Monday, May 11, 2009

BẮC KINH HỌC LÀM SIÊU CƯỜNG

Bắc Kinh học làm siêu cường
Willy Lam*
Nguyên văn: Beijing Learns to be a Superpower, Far Eastern Economic Review, Tháng năm 2009
http://feer.com/essays/2009/may/beijing-learns-to-be-a-superpower
Người dịch: Một thân hữu của viet-studies

Năm 2009 sẽ đi vào lịch sử như là một bước ngoặt trong sự mở mang ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới có thể đã giáng một đòn vào kinh tế Trung Quốc nhưng khó mà cản được giới lãnh đạo Trung Quốc phóng chiếu một cách hăng hái cả quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm. Họ có thể làm được điều đó không chỉ nhờ sức mạnh kinh tế và quân sự tăng nhanh của Trung Quốc mà còn nhờ sự suy giảm ảnh hưởng quốc tế của Hoa Kỳ thời kỳ sau chiến tranh Iraq và sự tan rã của các định chế tài chính của Mỹ.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang đẩy mạnh “nền ngoại giao gần-như-siêu-cường” (quasi-superpower diplomacy) nhằm củng cố sự nổi trội của Trung Quốc trong một trật tự thế giới mới. Mặc dù Tổng thống Barack Obama vừa khởi động chiến dịch thu hút ở châu Âu và châu Mỹ Latin, không thể phủ nhận rằng ông Hồ đã đánh cắp được một ít sự chú ý mà theo truyền thống vẫn dành cho người lãnh đạo của Thế giới Tự do.
Ví dụ, tại buổi chụp ảnh chung của hội nghị G20 ở Luân Đôn mới đây, lãnh tụ Trung Quốc được xếp ngồi cạnh Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị và Thủ tướng Gordon Brown, người chủ trì hội nghị. Truyền thông chính thống Trung Quốc đã đăng tải rất nhiều lời bình luận của các quan sát viên phương Tây rằng hội nghị G20 đã biến dạng thành G2, nghĩa là hội nghị tay đôi giữa siêu cường duy nhất của thế giới và một gần-như-siêu-cường đang nổi lên. Cũng đã có những lời bàn tán về Thời đại Hòa bình kiểu Mỹ-Trung (Pax Americhina / Chinamerica) thống trị địa chính trị của thế kỷ 21.

Hình ảnh Trung Quốc như một con rồng phun lửa cũng đã hiện rõ trên màn ảnh truyền hình khắp thế giới khi Hải quân Trung Quốc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 ở thành phố cảng Thanh Đảo cuối tháng trước. Đại diện quân đội của 29 quốc gia đã chứng kiến tận mắt Hải quân Trung Quốc phô diễn những chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do chính họ chế tạo và những khí tài quân sự tiên tiến. Một tháng trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (Liang Guanglie) đã nói với người tương nhiệm Nhật Bản đang viếng thăm Trung Quốc Yasukazu Hamada rằng Quân Giải phóng Nhân dân (People's Liberation Army - PLA) đang xúc tiến chương trình xây dựng tàu chỡ máy bay. Các chuyên gia phương Tây nghĩ rằng PLA có kế hoạch xây dựng bốn tàu chỡ máy bay trong một thập niên sắp tới. Bắc Kinh cũng đang tháo gỡ các chướng ngại để đưa một phi hành gia Trung Quốc đổ bộ lên mặt trăng vào năm 2015. Tất cả những chuyện này thêm vào một sự phóng chiếu sức mạnh không-gì-cản-nổi rất hiếm hoi trong lịch sử 5000 năm của Trung Hoa.
Ông Hồ, người đồng thời là Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương – tương đương với chức tổng tư lệnh, đã thực hiện những sự điều chỉnh quan trọng đối với các chính sách an ninh và ngoại giao của những người tiền nhiệm. Ông Đặng Tiểu Bình, vị trưởng lão đã quá cố, từng đặt ra một loạt phương châm từ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990: trong chính sách đối ngoại, “giữ tư thế thấp và không bao giờ lãnh đạo”; đối với Hoa Kỳ thì “tránh đối đầu, tìm cơ hội hợp tác”. Những phương châm này đã thay đổi một chút vào giữa thập niên 1990; từ giữa thập niên 1990 trở về sau, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đi tiên phong trong cái gọi là “chính sách ngoại giao cường quốc trong bầu không khí toàn cầu có một siêu cường và vài cường quốc”; điều đó có nghĩa là Trung Quốc nên hợp tác với các cường quốc khác như Nga, Nhật Bản, Liên hiệp châu Âu để chuyển hóa “trật tự thế giới đơn cực” do Hoa Kỳ thống trị thành một “trật tự thế giới đa cực”.
Tuy nhiên dưới thời ông Giang, Trung Quốc tiếp tục tránh né những xung đột trực tiếp với siêu cường duy nhất. Và mối quan hệ giữa ban lãnh đạo của ông Giang và chính quyền Bill Clinton nói chung là ổn định. Cũng trong thời gian đó, ông Giang cố gắng thuyết phục các nước láng giềng của Trung Quốc rằng Bắc Kinh gắn bó với chiến lược “trỗi dậy hòa bình”, nghĩa là sự nổi lên của Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với các nước khác.

Ảnh hưởng kinh tế, quân sự và ngoại giao của Trung Quốc đã mở rộng một cách ngoạn mục dưới thời ông Hồ, lên cầm quyền từ cuối năm 2002. Tự coi mình là một gần-như-siêu-cường, Bắc Kinh đã không còn e thẹn lảng tránh những cuộc ganh đua trực diện với Hoa Kỳ, đối thủ cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc. Đối với Bộ Chính trị do ông Hồ lãnh đạo, nền ngoại giao gần-như-siêu-cường có nghĩa là Trung Quốc sẽ mở rộng ảnh hưởng ở tất cả các khu vực, từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho đến châu Phi và châu Mỹ Latin, và trong các tổ chức toàn cầu như Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Chê trách Washington đã không điều hành được các công ty tài chính đa quốc gia của mình, Bắc Kinh đang ráo riết vận động cho một “cơ cấu tài chính toàn cầu mới”, cắt gọt bớt sự thống trị của Mỹ. Điều có ý nghĩa nhất là Bắc Kinh đang cố ngăn cản không quân và hải quân Mỹ thống lĩnh vùng châu Á-Thái Bình Dương. Và PLA đang phát triển hỏa lực đủ mạnh để vượt qua “một chính sách kiềm chế chống Trung Quốc”, giả định là do Mỹ dẫn đầu và bị xúi giục bởi các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines và Úc


Trong một sự điều chỉnh rõ ràng “học thuyết trỗi dậy hòa bình”, các sĩ quan quân đội và nhà phân tích quân sự Trung Quốc nói rằng, để giành được quy chế toàn cầu tương xứng với sức mạnh toàn diện của Trung Quốc, PLA không nên chỉ tìm kiếm những vũ khí tinh xảo mà còn phải thường xuyên chuẩn bị chiến tranh để bảo vệ những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Theo tướng Zhang Zhaoyin, PLA phải từ bỏ học thuyết lỗi thời “xây dựng một quân đội hướng tới hòa bình trong một thời đại hòa bình”. Viết trên tờ nhật báo chính thức Quân Giải phóng, tướng Zhang lập luận rằng “chuẩn bị tác chiến, đánh trận và chiến thắng luôn luôn là nhiệm vụ cơ bản của quân đội”. “Quân Giải phóng PLA phải không bao giờ đi chệch khỏi học thuyết ‘tích cực chuẩn bị chiến tranh, tìm cách chiến thắng mọi cuộc chiến’”, tướng Zhang – đang là Phó tư lệnh quân đoàn ở Quân khu Thành Đô, nói thêm.
Nhà chiến lược Jin Yinan thừa nhận lý thuyết rằng “Trung Quốc không thể trỗi dậy giữa tiếng hót của chim sơn ca và vũ điệu của bầy chim én”, đề cập tới những thú vui bình lặng của thời hòa bình. Ông Jin, giảng dạy tại Đại học Quốc phòng quốc gia Trung Quốc (National Defense University - NDU) chỉ ra rằng trong cuộc tìm kiếm sự vĩ đại, Trung Quốc phải “dò tìm một con đường qua gai góc và cỏ rậm”. “Khi một quốc gia và một dân tộc đã đi tới một khoảnh khắc quyết định, các lực lượng vũ trang thường giữ vai trò rường cột, then chốt” trong việc bảo đảm sẽ đạt được những mục tiêu của quốc gia”, ông Jin nói.

Điều đặc biệt làm các nước láng giềng của Trung Quốc phải cảnh giác là một số sĩ quan diều hâu trong PLA muốn chỉnh đốn lại một học thuyết khác của Đặng Tiểu Bình về cách thức xử lý những vụ tranh chấp chủ quyền với các lân bang. Ông Đặng yêu cầu “gác sự tranh chấp chủ quyền và tập trung vào liên kết phát triển”. Theo Thiếu tướng hải quân Yang Yi, một giáo sư khác của NDU, phương châm của ông Đặng “phải dựa trên tiền đề rằng chủ quyền thuộc về Trung Quốc”. Ông ta cảnh cáo các nước mà ông ta không nêu tên rằng, sẽ là rất “nguy hiểm” nếu nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ không dùng vũ lực đơn giản chỉ vì muốn nuôi dưỡng sự phát triển hòa bình và đánh bóng hình ảnh trên trường quốc tế. “Lực lượng quân sự mạnh là một bức tường thành nâng cao quyền lợi quốc gia”, ông Yang chỉ ra. “Hải quân Trung Quốc là một lực lượng ngăn chặn hùng hậu sẽ cản trở các nước khác vô cớ xâm phạm quyền lợi của Trung Quốc trên mặt biển”.
Đáng chú ý hơn nữa, bình luận viên Huang Kunlun của nhật báo Quân Giải phóng còn nêu lên ý niệm về “biên giới quyền lợi quốc gia”. Ông Huang lập luận rằng, quyền lợi quốc gia của Trung Quốc vượt xa ra ngoài lãnh thổ, lãnh hải và không phận để bao gồm cả những khu vực như các đại dương mênh mông mà các tàu chở dầu của Trung Quốc qua lại, cũng như khoảng không vũ trụ. “Các quyền lợi quốc gia của chúng ta mở rộng tới đâu thì đó là nhiệm vụ của lực lượng vũ trang”, ông Huang viết. “Do nhiệm vụ lịch sử mới của chúng ta, các lực lượng sẽ không chỉ bảo vệ ‘biên giới lãnh thổ’ mà con bảo vệ cả ‘biên giới quyền lợi quốc gia’”. “Chúng ta cần phải bảo vệ không chỉ các quyền lợi về an ninh quốc gia mà cả những quyền lợi liên quan tới sự phát triển quốc gia [trong tương lai]”, ông ta viết thêm. Cái quan niệm lạ lùng này sẽ làm gia tăng đáng kể phạm vi “hợp pháp” mà quân PLA có thể hoạt động.

Có vẻ hiển nhiên rằng thái độ diều hâu mà các sĩ quan PLA này thể hiện chủ yếu nhắm vào Hoa Kỳ, nước được coi là sự kiềm chế nghiêm trọng nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và chiến lược của ông Hồ chính xác là bước vào khoảng trống trong ảnh hưởng toàn cầu gây ra do sự cạn kiệt sức mạnh của Mỹ. Quân đội Mỹ đã bị trói chân tại Iraq và Afghanistan, ở một mức độ nào đó đã triệt tiêu khả năng của Washington trong vai trò cảnh sát toàn cầu.

Tệ hơn nữa, Hoa Kỳ đã đánh mất phần lớn cơ sở đạo đức – cũng như quyền lực mềm – mà đất nước này từng có. Sự sụp đổ hàng loạt các ngân hàng, công ty tài chính và tập đoàn công nghiệp Mỹ đã thể hiện sự yếu kém trong “mô hình Mỹ về chủ nghĩa tư bản tự do kinh doanh”. Trái lại, “mô hình Trung Quốc” – một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đi kèm với sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước nhiều phương diện của xã hội – đã giành được sự kính nể ở nhiều phần khác nhau của thế giới.

Quan trọng hơn nữa, sự thay đổi cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ đã khích lệ ban lãnh đạo của ông Hồ trong những tính toán địa chính trị của họ. Vào đầu thập niên 1990, chủ tịch lúc ấy là ông Giang Trạch Dân đã nêu cho các cố vấn đối ngoại của mình câu hỏi sau đây: có phải Trung Quốc cần Hoa Kỳ nhiều hơn Hoa Kỳ cần Trung Quốc hay không, và bao nhiêu? Theo định lượng, nếu mức độ cân bằng của sự phụ thuộc lẫn nhau được xác định là 50-50 thì “tỷ lệ phụ thuộc lẫn nhau” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vào đầu tới giữa thập niên 1990 được các chuyên gia Trung Quốc xác định trong khoảng 70-30. Tỷ lệ này thay đổi thành 65-35 vào điểm giao thời giữa hai thế kỷ. Sau cuộc chiến tranh Iraq và đặc biệt sau cơn sóng thần tài chính, một số nhà chiến lược ở Bắc Kinh nghĩ rằng tỷ lệ này hiện thay đổi trong khoảng 60-40 hoặc 55-45.

Những diễn biến gần đây chứng tỏ một thực tế rằng ít nhất trong lĩnh vực kinh tế, một tỷ lệ cân bằng nào đó đã đạt được giữa hai quốc gia. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc thì Trung Quốc cũng là người mua nhiều nhất công trái của chính phủ Mỹ và các loại cổ phiếu khác. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã công khai đặt nghi vấn về “sự an toàn” của những tài sản Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ. Chính vì một phần các thực tế này mà chính quyền Obama đã hạ giọng khi phê phán chính sách tỷ giá của Trung Quốc và những cung cách buôn bán gây tranh cãi khác. Washington cũng đã bỏ bớt những lời bình phẩm tiêu cực về thành tích nhân quyền của Bắc Kinh cũng như chính sách của Trung Quốc đối với Tây Tạng và Tân Cương.

Theo ông Chen Xiangyang, nhà chiến lược cao cấp của Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (China Institute of Contemporary International Relations), Bắc Kinh muốn “chiếm thế thượng phong, giành quyền chủ động” trong cuộc ganh đua địa chính trị toàn cầu. “Chúng tôi muốn quảng bá tiếng nói của Trung Quốc, bảo vệ hình ảnh của Trung Quốc và mở rộng quyền lợi quốc gia của Trung Quốc”, ông ta chỉ ra. Một ví dụ là thái độ chủ động “tiên hạ thủ” mà Trung Quốc thể hiện tại hội nghị G20.

Vài tuần trước hội nghị thượng đỉnh tại Luân Đôn vào đầu tháng Tư, Bắc Kinh đã thu hút sự chú ý của thế giới bằng cách đưa ra đề nghị nên dùng “quyền rút vốn đặc biệt” (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thay cho đồng đô la Mỹ làm “đồng tiền toàn cầu mới” mà các quốc gia giữ làm dự trữ. Ban lãnh đạo của ông Hồ còn muốn thúc đẩy tiếng nói của các nước đang phát triển trong Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Trong lúc đề nghị của Trung Quốc về đồng tiền toàn cầu mới không được thảo luận một cách nghiêm chỉnh tại hội nghị Luân Đôn, tư thế của nước này như là một người khởi xướng những sáng kiến toàn cầu được nâng lên rất nhiều.

Một ví dụ khác về sự quyết đoán mới tìm thấy ở Bắc Kinh là cái gọi là “ngoại giao đường đỏ” (red-line diplomacy). Trong các hồ sơ nội bộ, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề cập tới việc “vẽ những đường đỏ” chung quanh các khu vực và các vấn đề được coi là sinh tử đối với quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc mà các thế lực nước ngoài không được phép đụng vào. Ngoại giao đường đỏ đã được triển khai, chẳng hạn, nhằm cô lập đức Đạt Lai Lạt Ma, chủ nhân giải Nobel Hòa bình đang lãnh đạo phong trào Tây Tạng lưu vong. Hồi tháng Ba, chính phủ Nam Phi quyết định ngăn cản Đạt Lai Lạt Ma tham dự một hội nghị hòa bình quốc tế ở Johannesburg. Sau quyết định bất ngờ của Pretoria, một số người được giải Nobel và đã được chính thức mời tham dự hội nghị đã tẩy chay sự kiện này, về sau thì sự kiện cũng bị hủy bỏ.
Trước đó, Bắc Kinh từng “treo” quan hệ bình thường với Pháp sau khi Tổng thống Nicolas Sarkozy gặp gỡ đức Đạt Lai Lạt Ma tháng 11 năm ngoái. Quan hệ đã được phục hồi – và các ông Hồ và Sarkozy đã có một “hội nghị thượng đỉnh mini” ở Luân Đôn – chỉ sau khi Paris đưa ra một tuyên bố nói rằng Pháp không ủng hộ sự độc lập của Tây Tạng.

Cùng thời gian này, chính phủ Trung Quốc rủng rẻng tiền bạc đã cam kết dành ra khoảng 6,62 tỉ đô la Mỹ để khuếch trương “tuyên truyền hải ngoại”, nhằm mở rộng quyền lực mềm ra toàn cầu. Những phương tiện truyền thông nổi bật của nhà nước Trung Quốc, nhất là Đài truyền hình trung ương và thông tấn xã Tân Hoa, sẽ nâng cấp đáng kể các chương trình và cung cấp tin tức theo nhiều ngôn ngữ cho công chúng châu Âu và châu Á. Cũng đã đặt lên bàn thiết kế một kênh thời sự bằng tiếng Anh, rập theo khuôn của đài Al Jazeera nhằm cho phép thế giới nắm được lập trường của Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề từ chính trị, tài chính tới văn hóa và tôn giáo.

Mũi tấn công chủ yếu của chiến dịch tự tán dương và cưỡng ép của Bắc Kinh là nhằm thuyết phục thế giới về tính ưu việt của “mô hình Trung Quốc’ trong cách cai trị. Như ông Yu Keping, một nhà khoa học chính trị của Đại học Bắc Kinh chỉ ra, mô hình Trung Quớc đã “làm phong phú kiến thức của chúng ta về luật pháp và con đường tiến tới sự phát triển xã hội và thúc đẩy sự phát triển nhiều giai đoạn của nền văn minh nhân loại trong thời đại toàn cầu hóa”. Còn theo ông Zhao Yao, giáo sư trường Đảng trung ương, mô hình Trung Quốc đáng được xiển dương tối đa bởi vì “nó đã cứu vớt phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới”. “Thông qua chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc, những triển vọng mới đã mở ra cho chủ nghĩa xã hội”, ông Zhao viết.

Liệu ban lãnh đạo của ông Hồ sẽ thành công trong cuộc cách mạng quyền lực toàn cầu của họ hay không? Phần lớn còn tùy thuộc vào việc liệu Bắc Kinh có muốn và có khả năng hành động như một thành viên tuân thủ luật pháp – cái mà Washington có lần gọi là một ‘cổ đông có trách nhiệm’ – của cộng đồng quốc tế hay không. Tuy nhiên, hình ảnh của Trung Quốc đã bị giáng một đòn nặng nề trong vụ phóng tên lửa liên lục địa gần đây của một nhà nước đồng minh và khách hàng của Trung Quốc: Bắc Hàn. Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ không chê trách Bình Nhưỡng mà còn cố ngăn cản Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặt sự cấm vận mới lên chế độ của Kim Jong-il. Hành vi vô trách nhiệm của Bắc Kinh đã gợi cho thế giới nhớ lại những quan hệ tương tự mà Bắc Kinh duy trì với một loạt nhà nước hạ đẳng như Miến Điện, Sudan, Angola và Zimbabuê.

Một lý do tại sao Bắc Kinh có vẻ chịu đựng chính sách bên miệng hố chiến tranh của Bình Nhưỡng là Trung Quốc muốn dùng “con bài Bắc Hàn” trong bang giao với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn. Tuy nhiên, lập trường bất cần đạo lý của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm cho các nước này và nhiều nước khác xa lánh. Dẫu sao, mặt tiêu cực của chính sách ngoại giao gần-như-siêu-cường của Bắc Kinh nằm ở chỗ nó sẽ trao thêm vũ khí chi những người phê phán Trung Quốc – và tạo lòng tin cho “học thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc”. Học thuyết này hiện đã phổ biến rộng rãi ở một số quốc gia châu Á theo sau thái độ ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh trong những cuộc tranh chấp lãnh thổ gần đây với Nhật Bản (chung quanh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) và với Philippines (chung quanh bãi san hô Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Huang Yan). Nếu những cuộc xung đột này leo thang, có thể nhiều quốc gia bao gồm Nhật Bản, Philippines và Nam Hàn sẽ tìm cách liên kết với Mỹ để tái khởi động một “chính sách kiềm chế” chống lại một nước có thể gần-như-siêu-cường.

Một yếu tố quan trọng cản trở “bước đại nhảy vọt” của Trung Quốc là sự trì trệ của công cuộc cải cách chính trị bên trong nước này. Từ năm ngoái, Chủ tịch Hồ đã khoái trá phục hồi những định chế Mao-ít chẳng hạn như “tập trung dân chủ”, một uyển ngữ chỉ sự khuếch đại quyền lực của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Tự do hóa chính trị đã bị đóng băng. Trong khi đó quyền lực của PLA cũng gia tăng bởi vì vai trò của nó không chỉ là để khuếch trương sự vươn ra toàn cầu của Trung Quốc mà còn để đàn áp khoảng 100.000 vụ phản kháng, bạo loạn và xáo trộn bùng ra mỗi năm ở đất nước Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là nó chỉ trả lời cho một nhóm các cán bộ chóp bu của Đảng Cộng sản như ông Hồ, người cũng đòi hỏi sự ủng hộ của giới quan chức cấp cao để duy trì thế độc tôn của phe nhóm của chính ông ta trong Đảng Cộng sản.

Việc các lực lượng vũ trang Trung Quốc không phải chịu sự kiểm tra và cân bằng đáng kể nào đã làm dấy lên mối quan ngại trong các nước láng giềng của Trung Quốc rằng các tướng lĩnh, có thể vì quyền lợi của riêng họ mà đẩy đất nước vào một chính sách ngoại giao phiêu lưu, theo chủ nghĩa bành trướng. Việc ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc từ chối bãi bỏ những tín điều của Mao Trạch Đông như “sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với các lực lượng vũ trang” và “sự tổng hợp những yêu cầu hòa bình và chiến tranh” đã làm sứt mẻ sức hấp dẫn toàn cầu của mô hình Trung Quốc và làm suy giảm khả năng sống sót của chính sách ngoại giao gần-như-siêu-cường của Bắc Kinh.

* Willy Lam là giáo sư về Trung Quốc học tại Đại học quốc tế Akiat, Nhật Bản và phụ tá giáo sư về lịch sử tại Đại học Trung Hoa, Hồng Kông.


Lên trang viet-studies ngày 10-5-09
http://www.viet-studies.info/kinhte/BacKinh_HocLam_SieuCuong.htm

No comments: