Monday, April 15, 2024

TỬ HÌNH TRƯƠNG MỸ LAN CÓ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC TIỀN ĐỀN BÙ CHO 42.000 NGƯỜI BỊ HẠI? (RFA)

 



Tử hình Trương Mỹ Lan có giải quyết được tiền đền bù cho 42.000 người bị hại?

RFA
2024.04.12

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-death-penalty-for-truong-my-lan-provide-compensation-for-42000-victims-04122024141841.html

 

Hôm 11/4, tòa án Tp. HCM tuyên án tử hình bà Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) với cáo buộc tội tham ô tài sản. Đây là vụ án gian lận trong ngành ngân hàng lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay với số tiền mà bà Lan bị cáo buộc đã biển thủ lên đến hơn 12 tỷ đô la, tương đương khoảng 6% GDP của Việt Nam. Nhưng bản án dành cho bà Lan vẫn chưa giải quyết được các câu hỏi về tiền đền bù cho người dân gửi tiền vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) thuộc Vạn Thịnh Phát trong khi án tử hình đối với bà Lan dường như không gây tác động gì lên nền kinh tế, một số chuyên gia nhận định với RFA.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-death-penalty-for-truong-my-lan-provide-compensation-for-42000-victims-04122024141841.html/@@images/5d1a64ad-c1cb-451d-ac6d-59c13cca30eb.jpeg

 Bà Trương Mỹ Lan hầu tòa ở TP. HCM hôm 5/3/2024   (AFP)

 

 

Nạn nhân thật sự của Vạn Thịnh Phát là ai?

 

Bà Trương Mỹ Lan (67 tuổi) bị khởi tố và bắt giam vào tháng 10 năm 2022 cùng một loạt những lãnh đạo thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở TP HCM. Vụ bắt giữ ngay lập tức đã tạo ra làn sóng người dân đổ đến các trụ sở của SCB để rút tiền nhưng không thành công và tiếp đó là các vụ tập trung phản đối SCB/Vạn Thịnh Phát của người dân diễn ra trong nhiều tháng trời ở nhiều tỉnh thành bao gồm Hà Nội, TPHCM…

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh hiện đang định cư tại Mỹ là một trong những người sớm nhất lên tiếng trên mạng xã hội, ngay sau khi vụ án được khởi tố, chỉ ra rằng Nhà nước nói về thiệt hại mà SCB/ bà Lan gây ra, nhưng không nói gì đến việc ai sẽ đền bù cho các khách hàng gửi tiền cho SCB. Sau khi bản án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan được công bố, ông nói với RFA rằng qua phần tranh luận của phiên tòa xét xử Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với bị cáo chính là bà Trương Mỹ Lan, chúng ta có thể thấy bên công tố đã xác định tất cả tài sản của Công ty Vạn Thịnh Phát hoặc của bà Trương Mỹ Lan hầu hết đều là nguồn tiền rút ra từ ngân hàng SCB. Ông phân tích rằng thực tế, theo dõi theo chuyển động của dòng tiền, thì thấy SCB vẫn chỉ là trung gian mà thôi. Nguồn tiền đó là tài sản thuộc sở hữu của hơn 42 nghìn khách hàng gởi tiền vào ngân hàng SCB. Vì thế, 42 nghìn khách hàng mới là nạn nhân đích thực của vụ án. Tuy nhiên, không một ai trong số 42 nghìn nạn nhân được triệu tập đến tòa với tư cách bị hại là một điều phi lý. Ông nói tiếp:

 

“Như vậy, họ đã không được tham gia tố tụng để có cơ hội đưa ra yêu cầu đòi bồi hoàn lại số tiền mình đã gởi vào ngân hàng SCB. 

Hơn nữa, việc hoàn trả cho nạn nhân bằng chính số tiền mà họ bị cướp là hoàn toàn chính đáng, hợp pháp. Việc không đưa 42 nghìn nạn nhân vào tham gia tố tụng trong vụ án, theo đánh giá của tôi từ ngày đầu tiên xét xử vụ án, đó là một sự tính toán cố ý nhằm mục đích xác định tất cả các tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng đang thu giữ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo khác là tài sản thu lợi bất chính để tuyên tịch thu sung công quỹ. Cuối cùng bản án tuyên vào sáng ngày 11/04/2024 đã xác nhận sự đánh giá của tôi là hoàn toàn chính xác.” 

 

Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, việc đưa 42 nghìn nạn nhân vào tham gia vụ án ở giai đoạn thứ hai (nếu có), thì cũng không còn ý nghĩa gì cả. Vì lẽ, khi ấy, thì nguồn tài sản thu giữ của các bị cáo không còn nữa, thì lấy nguồn nào mà trả lại cho nạn nhân? 

 

Trao đổi với RFA, Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học, Đại học Oregon, cho rằng khi SCB chưa bị giải thể thì có nghĩa là Chính phủ Việt Nam vẫn hy vọng cứu được nó. Họ có thể muốn cứu SCB bằng cách trước mắt bảo đảm các khoản tiền gửi và trong một thời gian nào đó, tìm cách mặc cả với chủ nợ để đảo nợ, giãn nợ cho nó, hoặc tìm người mua lại với giá rẻ. Theo GS. Vũ Tường, về mặt luật pháp, nếu SCB vẫn cho khách hàng rút tiền thoải mái, nếu họ muốn thì chưa thể nói là khách hàng bị thiệt hại. Nếu người gửi tiền đồng loạt đến ngân hàng đòi rút tiền, và SCB không có tiền hay đã chi hết số tiền còn trong ngân hàng mà vẫn có người chưa được trả, thì lúc đó SCB phải tuyên bố phá sản hay Chính phủ phải giải thể hay đóng cửa SCB. Nếu ở nước khác có lẽ người gửi tiền đã làm việc này từ lâu. Tuy nhiên, không rõ ở Việt Nam họ có bị đe doạ nếu tìm cách làm việc này hay không. 

 

 

Nhà nước góp phần tạo ra Vạn Thịnh Phát?

 

Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn một ngàn công ty, mà như cáo trạng cho thấy là phần lớn để rút tiền từ SCB, cho thấy vấn nạn sở hữu chéo ở Việt Nam: một người vừa sở hữu ngân hàng, vừa sở hữu nhiều doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực khác, có thể lấy tiền từ tay này (ngân hàng) cho tay kia (các công ty khác của mình) vay. 

 

Trong khi đó, bà Lan khai trước tòa rằng chính Ngân hàng Nhà nước thuyết phục bà này mua lại ngân hàng năm 2012 để giải cứu nền kinh tế giai đoạn đó.

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng trong phiên tòa, bà Trương Mỹ Lan có khai về mối quan hệ riêng tư cũng như sự nhờ vả của các quan chức cao cấp thuộc Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước. Điều này có thể là sự thật. Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan đã không thể chứng minh những lời khai này của mình bằng chứng cứ có thể kiểm chứng được. Cho nên, những lời khai ấy không thể giúp gì cho bà ấy trong việc đánh giá nguyên nhân phạm tội cũng như lượng định hình phạt.

 

Liên quan đến phiên toà xét xử bà Lan còn có một loạt các bị cáo là các quan chức thuộc Ngân hàng Nhà nước bị cáo buộc nhận tiền từ SCB để bao che cho các sai phạm tại SCB. Điển hình là bà Đỗ Thị Nhàn (nguyên cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II) - người bị kết án chung thân vì đã nhận năm triệu đô la tiền hối lộ của bà Lan.

 

Theo luật sư Mạnh, đây là vụ án lớn khiến vài chục quan chức ngân hàng và cán bộ Ngân hàng Nhà nước bị vướng vào vòng lao lý “nhưng lại không có bất kỳ quan chức nào thuộc Bộ Tài Chính hoặc Ngân hàng Nhà nước vốn có chức năng quản lý Nhà nước đứng ra chịu trách nhiệm pháp lý là điều hết sức vô lý.”

 

Trả lời câu hỏi của RFA về khả năng Việt Nam có thể giải quyết vấn nạn sở hữu chéo, GS Vũ Tường nói rằng chính việc thiếu minh bạch trong hệ thống ngân hàng và cơ quan giám sát của nhà nước là một nguyên nhân chính cho nạn sở hữu chéo. Trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam là sửa đổi luật lệ theo hướng chống sở hữu chéo và công khai minh bạch. Việc này không có gì khó vì chỉ cần đi học các nước có hệ thống tài chính phát triển là được. Tuy nhiên, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng vấn đề nan giải hơn:

 

“Với tình hình chính trị trong nước hiện tại, việc duy trì chế độ độc tài, không có sự kiểm soát, kiềm chế quyền lực quốc gia sẽ tiếp tục làm môi trường sản sinh nạn tham nhũng ngày một trầm trọng hơn. Cho nên, sau vụ án này thì những phiên bản Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan, SCB… sẽ lại tái sinh với những tên gọi khác. Do đó, tôi không thấy có bất kỳ giải pháp nào khả dĩ khắc phục, ngăn chặn chúng nếu Việt Nam vẫn còn tồn tại chế độ độc tài.”

 

 

Tác động đến kinh tế Việt Nam

 

Việc kết án tử hình bà Trương Mỹ Lan cũng gây chú ý ở quốc tế khi nhiều báo nước ngoài đưa tin về vụ án và kết quả phiên xét xử. Điều này cũng có thể làm dấy lên những lo ngại về những bất ổn trên thị trường tài chính ở Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. 

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định:

 

“Tôi không nghĩ việc tuyên án tử hình bà Trương Mỹ Lan có thể gây ra các tác động tiêu cực gì khác về kinh tế. Vì lẽ, môi trường kinh doanh Việt Nam vốn không phải là một thị trường mới. Những doanh nhân, doanh nghiệp đều hiểu mức độ rủi ro rất cao về nhiều phương diện của thị trường này. Trong môi trường này hầu như không có sự bảo vệ chắc chắn về mặt pháp lý. Một khi đã hoạt động trong môi trường này thì doanh nhân, doanh nghiệp đều biết rõ điều đó. Chỉ là đôi khi họ mải mê chạy theo lợi nhuận, họ dùng đồng tiền để lung lạc, lũng đoạn thị trường, họ có thể thu nguồn lợi lớn, thì bên cạnh đó họ cũng sẽ phải chịu đựng luôn cả sự rủi ro chờ chực mà thôi.”

 

GS Vũ Tường thì cho rằng vụ án Vạn Thịnh Phát cho thấy khu vực tài chính của Việt Nam rất bấp bênh, và điều này thì không có gì mới. Những nhà đầu tư dám vào Việt Nam thường phải chấp nhận mức rủi ro rất cao. Chính quyền có thể hy vọng qua vụ Vạn Thịnh Phát dân chúng sẽ tin tưởng Nhà nước hơn về quyết tâm chống tham nhũng, nhưng cũng có thể dân chúng lại cảm thấy sốc nhiều hơn về năng lực yếu kém của Chính phủ và tình trạng và quy mô tham nhũng. Do đó, theo GS Vũ Tường, ảnh hưởng chính trị của vụ án này là suy giảm niềm tin vào Đảng cộng sản và chính quyền. 

 

GS Vũ Tường chỉ ra rằng doanh nghiệp nước ngoài gần đây đã có dấu hiệu lo lắng về việc trấn áp doanh nhân nếu các phe phái trong Đảng tiếp tục thanh trừng lẫn nhau như trong vụ này. Ông đặt ra giả định về phản ứng của giới doanh nhân trong nước là “nếu tôi là một trong các vị doanh nhân chưa bị bắt, tôi sẽ liệu tìm cách đem vốn liếng ra nước ngoài càng sớm càng tốt vì không biết bao giờ sẽ đến lượt mình.” 

 

--------------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Thông tin Vạn Thịnh Phát - Chính quyền càng kiểm soát, tin đồn càng lan tràn

 

Đợt “truy quét” các “đại gia” gần đây có ích gì?

 

Nghi vấn về hai cái chết liên quan vụ bắt Chủ tịch Vạn Thịnh Phát?

 

 

 

 

 


No comments: