Sunday, May 10, 2009

ÁI HỮU TRUNG HỌC CẦN THƠ HỌP MẶT TOÀN THẾ GIỚI

Ái Hữu Trung Học Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm hội ngộ toàn thế giới
Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt
Friday, May 08, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=94673&z=1

Ðại diện các cựu học sinh Phan Thanh Giản và Ðoàn Thị Ðiểm trong ngày Ðại hội kỳ XIII.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/94673-medium_NVHN-090509-PhanThanhGian%201.jpg

Mười lăm thầy cô của Phan Thanh Giản và Ðoàn Thị Ðiểm được các học trò cũ mời lên để dâng chung trà nhớ ơn Thầy Cô.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/94673-medium_NVHN-090509-PhanThanhGian%202.jpg

ANAHEIM, California (NV) - Trưa hôm Chủ Nhật 3 Tháng Năm vừa qua, trên 600 cựu học sinh hai trường Phan Thanh Giản và Ðoàn Thị Ðiểm, Cần Thơ, đã có một cuộc họp mặt nhau toàn thế giới tại nhà hàng Seafood Kingdom, Anaheim.

Bà Mindy Hà, trưởng ban tổ chức buổi hội ngộ toàn thế giới cho anh chị em cựu học sinh Phan Thanh Giản và Ðoàn Thị Ðiểm, Cần Thơ, lần thứ XIII nói trong xúc động với quan khách và đông đủ báo chí truyền thông rằng: “Mỗi lần tổ chức là một lần mừng rỡ vô cùng vì còn nhìn thấy nhau. Cuộc hội ngộ lần thứ 13 này, Mindy mong anh chị em Phan Thanh Giản và Ðoàn Thị Ðiểm lại gặp gỡ được thêm bạn mới mà những lần hội ngộ trước không đến dự được. Lần hội ngộ thứ 13 này, Mindy rất mừng là được sự tham dự của nhiều thầy cô và anh chị em ở khắp nơi cũng về như thầy Võ Văn Quy từ Việt Nam cách nửa vòng trái đất bay sang, như anh Châu từ Úc cũng lặn lội tới. Rồi các anh chị ở Canda, ở các tiểu bang miền Ðông hôm nay cùng vừa tay bắt mặt mừng với Mindy ở ngoài cửa...”

Có lẽ là một hội đoàn ái hữu “hiền lành” nhất trong sinh hoạt cộng đồng nên những cuộc hội ngộ của ái hữu cựu học sinh Phan Thanh Giản và Ðoàn Thị Ðiểm, Cần Thơ, bao giờ cũng có đông đảo người tham dự, nhất là giới truyền thông báo chí. Trong lần Ðại hội thế giới 13 này, nhiều vị dân cử gốc Việt cũng đã đến với anh chị em như Tạ Ðức Trí, Andy Quách, Tyler Diệp Miên Trường, Dina Nguyễn và Andrew Nguyễn. Phía các hội đoàn cựu học sinh thì đủ mặt, nào Gia Long, Petrus Ký, Chu Văn An, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Ðồng Khánh, Regina Pacis và lại còn có cả các thương gia như Hội Kim Hoàn Nam California nữa.

Tíu tít với nhau không chỉ nơi các bàn tiệc mà tíu tít nhau ngay cả trên sân khấu khi các trưởng vùng được mời lên trình diện. Trưởng vùng Arizona chưa kịp bắt tay với trưởng vùng Texas thì đã bị trưởng vùng Houston chụp lấy. Thế rồi trên sân khấu các trưởng vùng cứ tíu tít với nhau để đến khi ban tổ chức xướng danh lên thì mới biết có đến bảy vùng đã cử đại diện về tham dự đại hội. Ðó là các vùng Arizona, Texas, Houston, Florida, Hawaii, San Jose và Úc. Anh Bùi Hữu Trác ở Úc đã thốt lên rằng “thật là ấm lòng biết bao ở nơi quê người khi chúng ta có được không khí này”. Anh Nguyễn Ngọc Thạch ở Canada, phụ trách tổ chức hội ngộ lần thứ 12, đã trao lại tấm plaque kỷ niệm cho Mindy Hà, người chịu trách nhiệm tổ chức đại hội lần thứ 13, và phát biểu rằng: “Mười hai kỳ đại hội vừa qua, bao giờ các ban tổ chức cũng giữ được truyền thống Tôn Sư Trọng Ðạo của anh chị em cựu học sinh Phan Thanh Giản và Ðoàn Thị Ðiểm”.

