Kinh
tế tuần hoàn định hình lại ngành công nghiệp xa xỉ gắn mác “thân thiện với môi
trường" ?
Chi Phương - RFI
Đăng ngày: 10/04/2024 - 14:54
Mô
hình kinh tế tuần hoàn ngày càng được nhiều doanh nghiệp áp dụng để đáp ứng những
thách thức với môi trường, ngay cả đối với các tập đoàn kinh doanh mặt hàng xa
xỉ, như L’Oréal, LVMH hay Kering, vốn gắn liền với sự hoàn hảo, sang trọng.
https://s.rfi.fr/media/display/02da22f4-f738-11ee-9376-005056a97e36/w:980/p:16x9/000_Par8285980.webp
Hội chợ vintage về thiết kế và thời trang quốc tế Massilia
Vintage ở Cagnes-sur-Mer, miền đông nam nước Pháp, ngày 26/09/2015. AFP -
VALERY HACHE
Kinh
tế tuần hoàn tức là mô hình sản xuất và tiêu dùng, gồm việc tái sử dụng, cải tạo
và tái chế các sản phẩm hoặc vật liệu có sẵn, để có thể kéo dài tuổi thọ, tăng
thêm vòng đời của sản phẩm và giảm việc sử dụng nguyên liệu thô hoặc tạo ra chất
thải. Mô hình này trái ngược với mô hình kinh tế truyền thống, dựa trên nguyên
tắc “take - make - waste” tức là “khai thác tài nguyên
- sản xuất - vứt bỏ sau tiêu thụ”. Mô hình này dựa vào số lượng lớn vật liệu
và năng lượng rẻ tiền, dễ tiếp cận.
Tại
Pháp, kinh tế tuần hoàn ngày càng được khuyến khích trong nhiều lĩnh vực, sau
khi luật chống lãng phí AGEC, được ban hành vào năm 2019. Việc tái chế, tái sử
dụng không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất đồ tiêu dùng, mà
ngay cả trong lĩnh vực hàng xa xỉ, vốn là thị trường mà Pháp chiếm ưu thế. Các
sạp đồ hiệu cũ cũng dần chiếm nhiều vị trí tại trung tâm thương mại Galeries
Lafayettes của kinh đô ánh sáng. Cuốn sách Le Luxe Contre Attaque của nhà xuất
bản Dunod, chỉ ra rằng tại Pháp, vào năm 2005, chỉ 17 % người dân mua đồ đã qua
sử dụng, đến năm 2021, con số này lên đến 66 %. Trên trang mạng chuyên mua bán
đồ cũ phổ biến tại Pháp như Le Bon Coin, từ năm 2016, đã dần xuất hiện các
thông báo bán du thuyền, villa, đồng hồ xa xỉ Rolex hay các xe sưu tầm cổ… Các
tác giả của cuốn sách không nêu rõ liệu có ai mua lại những món đồ xa xỉ đó hay
không, nhưng điều này cho thấy sự xuất hiện của hiện tượng “tuần hoàn” trong
ngành xa xỉ.
Sử
dụng nguyên liệu "mang tính tuần hoàn"
Trong
buổi tọa đàm về kinh tế tuần hoàn, nhân hội nghị Powr Earth Summit, lần
đầu tiên được tổ chức tại Paris từ (13-15/03/2024), nhiều chủ đề được nêu ra.
Chẳng hạn như việc tái sử dụng đá quý trong ngành làm trang sức hay việc sử dụng
nguyên liệu có “trách nhiệm hơn” trong ngành mỹ phẩm cao cấp. Có mặt tại hội
nghị, giám đốc phát triển bền vững khu vực châu Âu của tập đoàn L’Oréal, ông
Joel Tronchon, nêu ra những dự án mà tập đoàn chuyên về mỹ phẩm đã thực hiện,
ví dụ như sử dụng các nguyên liệu tái chế trong đóng gói sản phẩm.
Ông
cho biết tại L’Oréal, “có khoảng 100 người chỉ làm việc về tác động của môi
trường đối với sản phẩm, dĩ nhiên chúng tôi hiểu rằng công việc này đòi hỏi thời
gian và tiền bạc. Nếu xét từ đầu chuỗi giá trị của một sản phẩm, tức là phải
xét đến nguyên liệu. Như thế nào là một loại nguyên liệu mang tính tuần hoàn ?
Tôi sẽ lấy ví dụ về cánh hoa hồng để trả lời câu hỏi này. Hoa hồng được sử dụng
rất nhiều trong mỹ phẩm hay nước hoa, ví dụ như trong nước hoa Lancôme, hay
Yves Saint Laurent. Cách nay vài năm, chúng tôi chỉ lấy hoa, mà không sử dụng
thân cây hoa hồng, vì chúng được coi là rác thải nông nghiệp. Nhưng kể từ khi
chúng tôi làm thử nghiệm lấy chiết xuất thân cây hoa hồng và phát hiện ra có
các chất chống oxy hóa và nay chúng tôi sử dụng chúng trong các loại kem dưỡng
da của Lancôme. Như vậy, chúng tôi đã tạo ra tính tuần hoàn đối với một nguyên
liệu mà trước kia được coi là rác bỏ đi. Chúng tôi cũng có các đội ngũ nghiên cứu
để xác định các sản phẩm nông nghiệp để có thể sử dụng làm nguyên liệu sản xuất
mỹ phẩm, làm sao để sử dụng ít hơn dầu mỏ hoặc các chất hoá học có nguồn gốc từ
dầu mỏ”.
Trong
bối cảnh các vấn đề về môi trường ngày càng trở nên nóng bỏng, dĩ nhiên cũng phải
thận trọng trước các tham vọng về môi trường của các doanh nghiệp, đôi khi bị
dán mác “green-washing” - tẩy xanh, để thu hút người tiêu
dùng. “Bởi vì cuộc đua tranh giành lợi nhuận và sự hài lòng của khách
hàng vẫn là tôn chỉ của những gã khổng lồ hàng xa xỉ”, như nhận định của
Forbes. Các tập đoàn hàng xa xỉ nhận thấy được tiềm năng từ sự quan tâm đối với
môi trường, dù là “sợ hãi”, hay “tò mò”, để xây dựng
các chiến lược tiếp thị.
Lợi
nhuận về lâu dài
Tuy
nhiên, trên thực tế, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng kinh tế tuần hoàn có thể đem
lại lợi nhuận về lâu về dài cho doanh nghiệp. Ví dụ việc tái chế, hoặc giảm sử
dụng các bao bì đóng gói sản phẩm, thay vì mua một lọ nước hoa mới thì người
dùng có thể chỉ mua nước hoa được đóng gói một cách tối giản, để tự đổ vào lọ
có sẵn. Điều này có thể tiết kiệm chi phí. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng có thể áp
dụng mức giá cao hơn, vì tích hợp “phí bảo hiểm xanh” đối với
những sản phẩm dễ tái chế.
L’Oréal
đã thông báo muốn đạt tiêu chuẩn “trung hòa carbon” trên toàn
bộ các cơ sở sản xuất của tập đoàn từ nay đến năm 2025, thông qua việc sử dụng
100 % năng lượng tái tạo. Joel Tronchon, đại diện của L’Oréal nêu ra những
chính sách tiết kiệm, giảm sử dụng nước trong sản xuất, hoặc phát triển các sản
phẩm dầu gội cần dùng ít nước. Ông Joel Tronchon cho biết L’Oréal đã đầu
tư vào mỗi nhà máy của mình khoảng 300 000 euro để xây dựng hệ thống sử dụng
nước theo một vòng kín, tức là nước qua sử dụng được lọc và tái sử dụng lại. Hệ
thống này trên thực tế lại có lợi về lâu về dài. Ông giải thích :“Kinh tế tuần
hoàn không có nghĩa là đi kèm với chi phí đắt đỏ mà còn có thể tiết kiệm cho
doanh nghiệp. Thời gian hoàn vốn của các nhà máy L’Oréal là khoảng 10 năm nhưng
ai cũng chắc rằng giá nước sẽ tăng. Tất cả những gì hiếm có, từ tự nhiên, đều sẽ
tăng giá. Hiện nhà máy ở nhiều nơi phải đóng cửa vì thiếu nước, nhưng hệ thống
tái sử dụng nước của l’Oréal vẫn có thể duy trì”.
Đọc
thêm : Pháp đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn
Không
chỉ riêng L’Oréal mà các tập đoàn chuyên kinh doanh hàng xa xỉ cũng dần có kế
hoạch hành động trước các vấn đề về môi trường. Ví dụ như tập đoàn LVMH, đã đặt ra mục tiêu không sử dụng nhựa có nguồn gốc
hoá thạch từ năm 2026. Tập đoàn này cũng khẳng định đã tăng cường việc sửa chữa
các sản phẩm tại hơn 70 thương hiệu của mình, như Berluti hay Louis Vuitton, sửa
lại khoảng 600 000 sản phẩm mỗi năm. Tập đoàn Kering của Ý, nắm giữ thương
hiệu Gucci, về phần mình, đã mở một bộ phận chuyên phụ trách về kinh tế tuần
hoàn vào năm 2023, nhằm xem xét lại tất cả các quá trình, từ việc lựa chọn
nguyên liệu thô, tối ưu hóa sản xuất đến tái sử dụng những mặt hàng chưa bán được.
Trả
lời tạp chí ELLE, giám đốc phụ trách phát triển bền vững của Kering, bà
Arie-Claire Daveu, cho biết “việc tích hợp tính tuần hoàn vào mô hình
kinh tế, tức là phải thay đổi cách kinh doanh ở tất cả các bước. Đặt câu hỏi về
việc tái chế là chưa đủ, mà cần phải quan tâm đến tuổi thọ của sản phẩm, bảo
trì, sửa chữa và nhất là đổi mới thiết kế, quy trình sản xuất sản phẩm sao cho
có thể giảm tác động đối với hệ sinh thái, giảm rác thải, tiêu thụ nước và năng
lượng”.
Khó
có thể đạt được tính tuần hoàn triệt để
Khi
áp dụng kinh tế tuần hoàn, liệu doanh nghiệp có thể giảm được hoàn toàn tác động
đối với sinh thái hay không ? Daniel Halbheer, giảng viên tại HEC Paris
Business School, trên trang The Conversation cho rằng rất khó để doanh nghiệp
có thể đạt được tính tuần hoàn một cách triệt để. Bởi vì những hiệu ứng tích cực
từ việc giảm chất thải, tái sử dụng nguyên liệu… “đôi khi, được bù lại
nhiều hơn qua việc tăng doanh số bán nhiều sản phẩm sinh thái hơn,… khi các sản
phẩm được tái chế càng dễ thì càng có nhiều người tiêu dùng”.
Tại
hội nghị Powr Earth Summit hồi tháng Ba, các diễn giả trong buổi tọa đàm về
kinh tế tuần hoàn đều nêu ra các khó khăn, những bất cập khi phải làm việc đơn
lẻ. Kinh tế tuần hoàn được coi như là “một môn thể thao tập thể”, và
cần phải thành lập các hiệp hội, các dự án tập thể, thiết lập các liên kết với
các nhà cung cấp, với khách hàng, người tiêu dùng và cả các cơ quan công quyền… “Để
làm được điều này thì cần rất nhiều thời gian, và đây là trở ngại đối với mọi
lĩnh vực”, như nhận định của ông Joel Tronchon, giám đốc phát triển bền
vững của l’Oréal.
Thế
nhưng, đối với các doanh nghiệp hàng xa xỉ, áp dụng kinh tế tuần hoàn là một vấn
đề nan giải, theo như nhận xét của Forbes. Nếu như trước kia, để mua một món đồ
xa xỉ, người ta phải đi đến một địa điểm cụ thể, của một địa phương, độc quyền
làm ra món đồ đó, thể hiện sự sang trọng, quý giá. Nhưng ngày nay, những sản phẩm
xa xỉ gần như giống hệt nhau, có mặt trên khắp thế giới, trong các trung tâm
mua sắm và cửa hàng bách hóa. Để duy trì lợi nhuận và bảo đảm tính sang trọng,
các doanh nghiệp dùng chiến lược đánh vào tâm lý “giá cao khó với” để
tạo nên sự độc quyền.
Nếu
xét đến thị trường bán đồ cũ xa xỉ, tạo “tính tuần hoàn” cho sản
phẩm, lợi nhuận thường thấp hơn. Khi bán một mặt hàng có thể không còn ở tình
trạng tốt, hoặc với những hình ảnh “tái chế”, có khả năng sẽ ảnh hưởng
xấu đến hình ảnh truyền thống về sự hoàn hảo gắn liền với sự sang trọng. Forbes
cho rằng các thương hiệu nên tự mình xây dựng hệ thống bán đồ cũ, dựa trên những
cơ sở bán hàng có sẵn, thay vì thông qua các nền tảng bán hàng khác. Như vậy vừa
có thể bảo đảm chất lượng cũng như kiểm soát tốt hơn chuỗi cung ứng. Các sản phẩm
xa xỉ hàng cũ, thường có giá rẻ hơn, độc đáo và mang tính “bền vững”,
có thể sẽ thu hút những người tiêu dùng muốn tiếp cận hàng hiệu với “giá
mềm”, đặc biệt là lớp trẻ, thuộc thế hệ Y Z hay Alpha, có thể chiếm đến 85
% người tiêu dùng hàng xa xỉ từ nay đến năm 2030.
----------------------------
Các
nội dung liên quan
TẠP
CHÍ XÃ HỘI
Noël :
Những món quà “cũ người mới ta” trong kinh tế tuần hoàn
TẠP
CHÍ KINH TẾ
Pháp
đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn
No comments:
Post a Comment