Chúng ta đang đi về đâu?
Mặc Sơn
http://www.daohieu.com/website/?pg=gl&id=654
Có người nói “Người Trung Quốc thích tạo ra huyền thoại, người Hàn Quốc thích tạo ra bi kịch, còn người Việt Nam thích tạo ra anh hùng”. Tôi không định bàn về sự đúng sai của nó, và nghĩ mình cũng không đủ tầm để bàn về tính cách của cả một dân tộc. Chỉ xin nói những điều mắt thấy, tai nghe về những gì chúng ta đang trải nghiệm hiện nay.
Tác giả Đồ Gàn có lần trên trang daohieu.com đã nói: “Đổi mới là đi ngược lại cái đang có” là một đặc trưng của giáo dục Việt Nam. Tôi nghĩ càng thấy đúng.
Tất cả chúng ta còn nhớ ngày mà “Trường chuyên lớp chọn mọc ra như nấm sau cơn mưa”. Mọi nơi đều phải cố nặn ra các trường chuyên, các lớp chọn, rồi sau đó đồng loạt xóa đi hết, những nơi mà phụ huynh, học sinh có nhu cầu cũng không được phép tồn tại trường chuyên lớp chọn. Khi các bác chủ trương xóa hẳn trường chuyên lớp chọn thì xin thưa rằng các lớp chọn vẫn còn, chỉ khác là nó không được công khai gọi là lớp chọn nữa. Mà như vậy nghĩa là không có lý do gì để anh thắc mắc là con tôi học giỏi mà lại không được vào lớp đó. Vậy muốn vào (lớp đó bao giờ cũng là lớp tập trung các thầy cô tốt nhất của trường ) thì các vị phải đi xin. Các thầy cô muốn dạy lớp chọn để có ”nhiều lộc” cũng phải đi xin. Đến bây giờ thử hỏi các lớp chọn còn không? Các bác cứ hỏi phụ huynh thì biết.Rồi phong trào chống bệnh thành tích trong giáo dục: trường nào cũng phải có tiêu chí là chất lượng của mình phải thấp hơn khi chưa có phong trào này. Như thế mới chứng tỏ là mình không vì thành tích. Và có những trường được khen, có lẽ cái bằng khen không nước nào có ngoài Việt Nam “Có thành tích cao trong việc chống bệnh thành tích trong giáo dục” Thật là tuyệt vời phải không ạ.
Khi tôi đang dạy tại miền núi, có một dạo phong trào xóa tranh tre nứa lá phát triển rầm rộ. Khi báo cáo về thành tích của mình, các bác lãnh đạo huyện phải báo cáo số phòng tranh tre nứa lá ít đi, nếu không thì huyện mình lại không làm tốt phong trào này. Nhưng đến khi các bác nhận ra mình bị quả lừa vì sau đó trên cho tiền để xóa trường tạm thì các bác lại xin báo cáo lại và số phòng học tạm tăng nhanh đột biến.
Chuyện thi cử trong giáo dục cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Từ việc bắt học sinh thi các cấp quá nặng nề, các bác nhà ta bỏ dần các kỳ thi, rồi đây định xóa nốt kỳ thi đại học. Từ chỗ giáo viên buộc phải đánh giá theo một kiểu, không được sử dụng nhiều cách đánh giá khác nhau. Các bác nhà ta đưa trắc nghiệm vào, bắt tất cả các bài thi của học sinh đều phải có trắc nghiệm (Nếu không thì không đổi mới) . Điều này gây khốn khổ cho các giáo viên vùng sâu vùng xa vì không có điều kiện photo bài kiểm tra cho học sinh.
Rồi chuyện dạy của giáo viên. Khi đổi mới, người ta chỉ biết bắt họ phải dạy như thế, như thế… vì đó mới là phương pháp mới. Vì nó phù hợp với xu thế của thời đại, nó phù hợp với nguyên tắc giáo dục hiện đại… còn nó có phù hợp với học sinh của họ không, đã ai chứng minh điều ấy chưa? Điều kiện thực tế có thể dạy như thế được không thì không ai nói đến! Từ chỗ không cho giáo viên tí quyền tự chủ nào, các bác nhà ta đang định kệ mặc họ tự quyết định lấy chương trình và SGK mà dạy. Thử hỏi ai có thể dạy tốt được?
Tác giả Đồ Gàn có lần nói: “Nếu cho các thầy lương thấp thì họ nói lương thấp không chuyên tâm dạy được, cho lương cao thì lại mắc ăn chơi không dạy được”. Tôi chỉ đồng ý với anh một nửa. Đúng là với cơ chế này thì sẽ như thế. Nếu chúng ta có một cơ chế trong đó sự cống hiến, sự tâm huyết với nghề được đánh giá đúng, được tôn vinh thì sẽ khác, nhưng điều đó là gần như không thể, chúng ta đang sống trong một xã hội mà sự dối trá ăn sâu vào gốc rễ của từng cá nhân. Thậm chí trong suy nghĩ của nhiều người những kẻ không biết dối trá là những kẻ đáng thương hại.
Nền giáo dục của chúng ta, xã hội chúng ta cứ thế xoay chuyển từ thái cực này sang thái cực khác.
Có một thời người ta yêu thơ ca đến mức ra ngõ là gặp nhà thơ. Anh nào đi cưa gái mà không thuộc được mấy bài thơ hay coi như chắc thua. Giờ đây kẻ nào mà đọc thơ trước đám đông bị coi là thần kinh có vấn đề.
Có một thời người ta đồng nghĩa nghèo với thanh cao, giàu với xấu xa. Giờ đây người ta đồng nghĩa giàu có với tử tế, tài giỏi còn nghèo đồng nghĩa với ngu dốt và xấu xa.
Có một thời người ta chỉ tôn trọng trình độ mà coi thường tiền tài, giờ đây người ta chỉ coi trọng tiền bạc và quyền lực mà coi thường tri thức.
Thử hỏi xã hội của chúng ta sẽ đi về đâu? Đi về đâu khi người ta cứ cố chấp, khi người ta cứ quay ngoắt 180 độ như vậy. Người ta cố chấp không quên đi những gì là quá khứ. Sau 30 năm chiến tranh, những người ở hai đầu chiến tuyến vẫn thù hằn nhau. Nhưng sau 30 năm chiến tranh biết bao lần những gì là chân lý hôm nay ngày mai bị đạp đổ.
Không riêng gì trong giáo dục…
No comments:
Post a Comment