Ðiều này lại được thể hiện lại ngay trong kỳ đại hội lần thứ 13 này. Mười lăm thầy cô có mặt đã được các học sinh cũ của mình mời lên trước sân khấu. Có vị các học trò cũ phải lôi kéo mới lên chỉ vì nếp sống nhà giáo thường là nhũn nhặn không muốn phô trương gì, cho dù cả trước mắt học trò cũ.

Nhớ ơn Thầy Cô của các học sinh từng học ở Phan Thanh Giản và Ðoàn Thị Ðiểm nay được thể hiện bằng một món quà nhỏ làm kỷ niệm và một chung trà thơm do các cựu học sinh trong ban tổ chức dâng lên.
Tình thầy trò đã diễn ra trong không khí vừa vui tươi vừa cảm động. Thầy Phan Thanh Thư, cháu năm đời nhà chí sĩ yêu nước Phan Thanh Giản được ban tổ chức nhắc đến đã xúc động nói với chúng tôi: “Nơi lưu lạc xứ người này mà tình thầy trò của thế hệ cũ còn thắm thiết được quả là cái gương tốt cho tuổi trẻ lớn lên ở hải ngoại”.

Phần dâng trà nhớ ơn Thầy Cô chấm dứt thì các nghệ sĩ ca sĩ gốc miền Tây như nữ ca sĩ Băng Châu đã cùng nhau vang lên tiếng hát trong bài ca Về Miền Tây, một bài ca mà thế hệ trước không ai là không thuộc. Bởi vì Cần Thơ cũng là Tây Ðô, một thành phố đông dân vào bậc nhì của Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Con gái Cần Thơ nước da trắng mịn, dáng vẻ hiền hòa như sông nước miền Nam nên trai thanh tứ xứ thường mong có được dịp về lập nghiệp tại Cần Thơ, nhưng chinh chiến tràn lan, có mấy người trai trụ vững được ở một nơi nào...

Nói về trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ, một cựu học sinh Phan Thanh Giản, anh Huyền Vân Thanh, cho biết: “Trường đã bị mất tên ngay khi Cộng Sản cưỡng chiếm được miền Nam và chỉ còn mang tên là 'Phổ Thông Trung Học Cần Thơ' suốt 10 năm trời rồi mới đổi tên là ‘Châu Văn Liêm’. Suốt trong thời gian đó nữ sinh trong trường không có đồng phục, có gì mặc nấy, không còn được mặc áo dài trắng như xưa. Nhưng dù trường có đổi tên là gì đi nữa thì những cựu học sinh chúng tôi vẫn không bao giờ quên được ngôi trường mẹ mang tên Phan Thanh Giản này”.

Nhắc đến nhà yêu nước Phan Thanh Giản mà trường trung học lớn của Cần Thơ lấy làm tên gọi, không thể không nhớ đến cái thiển cận hẹp hòi đến ngu xuẩn của những người Cộng Sản khi họ coi cụ Phan Thanh Giản là “phản quốc” chỉ vì cụ thương dân sợ dân chết nhiều trước sự tấn công tàn phá của quân Pháp mà quân Nam không địch nổi nên đã trao thành phố mà cụ trấn giữ cho quân Pháp không chống cự.
Khi Cộng Sản tràn được vào Cần Thơ, tượng cụ Phan trước Tòa Tỉnh đã bị phá đổ và tên trường cũng như tên phố đã bị thay đổi ngay. Cho mãi đến gần đây, một số các nhà làm văn hóa cho chế độ có liên quan đến tổ chức Văn Hóa Quốc Tế đành phải xét lại tư cách cụ Phan và công nhận tấm lòng yêu nước của cụ. Nhưng tên trường trung học Cần Thơ vẫn chưa được trả lại. (N.H.)

No comments: