó tay chấm com!
Thi hỏng đại học, con nhà giàu ( bố nó làm chủ tịch huyện mười mấy năm, kiếm ăn cũng khá) nhưng nó không “kiên trì” ôn tập để thi lại mà xin đi làm. Các bạn có thể tưởng tượng nó xin việc gì không? Làm chân canh nhà xác bệnh viện huyện! Số là, chân việc này bỏ trống mấy tuần rồi, người nào cũng trụ được nhiều lắm vài tháng là tháo chạy. Mà nhà xác thì không thể không có ai trông coi mỗi ngày. Y tá, bác sĩ phải thay phiên nhau trực. Khi nghe tin con trai ông chủ tịch chịu hứng việc bèo đó, cả bệnh viện huyện mừng rơn. Ông chủ tịch chỉ tủm tỉm cười: “Cháu nó dốt, không làm được kỹ sư bác sĩ giúp người sống thì coi người chết vậy!” Ai cũng khen. Khen ông con chịu khó. Khen ông bố thanh liêm. Vào tay người khác ấy a, bèo nhất cũng xếp được cho con chức mõ tòa!

Sáu tháng sau ngày vào đại học X, tôi ngạc nhiên gặp thằng Kiêu trong sân trường. Nó bảo lên tập trung một tháng học tại chức. Hỏi kỹ hơn, nó bảo chuyện này “ông bô” tính kỹ lâu rồi. Huyện có chỉ tiêu, ưu tiên cho cán bộ, công nhân thành phần cơ bản, công việc độc hại, nặng nhọc. Không cho nó đi tại chức thì cho ai! Vậy là mỗi năm Kiêu lại đến chỗ trường tôi học vài tháng. Hồi thi tốt nghiệp nhờ cùng vần K với nhau nên tôi cho nó chép bài thi, y chang như máy photo, ông giám thị biết nhưng không nói gì. Sau mấy ngày ông ấy gặp thằng Kiêu, thủ thỉ thế nào đó mà ba tháng sau được đề bạt làm hiệu phó trường cấp ba của huyện. Nay nó đi tại chức, lại cùng trường, sao tôi không giúp nó chuyện trả bài được? Vả lại, đời sinh viên đói meo, giúp nó thì nó giúp lại. Hễ có lớp tại chức của Kiêu tập trung là y như sau đó tôi lên mấy kilô, có khi nó còn trả tiền trước cả ngàn!

Thấm thoắt thoi đưa, tôi sửng sốt khi mình đang đánh vật với năm thứ tư thì Kiêu lên đặt hàng cái khóa luận tốt nghiệp. Vậy là nó sẽ lãnh bằng cử nhân trước cả tôi! Tại chức mà! Tại chức mà kéo dài thì mất công tốn của Nhà Nước lắm, có học một thế kỷ nữa cũng thế thôi. Tôi nghiệm ra, mọi con đường đều đến La Mã nhưng đường ngắn nhất là học tại chức!
- Bố tao bảo đưa mày chẵn hai ngàn cái khóa luận, mày chịu không?– nó hỏi.
Tôi OK liền! Có gì đâu, lên thư viện trường lục kho tư liệu mấy khóa trước, chép lại cái mình thấy dùng được rồi điều chỉnh kiểu make-up cô dâu đến mức chú rể cũng không thể nhận ra vợ mình nữa. An toàn tuyệt đối khi sự vụ rơi vào một thằng sinh viên đang cần tiền mà lại giàu trí khôn như tôi.
Khóa luận của Kiêu do tôi make up hộ, được chọn bảo vệ toàn khoa. Quá ư thành công. Kiêu không cho tôi biết bố nó tốn bao nhiêu cho tất cả vụ này. Giáo sư hướng dẫn, người phản biện, ba ông bà hội đồng, cả cô tiếp nước hôm đó cũng có phong bì. Lại còn một bữa chén túy lúy càn khôn nữa. Nhìn cậu lái xe của bố nó kìn kìn khuân vào phòng cả một đống hoa, nào bó, nào lẳng từ bạn bè cơ quan huyện gửi tặng, tôi phát thèm. Tôi nghĩ, bố cu Kiêu đã biết trước khóa luận con mình được chọn thủ khoa, ổng là người chia bài mà!
Người vui nhất hôm đó có lẽ là tôi. Tôi đưa cái phong bì lên môi hôn. Thời ấy còn ăn bo bo, năm đồng một bát phở, hai ngàn là số tiền khổng lồ với một thằng sinh viên khố rách áo ôm như tôi.

Có bằng đại học rồi, đương nhiên Kiêu không làm chân coi nhà xác nữa. Một năm sau tôi về làng, bà con trong họ bảo nó đã lên chức trưởng phòng tài vụ bệnh viện. Tôi chẳng ngạc nhiên. Khóa luận của nó có tựa là: “ Hạch toán trong một trung tâm y tế”, nghe sơ sơ như tên một bài báo vậy.
Từ nơi công tác về hội trường sau ba năm tốt nghiệp ( tôi có bằng sau Kiêu một năm) tôi gặp Kiêu. Trông nó bây giờ oai lắm nhưng vẫn dễ thương, khiêm tốn. Nó vẫn xưng em với tôi như ngày nào, nói: “ Em về thi nghiên cứu sinh đi Liên Xô!” Tim tôi muốn rụng xuống đất nhưng vẫn ướm lời: “ Có cần mình giúp gì không?” Nó thật thà đáp: “ Mọi việc bố em lo hết. Bố em đã lên tỉnh được một năm nay.” Vậy đó, ổng luôn lo mọi thứ cho nó mà đã lo cái gì đều thành công rực rỡ cái đó. Dù sao ông cũng là quan chức ưu tú, ngoài việc mua đất mua nhà vẫn còn biết đầu tư “phần hồn” cho con trai. Nhưng liệu ông có lo được cho nó món tiếng Nga? Tôi rụt rè: “ Ngoại ngữ thì sao?” Nó thản nhiên: “ Em tự học cách đây một năm rồi, khỏi lo anh!”
Nó rủ tôi đi uống cà phê. Tôi biết ngồi với thằng này thường chán lắm, không biết chuyện gì. Nhưng lần này thì khác. Tôi quên là nó sắp thành phó tiến sĩ. Nó muốn diễn trò trí thức. Bàn chuyện đông tây nam bắc. Chuyện đọc cái này, cái kia. Tôi nhắc đến cuốn sách nhỏ gây chấn động ở Liên Xô thời đó đang rục rịch rã đám. Nó hào hứng: “ Em đọc bản tiếng Nga rồi, hay lắm!” Lại muốn rụng tim nữa. Cuốn này tôi chỉ mới đọc dần hàng tuần qua bản tiếng Pháp của tờ “Les nouvelles de Moscou” ( Tin tức Mạc Tư Khoa), sao ở tỉnh lẻ mà nó có bản tiếng Nga sớm thế? Nó giải thích: “ Đúng rồi, khéo em đọc bản tiếng Pháp mà cứ tưởng là tiếng Nga! Kiếp trước em là con bò mà!”. Không sao, sự nhầm lẫn trong kiến thức là bình thường cả với những người có kiếp trước là nhà thông thái.

Nó đi Liên Xô thật. Bốn năm sau nó về, tấm bằng đỏ phó tiến sĩ trong tay. Học hành vất vả thế mà béo trắng, sởn sang như bốn năm đi ăn tiêc. Nó cười hì hì: “ Bố em cấp vốn cho em mang sang một va ly đồng hồ con cua, một đô một cái. Sang bán cho mấy ông “Nga ngố” đi tán gái bảy đô. Em thuê chúng nó hết. Bên ấy có hai loại nghiên cứu sinh. Loại một, học giỏi thì học thuê cho loại dốt. Loại con bò như em thì đi buôn trả tiền cho loại kia. Cuối cùng thì thằng nào cũng “phó tiến sĩ”.

Hai năm sau nó thư cho tôi: “ Anh King ơi, chính phủ đã ra quyết định em thành tiến sĩ ( Theo thông tư số…ngày…tháng…năm) Anh mừng cho em đi. Từ thời Lê Trung Hưng đến nay huyện nhà chúng mình chỉ có ba ông tiến sĩ thôi đấy, bố em bảo: mày là người thứ tư!”. Bó tay chấm com!

Tôi mặc cảm về sự dốt nát, khờ khạo, chậm tiến, không may của số phận mình, không chơi, không liên lạc với nó nữa. Cử nhân mà chơi với tiến sĩ thì cũng hơi rầu.

Bỗng gần đây, khi cả hai đứa đã đến quãng đời xế chiều, nó gọi điện thoại cho tôi từ nơi nào đó, từ cương vị nào đó tôi không biết. Có thể nó được đề bạt lên cái gì đó rồi cũng nên. Bởi giọng tự tin, oai vệ, bởi nhịp cười sung mãn. Nó nói vỡ cả tai nghe: “ Ông anh ơi, em sắp được đục tên lên bia đá! Bia có cụ rùa đội hẳn hoi đấy nhé! Anh không tin sao? Em đã chính thức liên lạc với cái Trung Tâm ấy rồi. Có cả một ông cựu thứ trưởng, một ông cựu giám đốc bảo tàng phát minh ra và lo chuyện này chớ bộ. Nhưng tên em sắp lên bia đá! Hu Hu! Cả huyện mình chỉ có ba ông tiến sĩ mà chẳng có ông nào được vào Văn Miếu. “Mày là người đầu tiên” bố em bảo thế. Anh mừng cho em đi! Thôi, em phải gọi điện về cho cụ. Cụ về hưu lâu rồi, đang ở quê, thấp thỏm chờ em báo tin về. Chắc cụ mừng hết hơi!”

Lần này tôi không bó tay chấm com mà hào hứng hẳn lên. Tôi sẽ mở công ty khai thác đá xanh, đá granit, độc quyền. Hai ngày sau, đang tự sướng vì cái đề án khai mỏ đá của mình, tôi lại nhận điện thoại của Kiêu. Nó nói như mếu: “Anh ơi, ông cụ em mất rồi! Ổng vỡ tim khi em báo cho ổng chuyện chắc chắn tên em sẽ lên bia rùa. Em ngu quá, giá thư thả hẵng gọi cho cụ. Kiếp trước em là con bò mà!” Thằng này khi nó khóc nó khiêm tốn thật tội, thật dễ thương.

Tôi hoang mang. Có người nói, một thời, vì tình hữu nghj, nếu dắt một con bò sang bên kia nó cũng sẽ được cấp bằng tiến sĩ. Sắc sắc không không, lạy Trời, lạy Phật, kiếp trước thằng Kiêu này thật là con bò như nó nói chăng?

2008

Nguồn :
Báo Tết Kỷ Sửu của Nguyễn Quang Thân và Dạ Ngân
acpham.googlepages.com/15332323

No comments: