Monday, May 11, 2009

CHẾ LINH TRẢ LỜI PHỎNG VẤN

Phỏng Vấn Ca Sĩ Chế Linh
5/11/2009 1:09:22 AM
http://www.take2tango.com/?display=6939
LTS: Gần đây các tin tức liên quan đến “sinh hoạt” của nam ca sĩ Chế Linh chợt nở rộ trên mạng, nào là chuyện “thường xuyên” ra vào Việt Nam, kiến nghị chống khai thác quặng Bauxite ở Tây nguyên, và mới nhất là câu nói “lính nào cũng là lính” khi được một bộ đội Việt cộng yêu cầu hát trong cuộc trình diễn ngày 1.5 vừa qua tại Melbourne, nơi có đông đảo người Việt tị nạn cư ngụ tại Úc châu.

Chế Linh trong cuộc phỏng vấn với VNTB tại báo quán ở Cabramatta (hình Nguyễn Toàn).
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/05-2009/Tuan%207/CheLinh-01.jpg

Để tìm hiểu thêm về những vấn đề này, ca sĩ Chế Linh đã dành cho Văn Nghệ tuần báo cuộc phỏng vấn sau đây.

Hỏi: Anh đã về Việt Nam bao nhiêu lần?.
Đáp: Tôi đã vào Việt Nam 2 lần, một lần với phái đoàn Unesco của Liên Hiệp Quốc, và lần thứ nhì là để tham dự Lễ hội Truyền thống của dân tộc Chăm – một lễ hội lớn nhất hàng năm của người Champa, mà tôi là một “thành viên” xuất xứ từ sắc tộc này.

Hỏi: Sau khi vào Việt Nam và trở ra, anh đã có những hoạt động chống lại nhà cầm quyền CSVN. Tại sao thế?.
Đáp: Trong hai lần viếng thăm này, tôi đã đi thăm một số các di tích lịch sử có nguồn gốc văn hóa từ người Chàm – để mình biết cái nào cần tu bổ, cái nào không. Và tôi thấy nhà nước CSVN thực sự không quan tâm đến việc duy trì và bảo vệ các di tích, thậm chí còn để hoang phế hoặc phá hủy. Nhưng trái lại các Tháp Chàm ở Nha Trang, ở Phan Rang... lại được chăm sóc rất kỹ chỉ vì những nơi này thu hút được khách du lịch và đem đến lợi nhuận cho họ. Khi ra hải ngoại tôi định lên tiếng về vấn đề này trước, nhưng lại có thêm vấn đề sôi bỏng hơn xảy ra trong thời điểm này, là việc nhà cầm quyền CSVN cho TQ khai thác quặng mỏ Bouxite nên Chế Linh đã chú tâm vào vấn đề thời sự này nhiều hơn.

Hỏi: Anh làm việc này do sự ủy nhiệm của một tổ chức, đoàn thể, hay cá nhân?.
Đáp: Tôi thực sự quan ngại về vấn đề nhà cầm quyền cho TQ khai thác quặng Bouxite ở Tây nguyên không chỉ tai hại riêng cho các dân tộc thiểu số mà còn cho cả tương lai đất nước nữa, nên tôi sau khi đã hội ý với các vị trưởng lão trong nước và các người dân đang sống trong lo âu, sợ hãi lẫn tuyệt vọng – để lên tiếng thay cho những người không có cơ hội bày tỏ nỗi niềm ấy.

Hỏi: Dân tộc Chàm gần như đã “hội nhập” vào với đất nước Việt Nam? Làm sao họ có “lực” để mà tranh đấu?.
Đáp: Anh nói đúng, nhưng đây là một hiểm họa cho cả đất nước chứ không phải chỉ dân tộc Chàm thiểu số chúng tôi. Chính vì thế mà anh thấy ngay chính các vị thức giả ở trong nước cũng đã lên tiếng một cách mạnh mẽ. Còn ở hải ngoại thì nay đã trở thành một phong trào có rất đông các Hội Đoàn tham gia.

Hỏi: Anh đã làm những gì cho nguyện vọng của người Chàm trong nước?.
Đáp: Đầu tiên Chế Linh đã phổ biến lá thư kêu cứu với tập thể người Việt đấu tranh ở hải ngoại để xin cùng tiếp sức. Và tiếp theo là một Kháng Thư gửi cho TTK Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Canada, và các vị lãnh đạo các quốc gia có người Việt tị nạn, trong đó có cả Thủ tướng Kevin Rudd của Úc. Tôi mong ước hành động của tôi sẽ cùng hiệp lực với các tổ chức khác để gia tăng áp lực lên nhà cầm quyền CSVN để họ thay đổi một việc, mà ai cũng cho rằng rất tai hại cho đất nước và con người Việt Nam.

Hỏi: Nhà cầm quyền có đền bù khi lấy đất khai thác?
Đáp: Người Chàm chúng tôi chỉ biết làm rừng, làm rẫy và làm ruộng. Vấn đề ở chỗ là họ sẽ đi đâu, làm gì, trong những năm tháng sắp tới! Còn đất thì họ còn bám đất để sống, chứ mất đất là họ mất tất cả, dù có cầm trong tay một số tiền bồi thường nào đó!

Hỏi: Trong một cuộc trình diễn văn nghệ mới đây tại Melbourne, anh có nói “Người lính nào cũng là lính...” khi có một người Bộ đội yêu cầu anh hát. Điều này đã gây sự bất mãn từ một số người lính VNCH. Anh giải thích sao về vụ này?.
Đáp: Thưa anh, trong giờ nghỉ giải lao, có một anh xưng là Trung úy Bộ đội tên Hải đến Úc du lịch thăm người nhà, yêu cầu Chế Linh hát bài “Đêm buồn tỉnh lẻ” và “Trên 4 vùng chiến thuật”. Tôi thấy việc một người lính VC mà “chịu” nghe và biết những nhạc phẩm hát cho người VNCH như vậy là điều khá lạ, nên tôi rất mừng và đáp ứng ngay, bằng cách mời anh ta và những người tham dự cùng nghe để nhớ về một thời chinh chiến.
Tôi thực sự sung sướng khi thấy bà con mình chú ý rất kỹ, khi lên tiếng về điều mà Chế Linh đã nói trước khi hát 2 bản nhạc ấy. Điều đó chứng tỏ đồng bào ở Úc không lơ là, tức là mọi lời nói, hành động của mình... đều được lắng nghe và phân tích, như vậy cuộc đấu tranh về mọi mặt mới chính xác. Nhân dịp này tôi hết lòng cảm ơn những người vẫn còn tha thiết đấu tranh cho đất nước, và tôi thành thật xin lỗi nếu có ai đó hiểu lầm thiện ý của tôi qua câu nói không đầy đủ ý nghĩa này.

Hỏi: Nếu nói “lính nào cũng là lính”, anh nghĩ sao khi nhà cầm quyền CSVN đến nay vẫn không công nhận 58 người lính VNCH đã chết trong trận hải chiến bảo vệ Trường Sa vào ngày 19.1.1974 là những vị anh hùng dân tộc, đã xả thân để bảo vệ giang sơn của tổ quốc?.
Đáp: Không thể nào có sự giống nhau ở chỗ này, bởi họ là người bán Trường Sa cho Trung Quốc, còn người lính VNCH chúng ta là những người đem xương máu ra bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa, những mảnh đất mà cha ông chúng ta để lại. Chỉ khi nào người lính CSVN có những hành động tương tự, và nhà cầm quyền CSVN khước từ sự xâm lấn và chiếm đóng của TQ thì lúc đó mới có sự so sánh, còn khi tôi nói “lính nào cũng là lính” chỉ có nghĩa đơn thuần họ là giống nhau ở chỗ ai cũng phải cầm súng trong thời chiến, còn chiến đấu cho ai cho chủ nghĩa nào lại là một chuyện khác!

Hỏi: Từ chuyện “người trong nước” lại yêu cầu những bản nhạc cũ. Anh nghĩ sao về việc “hồi sinh” trở lại dòng nhạc tình cảm quê hương, và nhất là những bản nhạc của một thời chinh chiến cũ lại được ưa chuộng?
Đáp: Có thể nói đồng bào trong nước đã hiểu rõ mọi chuyện sau mấy chục năm chịu đựng, và một trong những cách phản kháng của họ là không chấp nhận các sản phẩm văn hóa trong nước, và tìm về những gì đã một thời bị cấm đoán! Đây là một dấu hiệu rất tốt, ươm mầm cho tự do và dân chủ sẽ trở lại trên quê hương Việt Nam.

Hỏi: Có người nói anh về Việt Nam và không được trình diễn nên đâm ra bất mãn và sinh ra chống đối?
Đáp: Điều này hoàn toàn sai. Cách đây mười mấy năm tôi đã được mời về hát chính thức cùng với Hương Lan, Elvis Phương... nhưng tôi đã từ chối. Và hai lần về mới đây tôi cũng không tham dự bất cứ buổi ca nhạc nào do nhà cầm quyền tổ chức. Lúc tôi về VN, chính ông Nguyễn Công Khế lúc ấy còn là Tổng biên tập báo Thanh Niên đã đến mời tôi tham dự trong chương trình “Duyên Dáng Việt Nam” nhưng tôi cũng
từ chối. Thậm chí họ còn nói rằng “các ca nhạc sĩ hải ngoại muốn được trình diễn trong nước đều phải xuất hiện trên DDVN thì mới được hát ở các nơi khác”, nhưng đối với Chế Linh thì chắc chắn không nằm trong vòng cương tỏa của sự “đòi hỏi” đó!

Hỏi: Sân khấu trong nước “hấp dẫn” rất nhiều ca sĩ tại hải ngoại, bằng chứng là đã có quá nhiều ca sĩ tên tuổi ở hải ngoại trở về VN để hát, thậm chí có người còn ở lại. Vậy tại sao anh lại từ chối?
Đáp: Tôi thấy việc này là không nên và không thể. Bởi nếu tôi hát những nhạc phẩm do tôi sáng tác hoặc do tôi chọn thì họ sẽ không bằng lòng (vì đó toàn là những bản bị cấm). Và điều quan trọng hơn là đối với khán thính giả của tôi tại hải ngoại, những người đã yêu thương và bảo bọc tôi suốt mấy chục năm qua, thì không có lý gì tôi quay lưng lại với họ.

Hỏi: Vậy anh nghĩ gì về việc những ca sĩ hải ngoại về hát ở Việt Nam?
Đáp: Họ có những lý do và cách biện minh theo ý họ. Tôi không dám lạm bàn. Tuy nhiên tôi chỉ mong muốn là họ đừng vì muốn lấy lòng những người cầm quyền ở Việt Nam mà có những lời tuyên bố này nọ, làm phiền lòng những người đã từng ủng hộ và yêu thích giọng ca của họ.

Phần nói chuyện tâm tình:

Hỏi: Ai cũng biết anh là người rất đào hoa, trong cuốn ASIA mới đây anh cũng xác nhận chuyện ấy. Vậy hiện nay anh đang sống với mấy “bà”?.
Đáp: (Cười thoải mái) Thú thật với anh Túy và với độc giả của Văn Nghệ tuần báo, Chế Linh có 4 bà cả thẩy, nhưng mà không phải sống một lúc mà là “kẻ trước, người sau”, vợ thứ nhất ly dị, vợ thứ hai cũng chia tay, bà thứ ba thì chết, còn bà thứ tư thì hiện tại đang sống với tôi tại Canada. Bà vợ cuối này chúng tôi cưới nhau từ Việt Nam. Khi tôi ở tù ra tôi qua Canada trước và làm bảo lãnh, 3 năm sau thì bà ấy qua...

Hỏi: Nhưng tại sao lại có câu “Hoa thơm đánh cả cụm” khi nói về “cuộc đời tình ái” của anh?
Đáp: Dạ đúng! Tôi có lấy hai chị em ruột và những bà này còn ở bên nhà. Kỳ rồi về Việt Nam tôi cũng đến thăm vì mình đã có con cái với họ, và tình nghĩa một thời “đầu ấp, tay gối”.

Hỏi: Tại sao lại có chữ “Lính Chê”? Phải chăng những người lính chiến đấu không ưa giọng ca ủy mị của anh?.
Đáp: Ô... chữ “Lính Chê” này nó đã có trước cả khi Chế Linh ra hát ở các tiền đồn và mặt trận. Đây chỉ là một cách đọc ngược cho vui, chứ khi tôi đến thì các anh chiến sĩ nhào ra và la lên “Lính chê... tới rồi, lính chê tới rồi...” và vui cười hỉ hả, chứ chẳng ai có thái độ gì, chứng tỏ họ “thương” anh gốc Chàm đen thui này nhiều lắm.

Hỏi: Từ trước 1975 cho tới nay ở hải ngoại, bản nhạc nào anh hát được khán giả ưa chuộng và yêu cầu nhiều nhất?
Đáp: Có nhiều bản mặc dù tôi hát đi hát lại mãi mà vẫn được bà con yêu cầu hoài là những bản như: “Mùa Xuân Của Mẹ”, “Đêm Buồn Tỉnh Lẻ”, “Trên Bốn Vùng Chiến Thuật”, “Thói Đời”, “Thành Phố Buồn”..v.v. Và điều đặc biệt là cho đến nay khán giả vẫn chưa muốn nghe Chế Linh hát những bài mới...

Hỏi: Anh là người đã tạo ra một “trường phái”, được nhiều người bắt chước. Theo anh, ai là người sẽ “tiếp nối” dòng nhạc và hơi hướm giống anh?
Đáp: Thực sự tôi rất hãnh diện vì đã có nhiều ca sĩ thành công khi đi vào dòng nhạc quê hương giống như tôi. Tôi cũng bỏ ra rất nhiều thì giờ để hướng dẫn các em muốn đi theo “ánh đèn sân khấu”. Tôi thấy ở hải ngoại thì có Tuấn Vũ, Trường Vũ, Đan Nguyên, Quang Lê... Bên nhà thì có Ngọc Sơn, Mai Quốc Huy... và còn nhiều người nữa...

Chế Linh và Nguyễn Vi Túy.
http://www.take2tango.com/MyFiles/image/News/05-2009/Tuan%207/CheLinh-02.jpg

Hỏi: Anh vẫn chưa trả lời là anh “khoái” ai nhất?
Đáp: Tôi tạm hài lòng nhất với Trường Vũ. Thứ nhất là vì ca sĩ này rất kỹ lưỡng và tánh tình đơn giản. Vì là người Hoa nên anh ấy cũng gặp trở ngại về phát âm, nên khi “bí” thường gọi điện thoại nhờ tôi cố vấn, và khi “chuẩn” rồi thì mới ra hát hoặc thu thanh. Thêm một đức tính khác nữa Trường Vũ là một đứa em biết
trên, biết dưới, và còn biết tôn trọng trong lãnh vực nghệ thuật, khi không dám bỏ show, hoặc làm khó dễ Ban tổ chức như nhiều ca sĩ khác!

Hỏi: Hỏi anh câu cuối. Anh có bí quyết gì mà “trẻ mãi không già”?
Đáp: Tôi chẳng có bí quyết gì cả. Đơn giản thôi, là mình đừng bao giờ “khó chịu” với chính bản thân mình, cứ thản nhiên trước mọi khó khăn và bế tắc. Như tôi, nếu có ai nói xấu, nói sai về mình, hoặc viết báochửi mình, mà mình bực bội, thì mình đã chuốc lấy sự ưu phiền trong trí não. Trái lại tôi chấp nhận mọi sự đến với mình, và sống hài lòng với những gì mình đang có.

Nguyễn Vi Túy thực hiện


1 comment:

Unknown said...

Che Linh biet gi ma noi. Ngay truoc ong nay mang con trai 15 tuoi di vuot bien. Tai sao? De lai thang con trai dau long o vn, so no di nghia vu quan su roi chet. Tha mang no do vuot bien tot hon. Vay Che Linh dau co tinh than yeu nuoc. Ong nay khong co trach nhiem bao ve que huong, khong cho thang con trai dau long` di tong` quan giup nuoc. Chu` lai vo tro len tieng. Che Linh co tieng hat hay truyen cam nhung Che Linh khong co quyen len tieng voi chinh quyen Vietnam. Ca si~ Che Linh suy nghi~ lai di.